12.11.2016

Tân Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump – Chính sách đối ngoại

Tân Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump – Chính sách đối ngoại


Cố vấn an ninh: Trump xem Nhật là đồng minh đẩy lùi TC
Tổng thống tân cử của Mỹ Donald Trump.

Cuộc họp tuần tới giữa Tổng thống tân cử của Mỹ, Donald Trump với Thủ tướng Nhật, Shinzo Abe, có thể đánh dấu bước đầu các cuộc thảo luận để huy động sự hậu thuẫn của Nhật nhằm đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung cộng tại châu Á, một cố vấn an ninh của ông Trump cho biết.


Những phát biểu của ông Trump trong chiến dịch tranh cử, trong đó có yêu cầu Nhật chi trả thêm tiền để duy trì lực lượng Mỹ trên lãnh thổ Nhật, đã khiến Tokyo quan ngại về sự rạn nứt trong đồng minh an ninh với Washington trước một Trung cộng trỗi dậy và một Bắc Triều Tiên khó lường.

Thủ tướng Nhật sẽ gặp ông Trump tại New York vào thứ năm tuần tới trước khi tham dự thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương tại Peru.
Cố vấn của ông Trump không muốn nêu tên nói với Reuters rằng ông Trump trông đợi Nhật ‘đóng vai trò tích cực hơn tại châu Á.’

Các tư lệnh cao cấp của hải quân Hoa Kỳ đã ngỏ ý hoan nghênh các cuộc tuần tra trên không và trên biển chung với quân đội Nhật tại Biển Đông, trong khi Tokyo tỏ dấu hiệu muốn hỗ trợ các nước trong khu vực có tranh chấp với Trung cộng như Việt Nam hay Phi Luật Tân.

Trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Trump sẽ đệ trình một ngân sách tài trợ cho việc xây dựng hàng chục tàu chiến mới, vị cố vấn ẩn danh cho biết.

Ông nói thêm rằng việc này sẽ gửi thông điệp cho Bắc Kinh và các đồng minh của Mỹ như Nhật, Hàn Quốc và các nước khác rằng Hoa Kỳ có ý định hiện diện ở châu Á lâu dài.

Ông Abe trong cuộc gặp sắp tới tại New York với tân Tổng thống Mỹ có phần chắc sẽ muốn bắt đầu xây dựng một mối quan hệ có thể đưa tới cái nhìn chung về thế giới, một người thân cận với Thủ tướng Abe cho biết.



Donald Trump nói với Thủ Tướng Anh Quốc: Tôi muốn quan hệ đặc biệt kiểu Reagan-Thatcher.

 Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng nước Anh Theresa May. Ảnh: Reuters.

Trong cuộc điện đàm đầu tiên với nữ Thủ tướng Anh Quốc, sau khi thắng cử, Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với bà Theresa May rằng: Ông muốn làm sống lại mối quan hệ gần gũi xuyên Đại Tây Dương  đã từng đạt được dưới thời hai cựu Lãnh đạo đáng kính Margaret Thatcher, và Ronald Reagan !.

Theo truyền thông xứ sở sương mù: trong cuộc điện thoại kéo dài 10 phút hôm 10-11, ông Trump đã nói rằng: nước Anh có một vị trí “rất, rất đặt biệt đối với tôi và đất nước tôi !”. Ông chủ mới của  Tòa Bạch Ốc cũng mở lời mời bà Theresa May tới thăm ông ở Washington càng sớm càng tốt !.

Theo các nguồn tin của Downing Street: vị tân Tổng thống vốn là một Đại gia bất động sản còn bày tỏ hy vọng sẽ hồi sinh lại quan hệ Anh-Mỹ gần gũi từng thống trị phương Tây trong suốt những năm 1980 !.

Ông Trump nói rõ rằng: ông muốn có quan hệ cá nhân tốt, thậm chí ông còn sử dụng cụm từ “quan hệ Reagan-Thatcher” để nhấn mạnh mong muốn của mình nữa !.

  Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với bà Theresa May rằng: ông muốn làm sống lại mối quan hệ gần gũi xuyên Đại Tây Dương từng đạt được dưới thời hai cựu Lãnh đạo đáng kính Margaret Thatcher, và Ronald Reagan. Ảnh Reuters.

Và khi cuộc gọi cuối cùng cùng được sắp xếp và lúc 13 giờ 45, theo giờ London. Văn phòng Thủ tướng nước Anh cho biết: hai nhà Lãnh đạo đã gọi quan hệ Anh-Mỹ là “rất quan trọng và đặc biệt” !. Một người Phát ngôn nói thêm rằng: ông Trump nói: ông tự tin mối quan hệ đặc biệt này sẽ ngày càng vững mạnh hơn nữa !.

Trong khi đó: bà May nêu bật mong muốn tăng cường quan hệ thương mại, và đầu tư song phương với Mỹ, khi nước Anh rời khỏi EU. Nữ Thủ tướng Anh Quốc cũng hối thúc ông Trump thực hiện các cam kết hành động, để hàn gắn những chia rẽ nổi rõ trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ trước đó.



Tổng thống đắc cử Donald Trump, TPP và Việt Nam

Mặc Lâm (RFA) 
Tổng thống đắc cử Donald Trump phát biểu mừng chiến thắng rạng sáng ngày 9/11/2016 tại New York.  AFP

Tổng thống đắc cử Donald Trump từng khẳng định sẽ bác bỏ TPP nếu ông lên cầm quyền. Điều này gây bất lợi rất lớn cho Việt Nam trong vấn đề giao dịch thương mại với Hoa Kỳ cũng như xuất khẩu sẽ bị áp thuế qua các biện pháp kỹ thuật của Mỹ. Mặc Lâm phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, nguyên giám đốc Viện Nghiên Cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. Thành viên UB chính sách phát triển LHQ, để biết thêm ý kiến của một chuyên gia về vấn đề này.

Không dễ hủy Hiệp định TPP?

Mặc Lâm: Thưa TS Lê Đăng Doanh, Tổng thống đắc cử Donald Trump từng tuyên bố sẽ không chấp nhận TPP vì hiệp ước này làm cho Hoa Kỳ bất lợi. Điều này gây ra một phản ứng kinh tế tiêu cực nhất là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Theo ông thì tuyên bố này của ông Trump được thực hiện như thế nào và có phần trăm nào ông ta sẽ đổi ý hay không?

TS Lê Đăng Doanh: Trước nhất việc ông Donald Trump được bầu lên làm Tổng thống chắc chắn sẽ gây nên nhiều xáo động kể cả tại Hoa Kỳ cũng như trong quan hệ quốc tế về nhiều mặt. Nhưng cũng phải nói rằng ông Trump đã nói một đằng và lại thay đổi hành động của mình một cách rất nhanh chóng. Thí dụ như trong website của ông ấy thì cái đoạn chống người hồi giáo đã bị cắt đi. Rồi việc ông ấy nói chuyện với nữ Tổng thống Hàn quốc ông ấy đã thay đổi hẳn 180 độ về việc ông ấy dọa là sẽ rút quân, không thực hiện các cam kết và đòi bất cứ nước nào cũng phải tự bảo vệ mình. Tất cả những việc ấy đã thay đổi lập tức sau khi hai bên nói chuyện trong 10 phút.

Vì vậy nên tôi có hy vọng mong manh rằng những tuyên bố của ông Trump sẽ không được thực hiện hoàn toàn và trong đó tôi cũng hy vọng rằng việc ông Trump hủy Hiệp định Xuyên Thái bình dương (TPP) sẽ không phải dễ dàng bởi vì Hạ Nghị viện Nhật Bản vừa thông qua và sắp tới đây Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe cũng sẽ sang thăm Hoa Kỳ và như vậy hai bên sẽ trao đổi với nhau.

Tôi hy vọng những người bên Thượng Viện cũng như Hạ viện sẽ có những người có uy tín quan tâm về những điều mà ông ấy định làm và làm cho chính sách của ông ta nó không quá đến nỗi bị thay đổi một cách đột ngột như những lời ông từng tuyên bố, thí dụ như xây bức tường với Mexico đấy là điều mà tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ khó thực hiện được.

Mặc Lâm: Vâng thưa TS đối với ông Trump thì quan điểm của ông ấy là bảo vệ công ăn việc làm của người Mỹ mà không đem nó ra ngoại quốc bằng cách sẽ áp dụng việc phòng vệ thương mại cho nước Mỹ. Nếu ông Trump vẫn quyết định theo đuổi quan điểm chống TPP thì theo TS Việt Nam phải đối phó như thế nào để sống còn trong giai đoạn khó khăn này?

TS Lê Đăng Doanh: Dĩ nhiên nếu ông Trump áp dụng một loạt các biện pháp không ủng hộ tự do hóa thương mại thì ông ấy cũng sẽ phản đối các biện pháp mà vừa rồi Tổ chức Thương Mại Thế giới đã có thống nhất và Hoa Kỳ cũng nhất trí tức là hiệp định tạo thuận lợi cho thương mại tôi cũng không hiểu rằng lúc đó ông Trump sẽ làm gì.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh. File photo

Dĩ nhiên xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn và phải nói rằng là hiện nay Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam đang có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ. Nếu yếu tố đó mất đi hay chí ít là giảm đi thì đấy là khó khăn đối với Việt Nam trong thời gian tới đây.

Mặc Lâm: Vâng trong trường hợp Hoa Kỳ quay lưng và từ chối cho Việt Nam có cơ hội như TS vừa phân tích thì Việt Nam phải tìm một con đường khác để sống còn chẳng hạn như quay lại với Trung cộng hay với EU hay ngay cả Nhật Bản? Theo TS thì trong hai con đường ấy con đường nào có lợi cho Việt Nam trong giai đọan sắp tới?

TS Lê Đăng Doanh: Nền kinh tế Việt Nam và nền kinh tế Hoa Kỳ bổ xung cho nhau tức là những cái Việt Nam sản xuất mà Hoa Kỳ nhập khẩu có lợi cho Hoa Kỳ rất nhiều, có lợi cho người tiêu dùng Hoa Kỳ và Hoa Kỳ có thể sử dụng lao động của họ để làm các công việc có giá trị gia tăng cao hơn. 
Nếu như Việt Nam và Hoa Kỳ không tiếp tục có được quan hệ thương mại thuận lợi thì tôi nghĩ Việt Nam sẽ tăng cường thương mại với Nhật Bản bởi vì kinh tế Nhật Bản và kinh tế Việt Nam cũng bổ xung cho nhau và Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh mối quan hệ với Liên minh Châu Âu bởi vì kinh tế Việt Nam và kinh tế Liên Minh Châu Âu cũng bổ xung cho nhau.

Còn kinh tế Việt Nam và kinh tế Trung cộng thì hiện nay đang có yếu tố cạnh tranh thí dụ như Trung cộng hiện nay đang quá thừa thép và xi măng cho nên họ sẽ tìm cách xuất khẩu thép và xi măng sang các nước khác. Vừa rồi Trung cộng đã có đụng độ về thép đối với Hoa Kỳ và EU.

Quan hệ kinh tế và quan hệ cơ cấu giữa Việt Nam và Trung cộng có phần bổ xung cho nhau nhưng cũng có phần cạnh tranh với nhau bởi vì hai nước có trình độ phát triển kinh tế có những nét tương đồng với nhau. Trung cộng có điều kiện cho nên họ có thể cho Việt Nam vay để rồi sau khi vay Việt nam phải mua thép mua xi măng của Trung cộng và thậm chí thuê cả nhân công của Trung cộng mà đấy là điều mà người ta phải suy nghĩ. Cho đến nay Việt Nam đã học được bài học vay vốn của Trung cộng trên giấy tờ thì rẻ nhưng thực tế lại rất đắt.

Mặc Lâm: Xin cám ơn TS.



Donald Trump: Chiến tranh thương mại Mỹ Trung ?

RFI 

Cảnh hải cảng nước sâu Vương Sơn, khu tự do mậu dịch Thượng Hải. Ảnh chụp ngày 24/09/2016.Reuters

Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ Donald Trump chưa bước vào Tòa Bạch Ốc, mà những tiên đoán tiêu cực đã vang lên, nhất là trên bình diện đối ngoại và kinh tế. Giáo sư Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) trường Claremont McKenna College (Hoa Kỳ) đã nhìn thấy rằng : « Chiến tranh thương mại với Trung cộng hoàn toàn có thể nổ ra thời Donald Trump », tựa một bài nhận định trên báo Mỹ Fortune ngày 10/11/216.

 Đối với ông Bùi Mẫn Hân, vị tổng thống Mỹ vừa đắc cử đã từng tỏ lập trường cứng rắn về mặt thương mại, do vậy quan hệ Mỹ Trung có nguy cơ sắp phải trải qua một thời kỳ thử thách căng thẳng. Điều này sẽ kéo theo những hậu quả tiêu cực sâu sắc cho hòa bình và thịnh vượng chung.
Dấu hiệu khởi động cho vòng xoáy lao dốc trong quan hệ Mỹ -Trung cộng mà các chính quyền của cả đảng Cộng Hòa lẫn Dân Chủ đều nuôi dưỡng một cách cẩn thận từ nhiều thập niên qua, gần như chắc chắn sẽ là cuộc chiến thương mại.

Một trọng tâm trong chiến dịch tranh cử mang lại thắng lợi cho Donald Trump là bảo hộ mậu dịch. Để tranh thủ giới công nhân của nước Mỹ, ông Trump đã hứa, bên cạnh nhiều vấn đề khác, là sẽ bãi bỏ các hiệp định thương mại và đơn phương áp đặt thuế quan. Đối với Trung cộng ông đã hé lộ ý muốn đánh thuế cao đến 45% trên hàng nhập từ Trung cộng.

Nếu Donald Trump thực hiện những gì đã chủ trương lúc vận động tranh cử, xuất khẩu của Trung cộng sang Mỹ, trị giá 483 tỷ đô la năm 2015, sẽ bị sụp đổ. Xuất khẩu của Mỹ sang Trung cộng ước tính 116 tỷ đô la năm 2015, cũng sẽ suy sụp do bị Trung cộng trả đũa.

Hậu quả kinh tế của một cuộc chiến thương mại như thế sẽ không chỉ giới hạn ở kinh tế Mỹ và Trung cộng. Đến 35% xuất khẩu Trung cộng năm 2015 là « thương mại lắp ráp » (Trung cộng nhập linh kiện từ các nước khác, lắp ráp để xuất khẩu), và trong số hàng xuất sang Mỹ năm 2015, có đến 169 tỷ đô la trong thực tế là trị giá hàng nhập từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan v.v… Như vậy, rõ ràng là các quốc gia đó, những đối tác thương mại quan trọng của Mỹ đều sẽ bị liên lụy.

Đầu tư Trung cộng ở Mỹ bị hạn chế hơn

Bên cạnh chiến tranh thương mại, quan hệ kinh tế Mỹ Trung thời Trump còn bị một tác động khác nữa : đầu tư Trung cộng vào Mỹ sẽ bị hạn chế hơn. Chế độ bảo hộ mậu dịch có thể mở rộng qua lãnh vực đầu tư, giới hạn việc Trung cộng mua công nghệ học và các công ty Mỹ để khỏi tác hại đến công việc làm của người Mỹ.

Triển vọng về một hiệp định đầu tư song phương Mỹ - Trung (BTT) bây giờ xem ra rất xa vời.

Việc thương mại và đầu tư - hai cột trụ trong quan hệ Mỹ Trung - bị tháo gỡ, sẽ có những hậu quả dây chuyền trên những địa hạt khác, đặc biệt là trên vấn đề an ninh khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Dù phô trương cơ bắp ở Biển Đông, nhưng chính sách an ninh Đông Á của Trung cộng luôn bị quan hệ kinh tế Mỹ Trung kềm hãm. Nhưng khi thương mại hai bên không còn lợi lộc gì nữa, thì Trung cộng sẽ bớt tự kềm chế trong việc thách thức quyền lợi an ninh Mỹ ở Đông Á.

Lãnh đạo Trung cộng lại càng có thể hành động như vậy, khi họ được các lập luận của Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử khuyến khích : Donald Trump muốn giảm bớt các cam kết an ninh của Mỹ đối với các đồng minh Châu Á. 

Và Trung cộng có thể là sẽ rất muốn thử nghiệm xem chính quyền Trump có thực sự tôn trọng những cam kết bảo đảm an ninh từ lâu đời của Mỹ đối với các bạn bè và đồng minh ở Đông Á. Với khả năng là Trump sẽ xóa bỏ chiến lược xoay trục sang Châu Á của Barack Obama – bao gồm hiệp định TPP trong tín cách là như trụ cột kinh tế - lãnh đạo Trung cộng sẽ mạnh dạn hơn trong việc thách thức sự hiện diện của Mỹ ở Châu Á.

Mỹ-Trung có thể đối đầu quân sự vì Biển Đông và Đài Loan

Dưới thời tổng thống Obama, Hoa Kỳ đã nỗ lực chống lại yêu sách chủ quyền đơn phương của Trung cộng ở Biển Đông. Nếu mà Trump cho rằng Mỹ không có gì để dấn thân vào Biển Đông, thì Trung cộng sẽ tiếp tục leo thang, như xây dựng cơ sở quân sự hay thăm dò dầu khí, leo thang đối đầu với Việt Nam hay Philippines.

Do việc có hơn 5 ngàn tỷ đô la thương mại qua lại vùng Biển Đông, một cuộc đối đầu quân sự hay quyền kiểm soát thực tế của Trung cộng trên vùng này sẽ tác động nghiêm trọng đến lợi ích an ninh của Mỹ.

Điểm nóng khác là Đài Loan : Quan hệ Bắc Kinh – Đài Bắc đã xấu đi sau khi đảng Dân Tiến theo xu hướng độc lập trở lại nắm quốc hội và giành được chức tổng thống với bà Thái Anh Văn. Washington vẫn duy trì chính sách tế nhị ‘Một nước Trung Hoa duy nhất’ trong quan hệ chính thức với Trung cộng, nhưng vẫn tôn trọng những cam kết với Đài loan trên vấn đề an ninh.

Mối hiểm nguy là Trump, vì không có hiểu biết hay kinh nghiệm trong lãnh vực này, có thể nói hay làm một cái gì đấy khiến Trung cộng cảm nhận đó là một thay đổi cơ bản về đường lối. Nhất là khi Trump rất ghét duy trì những cam kết an ninh của Mỹ ở Đông Á, và điều này có thể làm Bắc Kinh hiểu lầm là Hoa Kỳ muốn bỏ Đài Loan.

Cách diễn giải đó có thể khiến Bắc Kinh hù dọa Đài loan bằng vũ lực để thử ý chí của Trump và như thế gây nên một cuộc khủng hoảng.

Trước khi Trump giành thắng lợi vẻ vang, theo đánh giá chung, bà Hillary sẽ có đương lối cứng rắn hơn Trump đối với Bắc Kinh.

Nhưng bây giờ lại là Trump vào Tòa Bạch Ốc, với một đường lối đơn thuần một bên là bảo hộ mậu dịch và bên kia là xóa bỏ những cam kết từ lâu về an ninh. Nếu không có gì khác, thì đó chính là mầm mống gây nên xung đột.