17.10.2016

Hiện tượng ngụy tạo lịch sử - Trần Gia Phụng

„…bạch hóa hồ sơ CS là việc làm cần thiết để làm cho lịch sử trong sáng, đúng như quá khứ đã xảy ra, nhằm duy trì truyền thống dân tộc và giáo dục các thế hệ thanh thiếu niên trong tương lai,…“

Hiện tượng ngụy tạo lịch sử
(Trình bày tại Lễ Khai mạc Trại Việt 2000-16, Dallas tối 14-10-2016)

Trần Gia Phụng

Lịch sử là quá khứ của loài người. Không ai có thể trở lui quá khứ để sửa đổi chuyện đã qua, nên để phục vụ mưu tính riêng, có người ngụy tạo lịch sử. Việc ngụy tạo lịch sử có thể chia thành hai nhóm: nhóm cá nhân và nhóm chính sách.


Nhóm cá nhân ngụy tạo: Ví dụ tại Anh, vào đầu thế kỷ 20, nhà khảo cổ Charles Dawnson phát hiện tại Piltdown (East Sussex), hộp sọ một sinh vật được xem là gạch nối giữa vượn và người, mà lúc đó rất quý hiếm. Theo thuyết tiến hóa của Darwin, con người từ con vượn đi lên. Những nhà khảo cổ cho rằng như thế, trong lòng đất phải có bộ xương của loại sinh vật giữa người và vượn. Phát hiện của Dawnson đap ứng đúng cái chủng người đó. Giống người có hộp sọ do Dawson phát hiện được đặt tên là “Homo-Dawnsonis”. Về sau, có người dùng phương pháp Carbon C14, đo phóng xạ của hộp sọ, thì thấy rằng đó là đồ giả tạo. Người ta không còn dùng chữ Homo-Dawnsonis, mà gọi là “Piltdown man”, và xem đây là trò lừa bịp lịch sử, do một cá nhân hiếu danh bày ra. Nhóm cá nhân ngụy tạo lịch sử đó không đông lắm và trước sau gì cũng bị phát hiện.

Nhóm chính sách ngụy tạo: là nhóm do nhà nước độc tài chủ trương, điển hình là nhà nước cộng sản (CS). Ai cũng biết, hiện nay Việt Nam đang do cộng sản (CS) cai trị. Dưới chế độ CSVN, nền giáo dục nhập cảng từ Liên Xô, là “giáo dục phục vụ chính trị”, phục vụ chế độ, phục vụ đảng CS. Riêng trong bộ môn lịch sử, CS sử dụng duy vật sử quan, dựa trên những yếu tố vật chất, yếu tố kinh tế, những quan hệ sản xuất, để diễn giải tiến trình lịch sử nhân loại, tức nhìn lịch sử bằng con mắt đỏ. Đây là một sai lầm quan trọng. 

Ngoài ra, CS còn không ngần ngại ngụy tạo, sửa đổi, bóp méo lịch sử một cách bài bản, có hệ thống, bịa ra những sử liệu giả để lừa dối quần chúng, xây dựng thành loại lịch sử theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm phục vụ chế độ CS, phục vụ đảng CS, nghĩa là cố tình sai lầm lần thứ hai. 

Để lừa dối quần chúng, CS dùng phương pháp “lộng giả thành chân”, tức nói dối nhiều lần, sẽ có lúc người ta tin là thật. Những thông tin do CS bịa đặt được lập lại nhiều lần, học tập nhiều lần, nhồi sọ nhiều lần, đến một lúc nào đó, người ta bị nhập tâm và tưởng là sự thật, rồi cuối cùng tin là sự thật. 

Một ví dụ nổi tiếng là chuyện nữ văn sĩ Dương Thu Hương vào đến Sài Gòn năm 1975, thì ngồi khóc bên lề đường, vì lúc đó bà mới phát hiện là thế hệ của bà bị CS tuyên truyền, lừa phỉnh cả thời thanh xuân.

Một ví dụ khác mà hy vọng nhiều người lớn tuổi từng có kinh nghiệm: Trước năm 1975, CS Bắc VN tuyên truyền rằng dân chúng trong Nam bị “Mỹ Ngụy” kềm kẹp, nên dân chúng Nam VN đói rách xác xơ, đến nỗi dân chúng Bắc VN tin là thật. Sau ngày 30-4-1975, nhiều người miền Bắc vào Nam thăm gia đình, đem theo chiếu mền rách, gạo chắt chiu tích lũy được, để tiếp tế cho bà con miền Nam, nhưng thật không ngờ khi mới đi qua sông Bến Hải, đã phải giựt mình vì sự giàu có ở miền Nam. 

Vì dựa trên duy vật sử quan, toàn bộ lịch sử Việt Nam do CS ngụy tạo đều cần minh bạch trở lại, từ thuở bình minh của đất nước cho đến ngày hôm nay. Ở đây, chỉ xin nêu ra vài sự kiện điển hình.

1) Trước hết là những câu chuyện nhồi sọ trẻ em, thiếu niên như chuyện Kim Đồng, Lê Văn Tám, Phan Đình Giót (lấy thân mình lấp lổ châu mai)… Tác giả Trần Huy Liệu đã tự thú trước khi chết là chính ông ta sáng tác chuyện Lê Văn Tám, và nhờ tác giả Phan Huy Lê cải chính giùm. Thế mà cho đến nay, trong sách vở CS vẫn ca tụng Lê Văn Tám, các tỉnh thành vẫn còn trường Lê Văn Tám, đường Lê Văn Tám …

2) Thứ hai cần phải bạch hóa những câu chuyện bịa đặt bao quanh nhân vật Hồ Chí Minh, kẻ nhập cảng chủ nghĩa CS, làm điêu đứng dân tộc Việt Nam cho đến ngày nay. 

3) Thứ đến cần giải mã một số chuyện được CS đưa vào lịch sử như chuyện Xô Viết Nghệ Tĩnh. Năm 1930, nông dân Việt Nam bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên nghèo đói, nổi lên chống nhà cầm quyền thực dân Pháp. Trong lịch sử Việt Nam, mỗi lần lụt lội hay hạn hán mất mùa, nông dân đều nổi dậy. Đây là chuyện thường xảy ra trong lịch sử. Hồ Chí Minh lúc đó ở Trung Hoa, nghe tin nầy, liền báo cáo với CSQT rằng dân chúng Nghệ Tĩnh nổi lên chống Pháp, lập “chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh”. Đây là chuyện hoàn toàn bịa đặt. Đảng CSVN lúc đó không biết việc nầy. (Tài liệu của Nguyễn Minh Cần), Về sau, chính HCM phải trả giá cho sự bịa đặt của mình, bị kiểm điểm ở Liên Xô.

4) Năm 1945, Hồ Chí Minh và Việt Minh cùng đảng CSĐD cướp chính quyền. Khi ra mắt chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày 2-9, HCM tuyên thệ cương quyết chống Pháp. Tuy nhiên, khi Pháp trở lui, HCM lại thỏa hiệp với Pháp để duy trì quyền lực. Đến khi bị Pháp áp lực nặng nề, đòi đứng ra duy trì an ninh Hà Nội, thì HCM và lãnh đạo CS đứng trước nguy cơ bị bắt. Vì vậy, muốn trốn thoát khỏi Hà Nội, HCM mới tuyên bố tổng khởi nghĩa để có lý do chính đáng chạy trốn và đổ gánh nặng chiến tranh lên vai dân tộc Việt Nam.

5) Sau khi chạy trốn, HCM kêu gọi toàn dân tiêu thổ kháng chiến (TTKC). Theo CS, TTKC là tự phá hủy nhà cửa, ruộng vườn, đường sá, kho tàng, cơ sở sản xuất, không cho Pháp sử dụng khi chiếm đóng. Thật ra, HCM và CSVN còn nhắm nhiều mục đích thâm độc khác:

a) Về vật chất, TTKC phá nhà cửa để dân chúng không có chỗ trở về, phải tản cư theo VM, để cào bằng kinh tế giữa người giàu với nhà nghèo theo đúng chính sách của CS.

b) Về lịch sử, TTKC phá hủy những cơ sở lịch sử, những công trình kiến trúc, nhằm xóa bỏ quá khứ. Ví dụ tháng 2-1947, ở kinh đô Huế, trong Tử cấm thành, VM đặt chất nổ phá điện Cần Chánh, Càn Thanh, Kiến Trung, cung Khôn Thái, đốt điện Thái Hòa may được Pháp cứu kịp; hoặc VM đập phá những thành trì do nhà Nguyễn xây dựng ở các tỉnh lỵ.

c) Về tinh thần, TTKC phá hủy từ đường, miếu mạo, chùa chiền, nhà thờ, là những nơi thờ phượng của dân chúng. 

6) Một ví dụ gần đây để mọi người dễ nhận thấy: Năm 2012, xuất hiện phim “Mậu Thân 1968”, do bà Lê Phong Lan đạo diễn. Đây không phải là phim truyện xi-nê bình thường, mà là do CS cố tình giải thích lại lịch sử Tết Mậu Thân bằng hình ảnh, nhằm bào chữa cho tội ác của CS trong biến cố nầy. Trong phim, CS cho rằng “Mỹ ngụy” mới là tác giả của những nấm mồ tập thể (?). Những ai đi du lịch Huế đều bị nghe các hướng dẫn viên nói lại như thế, vì họ bị bắt buộc phải nói như thế. Chứng nhân Tết Mậu Thân còn đó, tài liệu sách vở, hình ảnh Mậu Thân còn đó, mà CS thay trắng đổi đen trắng trợn thật lộ liễu. 

Chính sách ngụy tạo, bóp méo lịch sử nhằm phục vụ đảng CS không thể trình bày hết được ở đây trong một thời lượng ngắn. Hiện tượng ngụy tạo lịch sử làm lạc hướng lịch sử dân tộc, rất nguy hại cho tương lai đất nước. Vì vậy, chúng ta cần phải thường xuyên khảo chứng cẩn thận sử liệu của CS, nhằm bạch hóa lịch sử, xóa bỏ nhiễu xạ, trả lại sự thật cho lịch sử. Hiện tượng ngụy tạo lịch sử do chủ trương, chính sách của CS chỉ chấm dứt khi chấm dứt chế độ CS độc tài đảng trị. 

Trước khi kết thúc, xin chú ý một điều là CS chủ trương ngụy tạo lịch sử để che giấu tội lỗi đã gây ra cho dân tộc. Vì vậy, bạch hóa hồ sơ CS là việc làm cần thiết để làm cho lịch sử trong sáng, đúng như quá khứ đã xảy ra, nhằm duy trì truyền thống dân tộc và giáo dục các thế hệ thanh thiếu niên trong tương lai, chứ không có nghĩa là vu khống, bôi lọ hay nói xấu CS. Trên đất nước tự do nầy, ai muốn hòa giải hòa hợp thì tùy người đó, nhưng xin mọi người đừng quên, xin đừng bao giờ quên những kinh nghiệm lịch sử, vì quên kinh nghiệm lịch sử, thì người Việt có thể lầm đường lần nữa; và cũng xin đừng bao giờ quên những tội ác, nhất là tội ác diệt chủng và phản quốc của CS, vì quên tội ác sẽ làm cho tội ác tái diễn và gia tăng. 

(Dallas, 14-10-2016)