15.12.2016

Moritzburg và tính đần độn cộng sản - Trần Văn Tích

Moritzburg và tính đần độn cộng sản

Trần Văn Tích

Khi nhắc đến địa danh Moritzburg, người thích sưu tập kiến thức lịch sử-văn hoá thường nghĩ đến chuyện nam nữ cởi truồng, đến cảnh sinh hoạt loã thể, đến cả đám người tồng ngồng tắm không mảnh vải. Cảm tưởng sinh sống của con người muốn trở về thuở sơ khai tại địa điểm Moritzburg sở dĩ được giới thưởng ngoạn nghệ thuật nhắc đến là do ảnh hưởng của chủ nghĩa biểu hiện và trong lĩnh vực hội hoạ thì đáng kể có bức tranh của họa sĩ Ernst Ludwig Kirchner mang tựa đề Bathers at Moritzburg [Những kẻ tắm (truồng) ở Moritzburg], sáng tác năm 1909. Chủ nghĩa biểu hiện là một quan niệm nghệ thuật chủ trương giới thiệu nội tâm một cách mãnh liệt, thay đổi hiện thực để làm nổi bật nội tâm, sử dụng những yếu tố bất ngờ về màu sắc, hình ảnh; trong văn học dùng lối viết điện tín, chồng chất từ ngữ v.v.. Khuynh hướng biểu hiện chủ nghĩa từng thịnh hành ở Đức, Pháp, Bỉ, Mỹ...vào nửa đầu thế kỷ 20, nhất là từ 1890 đến 1930. Nó thường đối lập với chủ nghĩa ấn tượng và chủ nghĩa hình thức.


Ngoài ra địa danh Moritzburg còn được chú ý vì ngôi lâu đài cổ kính, một di vật lịch sử phần nào có sức thu hút đối với du khách. Chỉ có thế thôi, còn thì công luận hầu như chẳng hề chú ý đến Moritzburg và có thể nói ít người biết nó nằm tại đâu trên lãnh thổ nước Đức hay nói đúng hơn, trên lãnh thổ Đông Đức cũ. Các từ điển phổ thông đều không ghi mục từ Moritzbung. Cho đến ngày 19.05 năm ngoái, năm 2015.

   Trẻ em Việt đến Moritzburg năm 1955. Ảnh: Internet

Tháng bảy năm 1955, Việt cộng bắt đầu gửi 149 thanh thiếu niên từ 9 đến 15 tuổi sang học nghề tại một ngôi trường ở Moritzburg để được đào tạo thành thợ chuyên môn. Theo kế hoạch, có tất cả lối 350 “du sinh“ được sang Moritzburg. Mùa hè năm 1957, lãnh tụ Việt cộng họ Hồ công du Đông Đức và nhân dịp đó, ghé thăm “các cháu thiếu niên nhi đồng“. Cộng sản Đức-Việt bèn dựng lên một khu “lưu niệm Bác Hồ“ trong vùng Moritzburg. Khi chế độ cộng sản tiêu vong, khu kỷ niệm bị bỏ phế và hiện thuộc quyền quản trị của nhà thờ Tin lành. Hầu như không ai buồn nhớ đến nó nữa. Vết tích còn tồn tại là một vài cột trụ và một vài viên gạch bằng đá hoa cương đứng trơ trọi hay nằm chìm sâu trong cỏ hoang cây dại. Năm ngoái, phía Việt cộng đã bỏ tiền ra sửa chữa sơ bộ nhưng khi họ làm đơn xin phép thiết lập một hàng rào bao quanh khu vực thì Bộ phận Kỹ thuật thuộc Hội đồng Đại diện địa phương đã bác bỏ đơn.

Tuần lễ vừa qua, đúng ra vào ngày thứ sáu 09.12.2016, chúng tôi một nhóm tám người Việt Nam thuộc thành phần tỵ nạn cộng sản hiện sinh sống tại Đức đã đến Moritzburg với mục đích chính là trực tiếp trình bày lập trường của người Việt Nam tỵ nạn cộng sản với các giới chức hữu quyền và hữu trách thuộc Nhà thờ Tin lành, chủ nhân miếng đất đang được doanh nhân Việt cộng Võ Văn Long thuê mướn trong mười năm hầu bảo trì cái được gọi là “khu lưu niệm Bác Hồ“. Sau khi trao đổi ý kiến và đạt được kết quả sơ khởi, tám người chúng tôi cùng nhau đi bộ theo sự hướng dẫn của Ông Jens Knechtel, chủ quản khu đất, nhằm đến tận nơi để tận mắt quan sát hiện trường đang được phía Việt cộng thuê mướn và xây dựng cái gọi là “khu lưu niệm“. Bầu trời âm u, mưa phùn lất phất, se sắt lạnh, gió thổi nhẹ. Lộ trình tới khu được xem là di tích là một đoạn đường mòn nhỏ bé, khúc khủy quanh co, lát hắc ín, lồi lõm gập ghềnh, bề ngang lòng đường rộng trung bình một mét rưỡi. Trước đó, chúng tôi tập trung tại trung tâm sinh hoạt của Nhà thờ Tin lành để đối thoại với người Đức.

 Trung tâm này là một ngôi nhà khang trang, xứng đáng là một cơ sở của Giáo hội, tọa lạc tại trung tâm thị trấn. 

Trong khi đó thì “khu lưu niệm“ nằm khuất nẻo hẻo lánh giữa một cánh đồng hoang phế tàn tạ, xa cách hẳn với đời sống con người.
Phải đặt chân đến ngay sát nách khu lưu niệm, phải được chỉ dẫn rõ ràng và khẳng định chắc nịch rằng đó là di tích lịch sử còn lưu lại từ thởi mồ ma cộng sản, mới té ngửa ra rằng đó dù sao đi nữa cũng là chứng tích của một giai đoạn đen tối và sầu thảm đã qua. Toàn bộ khu di tích lớn khoảng năm mươi mét vuông, so sánh với mảnh vườn nằm sau lưng ngôi nhà riêng tôi hiện ở tại Bonn thì nó còn nhỏ bé hơn. Di tích nằm sâu trong lòng đám đất công, nó lọt thỏm phía dưới thấp của khu địa vực. 

Đối với bề mặt toàn bộ vùng xung quanh, khu lưu niệm chiếm địa thế thấp hèn rất rõ rệt. Đứng nhìn nó trong tổng quan địa lý, tự dưng phát sinh lòng khinh bỉ và miệt thị. Muốn đến tận các cột trụ cũ kỹ bẩn thỉu, phải cẩn thận lần từng bước đi xuôi dốc khoảng năm ba mét trơn trợt phủ đầy lá cây mùa thu đang bắt đầu mục nát. Các trận mưa dầm dề dai dẳng những ngày qua khiến thối đất, do đó độ dơ bẩn lầy lội càng tăng thêm. Có năm sáu cột trụ bằng đá hoa cương xây cao chừng hai mét, có những đoạn tường thành thấp lè tè chạy dưới chân các cột trụ. Toàn khu được bố trí không theo một lề lối kiến trúc mang ý nghĩa nào hết, trụ và thành được sắp xếp một cách hỗn mang tùy tiện. Vì không có hàng rào kim loại hay thực vật bao quanh khu vực để phân định giới hạn hay bảo vệ che chở nên ấn tượng bỏ bê hoang phế, không có ai quan tâm đến, tựa như chẳng còn quan hệ chút nào với người và cảnh xung quanh, càng thêm thê thảm và nặng nề. 

Dưới chân các bức tường thấp lụp xụp là những đống rác. Có rác thiên nhiên do cành khô lá vàng gom thành đống. Có rác nhân tạo do những kẻ “hành hương“ vứt bừa bãi sát chân tường. Đó là những bó hoa tàn héo tơi tả nằm lăn lóc trong những túi đựng bằng nhựa mỏng. Trời mưa rả rích từ mấy ngày trước nên mùi xú uế phần nào tan loãng trong không khí ẩm ướt và quyện vào với rác rưởi bẩn thỉu. Di tích nằm quá khuất nẻo nên chẳng thu hút được cả khách bộ hành và thú vật tống xuất phế thải, dẫu rằng đây thực là một địa điểm lý tưởng để cho người và vật giải quyết nhu cầu tiểu tiện và cả đại tiện.

Người dân Moritzburg không hề biết đến công trình xây dựng kỳ quái và dơ bẩn này. Trong những tháng vừa qua, một vài người trong nhóm chống Moritzburg muốn đến tận nơi quan sát hiện trường đã phải lần mò hỏi han hết sức chật vật mà vẫn không biết đối tượng mình muốn tìm đến nằm ở nơi nao. Nó không có tên gọi minh bạch, nó không có cấu trúc đặc biệt, nó không có liên hệ lịch sử đáng chú ý. Chắc chắn cư dân lân cận chỉ xem đây là một kiến trúc hoang tàn đổ nát đáng bị phá hủy để thêm mảnh đất nhỏ dùng vào canh tác hoa màu hay vun trồng cây ăn quả.

Trên thế giới, có lẽ chỉ có khu “lưu niệm Bác Hồ“ ở Moritzburg mới mang tính cách đặc thù cộng sản. Khắp nơi trên mặt địa cầu, các di tích lịch sử, các thắng cảnh địa lý, các danh lam nổi tiếng luôn luôn được trang bị những bảng đồng, những bia đá hướng dẫn chi tiết khách đến xem. Đó là một thông lệ lịch sử-văn hoá. Cái miếng đất liên quan đến nhóm học sinh tự nhận là nhóm Moritzburg là một ngoại lệ quái đản. Những kẻ nào sử dụng mảnh đất đó và bỏ tiền ra xây dựng mấy cái trụ đá và mấy mét tường đá hiện còn tồn tại trong hoàn cảnh rêu phong cỏ lấp đã tỏ ra hết sức thiếu thông minh. Có lẽ những kẻ đó đã từng nghĩ rằng cái chế độ gắn bó hai quốc gia Cộng hoà Dân chủ Đức và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ tồn tại vĩnh viễn trong lịch sử nhân loại nên chẳng cần giải thích chi tiết sự hiện hữu của một chứng tích. Cứ xây nó lên rồi cứ ra rả bù lu bù loa ngày đêm, khắp nơi, mọi dịp, để tuyên truyền nhồi sọ lũ dân nô lệ mất óc suy tư; hà tất phải dựng bảng xây bia làm gì. Người cộng sản tin tưởng rằng loa và báo thừa sức thay thế hữu hiệu bảng đồng bia đá.
Thực ra người cộng sản Đông Đức có đúc một tấm bia bằng đồng ghi khắc lại ngày ông Hồ đến Moritzburg nhưng bây giờ tấm bia đó lại hiện đang nằm vất vưởng ở một xó xỉnh nào trong các khu kiến trúc toạ lạc gần mảnh đất hoang vu tàn phế. Tôi đã hỏi ông Jens Knechtel, Quản lý các cơ sở địa ốc thuộc Nhà thờ Tin lành Moritzburg, để xin Ông cho biết cái tấm bảng ma quỉ đó hiện giờ ở đâu. Ông lắc đầu bảo chịu, chẳng thể nào biết chắc chắn.

Người cộng sản vốn nổi tiếng về trình độ kiến thức thấp kém, về đầu óc thông minh dưới mức bình thường. Xây dựng một di tích lưu niệm, kiến trúc một hiện vật lịch sử, bao giờ cũng phải dùng ngôn ngữ để giải thích hướng dẫn; lắm khi phải dùng đến ba, bốn ngôn ngữ phổ thông. Moritzburg không hành động như vậy đối với mấy cái cột trụ và mấy khúc tường thấp nằm chơ vơ hiu quạnh giữa cánh đồng hoang xa cách nơi thị tứ. Ai vô tình đi qua chỉ có thể nghĩ đây là địa điểm thuận tiện cho khách qua đường quá túng quẫn tạm ghé vào trút bầu tâm sự hoặc cho lũ chó được chủ nhân dẫn đi chơi le te chạy đến nhấc chân xả bớt phế phẩm sinh lý.

Âu cũng đúng với vị thế lý tưởng, âu cũng chính là vị trí thích hợp của một di chỉ ghi lại một trang sử đen tối nhục nhã trong mối giao thiệp Đức-Việt vào những ngày tháng chỉ nên quên lãng.

Sự thực vừa trình bày giải thích và biện hộ cho thái độ của người tỵ nạn Việt Nam – nhất là của thuyền nhân Việt Nam – khi được tin có một nhúm người cộng sản hay thiên cộng muốn mang tấm bảng đồng ghi lại ngày ông Hồ công du Cộng hoà Dân chủ Đức và đến viếng Moritzburg ra trưng bày trước công luận; sau khi đã qua mấy chục năm ròng rã chúng – người cộng sản – đã đần độn u mê dựng lên mấy cái trụ đá và đắp được mấy mét tường gạch giữa một khu đất hoang sơ cách trở mà không hề kèm theo một hình thức mang mục đích giải thích lý do hiện hữu cùng nguyên ủy tồn tại của cái gọi là địa điểm kỷ niệm.

12.12.16