22.12.2016

Sài Gòn hay hồ chí minh? Sự lươn lẹo của báo chí cộng sản

„Dù cho cộng sản đã đổi tên thành phố Sài Gòn, dù cho cộng sản đã xóa bỏ những dấu tích (đập bỏ tượng Trần Nguyên Hãn, phá bỏ thương xá Tax...) hay tìm cách chôn vùi những ký ức liên quan đến Sài Gòn. Dẫu cho cộng sản sử dụng báo chí để xuyên tạc sự thật thì... Đến hôm nay, người dân Việt Nam vẫn không hề chối bỏ và chưa bao giờ quên đi hai từ Sài Gòn.“

Sài Gòn hay hồ chí minh? Sự lươn lẹo của báo chí cộng sản

Dân Đen 
  
   Chợ Bến Thành, biểu tượng của Sài Gòn. Nguồn: Internet

Sau 30/04/1975, ngày mà cộng sản chính thức cướp miền Nam Việt Nam. Sài Gòn – một địa danh với cái tên quen thuộc, một thành phố từng được xem là Hòn Ngọc Viễn Đông đã dần bị thay đổi. Mỗi khi nhắc đến tên Sài Gòn, rất nhiều người dân từ nam đến bắc vẫn luôn dành một sự trìu mến, một cách gọi thân thương bởi những điều mà Sài Gòn đã để lại cho người dân trước khi xảy ra biến cố 30/04/1975 đầy máu và nước mắt. Có lẽ vì thế mà cộng sản thêm một lần nữa đã tổ chức cướp luôn cái tên còn lại của Sài Gòn. Sau đó cộng sản đã dùng cái tên của một kẻ bịp bợm, xảo trá, giết người không gớm tay là hồ chí minh để thay tên cho địa danh Sài Gòn vào ngày 02/07/1976.


Kẻ đã ký quyết định “cướp” tên Sài Gòn cũng là một kẻ trực tiếp gây ra cuộc thảm sát cải cách ruộng đất 1955, đó chính là Trường Chinh - chủ tịch quốc hội Việt Nam dân chủ cộng hòa. Quả là đớn đau cho Việt Nam Cộng Hòa nói chung và Sài Gòn nói riêng, bởi lẽ Sài Gòn là một cái tên đã được hình thành từ năm 1698 trong quá trình khai phá miền nam dưới thời danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh.

Trong văn bản về quyết định đổi tên Sài Gòn - Gia Định thành tên hồ chí minh (đang ướp xác tại Ba Đình), Trường Chinh còn xảo ngôn cho rằng: “Xét thấy nhân dân thành phố Sài Gòn – Gia Định luôn tỏ lòng kính yêu vô hạn đối với chủ tịch hồ chí minh và tha thiết với việc đổi tên người”....ký tên Trường Chinh.

Đúng là không có ngôn từ nào đủ để diễn tả sự đểu cáng của cộng sản. Một điều chắc chắn là không một người dân Sài Gòn nào lại “tha thiết” việc đổi tên thành phố của mình thành tên của một kẻ cầm đầu tập đoàn cướp, giết mang tên hồ chí minh. 

Đành rằng cuộc chiến Nam – Bắc đã kết thúc, đành rằng cộng sản đã cướp được tên của thành phố Sài Gòn, nhưng có lẽ những người sống trong khu vực Nam Trung Bộ không thể nào quên được cái tên thân thương Sài Gòn. Ngay đến cả những người miền bắc yêu chuộng sự thật cũng vẫn luôn dành cảm xúc nể trọng mỗi khi nhắc đến danh xưng thành phố Sài Gòn. Thậm chí đến những kẻ cầm quyền của cộng sản như Đinh La Thăng, khi mới nhận chức bí thư thành phố hồ chí minh cũng từng nhắc đến danh xưng Sài Gòn: “mở đầu lời phát biểu ông Đinh La Thăng tâm sự, trong quá khứ Thành Phố hồ chí minh với tên gọi Sài Gòn đã từng tự hào là một trung tâm của cả khu vực, được tôn vinh là Hòn Ngọc Viễn Đông” (trích NLD. 14/04/2016).

Ấy vậy mà những tay lều báo trong hệ thống tuyên truyền dối trá của cộng sản luôn cố tình lẫn lộn, nói đúng hơn là lươn lẹo mỗi khi sử dụng danh xưng Sài Gòn hay hồ chí minh. Giả như có một sự kiện hay một phát biểu nào đó mang tính chất tích cực, báo chí lề đảng luôn giật tít kiểu “người dân TP hồ chí minh thu nhập trung bình 122 triệu/người/năm, “thành phố hồ chí minh, một điểm đến ấn tượng”. Còn khi xảy ra những điều tồi tệ như cướp, giết, hiếp thì những các “chủ báo” luôn chỉ thị cho đám bồi bút sắp xếp những tít báo như kiểu “cướp của, giết người dã man tại Sài Gòn”. 

Người dân cần một sự rõ ràng trong cách sử dụng tên của một thành phố đứng đầu cả nước. Ở đây không nhắc lại việc cộng sản cướp tên thành phố Sài Gòn nữa, nhưng nếu cộng sản đã thay tên trên văn bản thì hãy dùng tên của cái xác đó cho tất cả những bài báo mà cộng sản sử dụng với mục đích tuyên truyền. Nếu đọc tựa đề của một bài báo “hung thủ giết người gây chấn động Hà Nội”, hay “thảm sát tại Bình Phước”. Không ai lại nghĩ rằng Hà Nội là một thủ đô toàn những kẻ giết người và cũng chẳng ai cho rằng Bình Phước là một tỉnh luôn xảy ra những vụ thảm sát. Vậy tại sao cộng sản dù đã cướp tên Sài Gòn nhưng luôn “dành” cho Sài Gòn những điều tồi tệ nhất có thể. Thử đặt tựa đề bài báo là “hiếp dâm gái vị thành niên tại hồ chí minh” hay “hồ chí minh - giết người bằng búa và lưỡi liềm gây chấn động” để rồi xem người dân nghĩ như thế nào về danh xưng dành cho thành phố hồ chí minh. 

Sư thật là tên của một thành phố không định nghĩa thành phố đó sẽ luôn có những điều tốt hay xấu bởi cái cái tên. Đơn giản cái tên chỉ dùng để phân biệt và quản lý trong ranh giới địa chính và hành chính. Chẳng lẽ báo chí cộng sản ngày nay đang âm thầm chống lại cái văn bản chết tiệt của trường chinh ký năm 1976, hoặc báo chí đang thực hiện “chỉ đạo” trao trả lại danh xưng Sài Gòn cho người dân. Hầu như trên thế giới, chẳng mấy quốc gia nào dùng tên một nhân vật lịch sử để đặt tên cho thành phố. Vì rằng những cái tên thành phố thường được hình thành trong quá trình phát triển của nó.

Dù cho cộng sản đã đổi tên thành phố Sài Gòn, dù cho cộng sản đã xóa bỏ những dấu tích (đập bỏ tượng Trần Nguyên Hãn, phá bỏ thương xá Tax...) hay tìm cách chôn vùi những ký ức liên quan đến Sài Gòn. Dẫu cho cộng sản sử dụng báo chí để xuyên tạc sự thật thì... Đến hôm nay, người dân Việt Nam vẫn không hề chối bỏ và chưa bao giờ quên đi hai từ Sài Gòn. Trong cách gọi ấy luôn chất chứa biết bao tình cảm, biết bao hy sinh xương máu của những bậc tiền nhân đã gây dựng nên sài Gòn. Chắc chắn một ngày nào đó cộng sản sẽ không còn tồn tại trên quê hương Việt Nam, nhưng chắc chắn một điều là Sài Gòn chưa bao giớ mất đi trong tiềm thức của người dân Việt Nam.