Lá Quốc Kỳ Việt Nam đầu tiên đã tung bay ở Thái Nguyên
năm 1917
Trần viết Ngạc
Theo kiến thức hạn hẹp của chúng tôi, quốc
kỳ đầu tiên của nước ta được quy định bằng văn bản còn lưu lại đến nay là vào
năm Nhâm Tý, 1912.
Trong cuốn tự truyện nhan đề là “Tự Phán”
(1), viết năm 1929 tại Bến Ngự, Huế, Phan Bội Châu viết:
“Xưa
nước ta chỉ có cờ Hoàng Đế mà không có cờ nước cũng là một việc đáng quái gở.
Hội Việt Nam Quang Phục mới chế định ra quốc kỳ bằng cờ ngũ tinh, dạng huy thức
dùng bằng cách ngũ tinh liên châu” (2) (TVN nhấn mạnh).
Phan Bội Châu giải thích:
“Nhân
vì nước ta có năm địa bộ, sở dĩ dùng thức nầy để tỏ rõ cái ý năm đại bộ liên
lạc làm một.
Sắc cờ
dùng hoàng địa, hồng tinh làm cờ nước; hồng địa bạch tinh làm cờ quân. Hoàng là
để biểu thị nhân chủng ta. Hồng là biểu thị sắc nước ta: Nam phương thuộc hỏa,
hỏa sắc hồng.
Quân kỳ
sở dĩ dùng bạch tinh là tỏ rõ mục đích quân, cốt đánh đổ chính phủ người (da)
trắng” (2).
Trong tác phẩm Lương Ngọc Quyến, Đào Trinh
Nhất cũng có nhắc đến cờ Ngũ tinh:
“Cờ ngũ
tinh có 5 ngôi sao… Đến năm 1917, ngọn cờ phấp phới trên tỉnh thành Thái Nguyên
bảy ngày về tay cách mạng tức là cờ Ngũ Tinh” (3).
Kẻ viết bài này, lúc giảng dạy, cũng đã
“minh họa” đoạn mô tả Cờ Ngũ tinh của Phan Bội Châu trong Tự Phán nói trên. Tự
nghĩ đã là “liên châu” thì dứt khoát 5 ngôi sao 5 cánh phải nằm theo một vòng
tròn. Vậy là quốc kỳ do Việt Nam Quang Phục Hội chế định năm 1912 là 5 ngôi sao
đỏ xếp thành vòng tròn trên nền vàng (xem ảnh) và quân kỳ là 5 ngôi sao trắng
xếp thành vòng tròn trên nền đỏ! Thật đẹp biết bao!
Người ta thường bảo: “Chí lớn gặp nhau”.
Chúng tôi nghĩ “Chí nhỏ cũng gặp nhau!”. Quân kỳ trên mộ Lương Ngọc Quyến y hệt
lá quân kỳ mà tôi làm đồ dùng dạy học (4). Cho hay lịch sử không thể vận dụng
lô-gich để tái hiện. Minh họa của tôi trở thành “u họa”.
Gần đây, được xem một ảnh đen trắng của tờ
“Quân dụng ngân phiếu”, phát hành năm Nhâm Tý (1912) của Việt Nam Quang Phục
quân (5), chúng tôi biết mình hiểu sai cách thể hiện ngôi sao (tinh) của Đông
phương, nhầm lẫn với cách thể hiện ngôi sao của văn hóa Tây phương. Ngôi sao
của Tây phương là ngôi sao năm cánh, còn ngôi sao của Đông phương là một chấm
tròn.
Một năm sau, 1917, quốc kỳ và quân kỳ đầu
tiên của nước ta đã bay phần phật suốt 7 ngày đêm trên tỉnh lỵ Thái Nguyên từ
ngày 30/8/1917 đến ngày 5/9/1917. Lương Ngọc Quyến và Trịnh Văn Cấn( Đội Cấn )
cùng nghĩa quân đã anh dũng hy sinh dưới ngọn cờ tổ quốc đầu tiên ấy.
Tờ Quân dụng ngân phiếu do Việt Nam Quang
Phục quân của nước Việt Nam Dân quốc, cho đến nay, là vật chứng duy nhất cho ta
biết về quốc kỳ đầu tiên của nước ta được phổ biến ở nước ngoài và được kéo lên
trong cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917. Đó là lý do để chúng ta biết thêm về
nó.
Phan Bội Châu kể
lại trong Tự Phán:
“… Ông Hoàng Trọng Mậu đi với ông Tô [Tô Thiếu Lâu]
qua Hương Cảng tìm những người cách mạng đảng đã quen làm việc ấy, bí mật chế
tạo, in thành phiếu khoán 4 món: mặt trước khắc một hàng chữ ở trên: “Việt Nam
Quang Phục Quân Quân dụng phiếu” chính giữa lòng chữ lớn, in rõ số bạc 5$, 10$,
20$, 100$ là bốn món. Chữ số ở bốn góc cũng in như vậy. Mặt sau khắc giòng chữ,
dùng hai thức chữ Hán và Quốc ngữ. Giấy bạc này là Việt Nam Quang Phục Quân lâm
thời chính phủ thành lập, đem bạc thật thu hồi, cấp lời một thành hai, cấm mạo
giả và lạm phát, ai phạm sẽ bị phạt nặng. Người ký tên là Phan Sào Nam, người
kiểm phát Hoàng Trọng Mậu.
Phiếu bạc này in bằng điện, tinh xảo in như bạc giấy
Tàu”.
Nhân đây, người
viết trân trọng cám ơn Giáo sư Nasu Tuyền, Đại học Quốc gia Okinawa, Japan đã
cung cấp cho chúng tôi một tư liệu quý giá, qua đó biết được quốc kỳ đầu tiên
của nước Việt Nam vào năm 1912 và đã tung bay ở Thái Nguyên năm 1917.
Một trang Tự phán 4 chữ cuối ” NHAN VIẾT
TỰ PHÁN “
Chú thích:
(1) – Nhan đề cuốn tự truyện của Phan Bội
Châu viết ở Bến Ngự, Huế năm 1929 có nhan đề là TỰ PHÁN, không hề là PHAN BỘI
CHÂU NIÊN BIỂU như nhiều nhà biên soạn nhầm lẫn.
(2) – Tự Phán, nxb Anh Minh, Huế, 1956,
trang 152, 153.
(3) – Đào Trinh Nhất, Lương Ngọc Quyến và
cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917, nxb Tân Việt, Sài Gòn, 1957, trang 102,
103. Dẫn lại từ Lý Tùng Hiếu, Lương Văn Can và phong trào Duy Tân Đông Du, nxb
Văn Hóa Sài Gòn, 2005, trang 244.
(4) – Lý Tùng Hiếu, sđd, trang 312.
(5) – Kỷ niệm 100 năm phong trào Đông Du,
nxb Tân Văn, Đông Kinh (Tokyo), 2005, trang 118.
(6) – Tự Phán, sđd, trang 134.
Nguồn: https://nghiencuulichsu.com/2016/05/23/la-quoc-ky-dau-tien-cua-viet-nam-nam-1917-ngu-lien-tinh-chau/