Đằng sau những lá bài
Tôi
biết, và đọc hồi ký Đường Đi Không Đến của nhà văn Xuân Vũ vào
khoảng đầu năm 1990, do Trung tá, bác sỹ Đặng Huy Lưu cựu Liên đoàn
trưởng quân y vùng 4 quân đội VNCH, cư ngụm tại Houston gửi tặng. Và
cũng từ bác sỹ Đặng Huy Lưu, tôi có được số điện thoại của Xuân Vũ,
một nhà văn tài năng, có số phận khá đặc biệt, mà tôi ngưỡng mộ.
Khi chùm truyện ngắn Phượng Ơi! Đừng nở nữa, Lầm Lỡ và Ngã Ba Cuộc
Đời của tôi được đăng trên nguyệt san Hương Quê (Houston), ông đã có lời
ngợi khen, khích lệ…
Tưởng mới đây thôi, thế mà Xuân Vũ đã
rời bỏ chúng ta, rời bỏ cõi tạm này tròn một con giáp. Thời gian
gần đây, tôi đọc, và ngẫm nghĩ muốn viết về thơ văn cũng như chân dung
ông. Nhưng không hiểu sao, những câu chuyện xã hội không đầu, không đuôi
trước đây ông đã kể, như những thước phim chợt hiện về. Chuyện xảy
ra, khi tôi chưa được sinh ra làm kiếp con người. Có những chuyện là
thực và có cả chuyện chỉ là những giai thoại…
Biết
là thế, và để tuyệt đối tôn trọng nhà văn đã khuất, kẻ hậu bối xin
phép ráp lại những câu chuyện trên một cách trung thực nhất (có
thể), với hơi hướng của truyện ngắn. Tuy nhiên, dù công lao, tội lỗi,
hay đúng sai thế nào đi chăng nữa, người viết vẫn phải dùng những
đại từ nhân xưng đúng với lễ giáo cho các nhân vật trong truyện, bởi
họ đều thuộc thế hệ cha ông và đã ra người thiên cổ từ lâu…
********
Chưa đến giờ giới nghiêm, nhưng dường như thành
phố đã chìm vào trong giấc ngủ. Chợt có những cơn gió bấc luồn qua
ngõ nhỏ, bật ra âm thanh như tiếng hú gọi. Lơ lửng dưới khung cửa lá
cờ đỏ ướt sũng, rũ xuống loang như vệt máu tươi hằn lên nền trời.
Mưa mỏng dần, bay như những dải khăn trắng vắt qua con phố vắng.
Với không gian, tiết trời này, lẽ nào Hà Nội
có thể lập xuân? Vũ phân vân tự hỏi, rồi ngước nhìn những chiếc xe
cam nhông phủ bạt kín mít đang lao nhanh về phía cầu Paul Doumer (Long
Biên). Có thể, đây là những chuyến hàng cuối được đưa xuống Hải
Phòng, rồi chở về miền Nam quê hương. Nơi vài tháng trước đây Vũ đã
từ bỏ nó.
Từ khi cầm tờ giấy trưng dụng đi cải cách
ruộng đất ở vùng duyên hải Nam Định, Thái Bình, cho mãi đến sau này,
ngẫm nghĩ, Vũ càng ngấm và thấm, cũng như mến phục chí khí, tài
năng ông bạn văn Trần Dần: “Tôi bước
đi/ Không thấy phố/ Không thấy nhà/ Chỉ thấy mưa sa/ Trên màu cờ đỏ“
Dừng bước chân, lòng anh dường như gợn lên một
cảm giác thất vọng, cô đơn trong cái không gian nặng nề, và trống
vắng này. Đứng giữa thành phố, mà anh cứ nghĩ, đây không phải Hà
Nội. Bởi nơi đây, dường như đã rụng mất “hồn người“ và vắng cả
tiếng rao đêm của những Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng… Vậy là không
chỉ thực tại, mà cả những trang sách của họ đã bị xé bỏ ngay trên
mảnh đất đã sinh ra nó. Như một nhát dao cắt đứt cơn mộng du, Vũ đưa
tay vuốt lại khuôn mặt nhòe trong mưa, loạng choạng bước tiếp…
Đọc xong báo cáo của Đại sứ Hoàng Văn Hoan
từ Peking gửi về, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngước nhìn Tổng bí thư Trường
Chinh, và hỏi:
-
Ý kiến và kế hoạch của anh như thế nào?
-
Như tôi cũng đã trình bày với các đồng chí cố vấn, đây là cuộc cải
cách ruộng đất đợt cuối và quyết liệt nhất. Chương trình có thể
thực thi, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ gặp phải sự chống đối của dân
chúng, nhất là giới trí thức và báo chí trong và ngoài nước. Theo
kế hoạch, chúng tôi chỉ thị cho các cơ quan từ trung ương đến địa
phương, chọn lựa người bổ xung cho công tác cải cách đợt này và đã
đưa học tập, chỉnh huấn. Chương trình cụ thể, chúng ta sẽ bàn và
thống nhất ở cuộc họp tới đây.
Dụi điếu thuốc đang cháy dở, Hồ Chí Minh
bảo:
-Cái
chính, chúng ta chọn người trong đội cải cách phải là thành phần
bần cố, ít học, tuyệt đối trung thành. Đây là cuộc cải tạo đại qui
mô, triệt bọn phú nông, tư sản tận gốc. Do vậy, chúng ta chỉ thị cho
Bộ ngoại giao không được cấp chiếu khán cho bất kỳ nhà báo, hay tổ chức
xã hội nào. Các đoàn ngoại giao trong thời kỳ này cũng ngừng đón
tiếp. Một số nhà báo nước ngoài còn ở trong nước, cố gắng tạo ra
một lý do nào đấy để trục xuất. Tất cả đều phải bất ngờ, không để
bọn địa chủ, tư sản tẩu tán tài sản. Chúng ta phải cho đội cải
cách học tập kinh nghiệm khuấy động quần chúng, gây cho họ lòng thù
hận, nhất là thành phần vô học. Bởi họ là lực lượng nòng cốt đấu
tố. Điều quan trọng nữa, cần ly gián tình cảm cha con, ông cháu địa
chủ, tư sản, tạo ra mâu thuẫn gia đình. Nó rất có lợi cho ta khi đối
phó với những tên ngoan cố cất giấu tài sản. Đây là ý kiến cũng như
áp lực từ phía Trung Quốc.
Thấy Trường Chinh còn băn khoăn về sự phản
kháng của dân chúng, truyền thông và nhân sỹ trí thức. Hồ Chí Minh
rất tự tin và trấn an:
-Chúng
ta cứ yên tâm triển khai công việc. Vấn đề này, thuộc trách nhiệm của
chú Văn (Võ Nguyên Giáp) và chú Hoàn (Trần Quốc Hoàn).
Sau tết nguyên đán, dưới sự chủ tọa của Chủ
Tịch Hồ Chí Minh, hội nghị đã hoàn toàn nhất trí về kế hoạch,
phương thức cải cách, đấu tố, cũng như nhân sự chỉ đạo. Tuy nhiên, có
nhiều ý kiến đề nghị Hồ Chủ Tịch làm Trưởng ban cho xứng với tầm
vóc, mang ý nghĩa lớn lao này. Nhưng ông từ chối một cách khiêm
nhường, với những lý do khó có thể nài ép.
Bước ra khỏi phòng họp, Tổng bí thư Trường
Chinh quay lại dặn Vũ Tuân: Cuối tuần tới thằng Kỳ (Đặng Xuân Kỳ sau
này là viện trưởng Mác- Lê nin) từ đơn vị về. Cậu và nó về quê đón
ông cụ nhà mình lên đây nhé. Nếu cần, có thể mang theo đội bảo vệ,
đề phòng bất chắc…
Tuy không mưa, nhưng nền trời xám ngoét. Đường
đất vẫn nhẽo nhoẹt, bám vào bánh, cuốn chặt chắn bùn xe…nặng nề,
ngúc ngắc làm cho Vũ gò lưng đạp. Thỉnh thoảng, anh phải xuống xe,
bẻ cành tre bên đường để cạy đất. Gần trưa Vũ cũng tới được Xuân
Trường. Đang loay hoay tìm đường vào làng Hành Thiện, anh chợt nghe
tiếng động cơ với tiếng còi xe hơi cấp tập phía sau lưng. Vũ nhảy
vội xuống xe, đứng nép vào mép đường. Chiếc xe hơi chòng chành, chồm
lên thụt xuống những ổ trâu trên mặt đường. Vũ quay mặt, co người
lại, nhưng đất bùn từ bánh xe vẫn văng đầy lên đầu và lưng áo. Chưa
kịp văng ra một câu chửi tục, chiếc xe đã vọt lên, phả vào mặt anh
mùi xăng dầu cháy khét lẹt…
Khi vào tới đầu làng, Vũ gặp lại chiếc xe
hơi từ trong làng chạy ngược trở ra. Tìm gặp được người đội trưởng
đội cải cách, Vũ thấy mặt hắn xanh như đít nhái, đang bần thần đứng
tựa lưng trước cổng nhà. Sau nghe kể, Vũ mới biết đó là nhà của gia
đình Tổng bí thư Trường Chinh. Vũ đưa cho cho hắn công văn của Ban cải
cách. Hắn cầm, rồi đưa lại cho Vũ:
-Tôi
mới qua lớp bình dân học vụ, có đọc cũng không hiểu hết. Ông đọc và
giải thích giùm tôi.
Đọc và giải thích xong cho người đội trưởng,
thấy cảnh bắt bớ đấu tố một cách dã man, Vũ chán nản, định quay
ngay về Nam Định. Lên xe, đạp được mấy vòng, nghe tiếng gọi giật
giọng làm Vũ giật mình. Định thần một lúc anh nhận ra Đông quê Phủ
Lý, bộ đội thời Nam Tiến, đóng ở Quân khu 9, tập kết cùng ngày. Gặp
Vũ, hắn mừng lắm, rỉ tai bảo, rất hối hận đã ra Bắc tập kết, dù
đó là quê hương bản quán. Ngán đến tận cổ cái công việc chó chết
này.
Vũ hỏi hắn, chiếc xe hơi vừa vào làng của
ai, và làm gì?
Hắn bảo: Trên xe chở
Vũ Tuân và con trai của Tổng bí thư Trường Chinh… chuyện dài dòng
lắm…Sáng nay vừa thủ được chai rượu gạo, gặp ông đúng người, đúng
rượu, kiếm chỗ ngồi lai rai, tôi kể ông nghe….
Xe lao thẳng …và dừng trước cổng nhà họ
Đặng. Ngôi nhà đang bị du kích và bà con bần cố nông vây chiếm. Nhảy
xuống xe, Vũ Tuân la lớn:
-Cụ
Bốn Đễ đâu? (tên cụ thân sinh ra ông Trường
Chinh)
Một người trong đội cải cách lăm lăm tay súng,
hất hàm hỏi lại:
-Ông
là ai? Đến đây làm gì? Ông ta là địa chủ cường hào đại gian, đại ác
đã bị đội và bà con bần cố bắt giam. Sẽ mang ra đấu tố, trừng trị
trong nay mai.
Vũ Tuân hỏi: -Ai
là đội trưởng ở đây?
Một người, từ trong đám đông bước ra, vỗ
ngực:
-Tôi, ông cần
gì, và từ đâu đến?
Vũ Tuân đưa cho người đội trưởng tờ giấy và
bảo:
-Đây
là chỉ thị của đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh, chúng tôi có
nhiệm vụ đưa cụ Bốn Đễ thân sinh ra đồng chí Tổng bí thư về Hà Nội.
Người đội trưởng cầm tờ giấy không thèm đọc:
-Lệnh liếc
gì! Ở đây chỉ có lệnh của địa phương lệnh của đội cải cách. Chỉ
biết rằng, ông ta là địa chỉ cường hào, có nợ máu với nhân dân,
trước sau cũng phải đền tội.
Nóng mặt, không chịu được, Đặng Xuân Kỳ nhảy
xuống xe quát:
-Các
ông giam ông tôi ở đâu? Các người chống lệnh hả?
Có mấy bần cố nông nhận ra Kỳ, hét to:
-À,
nó là cháu đích tôn của địa chủ, bắt nhốt lại.
Đội cải cách ập đến định bắt Kỳ. Thấy không
ổn, đội bảo vệ lãnh tụ nhảy xuống xe, rút súng, kéo chốt an toàn,
quát lớn:
-Các
người bỏ súng xuống!
Rất nhanh chóng, các ông đội, mấy bà dân quân
du kích đã bị đội bảo vệ lãnh tụ tước đoạt vũ khí. Một họng súng
đen ngòm dí thẳng vào đầu người đội trưởng, bắt dẫn đến nơi giam cụ
Bốn Đễ.
Nơi ông bị giam là cái chuồng lợn thấp lè
tè, thối hoắc. Ông bị trói chẳng khác nào con lợn chuẩn bị mang ra
cân móc hàm, để chọc tiết. Cả đêm ông không hề chợp mắt. Nghĩ uất
ức lên tận cổ, người ông xọp hẳn đi. Khi nghe tiếng chân người, tiếng
súng đạn lạch cạch, ông sợ mặt cắt không ra giọt máu. Nhận ra Kỳ,
ông thở phào, nhưng tay chân vẫn còn run rẩy.
Sau khi đưa cụ Bốn Đễ lên xe, Vũ Tuân còn dặn
người đội trưởng:
-Nhà của
Tổng bí thư, không ai được phép vào xâm chiếm, và sử dụng. Các anh
phải có nhiệm vụ trông coi.
Người đội trưởng run lên bần bật, vâng dạ,
chẳng khác gì hình ảnh địa chủ, phú nông, vừa bị hắn mang ra đấu
tố, xử bắn …
Cuộc cải cách ruộng đất đến đỉnh điểm khốc
liệt, Vũ lăn quay ra ốm. Nằm mãi bệnh tình không thuyên giảm, buộc ban
cải cách phải trả Vũ về Hà Nội. Với triệu chứng nóng lạnh bất
thường, cũng như khi tỉnh lúc mê, anh được nhiều bác sỹ đầu ngành
thăm khám. Điều kỳ lạ, họ không thể tìm ra nguyên nhân chính của căn
bệnh để có phương án điều trị. Người của Ủy ban thống nhất nhiều
lần đến thăm dò, hỏi han. Có kẻ độc mồm còn cho rằng, Vũ bị bệnh
tâm lý, diễn biến tư tưởng. Nhưng có người lại bảo, hắn là nhà văn,
nếu như diễn biến thì nó phải thể hiện trên trang viết. Chứ có bằng
chứng quái nào đâu!
Chủ nhật, Vũ nằm đọc sách, chợt có bước
chân đi lại gần cửa phòng. Định kéo chăn trùm đầu, nhưng Vũ nghe
tiếng vọng vào: Ốm đau thế nào, tôi đến thăm ông đây. Nghe như tiếng
Nguyễn Tuân, Vũ bật dậy. Cửa mở, Nguyễn Tuân vồn vã, ốm đau nằm mãi
cũng nhược người, đi ra ngoài một chút cho thoáng. Bất chợt, Nguyễn
Tuân ghé tai Vũ, bảo: Ông “diễn“
giỏi lắm.
Với Vũ, Nguyễn Tuân không chỉ là người thày,
người anh lớn mà còn là người bạn tri kỷ, nhất là những năm tháng
đầu sống trên đất Bắc.
Thấy Vũ lưỡng lự, Nguyễn Tuân giục, khoác áo
ấm vào, ở Nhà Hát Lớn đang mittinh, nghe nói, hôm nay các bố ấy công
khai nhận lỗi trong cải cách ruộng đất.
Vũ và Nguyễn Tuân tới nơi, trên sân khấu Đại
tướng Võ Nguyên Giáp quần áo một màu trắng toát, vẫn cái khí thế
của người đang say chiến thắng Điện Biên năm nào. Tuy thay mặt chủ
tịch Hồ Chí Minh nhận lỗi, nhưng ông vẫn cười đùa, cợt nhả trước
nỗi oan và cái chết của mấy trăm ngàn người. Thái độ, bộ điệu đó
làm cho Vũ cảm thấy khó chịu. Nguyễn Tuân nhịn không nổi, chửi một
câu thật tục, rồi kéo Vũ ra về.
Đêm đã về khuya, Nguyễn Tuân và Vũ quay lại
khu vực Hồ Bảy Mẫu, chui vào quán rượu nằm lắt léo trong một con
ngõ nhỏ, thuộc phố Nguyễn Đình Chiểu. Nơi đây, có khá nhiều đoàn
người đến từ các tỉnh. Họ nằm la liệt nơi hè phố, yêu cầu được gặp
đích danh Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính phủ của ông để kiện cáo,
phản đối cải cách ruộng đất. Vũ ngồi lặng im nhìn những người nông
dân chất phác hiền lành đã bị đẩy đến đường cùng. Và họ là hình
ảnh của những người nông dân quê Vũ sau này chăng? Nếu Việt Nam thống
nhất, như lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ý nghĩ liên tưởng
bất chợt ấy, làm cho Vũ không khỏi rùng mình, kinh hãi.
Nhìn khuôn mặt bất thần của Vũ, Nguyễn Tuân
bảo, sắp tới chắc có nhiều biến
động. Tổng tuyển cử không thành. Sẽ có một cuộc chiến. Con đường về
Nam sẽ mở ra cho ông. Từ bây giờ ông hãy ngừng “diễn“, viết lách trở
lại, để có chân trong hội nhà văn…và chờ thời…
Ngọn đèn hoa kỳ trước mặt phập phù dường như
dầu đã cạn. Người đánh cá đêm đã tu cạn cút rượu, vác dậm đi ra
phía hồ. Vũ và Nguyễn Tuân cũng đứng dậy với những bước chân loạng
choạng trong đêm.
Có chân trong hội nhà văn, là bước đầu Vũ đã
lấy lại được lòng tin của Đảng, của Ủy ban thống nhất. Có lẽ, chưa
khi nào Vũ theo dõi sát thời sự chính trị, nhất là tình hình miền
Nam như lúc này. Tuy nhân sự đại hội Đảng lao động lần thứ 3 đúng như
dự đoán của giới vỉa hè, nhưng Lê Duẩn được chọn làm Bí thư thứ
nhất vẫn làm Vũ bất ngờ. Bởi hình ảnh, bí thư xứ ủy Ba Duẩn vạch
chim đứng đái, rồi vảy phành phành dưới gốc dừa, ngay trước mặt chị
em, trong đại hội phụ nữ Nam Bộ, in hằn trong tâm trí non nớt ngày
đầu đến với Cộng sản của Vũ. Và với nhân cách, học thức ấy, bây
giờ không dừng lại riêng cho một bí thư xứ ủy Lê Duẩn, mà cho toàn
Đảng lao động.
Cũng từ đây Vũ hiểu rõ hơn câu tục ngữ: “
Thả con săn sắt, bắt con cá rô“ với ý đồ thâm nho của chủ tịch Hồ
Chí Minh. Việc Trường Chinh không làm Tổng bí thư là sự mất mát lớn
cho Hồ Chí Minh và đảng của ông. Bởi Trường Chinh là người có học
nhất và cũng là một lý thuyết gia số một của Đảng CS. Và với
quyết tâm, dù đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải thống nhất đất
nước, đưa Lê Duẩn lên Bí thư là một sách lược của ông. Bởi tiếng nói
của Lê Duẩn với đảng viên và dân chúng miền Nam có giá trị hơn ai
hết trong cái Bộ chính trị của đảng ở giai đoạn đó.
Lúc đầu, không riêng Vũ, mà chắc chắn còn có
nhiều người vẫn không hiểu, vì sao Chủ Tịch Hồ Chí Minh từ chối
(không) làm Trưởng ban cải cách ruộng đất. Một cuộc cách mạng long
trời lở đất, công bình và tốt đẹp đến như vậy. Khi trực tiếp tham
gia cải cách, và sau đó gặp phải sự chống đối, dưới mọi hình thức
của đủ các tầng lớp trong xã hội, anh mới nhận ra. Cuộc cách mạng
ấy chỉ đến khi đạt được mục đích, thì đảng mới dừng lại và nhận
ra sai lầm. Điều tất nhiên, lỗi lầm phải có người gánh chịu. Mà sai
lầm, hạ bệ đó chắc chắn thuộc về những Trưởng ban Trường Chinh,
Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Hồ Viết Thắng. Chứ trách nhiệm ấy,
làm sao lại quàng vào cổ Chủ tịch Hồ Chí Minh được? Tuy nhiên, Cụ
Chủ Tịch cũng nhờ Võ Đại Tướng xin lỗi tới con dân của mình, với
những giọt nước mắt khó có ai biết, đó là nước mắt cảm thông, ân
hận hay những gì trong đó. Vậy mà kỳ lạ, chỉ với động tác ấy, con
dân đất Việt lại vẫn yêu Cụ như xưa. Nước mắt đa năng, nhiều dạng,
người xưa nói, quả thật chẳng sai tẹo nào. Lưu bị khóc được Khổng
Minh, chiếm và giữ được cả đất Kinh Châu. Tào Tháo giả mê đâm chết
kẻ hầu rồi khóc. Cụ Hồ khóc không chỉ đảng hóa, nhà nước hóa được
đất đai, mà còn làm cho dân chúng quên đi bao cái chết đắng cay, vô
tội trong cải cách. Càng ngẫm nghĩ, Vũ càng thấy cụ tài, tài hơn
cả Lưu Bị và Tào Tháo cộng lại.
Về đến nhà, chưa kịp cới áo khoác, Vũ thấy
người của Ban thống nhất tất tưởi đạp xe đến, bảo, các đồng chí
lãnh đạo Ban mời anh ra gấp. Vũ hơi chột dạ, bởi Ban này, ngoài công
việc chuyên môn, hoặc đón tiếp cán bộ, học sinh miền Nam, còn có
nhiều tai mắt trong lãnh vực văn hóa tư tưởng như cơ quan an ninh vậy.
Đến nơi, Vũ được biết: Có đoàn cán bộ cao cấp của Mặt Trận Dân Tộc
Giải Phóng Miền Nam ra Bắc, ngày mốt sẽ được bác Hồ đón tiếp tại
phủ chủ tịch. Ban cần một nhà văn, nhà báo người Nam Bộ đi cùng
đoàn để viết một bài cho ra tấm ra miếng.
Ủy
Ban đã chọn nhà văn Xuân Vũ, đây là một vinh dự lớn, ý anh thế nào?
Ông phó bí thư Đảng ủy hỏi Vũ như vậy.
Đây là một tin vui, bởi anh có cơ hội được
tiếp xúc cán bộ mặt trận. Biết đâu họ sẽ xin đích danh, thời gian
và con đường trở về Nam của anh sẽ được rút ngắn lại.
Quả thực, sau khi cùng đoàn thăm phủ chủ tịch
và khu nhà sàn nơi ở của Hồ Chủ Tịch, Vũ đã viết một ký sự gây
tiếng vang khá mạnh. Kỹ tính như Nguyễn Tuân phải khen về mặt nghệ
thuật sử dụng con chữ. Khó tính như an ninh văn hóa tư tưởng cũng
phải hài lòng về nội dung. Và đúng như dự đoán, bài ký này đã góp
phần không nhỏ đến quyết định cho Vũ trở về Nam.
Bữa rượu chay hôm tiễn Vũ về Nam, ông bạn
nhạc sỹ già véo tai bảo: Ở giữa
Thủ đô đất chật người đông, mọc lên một nhà sàn gỗ với những vườn
cây ao cá, rộng đến mấy ngàn mét vuông, bao nhiêu người phục vụ chăm
sóc, thế mà mày nịnh đầm ca ngợi đơn sơ, giản dị. Mày có biết, đó
là thú chơi thâm nho của kẻ làm chính trị hay không? Với tao, bài ký
của mày chẳng có giá trị con mẹ gì cả. Vào tới đó rồi tìm cách
bẻ bút đi nhé.
Vũ lặng người, nốc cạn ly rượu nóng rát
họng:
-Nhưng
đó là cách duy nhất để cho em về lại quê hương, về với Quốc Gia Dân
Tộc.
Đức
quốc ngày 14-6-2016
© Đỗ
Trường
©
Đàn Chim Việt