Một
người đàn ông lội qua nước lũ ngay trước nhà ông ở Bình Định hôm 18/12/2016.
Hàng loạt đập thuỷ điện ở miền Trung và Nam Trung Bộ
trong hơn một tháng qua liên tiếp xả lũ dồn dập gây thiệt hại lớn đến đời sống
người dân địa phương.
Nhiều ý kiến cho rằng chính phủ chỉ quan tâm đến
kinh tế mà đặt nhẹ sự mất mát của người dân, kể cả có thể đã do có vấn đề lợi
ích nhóm trong việc cấp giấy phép làm thuỷ điện.
Lũ chồng lũ
Ngày 16 tháng 12, hàng loạt báo chí trong nước cùng
đưa tin về các các thuỷ điện đồng loạt xả lũ dồn dập, nhấn chìm hoàn toàn các
vùng hạ lưu.
Báo Tuổi trẻ đưa tin tập đoàn điện lực VN (EVN) xác
nhận có 13 hồ chứa thuỷ điện của các đơn vị thuộc EVN đang xả lũ. Cùng ngày,
thuỷ điện sông Tranh 2 tăng lưu lượng điều tiết.
Dồn dập những quyết định xả lũ vì mưa lớn vượt quá
khả năng tích nước của hồ thuỷ điện ở miền Trung làm cho người dân từ Bình Định
cho đến Hội An hứng chịu những trận ngập “chưa từng thấy”.
Qui trình vận hành không đúng
Tiến sĩ Trần Nhơn, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy Lợi, chủ
tịch Hội Thủy Lợi Việt Nam, qua email , cho chúng tôi biết những hồ thuỷ
điện trên đã thực hiện không đúng nguyên tắc của tràn xả lũ:
“Tràn xả lũ là một hạng mục công trình rất
quan trọng trong tổ hợp công trình đầu mối hồ chứa thủy điện (hay thủy nông). Nếu
tràn xả lũ được thiết kế theo hình thức ‘tràn tự do’ (tức tràn không có cửa,
ngưỡng tràn có cao trình ngang bằng với mực nước dâng bình thường), nên không
thể có chuyện “xả lũ cấp tập” xảy ra. Vì với hình thức tràn tự do (không có cửa),
lưu lượng xả lũ (Qxả) luôn nhỏ hơn lưu lượng lũ đến (Qđến): Qxả < Qđến.”
Theo lời ông Trần Nhơn, tại các hồ chứa thủy điện (kể
cả cho thủy nông) ở miền Trung hiện tại được xây dựng theo mô hình bụng hồ thì
rất nhỏ, nhưng tràn xả lũ lại thường được thiết kế theo hình thức ‘tràn có cửa’,
là ngưỡng tràn đặt thấp hơn mực nước dâng bình thường 5 – 6 m, có thể tháo lưu
lượng tối đa gấp rưỡi hay gấp đôi lũ lịch sử, cũng tức là gấp rưỡi hay gấp đôi
Qđến (mục đích chính là để giảm chiều cao đập, do đó giảm khối lượng công
trình xây dựng).
Thêm vào đó, theo lời ông Trần Nhơn, hầu hết các
công trình thuỷ điện được thiết kế theo quy trình vận hành không đúng tiêu chuẩn:
“Người thiết kế lại thiết kế quy trình vận
hành không chuẩn, và người quản lý có phần tùy tiện, không chịu xả lũ đúng lúc
(sớm hơn) vì sợ không tích được đầy nước. Đến khi mực nước trong hồ dâng lên gần
đến mực nước dâng bình thường mới vội vã xả lũ cấp tập (lo sợ vỡ đập). Lúc đó
tràn xả lũ tháo một lưu lượng nước quá lớn (lớn hơn lũ lịch sử rất nhiều).”
Vì lợi ích kinh tế?
Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh từ Hà Nội cho biết các
chuyên gia cũng đã đưa ra ý kiến về tình trạng xả lũ cấp tập
là do địa hình miền Trung dốc, và khả năng trữ nước ở các đập thuỷ điện không
quá lớn. Bên cạnh đó còn một lý do khác:
“Thứ hai là rừng đã bị tàn phá rất nhiều.
Cho nên mỗi 1 gốc cây có thể giữ lại được từ 30 đến 60 lít nước, bây giờ cả triệu
cây bị đốn thì sẽ bị thiệt hại.”
Chính vì vậy, không như những đập thuỷ điện ở miền Bắc
có thể trữ nước và ngăn cản lũ, khi mùa khô đến thì trở thành nguồn cung cấp nước
cho nông nghiệp, miền Trung không có những đập thuỷ điện có được chức năng đó:
“Các thuỷ điện đó đã được một số công ty
nào đó đã xin phép để xây dựng và bây giờ họ bán điện, thu lại được tiền. Bên cạnh
việc họ bán điện, họ cũng tận dụng việc chặt cây khai thác ở dưới lòng hồ hay
những vùng xung quanh.”
Một
cậu bé chèo thuyền qua ngôi nhà bị ngập tại tỉnh Bình Định hôm 18/12/2016. AFP
photo
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đề cập đến lý do dẫn đến lũ lụt
là vì lợi ích kinh tế trước mắt nên đã để xảy ra việc chặt cây phá rừng quá nhiều,
dẫn đến tình trạng các hồ thuỷ điện không đủ tích nước mỗi khi có lượng mưa lớn.
Điều này đã được báo điện tử VNExpress trong nước
đưa tin rằng chỉ sau một ngày mưa lớn, nhiều hồ thủy điện khu vực miền Trung nước
dâng cao lên mức báo động 3, buộc phải xả tràn để đảm bảo an toàn hồ chứa.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết hiện tại đã có nhiều
ý kiến yêu cầu phải có sự xem xét lại chính sách làm thuỷ điện:
“Vì vậy nhiều chuyên gia đã phê phán mạnh
mẽ và coi đây là biểu hiện của lợi ích nhóm. Nghĩa là những người làm thuỷ điện
đã có 1 liên kết nào đó, hành động như thế nào đó để họ có thể xin được giấy
phép làm thuỷ điện, để bây giờ gây thiệt hại rất lớn cho người dân.”
Im lặng từ chính phủ
Tuy nhiên, cũng theo ông, cho đến nay chính phủ
VC cũng chưa có một đánh giá, chưa có ý kiến gì về việc xả lũ và nguyên
nhân như thế nào, cũng chưa có ý kiến gì là sẽ có xử lý thế nào đối với tình
hình hiện tại:
“Nhưng các chuyên gia trên các mạng xã hội
thì đã có lên tiếng rất nhiều. Một số chuyên gia trực tiếp gửi ý kiến đó cho
lãnh đạo của đất nước để xem xét.”
Anh Nguyễn Văn Thạnh, người từng được xem là đi tiên
phong trong công cuộc đấu tranh đòi quyền lợi cho người dân bị thiệt hại vì thuỷ
điện xả lũ không đúng qui trình cho biết ý kiến đóng góp cũng như đòi hỏi bồi
thường thiệt hại sẽ không dễ dàng:
“Các nhà máy thuỷ điện thì cũng một nhà
máy sản xuất công nghiệp sản xuất ra hàng hoá bán ra thị trường có lãi và nó
tuân thủ các qui tắc an toàn như tiêu chuẩn cộng đồng. Nếu xả lũ làm thiệt hại
người khác thì phải bồi thường. Nhưng sau một thời gian thì tôi biết là các đơn
vị thuỷ điện ở Việt Nam thuộc tập đoàn nhà nước. Thứ hai nữa là người nắm quyền
chưa muốn có những vụ kiện tụng làm cho họ bối rối cho nên bằng mọi cách họ hăm
hoạ, làm mọi người sợ hãi. Và cuối cùng thì không đi đến đâu.”
Nếu Tiến sĩ Lê Đăng Doanh bày tỏ hy vọng trong thời
gian tới sẽ có nhiều tổ chức lên tiếng đòi hỏi xem xét lại các hồ thuỷ điện một
cách nghiêm túc thì anh Nguyễn Văn Thạnh đưa ra mong muốn:
“Theo tôi, nếu là một chính phủ công
tâm, họ nắm quyền lực giữ cho xã hội bình đẳng thì họ sẹ nhanh chóng điều tra
hoặc mời các vị giám đốc các nhà máy thuỷ điện điều trần. sau đó họ thu thập hoặc
cho những tổ chức dân sự độc lập tiến hành kiện tụng.”
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi, ông Trần Nhơn thì đặt
câu hỏi rằng:
“Bộ Công Thương làm sao hiểu được điều
đó? Chính phủ làm sao hiểu được điều đó???”
Trong những chia sẻ đến với người dân đang khốn khó
trong lũ, nhiều người nói rằng dù Venice rất đẹp và họ mong một lần được đi
trên dòng sông đó, nhưng họ chưa bao giờ mong muốn phố cổ Hội An trở thành một
Venice của Việt Nam.
RFA