12.02.2017

Tin Tổng Hợp Liên Quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 12.02.2017)

Tin Tổng Hợp Liên Quan đến Biển Đông và Trung cộng 
(ngày 12.02.2017)

Biển Đông: Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ rất cứng rắn đối với Trung cộng ?
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis tới văn phòng thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Tokyo, ngày 03/02/2017REUTERS/Eugene Hoshiko/Pool

Nhân chuyến công du Nhật Bản vừa qua, trong các phát biểu công khai, tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đã có những tuyên bố rất ôn hòa về Biển Đông, nhấn mạnh đến các phương pháp « ngoại giao », chống lại các « động thái quân sự rầm rộ », của Trung cộng. Tuy nhiên, theo tạp chí Nhật Bản Nikkei Asian Review ngày 08/02/2017, trong những cuộc tiếp xúc riêng với các quan chức Nhật Bản, bộ trưởng Quốc Phòng đã thể hiện những quan điểm cực kỳ cứng rắn đối với Trung cộng.


Theo nguồn tin trên, ông James Mattis đã so sánh các hành vi quyết đoán của Trung cộng hiện nay nhằm áp đặt quyền khống chế trong khu vực, với việc đế quốc Minh của Trung Hoa thời xưa, áp đặt ách thống trị đối với các láng giềng bị biến thành chư hầu.

Đối với ông Mattis, các hành động đó không thể chấp nhận được trong thời đại ngày nay.

Tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ dường như đã nói rằng Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận các hành vi khiêu khích của Trung cộng ở Biển Đông nữa. Hoa Kỳ sẽ không chỉ đóng vai trò tích cực trong việc bảo vệ tự do hàng hải, mà lại còn tích cực hơn so với chính quyền Obama trước đây trong việc ngăn chặn đà quân sự hóa của Trung cộng trong khu vực.



Phi cơ Hoa Kỳ - Trung cộng áp sát nhau ở Biển Đông
Phi cơ cảnh báo sớm của Trung cộng KJ-200.  AFP photo

Theo tin của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cho biết: Một phi cơ cảnh báo sớm của Trung cộng và một phi cơ tuần tra của hải quân Mỹ trong tuần này có vụ bay sát nhau ở Biển Đông ở cự ly được nói là ‘đối mặt không an toàn’. Đây là một sự kiện đầu tiên giữa hai phía vào thời của tân tổng thống Donald Trump.
Hãng tin Reuter nói rõ chiếc KJ-200 của Trung cộng và chiếc P-3C của Hoa Kỳ hôm thứ tư bay sát nhau ở cự ly trong phạm vi 305 mét trên bầu trời gần khu vực bãi cạn Scaborough. Vùng trời nơi hai chiếc Phi cơ được nói bay ở cự ly sát nhau như thế được Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ khẳng định thuộc không phận quốc tế.

Theo phát ngôn nhân Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Robert Shuford, thì khi xảy ra sự vụ, chiếc P-3C của Hoa Kỳ đang thực hiện nhiệm vụ thường lê và hoạt động theo đúng luật pháp quốc tế. Ông này nói thêm phía Bộ Quốc Phòng và Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ luôn quan ngại về những vụ va chạm với lực lượng quân sự Trung cộng.

Hãng thông tấn AP cho biết có fax đến Bộ Quốc Phòng Trung cộng để hỏi về vụ việc mà Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ loan đi hôm nay; thế nhưng AP chưa nhận được trả lời.

Tuy nhiên trên trang chủ tờ Toàn cầu Thời báo của Trung cộng có trích dẫn của một quan chức quân đội Hoa Lục ẩn danh nói rằng viên phi công của chiếc phi cơ cảnh báo sớm của nước này đã phản ứng một cách hợp pháp và chuyên nghiệp.

Một số vụ việc từng đôi lần xảy ra tại khu vực Biển Đông nơi mà Trung cộng tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ; mặc dù Bắc Kinh luôn nói tôn trọng quyền tự do hàng hải ở vùng biển chiến lược này và phản đối hoạt động quân sự của Hoa Kỳ; đặc biệt công tác thu thập thông tin tình báo do phi cơ Mỹ thực hiện gần vùng biển phía nam tỉnh đảo Hải Nam của Trung cộng. Đây là nơi Bắc Kinh cho đặt một số căn cứ quân sự.

Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ và Trung cộng có ký hai thỏa thuận nhằm phòng ngừa những vụ đối đầu có thể đưa đến khủng hoảng quốc tế như vụ hồi tháng tư năm 2000 khiến một phi công Hoa Lục tử nạn và phía Trung cộng bắt giữ 24 thành viên trên chiếc Phi cơtrinh sát của Mỹ trong vòng 10 ngày.



Trung cộng nâng cấp các cơ sở quân sự ở Hoàng Sa 
Ảnh vệ tinh chụp đảo Phú Lâm, Hoàng Sa ngày 28/01/2017 (nguồn: https://amti.csis.org/paracels-beijings-other-buildup/)

Các ảnh vệ tinh của Mỹ cho thấy là Trung cộng đã nâng cấp các hạ tầng cơ sở quân sự ở khu vực phía bắc của Biển Đông, chung quanh quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp.

Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á AMTI, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược CSIS tại Washington, hôm qua, 08/02/2017, cho biết là Trung cộng hiện đang nắm 20 tiền đồn trên quần đảo Hoàng Sa và đã mở rộng các cơ sở quân sự trên 8 đảo.

Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn thường xuyên cam kết sẽ không quân sự hóa các đảo nhân tạo mà họ xây dựng ở Biển Đông, khẳng định rằng những vũ khí, thiết bị quân sự mà họ đặt trên các đảo này chỉ nhằm mục đích tự vệ.

Không ảnh đảo Tri Tôn mới chụp với cảng biển và bãi trực thăng. (Hình: CSIS)

Dư luận đã đặc biệt theo dõi các hoạt động bồi đắp 7 đảo nhân tạo và xây dựng cơ sở quân sự quy mô của Trung cộng tại quần đảo Trường Sa nên ít chú ý đến các hoạt động tương tự tuy tầm vóc nhỏ hơn nhưng không kém quan trọng của họ tại quần đảo Hoàng Sa trong mưu đồ khống chế toàn bộ khu vực Biển Ðông.

Qua các không ảnh mới nhất chụp trong cuối Tháng Giêng 2017 mà tổ chức CSIS có được, người ta thấy 3 trong số các cảng biển được Trung cộng xây dựng ở khu vực quần đảo Hoàng Sa có thể tiếp nhận các tàu quân sự và dân sự cỡ lớn. Bốn cảng ở các đảo nhỏ khác nhỏ hơn và một cảng nữa đang được xây dựng ở đảo Duy Mộng (Drummond Island).

Quần đảo Hoàng Sa. (Hình: CSIS)

Năm trong số các đảo tại quần đảo Hoàng Sa có bãi đáp trực thăng mà đảo Quang Hòa (Duncan Island) được xây dựng cơ sở cho căn cứ trực thăng. Ðảo Phú Lâm (Woody Island) lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa cũng đã được bồi đắp mở rộng thêm và phi đạo trên đảo này cũng đã được kéo dài thêm. Một số cơ sở nhà chứa Phi cơđã được xây dựng thêm trên đảo này. Năm ngoái, người ta thấy một số giàn hỏa tiễn phòng không HQ-9 đã được bố trí trên Phú Lâm sau khi một tàu chiến của Hoa Kỳ đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của đảo Tri Tôn, đảo cực nam của quần đảo Hoàng Sa.

Ðảo Phú Lâm được Trung cộng xây dựng ráo riết từ mấy năm qua, biến nơi này thành Bộ Chỉ Huy quân sự và hành chánh cho cả các đảo ở phía Nam Biển Ðông mà họ gọi là “Tam Sa.” Trên đây họ xây sự thêm 2 cảng biển, căn cứ không quân ở Phú Lâm gồm có 16 tòa nhà chứa Phi cơquân sự trong đó có 4 tòa nhà cỡ lớn.

Người ta nhìn thấy từ năm 2013, Trung cộng đã có chủ trương biến đảo Phú Lâm và các đảo nhân tạo đều có các phi đạo cỡ lớn dài 3,000 mét ở Trường Sa gồm đảo Ðá Thập ( Fiery Cross), đảo Su-Bi (Subi) và đảo Vành Khăn (Mischief) thành những căn cứ quân sự chính gồm cảng biển lớn và phi đạo được trang bị cả hỏa tiễn phòng không cũng như hỏa tiễn tầm xa.

Ðảo Quang Hòa (Duncan Island) và Quang Hòa Tây (Palm Island), được nối liền với nhau bằng một dải cát bồi đáp thêm. Theo CSIS, đây là căn cứ quân sự tối tân hàng thứ nhì sau đảo Phú Lâm mà Trung cộng xây dựng tại quần đảo Hoàng Sa với một cảng biển đáng kể. Một căn cứ trực thăng được xây dựng với nhiều nhà chứa trực thăng và 8 bãi đậu, điều này cho thấy đảo Quang Hòa có vai trò quan trọng trong khả năng chống tàu ngầm của Trung cộng ở khu vực.

Tại Ðảo Cây (Tree Island), năm ngoái Trung cộng đã ráo riết cải tiến các cơ sở. Họ đã nạo vét để lập cảng biển ở đầu Tây Nam của đảo nhỏ này cũng như đang còn mở rộng thêm diện tích trên đảo rất đáng kể. Các cơ sở được xây dựng gồm cả vòm radar, nhiều cơ sở chôn ngầm dưới đất tương tự như được xây dựng ở Phú Lâm và các đảo nhân tạo Ðá Thập, Su-Bi và Vành Khăn.

Chi tiết đảo Phú Lâm chụp ngày 28 Tháng Giêng 2017. (Hình: CSIS)

Ðảo Bắc (North Island) và đảo Trung (Middle Island) là các đảo nhỏ ở phía Bắc đảo Phú Lâm cũng được bồi đắp thêm. Người ta thấy cơ sở làm xi măng ở đây chứng tỏ thêm các cơ sở quân sự đang được xây dựng như ở những đảo khác. Hai đảo này được bồi đắp một dải cát nối liền nhau nhưng đã bị bão thổi bay hồi Tháng Mười 2016 không rõ sẽ được làm lại hay không.

Ðảo Tri Tôn (Triton Island) ở cực Nam của quần đảo Hoàng Sa, tuy trước đây người ta thấy nó có một cảng nhỏ nhưng gần đây đã được mở rộng thêm và có cả bãi đáp trực thăng. Ðiểm đặc biệt của đảo này là trên đó, Trung cộng lập một kỳ đài rất lớn trên đó có cờ Trung cộng rất lớn mà người ta có thể nhìn thấy từ Phi cơhay cả từ vệ tinh.

Ðảo Hoàng Sa (Pattle Island) cũng tương tự như đảo Tri Tôn có một cảng nhỏ và bãi đáp trực thăng, gần đây thấy được xây dựng thêm các cơ sở mới. Ðảo Linh Côn (Lincoln Island) thấy có một cảng nhỏ nhưng không thấy cơ sở nào cho phi cơ.

Ðảo Quang Hòa và đảo Quang Hòa Tây nhỏ hơn được nối lại với nhau bằng một dải đất nhỏ được bồi đắp thêm và có cảng biển, không ảnh ngày 27 Tháng Mười Hai 2016. (Hình: CSIS)

Ðảo Quang Ảnh (Money Island), cũng giống như hai đảo Tri Tôn và Hoàng Sa, có một cảng nhỏ và bãi đáp trực thăng. Tuy đảo Duy Mộng (Drummond Island) thời gian gần đây chưa thấy có các cơ sở quân sự nào nhưng những dấu hiệu cho thấy Trung cộng đang chuẩn bị kế hoạch bồi đắp mở rộng đảo cũng như xây dựng cơ sở và cảng biển.

Một số đảo nhỏ khác chỉ có một hay hai tòa nhà nhưng nhìn qua các vật liệu xây dựng đang được chuẩn bị ở đó, đây là những dấu hiệu của các kế hoạch xây dựng thêm đang tiến hành.



Trung cộng: Mỹ nên ôn lại lịch sử Biển Đông

                             Ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung cộng Vương Nghị tuyên bố tại Úc là Hoa Kỳ cần ôn lại lịch sử về Biển Đông vì những thỏa thuận liên hệ đến Thế Chiến Thứ Hai qui định là tất cả những lãnh thổ của Trung cộng bị Nhật Bản chiếm đóng phải được trả lại cho Trung cộng.

Trung cộng đang bất bình vì những bình luận của tân chính quyền Mỹ về thủy lộ đang tranh chấp này.

Tại buổi điều trần để được Thượng viện chuẩn thuận, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson nói chớ nên để cho Trung cộng được phép tiếp cận các đảo Bắc Kinh xây dựng tại Biển Đông. Tòa Bạch Ốc cũng cam kết bảo vệ “những lãnh thổ quốc tế” trên thủy lộ chiến lược này.

Tuy nhiên, tuần rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis tuyên bố nên ưu tiên ngoại giao trong tranh chấp Biển Đông.

Trong bình luận đưa lên trang mạng của Bộ Ngoại giao Trung cộng vào cuối ngày 7/2, ông Vương Nghị đề nghị các bạn bè Mỹ “Hãy ôn lại lịch sử Thế Chiến Thứ Hai.” Lời phát biểu được đưa ra trong chuyến đi thăm Canberra, Úc.

Ông Vương nói Tuyên ngôn Cairo năm 1943 và Tuyên ngôn Potsdam năm 1945 nêu rõ là Nhật Bản phải trả lại Trung cộng tất cả lãnh thổ Trung cộng mà Nhật Bản chiếm đóng.
Ông nói thêm “Việc này bao gồm quần đảo Nam Sa,” tức quần đảo Trường Sa.
“Vào năm 1946, chính phủ Trung cộng lúc bấy giờ với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ đã công khai và hợp pháp lấy lại quần đảo Nam Sa và những bãi đá Nhật chiếm đóng, và tái lập thực hành chủ quyền tại đây. Sau đó, một vài quốc gia xung quanh Trung cộng đã dùng những phương pháp bất hợp pháp để chiếm một số đảo và bãi đá tại Nam Sa, và vì vậy đã tạo nên cái gọi là tranh chấp Biển Đông,” Ngoại trưởng Trung cộng giải thích.

Ông Vương cho biết Trung cộng cam kết thảo luận với các bên liên hệ trực tiếp, theo đúng dữ kiện lịch sử và luật pháp quốc tế để giải quyết vấn đề một cách hòa bình, và rằng lập trường đó không thay đổi.

Ông nói thêm là những nước bên ngoài khu vực nên ủng hộ những nỗ lực của Trung cộng và những quốc gia khác trong vùng để giữ gìn hòa bình và ổn định tại Biển Đông, chứ không nên làm ngược lại.

Trung cộng đánh giá cao bình luận của ông Mattis nhấn mạnh đến những nỗ lực ngoại giao tại Biển Đông vì đây không phải lập trường duy nhất của Trung cộng và các nước Đông Nam Á, mà còn là “lựa chọn đúng đắn” cho các quốc gia bên ngoài khu vực, ông Vương nhấn mạnh.

Trung cộng nhận chủ quyền hầu như toàn thể Biển Đông trong khi Đài Loan, Mã Lai, Việt Nam, Phi Luật Tân và Brunei nhận một phần chủ quyền trên vùng biển có thủy lộ chiến lược và có tài nguyên cá phong phú cùng với trữ lượng dồi dào về dầu mỏ và khí đốt.



Trung cộng bác bỏ dự báo xung đột ở biển Đông

Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng bất kỳ 'chính trị gia điềm tĩnh' nào cũng sẽ hiểu rằng cả đôi bên sẽ gánh chịu thiệt hại từ một cuộc xung đột như vậy.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung cộng Vương Nghị hôm 7/2 đã chính thức lên tiếng sau khi chiến lược gia trưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Steve Bannon, dự báo khả năng sẽ bùng ra chiến tranh giữa Bắc Kinh và Washington trên biển Đông “trong 5 tới 10 năm nữa”.

Trong cuộc họp báo ở Canberra hôm 7/2 sau cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Úc Julie Bishop, ông Vương nói rằng bất kỳ “chính trị gia điềm tĩnh” nào cũng sẽ hiểu rằng cả đôi bên sẽ gánh chịu thiệt hại từ một cuộc xung đột như vậy, theo the Guardian.

Tin cho hay, trong một chương trình trên radio hồi tháng 3/2016, ông Bannon cho rằng quan hệ Mỹ - Trung tất yếu sẽ leo thang thành xung đột trong vòng một thập niên tới.

Ông Bannon, khi đó điều hành hãng tin Breibart News, nói: "Chúng ta sẽ tham chiến ở Biển Đông trong 5 tới 10 năm nữa, phải không nào? Không còn nghi ngờ gì về điều đó. Trung cộng đang củng cố và về cơ bản là đang xây những hàng không mẫu hạm cố định và đặt tên lửa lên đó. Họ xông vào khu vực ngay trước mặt nước Mỹ - và quý vị thừa hiểu vấn đề thể diện nó quan trọng như thế nào – rồi họ tuyên bố vùng biển này là lãnh hải lịch sử của họ".

Tuy nhiên, ông Vương đã bác bỏ khả năng này, và nói thêm rằng đã có nhiều tuyên bố thiếu hợp lý về quan hệ Trung – Mỹ trong 4 thập kỷ qua, nhưng mối bang giao giữa hai nước đã “vượt qua các khó khăn và không ngừng tiến về phía trước”.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung cộng nói: “Bất kỳ một chính trị gia điềm tĩnh nào cũng nhận thức rõ rằng không thể để xảy ra xung đột giữa Mỹ và Trung cộng vì cả đôi bên sẽ thất bại, và đôi bên không thể làm vậy”.



TC tức giận khi báo Anh so sánh "chiến tranh Hoa-Mỹ sẽ như nông dân gặp Achilles"
  
Một hoạt động huấn luyện của các quân nhân Trung cộng (Ảnh: 81.cn)

Tờ Tin tức tham khảo của Trung cộng, do hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã chủ quản, gọi phân tích của các học giả Anh trên báo Independent là "ngông cuồng".

Tờ Independent hôm 5/2 dẫn nhận định của tiến sĩ Peter Roberts, Giám đốc khoa học quân sự thuộc Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về quốc phòng - an ninh (RUSI), so sánh một cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung cộng sẽ giống như "á thần Hy Lạp Achilles gặp các nông dân được tuyển mộ từ đồng ruộng".

"Có khác biệt lớn giữa những người từng tham gia chiến tranh trước đây (tức Mỹ-ND), và những người chưa từng tham chiến," ông Roberts nói. "Mỹ có thể tổn thất hàng nghìn quân nhân, nhưng Trung cộng sẽ bị đánh bại. Nếu Mỹ khai chiến, họ sẽ dồn tổng lực với sự quyết liệt và năng lượng không thể so sánh được."

Theo ông, Mỹ có "lợi thế cạnh tranh tổng thể" nhờ vào sự ưu việt vượt bậc trong công nghệ, đồng thời đến từ sự gắn kết và phối hợp nhuần nhuyễn, được hình thành qua nhiều năm kinh nghiệm, giữa 4 lực lượng gồm lục quân, hải quân, lính thủy đánh bộ và không quân.

Kerry Brown, giáo sư Trung cộng học thuộc Viện nghiên cứu Trung cộng Lau ở King's College, London (Anh), cũng tin rằng Mỹ sẽ thắng trong cuộc chiến giả định với Trung cộng.

Theo ông Brown, bên cạnh sức mạnh của Hải quân Mỹ thì "việc xung đột vũ trang ở khu vực 'cửa ngõ Trung cộng' chắc chắn sẽ làm Trung cộng thiệt hại lớn hơn Mỹ".

"[Xung đột] hiển nhiên sẽ làm gián đoạn các tuyến cung ứng (cho Trung cộng-ND), nhưng cũng gần như sẽ gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu," ông nói.

Giáo sư người Anh cho rằng, nhiều khả năng các màn tranh cãi giữa Bắc Kinh với Washington sẽ leo thang, và giải pháp khả dĩ nhất là hai bên phải thỏa hiệp: Trung cộng hành động có trách nhiệm hơn, trong khi Mỹ nhượng bộ một số vấn đề.

"Kịch bản tồi tệ nhất là hiểu lầm sẽ leo thang dẫn đến xung đột thực sự."



Tillerson, Trump và Biển Đông

Amitai Etzioni 


“Thế giới bây giờ nên làm quen với một Tổng thống và chính quyền nói trước và (có thể sẽ) nghĩ sau.”

Những phản ứng với tuyên bố của Ngoại trưởng (khi mới được đề cử) Rex Tillerson và Toà Bạch Ốc, rằng Hoa Kỳ sẽ chặn không cho Trung cộng ra vào những hòn đảo nhân tạo họ đã đắp trong vùng biển phía Nam Trung cộng (Biển Đông), cho thấy những khó khăn giới lãnh đạo nước ngoài và giới bình luận đã gặp khi phải điều chỉnh với chính phủ Trump.

WASHINGTON, DC – JANUARY 11 | Rex Tillerson, trước  Thượng viện Hoa Kỳ. Nguồn:  Alex Wong/Getty Images

“Chúng ta sẽ gởi cho Trung cộng một tín hiệu rõ ràng rằng, trước nhất, việc xây đắp đảo phải ngừng và, thứ hai, TC sẽ không được phép ra vào những hòn đảo đó.” – Rex Tillerson ngày 11/1/2017 trong buổi điều trần để được cứu xét làm Ngoại trưởng ở Thượng viện Hoa Kỳ.

Trong những phản ứng đó có thể kể một bài bình luận trên tờ báo của nhà nước Trung cộng, China Daily:

Những tuyên bố như vậy không đáng được xem là có giá trị vì đó chỉ là một đống hỗn độn của sự ngây thơ, thiển cận, định kiến cũ, và sự tưởng tượng chính trị không thực tế. Nếu ông thực hiện những điều đã tuyên bố trong thế giới thực, thì sẽ là thảm họa.”

Tờ báo diều hâu hơn Global Times cảnh cáo,

“Tillerson có ngon thì nên tăng cường chiến lược hạt nhân nếu ông muốn buộc quốc gia có sức mạnh hạt nhân lớn rút khỏi lãnh thổ của mình.”

Những tuyên bố đó cho thấy rằng những người tuyên bố hay đối tượng của họ vẫn nghĩ rằng chúng ta vẫn còn ở trong một thế giới, ở đó một tuyên bố của Toà Bạch Ốc hay của Bộ trưởng Ngoại giao phản ảnh một chính sách đã được soạn thảo trước, và là kết quả của những cuộc thảo luận kỹ càng với từ ngữ cẩn thận. Thay vào đó, thế giới bây giờ nên làm quen với một Tổng thống và chính phủ hay nói trước và (có thể sẽ) nghĩ sau. Tổng thống Donald Trump đã xây dựng được một kỷ lục những lời tuyên bố phản ảnh tình cảm nhất thời hoặc những bất mãn vì sự tưởng tượng [“alternative facts”], chứ không có những chính sách rõ ràng.

Hơn nữa, những lời tuyên bố loại đó đều được viết trên đá,… nước đông lạnh. Vì thế ngay sau khi mặt trời mọc, chúng đều tan đi và có thể sẽ được thay thế không chỉ đơn thuần với một số sửa đổi mà có thể bằng một tuyên bố hoàn toàn khác. Thí dụ, ngày trước Trump chỉ trích của cộng đồng tình báo Mỹ và cáo buộc họ đứng đằng sau một chiến dịch bôi nhọ chống lại ông. Ngày hôm sau, ông tuyên bố rằng sự rạn nứt giữa ông và CIA là do các phương tiện truyền thông “bất lương” bịa đặt. Trong gần suốt cuộc vận động, và ngay cả sau cuộc bầu cử, ông chỉ trích chiến tranh Iraq. Sau đó, trong bài phát biểu với CIA, sau khi nói Mỹ nên chiếm lấy dầu của Iraq, Trump nói “có lẽ chúng ta sẽ có một cơ hội khác”. Vào một dịp khác, ông nói rằng Nhật Bản, Nam Hàn và Saudi Arabia nên được phép phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng chỉ vài phút sau, ông nói: “vấn đề lớn nhất, với tôi, trên thế giới, là vũ khí hạt nhân, và sự phát triển của nó.” Vì thế không ai ngạc nhiên nếu Trump ngày mai nói rằng Trung cộng có thể giữ lấy tất cả những đảo họ muốn vì bảo vệ những quần đảo ở Biển Đông Mỹ sẽ tốn phí quá nhiều hoặc vì một số suy nghĩ, lý do ngẫu nhiên nào khác. 


Ngôn ngữ ngoại giao của Trump bền vững như chữ viết trên đá (nước đông lạnh). Hôm mới đắc cử: “Chính sách “Một Trung cộng” cũng là một chủ đề đàm phán cùng với các vấn đề khác như thương mại và chính sách tiền tệ.” Nay thì ….

Một điểm cần lưu ý thêm rằng các phụ tá về chính sách đối ngoại quan trọng mà Trump bổ nhiệm không đồng ý với ông và cũng không đồng ý với nhau về các vấn đề chính. Mỹ có nên giảm những vướng mắc và cam kết ở nước ngoài để tập trung vào giải quyết những vấn đề ở Mỹ trước hay sẽ đưa ra những cam kết mới, mở rộng các cam kết hiện tại của Mỹ ở nước ngoài? Trong trường hợp sau, Hoa Kỳ nên coi những hòn đảo ở Biển Đông như thể chúng là vùng lãnh thổ của đồng minh của Hoa Kỳ bị Trung cộng chiếm lấy, và những quần đảo đó có tầm quan trọng quân sự lớn, hoặc chúng chẳng có chút quan trọng nào đáng quan tâm? Cho đến khi nhóm cố vấn chính sách ngoại giao của Trump gặp nhau và có cơ hội để xem họ có thể đồng ý về ít nhất là những đường nét chính của những chính sách mà họ sẽ đề ra, thì tốt nhất người ta không nên tin những lời tuyên bố ngang tàng ban đầu không gì khác hơn những ngôn từ cường điệu rằng “chúng tôi sẽ năng nổ nhiều hơn [cựu Tổng thống Mỹ Barack] Obama.”

Khi những nhân vật chính yếu ngồi lại với nhau, họ sẽ đối diện với những sự kiện sau đây: Quần đảo chính đang được thảo luận là Trường Sa, cũng được nhiều quốc gia khác tuyên bố có chủ quyền, trong đó có Phi Luật Tân, đã đệ đơn kiện Trung cộng lên Tòa án Trọng tài Thường trực. Tòa án phán quyết rằng những hòn đảo nhân tạo của Trung cộng chỉ nên được coi là những bãi đá cạn ở mực triều thấp theo Luật Biển, và vì vậy mà Trung cộng không có quyền lãnh hải như họ tuyên bố. Tuy nhiên, kể từ đó Phi Luật Tân đã bầu tổng thống mới, Rodrigo Duterte. Ông Duterte đã thỏa thuận với Trung cộng để tàu thuyền đánh cá Phi Luật Tân được phép hoạt động xung quanh vùng biển đang tranh chấp. Như vậy thì Hoa Kỳ có nên dùng sức mạnh của mình để tranh đấu cho chủ quyền mà Phi Luật Tân không còn tuyên bố nữa hay không? Và làm thế nào này đạt được điều này? Trung cộng đang gửi ngư dân chứ không phải tàu chiến xuống Biển Đông. Mỹ sẽ chặn bắt và đưa họ về giam giữ ở Guantanamo chăng? Hay Mỹ sẽ bắn vào ngư thuyền của Trung cộng?

Theo cái nhìn của tôi thì những quần đảo đó có giá trị quân sự rất ít. Chúng giống như con tàu sân bay bị hỏng, mắc cạn trên bãi và như đám vịt đang đang ngồi và sẽ bị xóa sổ trong vài phút trong trường hợp xẩy ra chiến tranh. Tetsuo Kotani, chuyên gia về An ninh Hàng hải tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản, lưu ý rằng ngay cả với những căn cứ phòng thủ chống tàu biển, căn cứ quân sự trên những hòn đảo đang tranh chấp chẳng khác gì những khả năng quân sự Trung cộng đã có ở đảo Hải Nam:“Về cơ bản, họ chỉ gửi một thông điệp chính trị. Tôi không biết những những người lính TC đang ở đó có thể làm gì khác hơn.”

Còn một cách khác để nhìn thế giới theo con mắt của Trump. Nó được gọi là thuyết chiến tranh của người điên. Theo đó, nếu một bên ứng xử phi lý, thì những bên bình tĩnh chững chạc hơn sẽ nhượng bộ. Ngoài ra còn có đồng ý đáng kể là với một “chính sách” như vậy có rất nhiều rủi ro. Sớm hay muộn, một bên sẽ không khoan nhượng và một cuộc đụng độ sẽ xẩy ra.

Cứ cho rằng hiện nay TC không sẵn sàn đối đầu với Mỹ về mặt quân sự đi. Do đó, Trung cộng nhiều phần sẽ không kháng cự nếu chính quyền của Trump thực sự gửi tàu chiến của Mỹ để ngăn chặn không cho Trung cộng vào ra ở những quần đảo đang tranh chấp. Tuy nhiên, TC có những cách khác để đánh lại, dễ nhất là gián tiếp giúp đỡ Bắc Hàn phát triển hoả tiễn và vũ khí hạt nhân.

Tranh chấp ở Biển Đông. Nguồn: Reuteurs, CNN, TNYT

Một số người hy vọng rằng, một khi đội ngũ lập chính sách ngoại Trump bắt đầu gặp nhau, họ sẽ nhận ra rằng lợi ích cốt lõi của Mỹ không nằm trong việc đối phó với những tranh chấp ở những quần đảo ở biển Đông, mà là hợp tác với Trung cộng để hạn chế sự tích tụ vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn, về biến đổi khí hậu, và chiến binh thánh chiến, cũng như để xây dựng một thế giới ổn định và phát triển kinh tế.

Về tác giả:  Amitai Etzioni là một giáo sư đại học khoa Quan hệ Quốc tế tại Đại học George Washington. Cuốn sách của ông, “Chính sách đối ngoại: Tư duy vượt giới hạn” (Foreign Policy: Thinking Outside the Box), gần đây đã được Routledge — Chatham House xuất bản trong tập “Insights”

Nguồn: Tillerson, Trump and the South China Sea. By Amitai Etzioni, The Diplomat, January 28, 2017.


Tổng hợp tin tức, bình luận VOA, RFA, RFI, BBC