12.10.2016

Nhận diện nhóm tin tặc Trung cộng tấn công các phi trường Việt Nam và những nhóm tin tặc nguy hiểm nhất thế giới

Nhận diện nhóm tin tặc Trung cộng tấn công các phi trường Việt Nam và những nhóm tin tặc nguy hiểm nhất thế giới

Trúc Giang MN 



1* Mở bài
Hiện nay, hầu hết các hoạt động của con người đều phụ thuộc vào hệ thống máy vi tính, vì thế các tin tặc tìm cách xâm nhập vào những hệ thống đó, chiếm quyền kiểm soát, làm tê liệt toàn bộ các hoạt động của những mục tiêu cần đánh phá, hoặc sao chép tài liệu quan trọng.


Trung cộng (TC) bị tố cáo là quốc gia nổi tiếng về việc đánh cắp khoa học kỹ thuật của các nước phát triển tây phương.

Hồi cuối tháng 7 năm nay, 2016, nhóm tin tặc 1937cN của Trung cộng lã làm ngưng trệ 4 phi trường trên toàn quốc Việt Nam. 1937 cN là một trong hai nhóm tin tặc nổi tiếng nhất của TC.

Hiện có nhiều nhóm tin tặc vô cùng bí hiểm, đã từng tấn công các cơ quan chính phủ và các đại công ty hàng đầu thế giới, mà không để lại tông tích nào cả. Hai nhóm nổi tiếng và bí mật nhất hiện nay là Anonymous và Cicada 3301.

2* Nhận diện nhóm tin tặc 1937cN của Trung cộng đã tấn công các phi trường Việt Nam
    


2.1. Nhóm tin tặc 1937cN


Nhóm tin tặc 1937cN có tên tiếng Anh là China network of 1937 Army group. Trang web chính thức của nhóm nầy là “1937cn.net”. Được coi là nhóm tin tặc hàng đầu của Trung cộng với thành tích đã thực hiện 36,820 trang mạng của các quốc gia châu Á, nhất là Việt Nam và Philippines.

Theo tài liệu của Trung cộng, người đứng đầu nhóm nầy tên Lưu Vĩnh Phát, sinh ngày 22-7-1987 tại tỉnh Thiểm Tây. Phát là kỹ sư lập trình (Computer Programmer).

Con số 1937 được dùng để ghi nhớ sự kiện thảm sát Nam Kinh năm 1937 do quân phiệt Nhật thực hiện, đã làm thiệt mạng 300,000 người Trung Hoa. Trên trang mạng của nhóm nầy có ghi: “Không quên quốc nhục. Chấn hưng Trung Hoa”.

Danh tánh các thành viên không được tiết lộ. Một số mang những bí danh như: Allen Reese, BonEs, WebrObot, Siling, Learner, 4nOwGZ, Any9aby, Rascal…

2.2. Những cuộc tấn công của nhóm 1937cN

1. Tấn công 4 phi trường Việt Nam 
    
 4 phi cơ trên đầu tấm hình, 4 sân bay* Vì computer hỏng, nhân viên phải viết tay

Ngày 29-7-2016, 4 phi trường trên toàn quốc từ bắc chí nam Việt Nam đã bị tin tặc tấn công. Các phi trường Nội Bài, Đà Nẵng, Sài Gòn và Phú Quốc bị thay đổi giao diện, kèm theo những chỉ trích và khiêu khích.

Lúc 13 giờ 46 phút hệ thống điện toán phi trường Tân Sơn Nhất bị tấn công.
Lúc 16 giờ 7 phút, hệ thống máy tính của phi trường Nội Bài bị tấn công.
Các hệ thống làm thủ tục đăng ký chuyến bay của hai hãng hàng không VietJet Air và Vietnam Airlines tại hai phi trường Nội Bài và Tân Sơn Nhất không hoạt động nên nhân viên phải viết tay trên giấy, thay vì trên máy computer. Do đó các chuyến bay bị đình trệ.

Hai sân bay Đà Nẵng và Phú Quốc cũng bị tấn công tương tự.
Màn hình của website Vietnam Airlines hiện ra phù hiệu của Toán tin tặc 1937 CN với lời lẽ chửi bới VN và Philippines, và xác định Biển Đông là lãnh thổ của Trung cộng như sau: 



“FUCK VIETNAM PHILIPPINES JOINT ACTIONT * #Op CHINA ACTION IS IGNORANCE!
VIETNAM THE PHILIPPINES ONLY THE UNITED STATES, JAPAN, RESTRICT CHINA’S PAWN* MAN TO BE LOW KEY
SOUTH CHINA SEA IS CHINA’S INHERENT TERRITORY
CHINA’S TERRITORIAL INVIOLABILITY * THIS IS A WARNING FROM CHINA 1937 CN TEAM”

2. Tấn công năm 2013

Ngày 14-8-2013, tấn công chuyển tên miền “thegioididong.com” và “facebook.com.vn” chuyển hai trang mạng nầy của VN  sang trang mạng của họ, kèm theo những lời chửi bới và khiêu khích.

3. Tấn công năm 2014

Theo SecurityDaily, chỉ trong 2 ngày 10 và 11-5-2014, đã có hơn 200 trang mạng của VN trở thành mục tiêu tấn công của 1937cN.
Tháng 6 năm 2014, số trang web VN bị tấn công gia tăng lên tới 1,000 vụ, đa số mang tên miền “edu.vn” và “gov.vn

3* Một số định nghĩa

1.     Hacker
Hacker là một người có khả năng viết ra một phần mềm (Software) của máy tính, hoặc chỉnh sửa nó để xâm nhập vào máy tính với nhiều mục đích tốt xấu khác nhau. Hacker trắng thuộc loại tốt. Hacker đen là xấu, thường có mục đích phá hoại hay phạm pháp.

2.     Virus máy tính
Virus máy tính là một chương trình software nhỏ hay một đoạn mã được lập ra để xâm nhập vào máy computer làm ô nhiễm những tệp tin (File) trong các thiết bị trên máy như dĩa cứng (Hard drive), dĩa mềm (Floppy disk) hoặc thiết bị nhớ như USB (Universal Serial Bus) mục đích làm hư máy, xóa dữ liệu (Data), đánh cắp thông tin cá nhân như mã số thẻ tín dụng, và mở cửa sau (Backdoor) cho tin tặc đột nhập. Virus thường phát tán theo email cho nên không bao giờ mở những email lạ, không biết chắc người gởi là ai. Virus cũng có thể được cài vào các phần mềm lậu để phá máy những người tải xuống bất hợp pháp.

3.     Địa chỉ IP
Địa chỉ IP, được viết tắt từ chữ Internet Protocal, là một địa chỉ để nhận diện và liên lạc nhau trên internet. IP cũng như địa chỉ một ngôi nhà trên đường phố để nhân viên bưu điện đến giao thơ đúng cho người nhận.
Địa chỉ IP có 4 nhóm số khác nhau, được ngăn ra bằng những dấu chấm. Ví dụ như: 172. 16. 254. 1

4.     Phishing
Phishing xuất phát từ chữ fishing, (nghĩa là câu cá). Là xây dựng một hệ thống lừa đảo, giả mạo, xuất hiện như một thực thể đáng tin cậy như eBay, Paypal, hoặc các ngân hàng trực tuyến (Online). Mục đích đánh cắp tên đăng nhập, mật khẩu (Password) hay thông tin cá nhân về các loại thẻ tín dụng. Đối tượng tấn công là những khách hàng của các ngân hàng hay các dịch vụ thanh toán trực tuyến.

4* Anonymous, nhóm tin tặc bí hiểm nhất thế giới

4.1. Vài nét tổng quát về Anonymous
  

Một người không đầu" tượng trưng một tổ chức không lãnh tụ và ẩn danh* Những cá nhân Anonymous xuất hiện công cộng, đeo mặt nạ Guy Fawkes

Anonymous được coi là nhóm tin tặc nguy hiểm nhất thế giới. Nhóm tin tặc lừng danh nầy được cho là đã đánh sập những trang web của CIA, Bộ Tư Pháp Mỹ và FBI. Nạn nhân còn là những cơ quan chính phủ Mỹ, Do Thái, Uganda hay các đại công ty tài chánh như Paypal, MasterCard, Visa, Sony pictures. Biểu tượng của nhóm nầy là chiếc mặt nạ Guy Fawkes

Nhóm nầy đã thực hiện hàng loạt cuộc tấn công “từ chối dịch vụ” DDoS. (DDoS=Distributed Denial of Service) nhắm vào những trang mạng chính phủ, đánh cắp thông tin cá nhân, trả đủa hay ủng hộ một tổ chức hay một cá nhân nào đó.

Hành tung của nhóm nầy vô cùng bí hiểm, đúng với cái tên Anonymous (ẩn danh). Anonymous là một mạng lưới có tầm mức quốc tế, liên kết với những tin tặc ẩn danh từ nhiều quốc gia. Không được tổ chức thành hệ thống chặt chẽ, không có lãnh đạo.

Nhóm nầy cho rằng họ đấu tranh cho tự do ngôn luận và tự do internet, bằng cách mang mặt nạ xuống đường biểu tình, hoặc đánh vào trang mạng của các chính quyền, các tôn giáo, các công ty quốc tế. Thành viên của nhóm nầy được gọi tắt là Anons, có thể nhận ra ở nơi công cộng khi mang chiếc mặt nạ Guy Fawkes. Guy Fawkes là tên của một nhân vật trong bộ chuyện bằng tranh “V for Vendetta” ở thế kỷ 17 ở nước Anh.

Hàng chục thành viên trên thế giới được cho là tin tặc của Anonymous bị bắt giữ do có dính líu đến những cuộc tấn công trên mạng tại các nước như Hoa Kỳ, Anh Quốc, Úc, Hòa Lan, Tây Ban Nha và Thổ Nhỉ Kỳ.

Người ủng hộ thì cho nhóm nầy là những chiến sĩ tự do (Freedom Fighter), là Robin Hood của thời đại kỹ thuật số. Người chỉ trích thì cho họ là những khủng bố mạng (Cyber terrorists).

Năm 2012, tạp chí Time xếp nhóm Anonymous vào danh sách 100 người có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới.

4.2. Những hoạt động của nhóm Anonymous

1). Năm 2014
Chiến Dịch Ice ISIS
Hồi tháng 9 năm 2014, Twitter của nhóm Anonymous cho biết Chiến Dịch Ice ISIS đã mở màn, mục đích chống lại tổ chức khủng bố Hồi Giáo nầy. Một số lớn chương mục trên Twitter và Facebook của IS đã bị vạch trần, chiếm lấy và làm tê liệt, không thể xử dụng được nữa.

2). Năm 2015
1. Phá tan âm mưu khủng bố đảo Djerba.
Djerba là một đảo du lịch thuộc vùng biển của Tunisia ở Phi Châu. Anonymous đã thông báo cho Michael, người thành lập hãng an ninh mạng Kronos, và ông nầy đã báo cho FBI kịp thời ngăn chặn âm mưu đó.

2. Chiến Dịch Paris.



Ngày 16-11-2015, ba ngày sau vụ đánh bom ở sân vận động Stade de France, nhà hát Bataclan và hai nhà hàng Le Carillon và Le Petit Cambodge, làm thiệt mạng 130 người và nhiều người khác bị thương. 
Nhóm Anonymous tuyên chiến để trừng phạt tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (IS) trong Chiến Dịch Paris, đã đánh sập hơn 20,000 tài khoản của tổ chức IS. Nhóm hacker nầy tuyên bố: “IS là virus”, còn họ là “thuốc trị”. Khẳng định họ có những công cụ siêu đẳng hơn bất cứ những công cụ nào mà các chính phủ tạo ra để chống IS.

3). Năm 2016
Anonymous tấn công các trang mạng của tỷ phú Donald Trump



Nhóm tin tặc cho biết, nhân “ngày cá tháng 4” (April Fool's Day) ngày
1-4-2016, họ đã tấn công vào các website của tỷ phú Donald Trump, bao gồm: trumpchicago.com, trump.com, donaldjtrump.com, và trumphotelcollection.com bằng phương pháp “từ chối dịch vụ” (DDoS). DDoS là biện pháp làm cho trang mạng bị quá tải bởi những truy cập khác được thực hiện cho nên không thể truy cập được.

Trong đoạn video clip đưa lên youtube ngày thứ ba, 15-3-2016, người đại diện của  Anonymous nói: “Đây không phải là lời cảnh báo, mà đây là tuyên bố tấn công. Chúng tôi đã theo dõi ông từ lâu và thấy chướng mắt. Chiến dịch tranh cử đầy thù địch của ông không chỉ làm cho nước Mỹ mà khiến cả thế giới phải sốc. Ông không đại diện cho bất cứ điều gì, ngoại trừ ham muốn quyền lực và lòng tham của chính ông”.

Tin tức cho biết, nội bộ Anonymous bất đồng ý kiến do những người ủng hộ Trump không tán thành.

4.3. Vi phạm luật pháp

Hồi tháng 7 năm 2011 có 35 vụ khám xét nhà ở Mỹ, 14 vụ ở Hòa Lan, và 4 vụ ở Anh Quốc. Qua đó, có lẽ là một thành viên của Anonymous bị bắt giữ, và sau đó FBI đã bắt thêm 35 người nữa.

Để trả đũa những vụ giam giữ, hacker đã xâm nhập vào một máy chủ có 70 trang mạng của các cơ quan truy nã Hoa Kỳ, sao chép 10 Gigabytes dữ liệu.

5* Cicada 3301: Gã khổng lồ bí ẩn nhất trên thế giới internet 



Mọi việc bắt đầu từ ngày 5-1-2012, khi một người xử dụng trang mạng 4chan đã đăng tải một bức ảnh kèm theo nội dung như sau: “Xin chào! Chúng tôi đang tìm kiếm những người có trí thông minh siêu đẳng. Trong tấm hình nầy ẩn chứa một thông điệp. Nhiệm vụ của bạn là giải mã nó, khi giải được thì bạn sẽ biết chúng tôi là ai. Mong được sớm gặp mặt những người có trí thông minh kiệt xuất. Chúc may mắn. Cicada 3301”.

Từ năm 2012, cứ vào đầu tháng giêng mỗi năm, thì tổ chức mạng bí danh Cicada 3301 lại đưa ra câu đố thách thức, làm hàng trăm chuyên gia nổi tiếng đều phải điên đầu.

Sự bảo mật thông tin đến kinh ngạc khiến cho nhiều người suy đoán rằng Cicada 3301 chính là nhóm hacker nổi tiếng nhất thế giới là nhóm Anonymous. Nhưng suy đoán vẫn là suy đoán. Bí mật vẫn chìm trong bóng tối của bí mật.

Đến nay, sau 4 năm xuất hiện trên internet, gã khổng lồ bí ẩn nhất trên thế giới mạng nầy không cho người ta biết nó hoạt động như thế nào. Mục đích gì?

Nhiều người dự đoán, tổ chức đứng sau Cicada 3301 có thể là CIA (Cục tình báo trung ương Mỹ), NSA (Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ) và MI-6 (Cục tình báo của Anh).

Tờ nhật báo kỳ cựu nhất nước Mỹ, tờ Washington Post đã xếp Cicada 3301 vào danh sách 5 bí ẩn lớn nhất thế giới mạng.

6* Tin tặc Hector Xavier Monsegur
  

     Tin tặc Hector Xavier Monsegur hợp tác với FBI

Hector Xavier Monsegur là một tin tặc đã giúp FBI phá vỡ hàng trăm cuộc tấn công, và làm tê liệt nhiều tin tặc của nhóm nguy hiểm nhất thế giới là Anonymous.

Monsegur bị bắt giam 7 tháng, chờ ra tòa thì anh ta hợp tác với FBI, cùng làm việc chung suốt ngày đêm, đã cung cấp thông tin kịp thời để bảo vệ hệ thống máy tính của chính phủ.

FBI cho biết Monsegur đã giúp loại ra ít nhất là 300 tin tặc cá nhân đã nhắm vào Thượng Viện Hoa Kỳ, cơ quan NASA, và những mục tiêu nhạy cảm nhất giúp tránh được thiệt hại nhiều triệu đô la.

Hồ sơ tòa án cho biết, vụ tấn công đầu tiên của tên tin tặc nầy được thực hiện tại nơi cư trú của anh ta ở Manhattan. Đó là vụ đánh cắp thông tin về thẻ tín dụng, đem bán hoặc dùng để trả bill cá nhân của anh ta.

Monsegur trả lời phỏng vấn của tạp chí điện tử, lý do gia nhập nhóm Anonymous là vì anh ta bất mãn về việc truy nã và bắt giữ người sáng lập WikiLeaks là Julian Assange.

Monsegur gia nhập vào nhóm nầy với bí danh Sabu. Và chính anh đã tiết lộ tin tức để bắt giữ tin tặc nổi tiếng nhất là Jeremy Hammond, đã tấn công vào công ty tình báo được bảo mật hàng đầu của Mỹ là Stratfor.

7* Thành viên chủ chốt của nhóm tin tặc Anonymous đã từng bị FBI bắt giữ.

7.1. Tin tặc Jeremy Hammond


   Hacker Jeremy Hammond

Tạp chí Rolling Stone thuật lại vụ bắt giữ hacker Jeremy Hammond, một thành viên cốt cán của Anonymous, có bí danh là Sup_g.

Ngày 5-3-2012, hơn một chục cảnh sát đột nhập vào một ngôi nhà nhỏ ở phía tây nam Chicago, bang Illinois, bắt giữ tin tặc Jeremy Hammond.
Tin tặc có bí danh Sup_g đã đột nhập vào chiếm máy chủ của công ty tình báo Strategic Forecast, viết tắt là Stratfor, chiếm được một kho báu tài liệu rất có giá trị của công ty nầy bao gồm: mật khẩu, dữ liệu tín dụng chưa được mã hóa, danh sách các khách hàng, nhưng đặc biệt nhất là chiếm 860,000 email với hơn 3,000 thông điệp mang nội dung mật, nhạy cảm, và địa chỉ nhà riêng của hơn 4,000 cá nhân trong danh sách khách hàng tối mật.

Anonymous đã nắm trong tay 200GB dữ liệu. Và đồng thời để lại trên trang web của công ty Stratfor: “Thảm họa không phải sắp xuất hiện. Nó đã ở đây rồi”.

7.2. Công ty tình báo Strategic Forecast

Vụ tấn công vào Strafor được xem như một quả bom nguyên tử đã nổ ra trong thế giới kỹ thuật số (Digital).

Stratfor là công ty tình báo tư nhân chuyên cung cấp những phân tích chiến lược về quân sự, kinh tế, chính trị cho các khách hàng như Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, LHQ. Ngoài ra công ty nầy còn cung cấp các dịch vụ bảo mật cho các công ty hàng đầu nước Mỹ như Raytheon, Dow Chemical, tập đoàn Lockheed Martin, Ngân hàng Quốc gia Hoa Kỳ, hãng Apple, sở Cảnh sát Miami và cả Không Quân Hoa Kỳ nữa.

Hàng ngày, công ty này phát hành một bài viết liên quan tới các vấn đề an ninh và tình báo trên khắp thế giới. Khách hàng của Stratfor bao gồm Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, tập đoàn Lockheed Martin và ngân hàng quốc gia Mỹ.
Công ty Stratfor nhanh chóng phủ nhận việc nầy, nhưng tin tặc đã tung lên internet hai danh sách dữ liệu chứa tổng cộng 17,147 chi tiết mật của khách hàng để chứng minh.

Nhóm tin tặc nầy còn có dự định dùng thẻ tín dụng lấy được để tặng cho các cơ quan từ thiện như CARE và hội Chữ Thập Đỏ Hoa Kỳ.

Jeremy Hammond sinh ngày 8-1-1985 tại Chicago, bang Illinois. Tháng 11 năm 2013 bị kết án 10 năm tù về tội tấn công công ty Stratfor và cung cấp tài liệu mật cho trang Wikileaks của Julian Assange.

Hammond vừa là một nhà hoạt động chính trị, một nhạc sĩ và làm tin tặc. Đã ăn cắp 60,000 thẻ tín dụng và thông tin cá nhân của 860,000 khách hàng của Stratfor.

Hammond say mê máy tính từ lúc còn trẻ. Năm 8 tuổi lập trình (Computer programmer) trò chơi bằng Qbasic. Năm 13 tuổi lập ra cơ sở dữ liệu (Database). Năm 2003 (18 tuổi) sáng lập ra trang web đào tạo bảo mật máy tính tên HackThisSite.

Jeremy Hammond bị bắt giữ do tin tặc Hector Xavier Monsegur bí danh là Sabu, là một tin tặc trong nhóm Anonymous, đã hợp tác với FBI chỉ điểm để bắt giữ.

Cái đau nhất của công ty chuyên cung cấp dịch vụ chống tin tặc, bảo vệ an ninh máy tính mà bị chính tin tặc tấn công thì khó ăn nói với khách hàng.

8* Nhóm tin tặc Lulz Security (LulzSec)

LulzSec là nhóm hacker được thành lập năm 2011. Mục tiêu tấn công đầu tiên của nhóm nầy là đài PBS (Public Broadcasting Service) để lấy trộm dữ liệu của người dùng PBS và tải lên internet câu chuyện bịa, kể rằng ngôi sao nhạc rap Tupac Shakur vẫn còn sống và hiện đang ở New Zealand. Sau đó, CNN đăng lại câu chuyện nầy và trở thành nạn nhân làm trò cười của nhóm LulzSec.

LulzSec nhận trách nhiệm nhiều cuộc tấn công trong đó có việc tấn công vào mạng lưới PlayStation của Sony, và đã lấy đi một triệu tài khoản của người sử dụng.

LulzSec cho biết mục đích của cuộc tấn công là để phản đối công ty Sony đã tiến hành vụ kiện chống lại hacker nổi tiếng nhất thế giới tên là George Hotz.

Những cuộc tấn công khác là InfraGard, đối tác của FBI, và vụ tấn công vào Thượng Viện Mỹ, với lý do là đã thông qua dự luật “Tấn công mạng là hành vi chiến tranh” do Nhà Trắng chuyển đến.

Sau khi tấn công, đã để lại một thông điệp “Đây chỉ là một cuộc tấn công nhỏ, chỉ phát tán một số dữ liệu nội bộ của trang Senate.gov. Vậy có phải là một hành vi chiến tranh không, thưa quý ngài?”

Ngoài ra, nhóm nầy cũng đã tấn công vào Bethesda Softworks, Nintendo và Fox News.

9* Các tin tặc trẻ Việt Nam biến thành “đạo tặc”

9.1. Hacker Việt bị dụ ra nước ngoài để thộp cổ
      

  Phiên tòa xử Hiếu ở tiểu bang New Hampshire

1. Quá trình lừa đảo

Năm 2013, nhiều trang web trong nước và cả thế giới đồng loạt đưa tin về Ngô Minh Hiếu, một tin tặc trẻ tuổi ở Việt Nam, đã bị đặc vụ liên bang Mỹ bắt giữ vào ngày 18-10-2013.

Hiếu đã cầm đầu một đường dây đánh cắp thông tin cá nhân của những người dùng internet quốc tế, có quy mô cực lớn. Bí danh của Hiếu là “hieupc” và “traztaz659” , đã đánh cắp thông tin cá nhân của 500,000 công dân Mỹ và bán cho 1,300 khách hàng trên thế giới thông qua các trang mạng do Hiếu điều hành.

Bộ Tư Pháp Mỹ cho biết, Hiếu đã điều hành một số website và các diễn đàn mua bán thông tin cá nhân như Superget.info và Findget.me. Hiếu đã tạo ra nhiều tài khoản ảo về dịch vụ tài chánh để nhận tiền.

Hiếu cũng đã giúp giới tội phạm gian lận khoảng 65 triệu USD.
Bản cáo trạng cho biết, Hiếu và đồng bọn thường bán trọn gói những thông tin rất lớn.

Ngày 18-11-2011, nhóm nầy chào hàng một gói 4,000 thẻ tín dụng với giá 4,600 USD và 500 USD tiền phí máy chủ (server).

Ngày 26-11-2011, một gói 22,000 thẻ tín dụng với giá 5,000 USD. Và một gói 50,000 thông tin về thẻ tín dụng với giá 10,000 USD.

Ngô Minh Hiếu đã thu 2 triệu USD trong thời gian từ 2007 đến ngày bị bắt năm 2013.

Đặc vụ Mỹ thực hiện một kế hoạch dụ Hiếu ra khỏi Việt Nam bằng một đề nghị hợp tác làm ăn lớn.

Ngày 18-10-2013, khi Hiếu đến đảo Guam thì bị thộp cổ. Ngày 14-7-2015, tại phiên tòa ở bang New Hampshire, Hiếu bị buộc 15 tội danh và nhận 13 năm tù giam ở Mỹ.

2. Tiểu sử Ngô Minh Hiếu

Ngô Minh Hiếu sinh ngày 8-10-1989 tại Gia Rai. Từng theo học tại Học Viện Công Nghệ Unitec ở Auckland, New Zealand từ 2008 đến 2009. Hiếu đã có tiền án ở New Zealand về tội lừa đảo tín dụng.

Siêu tin tặc Việt Nam, Ngô Minh Hiếu đã đổi 2 triệu USD để lấy 13 năm tù giam ở Mỹ.

9.2. Bốn tin tặc trẻ Việt Nam trộm 100,000 thẻ tín dụng ở Anh

Năm 2010, Bộ Công An Việt Nam cho biết họ đã phối hợp với cảnh sát Anh, khám phá vụ 4 tin tặc trẻ Việt Nam đã đột nhập đánh cắp khoảng 100,000 thẻ tín dụng ở các ngân hàng Anh.

Bốn đối tượng gồm Lê Đăng Khoa, Nguyễn Ngọc Lâm, Nguyễn Ngọc Thanh và Nguyễn Đình Nghị đều sống tại Hà Nội.

Bốn tin tặc trẻ tuổi nầy thú nhận họ đã đột nhập vào hệ thống các ngân hàng Anh, và biến những tài khoản tín dụng của người khác trở thành của họ để ăn cắp tiền.

Để tránh bị phát hiện, họ lấy tiền nhiều lần với những số tiền không lớn lắm. Đồng thời không trực tiếp đứng ra nhận tiền mà thuê người khác dùng thẻ CMND để rút tiền ra từ các chương mục ngân hàng. Ngoài ra, họ còn mua sắm những món hàng đắt giá như máy tính xách tay và các món hàng khác được gởi qua đường bưu điện.

10* Kết luận

Để đối phó với các tin tặc, Hoa Kỳ đã thành lập thêm Bộ Tư Lịnh Không Gian Ảo (USCYBERCOM=United States Cyber Command), chủ yếu là để chống lại tin tặc Trung cộng. Những nhóm như Anonymous, Cicada 3301 không đe dọa cho an ninh của nước Mỹ như Trung cộng.

Hoa Kỳ đã có 6 Bộ tư lịnh vùng (Geographic command)

1.     U.S. Central Command (USCENTCOM). Phụ trách quân sự Vùng Vịnh (Trung Đông)

2.     European Command (EUCOM). Bộ Tư Lịnh Âu Châu.

3.     Africa Command (AFRICOM) Bộ Tư Lịnh Phi Châu.

4.     Northern Command (USNORTHCOM). Phụ trách Alaska, Canada, Mexico.

5.     U.S.Southern Command (USSOUTHCOM). Trung Mỹ, Nam Mỹ và vùng biển Caribbean.

6.     U.S. Pacific Command (USPACOM). Bộ Tư Lịnh Thái Bình Dương

Trúc Giang

Minnesota ngày 9-10-2016