27.12.2016

Tòa phúc thẩm giữ nguyên án tù 2 bloggers Quốc Duy và Thiên An

Tòa phúc thẩm giữ nguyên án tù 2 bloggers Quốc Duy và Thiên An

Nguyễn Hữu Thiên An (trái) và Nguyễn Hữu Quốc Duy tại phiên tòa sơ thẩm ở Nha Trang hôm 22/8/2016. File photo

Sáng 26.12.2016, tòa án thành phố Đà Nẵng đã xử phiên phúc thẩm hai bloggers Nguyễn Hữu Quốc Duy, và Nguyễn Hữu Thiên An.

Kết quả phiên tòa là y án theo như phiên sơ thẩm trước đó tại thành phố Nha Trang, với bản án là 3 năm tù cho anh Nguyễn Hữu Quốc Duy, và 2 năm tù cho anh Nguyễn Hữu Thiên An, với tội danh tuyên truyền chống phá nhà nước, chiếu theo điều luật 88 luật hình sự Việt Nam.


Bào chữa cho anh Duy là luật sư Võ An Đôn cho chúng tôi biết:
Đa số các vụ án có liên quan đến chính trị, an ninh quốc gia thì người ta có sự chỉ đạo trước rồi. Cho nên mọi cái như là án bỏ túi, luật sư thì hình thức thôi. Tại giai đoạn điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm thì tòa án không cho luật sư vào.

Đến hôm nay tại tòa án phúc thẩm cấp cao tại Đà Nẵng thì người ta mới cho. Nhưng tại tòa thì bị cáo Duy khai là sáng nay mới được cán bộ trại giam thông báo ra tòa, mà theo luật thì bị cáo phải được thông báo 10 ngày trước khi ra tòa.”

Luật sư Đôn cũng cho biết thêm là gia đình hai bị cáo không được cho vào phòng xử án. Chúng tôi cũng không liên lạc được với gia đình hai bị cáo.

Chống nhà nước trên Facebook

Xin nhắc lại là Nguyễn Hữu Quốc Duy, sinh năm 1985 bị cơ quan An ninh Điều tra tỉnh Khánh Hòa bắt giam vào ngày 21 tháng 11 năm 2015 Theo thông tin từ cơ quan điều tra cho gia đình anh Duy biết do anh Duy đã sử dụng phần mềm Messeger của Facebook, cùng với người em họ mình là Nguyễn Hữu Thiên An, để tuyên truyền cho 30 em học sinh chống nhà nước.

Vào tháng tám năm nay, tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch có trụ sở ở Hoa Kỳ cũng ra thông cáo phản đối bản án dành cho hai anh Duy và An, nói rằng hai thanh niên này chỉ sử dụng quyền tự do biểu đạt để chỉ trích trên mạng xã hội.

Tổ chức này còn nói rằng điều 88 bộ luật hình sự Việt Nam về tội danh tuyên truyền chống nhà nước được diễn giải quá rộng, điều đó làm cho Hà Nội có thể gán cho bất kỳ ai tội danh này, nếu người đó có những lời chỉ trích, phê bình trái ý với nhà cầm quyền.