13.12.2016

Tin Tổng Hợp Liên Quan đến Biển Đông và Trung Cộng (ngày 13.12.2016)

Tin Tổng Hợp Liên Quan đến Biển Đông và Trung Cộng
(ngày 13.12.2016)

Ấn, Nam Dương yêu cầu Trung cộng tuân thủ UNCLOS về Biển Đông
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Ấn Độ và Nam Dương ngày 12/12 chính thức nêu vấn đề tranh chấp Biển Đông, thúc giục các bên chứng tỏ tôn trọng Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển UNCLOS, văn kiện thiết lập trật tự pháp lý quốc tế về các vùng biển và đại dương trên thế giới.

Lời kêu gọi này được xem là cấp thiết trước thái độ của Trung cộng từ chối không công nhận phán quyết của tòa trọng tài quốc tế hình thành theo Công ước UNCLOS qua đó tòa bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên 90% diện tích Biển Đông trong vụ kiện của Phi Luật Tân.


Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng các phương cách hòa bình, theo các tiêu chí của luật quốc tế được thế giới công nhận kể cả UNCLOS,” theo tuyên bố chung của hai nước sau cuộc họp giữa Thủ tướng Ấn, Narendra Modi, và Tổng thống Nam Dương, Joko Widodo.

Cho tới nay, Ấn đã có các cuộc họp thượng đỉnh nhắc tới vấn đề Biển Đông với Mỹ, Nhật, và Việt Nam. Truyền thông Ấn cho hay New Dehli đã đề nghị một cuộc họp tương tự với Singapore trước cuộc gặp giữa Thủ tướng Modi và người đồng nhiệm Lý Hiển Long của Singapore hồi tháng 10 nhưng Singapore không đồng ý.

Trong tuyên bố chung hôm nay, Ấn và Nam Dương cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan giải quyết tranh chấp ôn hòa, tránh đe dọa hay dùng võ lực và tự chế trong hành động, chớ hành động đơn phương làm tăng căng thẳng.
Hai nhà lãnh đạo công nhận tầm quan trọng của quyền tự do hàng hải và hàng không trên các vùng biển, quyền thương mại hợp pháp không bị cản trở,” tuyên bố hợp tác hàng hải giữa Nam Dương và Ấn Độ ghi rõ.

Theo The Time of India, The Economic Times



Việt Nam phản đối Trung cộng kỷ niệm “70 năm thu hồi Hoàng Sa, Trường Sa”

Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình. Ảnh minh họa. AFP PHOTO

Việt Nam ngày 12.12.2016 đã  lên tiếng phản đối việc Trung cộng kỷ niệm điều mà Bắc Kinh gọi là “70 năm thu hồi Hoàng Sa, Trường Sa” vào giữa tuần qua.

Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình lên tiếng tại Hà Nội rằng hoạt động của hải quân Trung cộng vào ngày 8 tháng 12 vừa qua tiến hành sự kiện tại Biển Đông như vừa nêu là không thể nào có thể thay đổi chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại khu vực biển đang có tranh chấp này.

Theo ông Lê Hải Bình thì hoạt động kỷ niệm của hải quân Trung cộng hôm ngày 8 tháng 12 đi ngược lại xu thế phát triển trong mối quan hệ hiện nay giữa hai nước, gây thêm phức tạp cho tình hình. Việt Nam kiên quyết phản đối việc làm đó.

RFA


Việt Nam mời Ấn Độ thăm dò năng lượng tại khu vực Biển Đông

Ảnh minh họa Courtesy offshore.vn

Việt Nam mời Ấn Độ tiến hành thăm dò các nguồn năng lượng tại khu vực Biển Đông cũng như ủng hộ kế hoạch mở rộng quan hệ ngoại giao đa phương với các nước khác.

Nguyễn thị Kim Ngân, Chủ tịch quốc hội Việt Nam, cho biết như vậy hôm thứ bảy vừa qua khi đang có mặt tại New Dehli trong chuyến công du đến Ấn Độ .

Phát biểu này được cho là quan trọng trong bối cảnh tình hình tranh chấp chủ quyền căng thẳng tại khu vực Biển Đông giữa Trung cộng với một số quốc gia biển ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tình hình này cũng đang thu hút chú ý của cộng đồng quốc tế.

RFA


Trường Sa: Việt Nam cải tạo đảo đá dự phòng bị cấm trong tương lai
Hình ảnh vệ tinh cho thấy một con kênh mới đang được nạo vét tại đảo Đá Lát, quần đảo Trường Sa, Biển Đông. Ảnh chụp ngày 30/11/2016.Trevor Hammond/Planet Labs/Handout via Reuters

Ảnh vệ tinh Mỹ chụp ngày 30/11/2016 cho thấy Việt Nam có dấu hiệu bắt đầu công trình nạo vét tại “đảo” Đá Lát (Ladd Reef) một bãi ngầm dưới quyền kiểm soát của Hà Nội tại vùng quần đảo Trường Sa, bên trên có sẵn một ngọn hải đăng và một đồn lính nhỏ. Hành động của Việt Nam chắc chắn sẽ bị Trung cộng phản đối làm cho tình hình căng thẳng thêm. Giải thích về hành động của Hà Nội, giới quan sát cho rằng Việt Nam đang chạy đua với thời gian, cố gắng củng cố các thực thể trong tay mình, trước khi những hoạt động loại này bị cấm trong một tương lai gần.

Trong ảnh vệ tinh của Planet Labs, một công ty vệ tinh trụ sở tại Mỹ, người ta có thể thấy một vài chiếc tàu nhỏ trên một kênh mới đào cắt ngang viền san hô của bãi Ðá Lát, nối phần bên trong của bãi với biển khơi. Hai bên con kênh đều có bờ kè.

Ảnh vệ tinh dĩ nhiên không cho thấy rõ quốc tịch của các chiếc tàu, nhưng rõ ràng là Việt Nam, nước đang kiểm soát thực thể đó, không thể để cho nước nào khác làm công trình nạo vét này. Theo giới phân tích, những công việc bồi đắp tương tự thường dự báo cho những hoạt động xây dựng trên quy mô lớn hơn.

Theo hãng tin Pháp AFP, thời điểm bắt đầu công trình nạo vét này chỉ là mới đây. Trong một tấm ảnh vệ tinh cũng do Planet Labs chụp vào tháng 7/2016, chưa thấy con kênh, chứng tỏ rằng công trình này chỉ mới được thực hiện trong một vài tháng gần đây.

Cấp tốc cải tạo trước khi bị cấm nếu Bộ Quy Tắc Ứng Xử được thông qua

Gắn liền với tiết lộ mới đây theo đó Việt Nam đã kéo dài phi đạo và xây dựng nhà chứa máy bay trên đảo Trường Sa Lớn, cách Ðá Lát khoảng 14 hải lý (25.9 km) về phía đông, giới quan sát cho rằng Việt Nam đang rốt ráo củng cố các thực thể mình nắm giữ tại vùng Trường Sa, trước khi mà các hoạt động loại này không còn được phép thực hiện, chẳng hạn trong trường hợp một Bộ Quy Tắc Ứng Xử về Biển Đông mang tính ràng buộc về mặt pháp lý được thông qua.

Trả lời hãng tin Pháp AFP, giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông cho rằng rất có thể là Việt Nam đang cố gắng tích tụ lợi thế về mình, trước lúc các nước tranh chấp Biển Đông đồng ý về một bộ quy tắc ứng xử trong vòng một hoặc hai năm tới đây, trong đó sẽ quy định việc cấm các hoạt động thay đổi nguyên trạng.

Cho dù « Việt Nam đang vượt quá hiện trạng », nhưng giáo sư Thayer cho rằng những gì mà Việt Nam đang làm tại đảo Đá Lát không có nhằm mục tiêu quân sự, và cũng không hàm chứa mối đe dọa nào đối với Trung cộng. Có điều là Bắc Kinh hoàn toàn có thể « thổi phồng» vấn đề để gây sức ép đối với Việt Nam.

Gọi là thổi phồng không sai, vì theo ước tính của trung tâm giám sát hàng hải AMTI của Mỹ, trong những năm gần đây, Việt Nam chỉ mở rộng thêm khoảng 49 hécta đảo tại Biển Đông, trong khi Trung cộng đã bồi đắp thêm 1.300 hécta, chỉ riêng tại Trường Sa, xây dựng trên đó nào là phi trường quân sự, nhà chứa máy bay cỡ lớn, đài ra đa…

Ngoài Trung cộng, Việt Nam cũng có thể chịu áp lực từ phía Mỹ, nước luôn luôn kêu gọi mọi bên tại Biển Đông tránh những hành động như bồi đắp, cải tạo đảo đá ở những vùng đang tranh chấp.

Vào hôm qua, bộ Ngoại Giao Mỹ xác nhận là đã biết thông tin về hoạt động của Việt Nam tại đảo Đá Lát, và đã nhắc lại lời kêu gọi các bên có những bước nhằm giảm bớt căng thẳng và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Trả lời hãng tin Reuters vào hôm qua, 09/12, ông Trevor Hollingsbee, một chuyên gia phân tích tình báo hải quân Anh nhận định : « Chúng ta có thể thấy rằng trong tình hình này, Việt Nam hoàn toàn không tin ai về chiến lược và đang cố gắng cải thiện sự phòng thủ ».

Trọng Nghĩa (RFI)


Chuyên gia Pháp: Mỹ sắp mất quyền kiểm soát Thái Bình Dương
Bản đồ khu vực do Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ USPACOM chịu trách nhiệm. Nguồn: USPACOM

Nga đang tìm cách gây thêm ảnh hưởng ở vùng Thái Bình Dương, và kết thân với Trung cộng, Bắc Kinh không ngừng phủ bóng lên châu Á và Biển Đông, Phi Luật Tân đang rời Mỹ để xích lại gần Trung cộng và Nga. Theo tướng Jean-Vincent Brisset, giám đốc nghiên cứu Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Chiến Lược và Quốc Tế IRIS, trên chuyên san Atlantico ngày 02/12/2016, các động lực mới trong khu vực có vẻ không thuận lợi cho cường quốc Thái Bình Dương là Hoa Kỳ.

 Trả lời phỏng vấn của Atlantico, ông Brisset cho rằng Nga đang thể hiện ý chí lấy lại vị trí cường quốc thế giới mà Liên Xô từng có trước đây.

Jean-Vincent Brisset : Những sáng kiến mới của Matxcơva hướng về châu Á về cơ bản là nhằm cụ thể hóa sự trở lại thực thụ của một nước Nga hiện đang có phương tiện và quyết tâm lấy lại vị trí hàng đầu trong tư cách là một cường quốc toàn cầu. Quả là chúng ta có thấy một vài tuyên bố chung giữa Nga và Trung cộng, nhưng hiện chưa rõ là chúng có sẽ thể hiện trong thực tế bằng một sự thay đổi quan trọng trong quan hệ giữa hai nước hay không. Với Nhật Bản, vấn đề phức tạp hơn, nhất là sau vụ Nga gần đây đã triển khai tên lửa trên quần đảo Kuril, vốn vẫn là một vùng tranh chấp. Chuyến thăm sắp tới của Vladimir Putin đến Tokyo có lẽ sẽ cho phép làm rõ một số điểm.

Tham vọng của Trung cộng : Động lực biến đổi cục diện

Tại vùng Thái Bình Dương, động lực thúc đẩy tình hình biến chuyển phần lớn liên quan đến các tranh chấp chủ quyền, chỉ song phương giữa Trung cộng và Nhật Bản trên quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) ở Biển Hoa Đông, và phức tạp và chồng chéo lên nhau ở vùng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và một số rạn san hô khác ở Biển Đông.

Trong nhiều năm qua, các nước ven biển thành viên ASEAN đã cố gắng thể hiện một lập trường chung và yêu cầu thông qua một bộ quy tắc ứng xử có thể ràng buộc Trung cộng. Cho đến nay, Bắc Kinh đã luôn luôn ngăn chặn thành công việc thông qua một văn bản như vậy bằng cách “mua chuộc” các nước ASEAN, cụ thể là Lào và Cam Bốt.

Gần đây, Bắc Kinh đã xây dựng các căn cứ quân sự thực thụ trên một số rạn san hô và khẳng định chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông. Sau một đơn kiện của Phi Luật Tân, Tòa Trọng Tài ở La Haye đã lên án Trung cộng, vốn đã phủ nhận thẩm quyền của tòa án cho dù đã phê chuẩn Luật Biển của Liên Hiệp Quốc.

Việt Nam vẫn là quốc gia phản đối mạnh nhất các yêu sách lãnh thổ của Trung cộng, đến mức càng lúc càng công khai yêu cầu sự giúp đỡ của Mỹ và mở cửa một lần nữa cho sự hiện diện quân sự của Nga. Tuy nhiên, nền kinh tế của Việt Nam vẫn gắn chặt với láng giềng to lớn và phán quyết của Tòa La Haye không thực sự thuận lợi cho Hà Nội.

Atlantico : Trước việc Nga và Trung cộng ngày càng gia tăng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương, Hoa Kỳ phản ứng thế nào? Có nên “sợ” khả năng Mỹ rút đi hay không? Và nếu Mỹ rút, thì hậu quả ra sao ?

Jean-Vincent Brisset : Thông thường khi quan tâm đến chính sách « xoay trục » của Mỹ, người ta nghĩ rằng các lực lượng Mỹ đã được rút ra khỏi châu Âu để triển khai qua vùng Thái Bình Dương. Trong thực tế, sự chuyển hướng đó đã bị nhiều trở ngại, vừa từ việc cắt giảm ngân sách, cho đến nhu cầu duy trì một phần lực lượng tại Afghanistan và chiến đấu chống lại tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở Irak và Syria.

Trong thực tế, phương tiện được bố trí tại chỗ để chống lại Trung cộng, cả về nhân lực đến vật lực, nhìn chung đều không tăng nhiều lắm. Cái khác là địa bàn triển khai có thay đổi, với một sự giảm nhẹ ở Nhật Bản và Hàn Quốc, một nỗ lực hướng tới Phi Luật Tân và Tân Gia Ba, cùng với việc tạo ra một căn cứ thủy quân lục chiến ở Úc. Một bước tiến quan trọng hơn nhiều là kế hoạch thành lập khối Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, một hiệp định thương mại tự do rộng lớn bao gồm 12 nước (Mỹ, Canada, Mexico, Chile, Peru, Nhật Bản, Mã Lai, Việt Nam, Tân Gia Ba, Brunei, Úc và Tân Tây Lan), được ký kết ngày 04/02/2016, nhưng đã bị tổng thống tương lai của Hoa Kỳ đòi xé bỏ.

Atlantico : Donald Trump nêu bật một cách tiếp cận chính trị và địa chính trị mang tính bảo hộ mậu dịch và không can thiệp. Cho dù vậy, liệu Mỹ có thể cho phép mình mất đi ảnh hưởng đối với châu Á hay không?

Jean-Vincent Brisset :  Vào lúc này, chúng ta chủ yếu vẫn chỉ suy đoán về các chính sách mà ông Donald Trump sẽ theo đuổi, và khẳng định bất kỳ điều gì cũng đều nguy hiểm.

Điều duy nhất mà ta có thể nói là việc nước Mỹ sẽ co cụm trong một chừng mực nào đó là khả năng có thể xảy ra, nhưng cụ thể như thế nào thì chưa thể nói được. Nhất là rất khó mà dự đoán những thay đổi trong chính sách của Trung cộng và quan hệ của Bắc Kinh với các nước láng giềng.

Rất có khả năng là, nhân danh quyền tự do đi lại và dựa vào phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, tàu Hải Quân Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện rõ rệt ở Biển Đông. Việc từ bỏ hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, nếu được xác nhận, có lẽ sẽ là sự đổi hướng quan trọng nhất.

Dường như chính quyền mới tại Mỹ muốn thay thế hiệp định này bằng một loạt quan hệ song phương.

Quan hệ giữa Washington và từng nước trong vùng do đó cũng có thể thoát khỏi cung cách tiếp cận toàn cầu và chung chung đang được áp dụng để hướng tới một cái gì đó riêng biệt hơn. Điều đó chắc chắn sẽ mang lại sự linh hoạt và khả năng thích ứng tốt hơn với từng trường hợp, tuy theo mức độ của các quan hệ chính trị và thậm chí quân sự.

Nhưng ẩn số lớn vẫn là hướng đi của quan hệ với Trung cộng, vẫn còn khá khó lường. Điều này đặc biệt đúng trong một giai đoạn mà bất cứ sự suy yếu nào của nền kinh tế Trung cộng đều có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của đất nước, nơi mà quyền lực của ông Tập Cận Bình có thể không phải là vững chãi như người ta tưởng.


Theo RFI