02.08.2016

Chủ tịch cộng đồng Việt ở Houstonnói thẳng về ‘thực trạng’ cộng đồng

Chủ tịch cộng đồng Việt ở Houston nói thẳng về ‘thực trạng’ cộng đồng 

Ngọc Lan
Cựu Trung Tá Trần Quốc Anh, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Houston và Vùng Phụ Cận.   (Hình: Ngọc Lan)

Có thể nói ông Trần Quốc Anh, 46 tuổi, cựu trung tá lục quân Hoa Kỳ, hiện giữ chức chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Houston và Các Vùng Phụ Cận, là một trong những người đang góp phần tích cực vào việc thay đổi bộ mặt cộng đồng Việt Nam nơi đây.

Tuy nhiên, điều đáng để người ta phải “kiêng dè” ông chủ tịch cộng đồng trẻ này chính là ở chỗ ông dám thẳng thừng nói lên những suy nghĩ của mình về thực trạng của tổ chức “cộng đồng,” cũng như những vấn đề tiêu cực, non yếu trong việc phát triển cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ.


Bước vào cộng đồng Việt từ nhiệm vụ của nhân viên sở cứu hỏa

Cựu Trung Tá Trần Quốc Anh, qua lời giới thiệu của một số người dân sống lâu năm tại Houston, là “một hiện tượng của giới trẻ” khi dấn thân vào các sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam tại Houston.

Vượt biên sang Mỹ năm 1983, ở tuổi 12, 13, ông định cư ở New Orleans trước khi vào lính, phục vụ trong binh chủng lục quân Hoa Kỳ.

Đi đây đi đó khắp nơi, cho đến khi đóng quân ở San Antonio-Austin thì tôi có dịp đến Houston chơi, thấy nơi đây có nhiều người Việt, nhiều đồ ăn Việt, thích quá, nên tôi nghĩ khi ra lính sẽ đến sinh sống tại đây,” ông Quốc Anh nói về nguyên do đưa ông đến vùng đất này.

Nói là làm. Rời cuộc đời binh nghiệp, ông về làm việc tại Sở Cứu Hỏa Houston để thỏa mãn ước mơ của mình.

Ông nhớ lại, “Khi đó, tôi xuất thân từ lính ra, biết cộng đồng là gì đâu. Khi về đây thấy không khí vui vẻ thì thích thôi, chứ chẳng biết ‘cộng đồng người Việt Quốc Gia’ gì hết.”

Tuy nhiên, cuộc đời luôn có những đưa đẩy bất ngờ, cũng như cuộc đời của người lính này. “Khi tôi làm việc cho sở cứu hỏa được tám năm thì họ gửi tôi về làm liên lạc cộng đồng Châu Á, mở rộng mối quan hệ với cộng đồng Việt Nam. Mỹ có nhiều chương trình mở rộng ra như thế. Tôi vào cộng đồng Việt, nói chuyện với người Việt, cũng phát những đồ dùng cho người Việt như máy báo khói chẳng hạn…

Và, chính trong quá trình tiếp cận với cộng đồng có cùng màu da, tiếng mẹ đẻ với mình, ông Quốc Anh mới “giật mình” nhận ra là “Sao cộng đồng của mình dỏm vậy! Sao cộng đồng mình xấu vậy!

Dỏm và xấu theo nghĩa nào?” Người nghe cũng “giật mình” vì nhận xét không chút kiêng dè như thế.

Người đàn ông trung niên, nói tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt trong cuộc sống hằng ngày, giải thích một cách đơn giản nhất, “Xấu là họ chửi nhau nhiều. Dỏm là cái địa thế của Việt Nam mình yếu quá!”

“Khi làm công việc mở rộng mối quan hệ ra với các cộng đồng Châu Á, tôi nhận ra là cộng đồng người Hoa lớn lắm, có cả hơn 20 người làm việc trong đó. Trong khi đến trụ sở cộng đồng Việt Nam, ‘chời’ ơi, không bằng người ta, mà cũng không có mở cửa.” Tiếng “chời ơi” của ông chủ tịch trẻ đủ cho người đối diện cảm nhận một cách rõ nhất tâm tình ngỡ ngàng, thất vọng của một người gốc Việt lớn lên trong xã hội Mỹ lần đầu tìm về chính cội nguồn mình.

Ông cho biết thêm, “Không chỉ tôi làm cho sở cứu hỏa mà làm cho thành phố luôn. Nghĩa là khi thấy thành phố có cái gì hay, bổ ích tôi cũng kéo về cho cộng đồng Việt Nam luôn, bằng cách tổ chức các sự kiện. Mục đích của tôi là phục vụ cộng đồng, chứ không phải Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia, chỉ là cộng đồng Việt Nam thôi.”

“Khi làm rồi tôi nhận ra là người Việt Nam mình rất là… Việt Nam, ‘khép kín.’ Việt Nam chỉ chơi với Việt Nam thôi, chứ không hướng ra dòng chính nên mình không có được gì hết,” ông tiếp tục nhận xét.

Nhìn ra điều đó, nên “người liên lạc” này “cố gắng mang nhiều quyền lợi đến cho cộng đồng mình hơn.” Tuy nhiên, ông không ngại thừa nhận, “nhưng càng ngày càng học hỏi về Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia thì càng thấy chán, càng thấy thua.”

Với tâm tình đó, cùng nhiệt huyết của một người muốn góp một bàn tay “làm sao để cho cộng đồng mình phát triển, ít nhất là được như cộng đồng người Hoa tại Houston,” nên cách đây ba năm, khi được mời ra ứng cử chủ tịch cộng đồng ở Houston, ông Quốc Anh đã “cảm thấy rất vui.”

Giống như khi mình đi học, được dạy các tổ chức này tổ chức kia, hiệp hội này, hội đoàn kia là vui thôi, rồi nghĩ được ở trong ban chủ tịch cộng đồng Việt Nam thì cũng là có một ‘lý lịch tốt’ để đi xin việc rồi nên quyết định tham gia,” ông nhớ lại.

Nhưng. “Vô rồi mới thấy, chời ơi!”
Lại một tiếng kêu “chời ơi.”

Mọi người trẻ cứ nghĩ là vào đó thì mình có cơ hội làm nhiều chương trình như hội chợ sức khỏe, các dịch vụ công cộng cho cộng đồng thôi, chứ không có dính líu gì về chính trị hết. Nhưng mà vô cả năm đầu toàn lo chuyện chính trị không, toàn bị chống phá không. Cứ suốt ngày lo chống đỡ với những chuyện người ta đánh phá, không có thời gian để làm cái gì khác hết,” ông nói.

Nói về “lý do bị đánh phá,” ông chủ tịch cộng đồng giải thích nhẹ bâng, “Việt Nam mà, ai mà không bị đánh. Nhìn lại từ xưa đến giờ sẽ thấy chủ tịch nào cũng bị đánh phá, đánh quá trời, họ tìm đủ cớ để đánh. Cả một liên danh toàn người trẻ, nào bác sĩ, kế toán, kỹ sư, lính Mỹ, mà họ đánh sao hay lắm, để tất cả lộn xộn, tan rã hết!”

Ai hỏi thì tôi cứ nói thẳng ra là Cộng Sản phá cộng đồng. Đi đâu cộng đồng cũng bị đánh phá hết. Chứ chẳng lẽ nói người Việt quốc gia đi phá người Việt quốc gia! Cứ nhìn đi, cộng đồng nào lên cũng bị phá. Đó là sự thật. Và Cộng Sản ở đâu để phá mình? Không biết. Chỉ biết là không hội đoàn nào dám vô cộng đồng hết, kể cả hội đoàn quân đội cũng không dám vô cộng đồng nữa mà,” người chủ tịch cộng đồng ở nơi được xem là “bất ổn” nhận xét.

Ông nói cùng nụ cười và những cái lắc đầu nhè nhẹ, “Giờ thì mới hiểu tại sao đến giờ cộng đồng mình vẫn đang ở mức dưới này. Giờ mình mới hiểu vô cộng đồng phiền như vậy nên mấy người trẻ không vô là vậy. Nhiều người trẻ rất giỏi, có lòng nhưng mình kêu gọi họ vô thì họ nói ngu sao vô, đừng có vô, vô là bị người ta đánh, người ta phá. Mục đích mình là vô giúp cộng đồng mà bị đánh phá văng tùm lum. Giới trẻ ai đã biết cộng đồng thì không ai dám vô hết. Chỉ có mấy thằng không biết như mình mới vô thôi chứ ai mà vô.

Người cựu quân nhân Mỹ nói như trải lòng, “Người Việt Nam mình lập cái gì ra chẳng bao lâu là rã đám, chỉ vì sự ích kỷ và không đoàn kết. Họ đòi hỏi tùm lum mà lại không biết gì hết, cứ nghe ai xui là a dua theo.”

“Lấy ví dụ, có người xin được $500,000 từ thành phố để phát triển trụ sở cộng đồng Việt Nam. Thế mà chính người Việt Nam cũng đánh phá, kéo nhau lên hội đồng thành phố chống. Vậy hỏi có ngu không?

Mình đã được tiền cho rồi mà lại đi chống, làm phiền cho thành phố, lần sau thành phố nói thôi cho Việt Nam tiền, phiền quá, cho cộng đồng người Hoa hay những cộng đồng khác tốt hơn, vì họ biết ơn hơn, họ vui vẻ hơn, trong khi cho Việt Nam thì lại bị chửi nữa, họ chửi nhau và chửi cả thành phố! Rồi khi một người Việt Nam được đề cử lên một chức vụ gì đó, thay gì là vinh dự lắm thì người mình lại kéo lên đi biểu tình phản đối! Thử hỏi một cộng đồng như thế thì ai dám cho họ cái gì nữa!” ông Quốc Anh phân tích những vấn đề mà theo ông “ai cũng hiểu, nhưng không chịu nói ra thôi.”

Ông Trần Quốc Anh, “càng ngày càng học hỏi về cộng đồng người Việt Quốc Gia thì càng thấy chán, càng thấy thua.” (Hình: Ngọc Lan)


Mệt mỏi là vậy, nhưng sau khi Luật Sư Phan Quốc Cường, một người rất trẻ đắc cử chức vụ chủ tịch cộng đồng khi đó không chịu nổi áp lực của “sự đánh phá” phải từ chức, cựu Trung Tá Trần Quốc Anh, trong vai trò phó chủ tịch, phải lên gồng gánh trách nhiệm chẳng mấy ai muốn làm đó.

Ông nói, “Tôi làm nhiệm vụ này đến nay được hai năm. Tôi học tập kinh nghiệm từ những người đi trước để thấy rằng cho dù mình giỏi bao nhiêu nhưng mình làm những gì người ta không thích thì cũng đều chết. Cho nên mình cứ từ từ mà đi. Những người chống đối cũng đánh phá tôi hai, ba lần. Nhưng tôi cứ mạnh dạn lên tiếng rằng mình bảo vệ giới trẻ, cho nên từ từ người ta cũng im.”

Cho rằng mình bị “mắc kẹt” trong vai trò chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Houston và Vùng Phụ Cận, nhưng đồng thời, ông Quốc Anh cũng nhìn nhận, “hiện giờ cũng đã có nhiều người thương tôi rồi, ủng hộ tôi rồi nên mình làm cái gì cũng dễ hơn.”

Ông chia sẻ, “May mắn là tôi đang làm việc cho sở cứu hỏa. Sở gửi tôi đến giúp cho cộng đồng Việt Nam. Thế nên 40 tiếng làm việc của tôi ở sở trở thành 40 tiếng ngồi ở trụ sở cộng đồng Việt Nam. Nếu không có sự trùng hợp này thì tôi biết chắc không ai có thời gian để làm như vậy, vì ai cũng phải đi làm việc, chỉ có cuối tuần hay những khi rảnh rỗi họ mới vô trụ sở cộng đồng. Khi sở cứu hỏa yêu cầu thì tôi cũng phải đến giúp những cộng đồng khác như người Hoa, người Philippines, người Ấn Độ…, nhưng xong việc thì mình lại trở vô trụ sở cộng đồng Việt Nam.

“Lúc đầu ông nói khi mới bước chân vào cộng đồng này, ông chỉ muốn giúp đỡ người Việt Nam nói chung. Nhưng bây giờ, khi biết phân biệt là có Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Houston và Vùng Phụ Cận thì ông thấy có gì khác?”

Ông Quốc Anh trả lời, “Thật sự với tôi thì cũng giống nhau.”
“Khi người ta nói người Việt quốc gia chống Cộng Sản thì mình cũng nói là Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Houston và Vùng Phụ Cận, nhưng thật sự mình phục vụ các vấn đề xã hội, y tế thì ai cũng như ai.

Người nghèo, người lớn tuổi đến với mình tất cả đều là người gốc Việt. Mình không có phân chia người Việt Nam nào hết. Ai bước chân vô cộng đồng nhờ giúp đỡ thì mình đều giúp. Nhưng với danh nghĩa chống Cộng thì mình nói mình là Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Houston và Vùng Phụ Cận chứ thực ra mình chỉ nghĩ có một cộng đồng người Việt ở đây mà thôi, ông giải thích thêm.

Ước mơ của người chủ tịch này là, “Muốn làm sao trụ sở cộng đồng phải là nơi người ta muốn đi vô tham gia các sinh hoạt. Khi vô tham gia thì được tiếng tốt chứ không phải tiếng xấu. Cho nên bây giờ mình phải xây dựng làm sao cho cộng đồng có tiếng thơm hơn một tí, để nhiều người trẻ muốn vô để phục vụ cộng đồng hơn là vì các mục đích chính trị.”

Tôi muốn làm sao cho cộng đồng mình ít nhất cũng hãy được như cộng đồng người Hoa ở đây. Họ đoàn kết, họ lấy được những ngân khoản từ thành phố để phát triển cộng đồng họ. Muốn vậy, mình phải xây dựng từ từ,” ông Quốc Anh nói về ước mơ của mình một cách thẳng thắn, dù biết rằng ước mơ đôi khi cũng chỉ là mơ ước.

Ngọc Lan (NV)