22.12.2016

Cuộc chiến pháp lý đất đai tại Việt Nam

Cuộc chiến pháp lý đất đai tại Việt Nam

Hòa Ái (RFA)
Người dân thôn Phùng Khoang, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm ngoại thành Hà Nội biểu tình đòi đất tháng 09/2010.

Quá trình thực hiện mục tiêu “công nghiệp hóa-hiện đại hóa” đất nước của Việt Nam đến năm 2020 gắn liền với sự thay đổi lớn trong chính sách đất đai. Sự thay đổi đó gây ảnh hưởng đến đời sống và nơi cư trú của người dân ra sao cũng như cuộc chiến pháp lý đất đai của họ với chính quyền kéo dài suốt gần 3 thập niên qua như thế nào?


Nạn nhân của chính sách đất đai

Vụ việc khoảng 250 hộ dân ở thôn Bằng Tạ, xã Cẩm Linh, huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội biểu tình hồi đầu tháng 12 năm 2016, để đòi lại hơn 20 héc-ta đất được trưng dụng cho công trình Khu du lịch Đầm Long đã hết hạn sử dụng từ năm 2013 và phải trao trả cho các hộ dân địa phương theo như thỏa thuận trong hợp đồng đấu thầu vào năm 2002 nhắc nhớ về hàng ngàn dự án dọc từ Bắc đến Nam trong công cuộc thực hiện chủ trương “công nghiệp hóa-hiện đại hóa” đất nước đã và đang tạo ra những tác động tiêu cực; làm thay đổi đời sống của hàng triệu người dân cũng như niềm tin trong dân chúng bị xói mòn đối với Nhà nước Việt Nam.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thực hiện chính sách Đổi mới vào năm 1986, quyết tâm theo đuổi kế hoạch quốc gia phải trở thành một nước công nghiệp trong vòng 30 năm, cũng là thời điểm nhiều người dân khắp ba miền Nam-Trung-Bắc bắt đầu được phổ biến tinh thần hợp tác trong thay đổi cơ cấu về quyền sử dụng đất theo chính sách đất đai sở hữu toàn dân để phục vụ cho các dự án, công trình...

Và song song với tiến trình “công nghiệp hóa-hiện đại hóa” đất nước là hàng triệu người dân phải ngược xuôi làm đơn khiếu kiện, tố cáo liên quan đến thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư…

Cuộc chiến pháp lý đất đai

Một trong những vụ thưa kiện đất đai điển hình cho lòng tin vào sự công minh của pháp luật có thể nói đến trường hợp hàng trăm hộ dân khu kinh tế mới tại thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Họ là những người tứ xứ đến khai hoang nơi rừng thiêng nước độc sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt. Không ít người đã bỏ mạng cho vùng đất được đặt tên Vĩnh Cửu với hy vọng cuộc sống an cư lạc nghiệp được trường tồn.

Thế nhưng, vào năm 1983, 480 héc-ta đất mà người dân nơi đây phải đánh đổi bằng sinh mạng của mình được trưng dụng làm kho bãi chứa vật tư, lán trại, nhà xưởng để phục vụ cho việc xây dựng công trình thủy điện Trị An, một dự án trọng điểm của quốc gia.

Công trình thủy điện Trị An hoàn thành vào năm 1992. Hàng trăm hộ dân trong huyện buộc phải di dời với 1500 mét vuông đất được cấp để tái định cư, nghĩ là chính quyền địa phương sẽ trả lại cho họ gần 500 héc-ta đất đã trưng dụng.

Bà Lê Thị Tưởng, giống như nhiều cư dân ở vùng đất này, mỏn mòn chờ đợi nhận lại hơn 1, 3 mẫu đất nông nghiệp và thổ cư của gia đình. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cho rằng các hộ dân khẩn hoang không có cơ sở pháp lý để đòi lại và lần lượt phân phát, chia chát, cho cán bộ công nhân viên và thân nhân của giới chức địa phương.

Bà Lê Thị Tưởng nhớ lại hành trình đi khiếu kiện từ năm 1997 với tờ đơn viết tay đầu tiên cho đến nay lưu giữ khoảng 60 kg bản sao các loại đơn từ.

Bà Tưởng kể với RFA:
“Đi thưa thì bị bác đơn hết. Cá nhân cũng có, tập thể cũng có nhưng bị bác đơn, không xử cho ai hết.”

Bà Tưởng cũng năm lần bảy lượt ra Hà Nội:
“Ra Văn phòng Chính phủ lấy 5 giấy của Văn phòng Chính phủ chuyển vô cho tỉnh thì cũng không giải quyết.”

Với niềm tin vào công lý, bà Tưởng không tuyệt vọng mà đi đến quyết định tố cáo hành vi phạm pháp của quan chức địa phương:
“Đi đâu cũng có xe theo cán đến đó. Nói thật phim xã hội đen sao thì còn hơn thế nữa. Nói chung chẳng biết ai hại mình nhưng khi đi lấy tài liệu hay đi xin tài liệu thế nào cũng bị xe theo cán. Ba lần như vậy.”

Và kết quả sau nhiều năm gian truân theo đuổi vụ thưa kiện đất đai của bà Tưởng:
“Cuối cùng 8 ông đi tù nhưng cũng không được trả gì hết.”

Gần 20 năm đi khiếu kiện, bà Tưởng chia sẻ sức mòn lực kiệt nhưng vẫn chắt mót, tích cóp từng đồng để tiếp tục đi đòi đất, dù rằng:
“Thật tình bây giờ cũng không biết đi đâu, kêu gào với ai?”

Những oan ức được viết lên biểu ngữ, trang phục tố cáo những việc làm sai trái của chính quyền địa phương. by Nguyễn Tường Thụy

Câu chuyện khiếu kiện đất đai 20 năm ròng rã của bà Lê Thị Tưởng cũng tương tự như hàng trăm ngàn hộ dân từ nông thôn đến thành thị khắp đất nước Việt Nam trong gần 3 thập niên qua.

Nhiều người là nạn nhân của các dự án treo không đợi đến chuyện đã rồi như hoàn cảnh của bà Tưởng và người dân huyện Vĩnh Cửu; họ tuân thủ pháp luật giao đất đai, nhà cửa và làm đơn khiếu nại gửi đến các cấp chính quyền theo trình tự từ địa phương đến trung ương.

Nhưng đa số những người dân nhẫn nại khiếu kiện này chỉ nhận được phản hồi của chínnh quyền địa phương bằng lời giải thích việc thu hồi đất đai nằm trong dự án đã quy hoạch.

Ông Tòan Nguyễn, một cư dân ở Mũi Né, Phan Thiết, nói với với Đài Á Châu Tự Do, hơn trăm hộ dân đia phương, trong đó có gia đình ông đang phải chịu đựng hoàn cảnh sống trong bế tắc, mặc dù nhiều lần gửi đơn khiếu nại lên cấp trung ương:

“Quyết định 3145 từ năm 2007 là thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư nhưng đến nay gần 10 năm họ không thực hiện được dự án mà cũng không đền bù hay cấp chủ quyền nên người dân không sử dụng hay kinh doanh gì được hết. Họ cưỡng chế rồi. Trồng cây thì họ không cho trồng, họ phá. Xin họ kinh doanh làm ăn, buôn bán kiếm tiền sinh sống thì họ cũng không cho, không cho dân cất nhà.”

Niềm tin công lý không còn nữa

Với nhiều bất cập trong chính sách sở hữu đất đai toàn dân và tình trạng lạm quyền, tham nhũng của các quan chức địa phương đã đẩy người dân trở thành đối tượng chống đối chính quyền vì niềm tin vào pháp luật trong việc thu hồi đất phục vụ cho mục tiêu “công nghiệp hóa-hiện đại hóa’ đất nước không còn nữa, thậm chí có những người phải chịu cảnh tù đày vì tội “chống người thi hành công vụ” bằng vũ lực như tiếng súng hoa cải Đoàn Văn Vươn tại Hải Phòng hay gia đình thiếu niên Nguyễn Mai Trung Tuấn ở Long An.

Trao đổi với RFA về vấn đề liên quan, Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh qua các trường hợp người dân phản kháng việc thu hồi, cưỡng chế đất mà chính quyền cho là “chống người thi hành công vụ” thì đa số là những người có tri thức, hiểu biết pháp luật và thái độ hành xử của họ không hề tối tăm.

Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình nhận định có thể xem như là một cuộc chiến đấu “một mất một còn” mà người dân đã dự liệu được phần thua thuộc về mình. Với các tiếng súng Đoàn Văn Vươn, Đặng Ngọc Viết hay mới nhất là của các nông dân ở Đắk Nông,

Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình cho rằng đó là hồi chuông gióng lên cảnh báo dân chúng phản đối sự quản lý hà khắc cùng với cách ứng xử cường quyền về đất đai khiến cho cuộc sống của người dân không còn lối thoát.

“Đây là thuở đất, miếng ruộng của người dân. Ở nông thôn, chúng tôi gọi vấn đề ‘dân cày” cách nay hàng mấy chục năm đã được xới lên và vẫn chưa kết thúc. Còn ở thành thị tuy không phải ruộng cày nhưng miếng đất cư trú đồng thời là tài sản lớn nhất và liên quan đến quyền sở hữu của người dân thì đấy chính là khâu mà tôi nghĩ rằng là một bài toán đang rất bức xúc, đòi hỏi phải có lời giải.”

Cuộc họp cuối cùng của Quốc Hội khóa 13 hồi tháng 4 năm 2016 đã thừa nhận mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 bị thất bại. Và các nạn nhân của chính sách thu hồi đất đai phục vụ mục tiêu quốc gia vừa nêu mà đài RFA tiếp xúc cho biết kiên trì đấu tranh yêu cầu chính phủ trả lời khi nào khiếu kiện về đất đai của họ được giải quyết.