27.02.2017

McMaster, cố vấn an ninh quốc gia mới của Hoa Kỳ từng viết sách về cuộc chiến Việt Nam

“Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã không bị thua trên chiến trường, mà bị thua ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, ngay cả trước khi dân chúng Mỹ nhận ra rằng nước họ đang lâm chiến. Thảm họa tại Việt Nam không phải là kết quả của lực phi nhân vị, mà chính là một thất bại do con người gây ra. Cùng chịu trách nhiệm về thất bại ấy là Tổng Thống Lyndon Johnson và các cố vấn quân sự và dân sự chính yếu của ông.“

McMaster, cố vấn an ninh quốc gia mới của Hoa Kỳ từng viết sách về cuộc chiến Việt Nam
Trung Tướng H.R. McMaster đang nghe Tổng Thống Donald Trump thông báo về việc ông được chọn là cố vấn an ninh quốc gia hôm thứ Hai tại Florida. (Nicholas Kamm/ Getty Images) 

Ông H.R. McMaster là người có thẩm quyền trong lãnh vực an ninh, một phần vì ông đã nghiên cứu sâu sắc về lý do đưa đến sự thất trận của Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam, và cũng từng chỉ huy binh lính đánh tan quân giặc tại Iraq. Ông vừa được Tổng Thống Donald Trump bổ nhiệm vào chức cố vấn an ninh quốc gia.


Vì có tính nói thẳng và không ngại lên tiếng, ông McMaster đã mấy lần bị bỏ qua khi các tướng khác được thăng chức. Trong chức cố vấn an ninh quốc gia, ông là người thứ ba được cứu xét sau khi người đầu tiên bị áp lực phải từ chức, và người thứ nhì từ chối nhận chức này. Khi biết ông McMaster được đề bạt, nhiều chính trị gia thuộc cả hai đảng đều đồng ý Trung Tướng McMaster là người rất xứng đáng.

Để biết rõ hơn về khả năng của ông McMaster, chúng ta có thể nhìn lại quá khứ của ông mà đặc biệt là có dính líu đến cuộc chiến Việt Nam mà ông không tham dự trực tiếp nhưng đã nghiên cứu rất sâu về đề tài này. Sau khi tốt nghiệp trường võ bị West Point, và chiến đấu anh dũng trong chiến dịch Bão Sa Mạc (Desert Storm), ông theo học tại University of North Carolina để lấy bằng tiến sĩ sử học. Ông dùng những tài liệu được giải mật và nhiều cuộc phỏng vấn, để truy dò nguồn gốc của tình trạng sa lầy của người Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam. Nhờ vậy McMaster tin chắc rằng các vị tướng thời đó bị oằn lưng dưới áp lực chính trị, và ủng hộ một sách lược chiến tranh mà họ biết là không bao giờ có thể chiếm được thế thượng phong. Ông biến luận án tiến sĩ của ông thành một cuốn sách, tựa đề là “Dereliction of Duty” (Xao Lãng Nhiệm Vụ), được phát hành vào năm 1997, khi ông còn là một thiếu tá.


Cuốn sách ấy đã được nhiều sĩ quan trẻ thán phục và sùng mộ, đáng được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn sau khi ông nhậm chức cố vấn an ninh quốc gia với một trong những trách nhiệm quan trọng nhất trong chính phủ. Bài nghiên cứu của McMaster tập trung chú ý vào một vài quyết định chủ chốt, được đưa ra từ năm 1963 đến năm 1965. Ông kết luận, “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã không bị thua trên chiến trường, mà bị thua ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, ngay cả trước khi dân chúng Mỹ nhận ra rằng nước họ đang lâm chiến. Thảm họa tại Việt Nam không phải là kết quả của lực phi nhân vị, mà chính là một thất bại do con người gây ra. Cùng chịu trách nhiệm về thất bại ấy là Tổng Thống Lyndon Johnson và các cố vấn quân sự và dân sự chính yếu của ông. Có nhiều điều thiếu sót và các yếu tố làm tăng thêm cho sự thất bại: tính kiêu ngạo, sự yếu nhược, dối trá trong việc theo đuổi lợi ích cá nhân, và nhất là việc thoái thác trách nhiệm với dân chúng nước Mỹ.”

Ông Johnson đã chú trọng vào việc đắc cử tổng thống vào năm 1964, và không muốn điều gì làm hại cơ hội của ông. Sau khi đánh bại Barry Goldwater trong một chiến thắng vang dội, ông lo sợ rằng một cuộc tranh cãi công khai về Việt Nam sẽ làm suy yếu chương trình xã hội (Great Society) của ông tại quốc nội. Dựa theo các tài liệu, ông McMaster lập luận, “Tổng thống và bộ trưởng quốc phòng đã cố tình che khuất bản chất của các quyết định, và không xác định những giới hạn mà họ hình dung ra được về việc sử dụng vũ lực.

McMaster mô tả Robert McNamara là kẻ khờ dại. Ông McNamara là chủ tịch của hãng xe Ford trước khi trở thành bộ trưởng quốc phòng. McMaster nói rằng McNamara xem Việt Nam “là một vấn đề quản trị kinh doanh,” và “tiến tới bất kể những điều phức tạp của chiến tranh, về mặt nhân sinh và tâm lý.”

McMaster viết, “McNamara và các phụ tá của ông trong Bộ Quốc Phòng đều kiêu căng. Họ coi thường những lời khuyên từ phía quân đội, vì họ nghĩ rằng trí thông minh và những phương pháp phân tích của họ có thể bù đắp cho chuyện họ thiếu kinh nghiệm và giáo dục quân sự. Thật vậy, đối với họ kinh nghiệm quân sự dường như một điều gây phiền toái, vì các sĩ quan quân đội có một tầm nhìn quá thiển cận, và đặt những lời khuyên của họ dựa trên những quan niệm cổ hủ về chiến tranh.”

McMaster cũng cho rằng tướng Mỹ ở Việt Nam cũng quá sẵn sàng để tuân lệnh: “Tự bản chất, chiến lược làm tiêu hao sức mạnh địch quân của William Westmoreland ở Việt Nam Cộng Hòa là sự vắng mặt của một chiến lược.” McMaster lập luận rằng hậu quả là hoạt động quân sự (thả bom xuống Bắc Việt và tiêu diệt địch quân ở miền nam Việt Nam) đã không nhằm đạt một mục tiêu được xác định rõ ràng.

Cách đây hai chục năm khi còn nghiên cứu, ông McMaster đã mô tả các cuộc họp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia dưới thời Tổng Thống Johnson là “những công việc chiếu lệ, trong đó tổng thống cố gắng xây dựng sự đồng thuận về những quyết định đã rồi.”

The McMaster, ông Johnson đã có những quyết định quan trọng nhất trong những cuộc họp ăn trưa vào ngày thứ Ba với ba cố vấn dân sự của ông. Các tướng lãnh quân đội không được mời tới dự. Điều này gây cản trở sự thông suốt tin tức.

McMaster gọi các tướng Tham Mưu Trưởng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam là “năm người thầm lặng,” vì họ không thách thức tổng thống, hoặc báo động cho các lãnh tụ quốc hội, khi ông Johnson không nói rõ về sự leo thang chiến tranh trong khu vực Đông Nam Á sẽ thực sự diễn ra như thế nào. Các tham mưu trưởng công nhận rằng cách thức tiếp cận của ông Johnson xét về mặt căn bản là khiếm khuyết. Thế nhưng họ không dám bày tỏ một cách hữu hiệu sự phản đối hoặc đưa ra những giải pháp khác. McMaster giải thích rằng một phần của vấn đề là sự tranh quyền giữa các ngành. Chẳng hạn, vị đô đốc phụ trách hải quân đã dùng lợi thế của ông với Tòa Bạch Ốc, để bảo đảm rằng chức vụ của ông vẫn giữ được quyền kiểm soát Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương.

Một bước ngoặt đã xảy ra trong tháng Bảy năm 1965. McMaster trưng tài liệu cho thấy Tổng Thống Johnson đã nói dối như thế nào về sứ mạng của các lực lượng Hoa Kỳ, nói không đúng mức về số lượng binh sĩ mà quân đội đã yêu cầu, và lừa dối Quốc Hội về phí tổn của những hành động đã được chấp thuận. McMaster viết, Tổng thống nói dối, và ông mong đợi các tham mưu trưởng cũng nói dối, hoặc ít nhất nói không hết sự thật.” 

McMaster, nay 54 tuổi, là một vị tướng ba sao, đang bước vào một tình huống rất phức tạp của chính phủ Trump. Tuy nhiên, ông được nhiều người kính nể, xem ông là người thông minh, mạnh mẽ, và thẳng thắn quyết liệt.
Từ ngày đầu làm một sĩ quan, McMaster nổi bật lên giữa các đồng nghiệp của ông. Ông đã lãnh một huy chương anh dũng bội tinh với ngôi sao bạc trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, khi đại đội thiết giáp của ông phá hủy một đội hình lớn hơn nhiều của Iraq, trong một trận đánh mở màn.
Trong cuộc chiến Iraq, McMaster chỉ huy một lữ đoàn gồm 3,500 quân, trong thành phố Tal Afar ở miền bắc, bị tàn phá tan hoang trong năm 2005 bởi cuộc nội chiến Iraq. Ông gạt bỏ hầu hết lối tiếp cận chính thức của chính phủ Bush vào thời đó, là rút quân ra khỏi các thành phố và huấn luyện cho các lực lượng Iraq đảm nhận cuộc chiến, để cho quân đội Mỹ có thể về nước.

Ngược lại, McMaster dẫn quân tiến sâu vào Tal Afar, thành lập 29 tiền đồn chỉ huy nhỏ do quân Mỹ trú đóng. Thay vì tập trung vào việc huấn luyện cho người Iraq, McMaster và binh sĩ của ông đã làm việc để ngăn chặn việc giết hại trong thành phố, và thay thế viên thị trưởng và các lực lượng an ninh địa phương. Cuối cùng chiến lược của ông, được gọi là “khai thông, giữ vững, và xây dựng,” đã trở thành một mô hình cho chiến dịch gia tăng rộng lớn hơn, do Tướng David H. Petraeus cầm đầu, để ổn định Iraq trong năm 2007 và năm 2008.

Niềm đam mê, cường độ, và khả năng chịu được rủi ro mức cao của McMaster đôi khi làm cho ông đụng độ với các vị thượng cấp. Ông đã hai lần bị bỏ qua trong việc thăng chức, trước khi rốt cuộc trở thành tướng một sao. Đứng đầu ủy ban thăng chức cho ông là Tướng Petraeus, một trong những người ủng hộ trung thành nhất của ông trong quân đội.

Trong những năm gần đây, ông McMaster trông coi một lực lượng đặc nhiệm chống tham nhũng ở Afghanistan cho Tướng Petraeus. Lực lượng này đem lại những kết quả khác nhau. Mới đây ông tập trung vào học thuyết quân sự và việc hiện đại hóa quân đội, tình trạng trì trệ tương đối trong quân ngũ.

Từ trước đến nay không có người nào được ông Trump chọn mà nhận được như nhiều lời khen ngợi tức khắc giống như ông McMaster, từ nhiều phía có ý thức hệ khác nhau. Ông John McCain, người chỉ trích ông Trump trong hội nghị an ninh Munich vào cuối tuần qua, đã ca ngợi McMaster là “một sự lựa chọn xuất sắc.” Chủ tịch Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện nói thêm, Tôi không thể tưởng tượng ra được một nhóm an ninh quốc gia có khả năng nhiều so với nhóm mà chúng ta có lúc này.”

Theo Báo Viễn Đông

Đọc thêm: