23.11.2016

TPP

TPP

Trung cộng hưởng lợi từ quyết định rút khỏi TPP của Mỹ

Hình tư liệu - Các nông dân tham gia biểu tình chống lại việc Nhật Bản tham gia đàm phán TPP ở Tokyo.

Quyết định của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump rút khỏi Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương 12 quốc gia, hay TPP, từ bỏ một thỏa thuận thương mại quy mô lớn mà là một cột trụ chính yếu của chính sách tái giao tiếp với các quốc gia châu Á của Tổng thống Barack Obama.


Ông Trump nói rằng thay vì một thỏa thuận bao gồm khoảng 40% thương mại thế giới, ông dự định sẽ đàm phán từng thỏa thuận thương mại riêng rẽ mà sẽ có lợi hơn cho người lao động Mỹ. Đối với những nước ở châu Á, các nhà phân tích nói rằng từ bỏ thỏa thuận này sẽ mở ra những cơ hội thương mại mới cho Trung cộng, nước không tham gia TPP.

Những nhà đàm phán đã làm việc suốt bảy năm qua để hoàn tất TPP. Những người ủng hộ nói rằng TPP sẽ khuyến khích thương mại nhiều hơn giữa 12 quốc gia, nâng cao thu nhập của người lao động, áp dụng những biện pháp bảo hộ quan trọng đối với quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lao động và tích hợp những biện pháp bảo vệ môi trường. Những người chỉ trích cáo buộc thỏa thuận này, vốn được đàm phán bí mật, làm lợi quá mức cho những tập đoàn toàn cầu, và minh định những hạn chế nghiêm ngặt về quyền sở hữu trí tuệ.

Không chỉ là hiệp định thương mại

Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một viện nghiên cứu chính sách ở Washington, đã hậu thuẫn TPP trong một báo cáo công bố tháng này. Báo cáo nói rằng hiệp định này "sẽ có lợi cho những nhà sản xuất với một sân chơi bình đẳng hơn ở châu Á," thúc đẩy hàng xuất khẩu của Mỹ, đặc biệt là nông sản. Dù một số việc làm tại Mỹ có thể rơi vào tay người lao động nước ngoài, những người ủng hộ TPP lập luận rằng thỏa thuận này nhìn chung tốt hơn cho người Mỹ, bởi vì nó sẽ dẫn tới giá cả thấp hơn cho hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu.

Bản báo cáo, trích dẫn nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Petersen, nói rằng TPP cung cấp 78 tỉ đôla lợi nhuận tiềm năng hàng năm cho nền kinh tế Mỹ.

Gareth Leather, nhà kinh tế cao cấp chuyên về châu Á tại công ty nghiên cứu Capital Economics ở London, gọi sự suy thoái của TPP là "một đòn giáng vào triển vọng kinh tế của những nền kinh tế đang trỗi dậy ở châu Á, với bất kỳ lợi ích nào từ một thỏa thuận thương mại khu vực do Trung cộng dẫn đầu "có thể sẽ nhỏ hơn nhiều."

Một công nhân làm việc ở nhà máy sản xuất giầy da cừu Ugg ở Úc, ngày 26 tháng 10 năm 2016.

Carl Thayer, nhà khoa học chính trị tại Đại học New South Wales của Úc, nhận định quyết định của ông Trump có thể gây tổn hại cho mối quan hệ của Mỹ, đặc biệt là với những đồng minh chủ chốt như Nhật Bản và Úc, cũng như Việt Nam.

Ông Thayer nói rằng TPP "trên thực tế đang thoi thóp, nếu không phải là đã chết" với việc ông Trump phớt lờ lời kêu gọi của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và của những nhà lãnh đạo khác xúc tiến hiệp định này.

"Việc này có nghĩa là những lời khẩn nài của Thủ tướng [Úc Malcolm] Turnbull và của ông Abe vừa bị phớt lờ. [Mặc dù] ông Turnbull cho rằng hiệp định có thể được thương thuyết lại," ông Thayer nói.

Tin tức cho hay ông Abe đã đầu tư "nguồn lực chính trị đáng kể" vào việc thúc đẩy thỏa thuận này, được ký kết vào tháng 10 năm 2015 và vấp phải sự chống đối kịch liệt từ "giới vận động hành lang ngành nông nghiệp có nhiều ảnh hưởng."

Ông Thayer nói TPP còn hơn là một hiệp định thương mại.

"Việc này có nghĩa là 11 nước về mặt lý thuyết đang chới với. Nó không chỉ là một hiệp định thương mại; nó là một hiệp định thương mại bao gồm những dịch vụ và quyền sở hữu trí tuệ, những vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu. Đó là một tiêu chuẩn rất cao và Trung cộng bị loại khỏi thỏa thuận này. Trung cộng không thể nào đáp ứng được những tiêu chuẩn này," ông nói với VOA.

Pavida Pananond, giáo sư về kinh doanh quốc tế tại Đại học Thammasat của Thái Lan, cho biết quyết định rút lui của Mỹ gây lo ngại về xung đột thương mại tiềm năng, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung cộng. Hôm thứ Ba, tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung cộng cho biết trong một bài xã luận rằng mối quan hệ Trung-Mỹ "quá lớn không thể sụp đổ được."
Bà Pavida nói một tác động lớn nằm ở nhận thức về địa vị của Mỹ trong cuộc tranh luận về thương mại toàn cầu.

"Nếu không có TPP, những gì thực sự sẽ xảy ra sẽ là vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khái niệm toàn cầu hóa, và rồi thương mại khu vực và đa phương sẽ chứng kiến vai trò Mỹ bị suy yếu từ một nước lãnh đạo, có những quy tắc và quy định chung cho thương mại và phát triển," bà nói với VOA.

Mỹ thu mình, Trung cộng bành trướng

Nhà kinh tế Leather của công ty Capital Economics nói rằng Việt Nam và Mã Lai sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc TPP không đi vào hiệu lực.

Các công nhân làm việc tại xưởng may ở Bắc Giang, Việt Nam, ngày 21 tháng 10 năm 2015.

Dù đang được tiếp cận thị trường Mỹ với mức thuế quan thấp, những lợi ích chính nằm ở việc loại bỏ những rào cản phi thương mại, bao gồm những quy định về việc mua sắm của chính phủ, những hạn chế đầu tư và những khoản trợ giá ẩn.

Ông Thayer nói Việt Nam sẽ đặc biệt lo ngại về nhu cầu tiếp cận thị trường Mỹ, nước mà Việt Nam có thặng dư thương mại 30 tỉ đôla trong khi có thâm hụt 32 tỉ đôla với Trung cộng.

"Đối với trường hợp của Việt Nam, đây sẽ là một nỗi thất vọng cay đắng. [Nhưng] quốc hội đã tránh để bị mất mặt bằng cách liên tục đình hoãn việc phê chuẩn TPP, trong khi Mã Lai là nước đầu tiên vội vàng phê chuẩn TPP, vì thế họ sẽ chịu thiệt thòi," ông nói.

Giới chức Bộ Thương mại Quốc tế của Mã Lai gần đây cho biết tới một triệu công ăn việc làm lẽ ra sẽ được được tạo ra nếu TPP đi vào hiệu lực.
Các quan chức nói rằng Mã Lai sẽ tìm kiếm những cơ hội thương mại khác, thông qua Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và những hiệp định thương mại tự do với Úc, Trung cộng, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Tân Tây Lan.

Triphon Phumiwasana, một đối tác với công ty đầu tư Hatton Capital, cho biết Trung cộng đang mở rộng thương mại ở châu Á-Thái Bình Dương.
"Trung cộng có lợi ích trong việc mở rộng thương mại. Họ sẽ tiếp tục vun đắp những mối quan hệ với khu vực Đông Nam Á. Họ có lợi khi làm việc này vì Mỹ đang tập trung vào những vấn đề đối nội. Trung cộng đang nhìn ra ngoài," ông Triphon nói.

Capital Economics nói sự thoái lui của Mỹ đã mở đường cho Trung cộng mở rộng ảnh hưởng của mình. "Những mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung cộng có thể tạo nên sức đẩy lớn hơn cho phần còn lại của châu Á," nhà kinh tế Leather nói.

Trung cộng dự kiến sẽ xúc tiến thỏa thuận thương mại tự do khu vực, mang tên Quan hệ Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bao gồm các quốc gia ASEAN, cũng như Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc nhưng không có Mỹ.
Dù Philippines, Thái Lan và Hàn Quốc sẽ hưởng lợi từ triển vọng được cải thiện từ thỏa thuận RCEP, bất kỳ tổn thất nào từ TPP "khó có thể bù đắp đầy đủ bằng lợi ích từ RCEP," ông Leather nói.

 VOA

Phản ứng từ lãnh đạo thế giới sau khi Trump bỏ TPP

Image copyright GETTY IMAGES Image caption Liệu Trump đã thực sự khai tử hiệp định TPP chưa?

Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ, ông Donald Trump vừa tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào ngày đầu tiên ông nhậm chức. Sau đây là một số phản ứng về động thái này.

Hiệp định TPP được ký kết bởi 12 nước, chiếm 40% các nền kinh tế thế giới, nhưng hiệp định này vẫn chưa được phê chuẩn.

Cuộc họp của lãnh đạo các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương tại Peru vào cuối tuần vừa qua đã ra tuyên bố sẽ theo đuổi đến cùng hiệp định thương mại này bất chấp sự phản đối của ông Trump.

Vậy nếu Mỹ rút khỏi TPP, tương lai của TPP sẽ ra sao?

Malcolm Turnbull, Thủ tướng Úc

Thời gian sẽ trả lời liệu chính quyền và quốc hội mới có giải quyết hay không hoặc giải quyết đến mức độ nào đối với TPP hay một phiên bản cao cấp hơn của hiệp định này. Có nhiều sự ủng hộ giữa 11 nước tham gia TPP để phê chuẩn và đưa hiệp định này vào hiệu lực.

Ông Trump và Quốc hội mới của mình đưa ra quyết định vì lợi ích của nước Mỹ. Về phía Úc, một điều rất rõ ràng là hiệp định TPP phản ánh mạnh mẽ lợi ích quốc gia của chúng tôi vì nó mang đến sự tiếp cận rộng hơn cho mặt hàng xuất khẩu, hàng hóa hay dịch vụ.

John Key, Thủ tướng Tân Tây Lan

Nước Mỹ không phải là một hòn đảo. Quốc gia này không thể chỉ đứng nhìn mà không tham gia vào giao thương với phần còn lại của thế giới. Tới một thời điểm nào đó, họ cũng phải cân nhắc điều này.

Najib Razak, Thủ tướng Mã Lai

Tổng thống đắc cử Donald Trump, với tư cách là người được bầu một cách dân chủ để trở thành lãnh đạo nước Mỹ, có quyền đưa ra các quyết định chính sách mà ông cho là đúng. Bản thân tôi là một người ủng hộ mạnh mẽ phát triển thương mại và hội nhập khu vực tai Châu Á - Thái Bình Dương. Đây là lợi ích cho người dân đất nước tôi. Tôi mong chờ việc hợp tác tương lai với Tổng thống đắc cử Trump trên cơ sở những mục tiêu chung của hai quốc gia về củng cố an ninh và đảm bảo tăng trưởng bền vững, bao quát và công bằng.

Deborah Elms, Giám đốc điều hành Trung tâm thương mại châu Á

Đây là một tin đáng buồn. Nó chấm dứt sự lãnh đạo của Mỹ về mặt thương mại quốc tế và chuyển giao trách nhiệm này sang châu Á. Trong thời điểm kinh tế phát triển chậm lại, thế giới phải ngăn chặn việc nền kinh tế lớn nhất dần trở nên biệt lập.

Image copyright GETTY IMAGES Image caption TPP vấp phải rất nhiều sự phản đối từ những người dân thường tại các nước tham gia hiệp định này

Simon Rabinovitch, biên tập kinh tế châu Á tại tạp chí The Economist

Đây không phải là một điều đáng ngạc nhiên sau khi quan sát những bài phát biểu tranh cử của ông Trump. Tuy nhiên nó vẫn là một tin đáng thất vọng. Việc Mỹ rút khỏi TPP sẽ giết chết một thương vụ kéo dài cả thập kỷ.
Điều trớ trêu là, mặc dù Trump gọi TPP là một hiệp định tồi tệ, nhưng thực tế nó rất tốt cho nước Mỹ. Hiệp định này có khả năng đem lại vị thế quan trọng trong việc quyết định luật lệ thương mại ở châu Á và Hoa Kỳ, đặt thêm trọng tâm vào quyền lao động và quyền sở hữu trí tuệ.

TPP sụp đổ đồng nghĩa với một khoảng trống quyền lực tại châu Á. Có nhiều bàn luận về việc Trung cộng đang muốn lấp đầy khoảng trống này để trở thành người lãnh đạo khu vực trong việc định hướng các hiệp định thương mại. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ khó khăn vì nhiều chính quyền các nước trong khu vực lo lắng về bộ máy xuất khẩu của Trung cộng.

Jim Rogers, Nhà đầu tư

Dù tốt hay xấu, sự kiện này đã trao cho Trung cộng và đồng minh của mình một món quà, đó chính là Châu Á - Thái Bình Dương. Đây là một khu vực có dân số vài tỷ người, cùng với những nền kinh tế mạnh, ít nợ và nhiều tài sản khác. Dù tương lai tiếp diễn thế nào, đây cũng là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử.


BBC