Thần kinh khốn nạn
Blog
Cánh Cò
Khi
người ta chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng tư và cũng cố quyền lực cá nhân, không
nghĩ đến đồng bào nghèo khổ của mình đang đói rách thì những suy nghĩ đó là lẽ
thường. Họ còn cho như vậy là khôn ngoan, làm một tỷ tư thì cũng chia chác được
700, làm tượng đài lãnh tụ thì dễ được duyệt hơn. Chỉ tội cho con dân thấp cổ
bé miệng, chỉ ở những nơi xa xôi miền núi mới hiểu được nhọc nhằn của dân quê !
Mới thấy nó khốn nạn như thế nào !!! ĐGH
Đó là hệ thống thần kinh mới, vừa được Giáo sư Ngô Bảo Châu, một nhà khoa học của
Việt Nam tìm ra sau khi ông Vũ Đức Đam, trên cương vị Phó thủ tướng ký thế cho
Thủ tướng chính phủ quyết định chấp thuận cho UBND thành phố Sơn La kinh phí
1.400 tỷ để xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh trong thành phố.
GS Ngô Bảo Châu viết trên Facebook của ông: “Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh
hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra 1400 tỷ để xây tượng đài thì hoặc là khốn nạn,
hoặc là thần kinh”.
Rõ ràng là GS Châu chơi chữ. Không thể nào một ông
Phó Thủ tướng lại mắc bệnh thần kinh, có nghĩa là tâm thần không bình thường,
ký những quyết định đi ngược lại với nhân văn, với đạo lý dân tộc. Ông chỉ có
thể “khốn nạn” trong ý thức. Ông không xem trẻ em lê lết trong các mái trường
không thua chuồng trại súc vật đầy dẫy tại các tỉnh biên giới mà Sơn La là một
điển hình của sự nghèo túng cùng cực. Ông không hề nghĩ tới hàng chục ngàn hộ
thiếu ăn quanh năm và đối với họ chỉ cần đủ ăn đã là hạnh phúc. Đối với họ Hồ
Chí Minh chỉ là một cục đá được dẽo gọt chỉ để đứng nhìn sự thống khổ, kiệt quệ
của họ, những người quanh năm không biết tới một mẩu thịt là gì.
Họ túng đói và lê lết như những con thú hoang trong
khi chính phủ của ông Vũ Đức Đam đang phải đối phó với nợ công, phải ăn xin tứ
phương từ Mỹ với miếng bánh TPP, từ Trung cộng với những khoản vay thắt cổ, từ
Nhật với ODA dễ nuốt và ngay cả từ Việt kiều hải ngoại với câu chữ không biết hổ
thẹn là gì, lại bỏ ra 1.400 tỷ xây một hình tượng .
Với những sự thật không thể chối cãi ấy câu hỏi đặt
ra tại sao chính phủ lại tiếp tục ký những quyết định trái với lòng dân, trái với
lương tri của con người mà bất cứ một chính phủ, một nhà độc tài nào cũng đều
tránh né?
Chỉ có thể xem đó là những thái độ khốn nạn. Sự khốn
nạn lâu ngày thành nếp nghĩ, thành cách hành xử quen thuộc. Việc coi thường luân thường đạo lý trong huyết quản đã tạo
nên một loại gene mới trong cơ chế cộng sản. Loại gene ấy biến thành hệ
thần kinh chủ đạo, từ tư duy cho tới phản ứng, nó nằm song song với các hệ thần
kinh khác như buồn, vui, giận, ghét. . . hệ thần kinh khốn nạn chỉ khác ở chỗ,
nó tự đứng riêng và tự đánh bóng hay tôn tạo chính mình. Nó phản ứng với hệ thần
kinh bình thường một cách bất bình thường. Khi nhân dân đói nó cho là nhân dân
đủ ăn và GDP của họ ngày một cao hơn. Khi trẻ em thiếu trường, thiếu lớp nó cho
đấy chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong tổng thể phát triển của đất nước. Khi người
dân phản ứng vì bị đẩy vào đường cùng nó cho là sự xúi giục của bọn phản động
và phản ứng của nó không kém bất cứ cách hành xử côn đồ nào.
Thần kinh khốn nạn tự nghĩ ra những kịch bản chỉ có
trong giấc mơ của những kẻ sở hữu nó. Nhân dân vẫn yêu thương Hồ chủ tịch và họ
có như cầu nhìn tượng của ông thay cơm. Nhân dân hãnh diện khẳng định ông là
ánh sáng dẫn họ trên con đường….vạn dặm! Nhân dân sáng suốt tin rằng ông là
ngôi sao không hể tắt và có ông thì người dân sẽ thấy đời đáng sống biết dường
nào.
Một trong những người sở hữu thần kinh khốn nạn, Trần
Bảo Quyến, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Sơn La cả quyết rằng: “sau khi xây dựng tượng đài, Sơn La sẽ có cơ
hội quảng bá về du lịch. Đây sẽ là điểm đến thú vị cho người dân đến tham quan
và tìm hiểu về lịch sử Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng. Hiện, Sở cũng
đang nâng cấp nhà tù Sơn La và một số địa danh văn hóa khác”.
Nếu chú ý người dân sẽ lo sợ vô cùng khi tượng đài
được xây dựng song song với việc nâng cấp nhà tù. Tham quan hay vào đó nằm nếu
chống đối đề án thì có gì khác nhau?
Trần Bảo Quyến cho rằng: “Đã là tình cảm của nhân dân Tây Bắc không thể cân đong đo đếm được. Do
đó, cá nhân nào nói lãng phí là chưa đúng”.
Đúng, nó không hề là một đề án lãng phí. Nó không
lãng phí mà là phá hoại. Phá hoại tới tận đáy cái nền của nhân bản. Tiêu diệt
những gì ít ỏi còn lại trong lòng người dân đối với hình ảnh Hồ Chí Minh. Người
miền núi vốn không được học hành tử tế họ chỉ biết ông Hồ là người cha già dân
tộc theo tuyên truyền của bộ máy Đảng. Sau gần một thế kỷ người cha ấy chia cho
đám con ruột là quan lại triều đình xây dựng những công trình để tư túi trên
các đề án khốn nạn. Chỉ cần thông minh một chút là họ biết mình bị bóc lột, bị
chà đạp tới xương khi con cái họ quần không có mà mặc, gia đình họ không có gạo
đủ ăn phải lê lết trên những con ruộng bậc thang, đẹp thì có đẹp nhưng leo trèo
trên ấy để kiếm từng hạt lúa thì người Kinh đã bỏ chạy từ xưa.
Con cá gỗ còn tạm dùng để đánh lừa mình chứ tượng
ông Hồ to quá mà lại làm bằng đá thì làm sao đem vào mâm cơm của họ để mà chấm,
mà mút cho chén bắp trong bữa ăn thường nhật đậm đà hơn một chút?