25.02.2017

Trump và Trung cộng

„Chừng nào mà các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản không được bầu nhưng vẫn còn tiếp tục nắm quyền, thì tham vọng và chủ nghĩa dân tộc không an toàn của TC vẫn còn đó. Hoa Kỳ phải tìm ra cách để hướng tham vọng đó về phía tích cực, trong khi tôn trọng niềm tự hào dân tộc của TC cũng như bảo vệ lợi ích của chính mình.“

Trump và Trung cộng

Tác giả: Susan Shirk, Dịch giả: Song Phan


Trong những năm gần đây, Trung cộng (TC) đã bắt đầu tỏ ra hống hách. Họ bất chấp luật pháp quốc tế và không ngại đụng độ bạo lực ở biển Hoa Đông và biển Đông. Họ đã bẻ cong các quy tắc thương mại với việc phân biệt đối xử các doanh nghiệp nước ngoài để giúp các doanh nghiệp của chính họ. Họ đã cố loại trừ ảnh hưởng của nước ngoài trong khi tìm cách nâng cao ảnh hưởng của họ ở ngoài nước. Và họ đã chống lại việc phương Tây đòi hỏi họ tăng sức ép lên đồng minh Bắc Triều Tiên.


Sự quyết đoán mới của TC xuất phát một phần từ sức mạnh ngày càng tăng của họ; nước này hiện nay có nền kinh tế lớn thứ hai và ngân sách quân sự lớn thứ hai trên thế giới. Nhưng bất ổn trong nước cũng đã đóng một vai trò. Tăng trưởng chậm lại trong một nền kinh tế phải gồng gánh mức nợ cao và việc thất thoát vốn ra nước ngoài tăng nhanh đã làm cho Chủ tịch TC Tập Cận Bình ngày càng lo lắng về các đe dọa trong nước, từ sự phản kháng của dân chúng tới sự chia rẽ trong Đảng Cộng sản cầm quyền. Để đáp ứng, ông đã phô trương sức mạnh của nước này ra bên ngoài, nhằm khơi dậy lòng nhiệt tình yêu nước trong nước, trong khi đàn áp bất kỳ dấu hiệu bất đồng chính kiến nào trong nước.

Chừng nào mà các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản không được bầu nhưng vẫn còn tiếp tục nắm quyền, thì tham vọng và chủ nghĩa dân tộc không an toàn của TC vẫn còn đó. Hoa Kỳ phải tìm ra cách để hướng tham vọng đó về phía tích cực, trong khi tôn trọng niềm tự hào dân tộc của TC cũng như bảo vệ lợi ích của chính mình. Làm như vậy không có nghĩa là Washington nên từ bỏ cách tiếp cận thận trọng từng có tác dụng tốt kể từ thời Richard Nixon làm tổng thống. Cả hai nước đều sẽ thảm bại nếu Hoa Kỳ gây ra chiến tranh thương mại, chạy đua vũ trang, hoặc đối đầu quân sự. Nhưng Hoa Kỳ có thể và cần phải đương đầu với TC thường xuyên hơn, qua việc đẩy lùi họ lại mỗi khi Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế và làm tổn hại đến lợi ích của Mỹ. Mục đích của những phản ứng như thế không phải nhằm kiềm chế TC, mà làm cho TC hoạt động như một kẻ dự phần có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế. Hoa Kỳ nên hoan nghênh một TC có ảnh hưởng nhiều hơn, miễn họ tôn trọng lợi ích của các nước khác, góp phần vào lợi ích chung, và tuân thủ luật pháp và chuẩn mực quốc tế.

Để có mối quan hệ Mỹ-Trung đúng đắn, đòi hỏi tài đàm phán khéo léo của Washington. Nhưng con đường sai để bắt đầu quá trình đàm phán, như Trump đã làm trước khi ông nhậm chức, khi gợi ý rằng Hoa Kỳ có thể phải xem xét lại chính sách “một nước Trung Hoa”, theo đó Washington chỉ chính thức công nhận chính phủ Trung Hoa ở Bắc Kinh, nhưng cũng có quan hệ không chính thức mạnh mẽ với Đài Loan. Bây giờ Trump vào Nhà Trắng, ông sẽ làm tốt khi quay lại với cách tiếp cận từ lâu của Mỹ. Trong bốn thập niên qua, Hoa Kỳ giao dịch với TC với sự lạc quan thận trọng, trong khi dựa vào mạng lưới đồng minh và quan hệ đối tác ở châu Á để hoạt động từ một vị thế của sức mạnh. Từ bỏ chiến lược đó có thể có những hậu quả nghiêm trọng: kết thúc sự hợp tác của TC trong nhiều vấn đề toàn cầu bức bách, từ biến đổi khí hậu đến phổ biến vũ khí hạt nhân, sự trả đũa kinh tế cứng rắn của TC, hoặc thậm chí leo thang quân sự.

TRUNG CỘNG TỈNH DẬY

TC đã trải qua một sự trỗi dậy bất thường trong ba thập kỷ qua. Đến năm 2030, có khả năng nền kinh tế TC sẽ vượt qua Hoa Kỳ thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, và tổng thương mại toàn cầu về hàng hóa của TC đã vượt qua Hoa Kỳ. TC đã đầu tư hàng tỉ USD vào cơ sở hạ tầng trên khắp các châu lục. Và với địa vị là đối tác thương mại hàng đầu của hầu hết các quốc gia châu Á, TC đóng vai trò như là trung tâm kinh tế của một nền kinh tế châu Á ngày càng hội nhập.

Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Hoa (ĐCSTH) thấy việc nắm quyền lực của mình mong manh đến ngạc nhiên. Các nhà lãnh đạo của nước này ít lo ngại về các đe dọa quốc tế bằng các đe doạ trong nước, đặc biệt là trong những thời kỳ kinh tế bị yếu kém. Năm 2015, nền kinh tế tăng trưởng chậm hơn so với bất kỳ năm nào kể từ năm 1990. Chính quyền các địa phương đã có mức nợ cao, có tiềm năng dẫn đất nước này tới sự đổ vỡ nghiêm trọng, nếu các nhà đầu tư mất niềm tin vào giá trị của đồng tiền TC, gây ra việc bán đổ bán tháo tài sản do địa phương sở hữu. Hiện tại, mặc dù việc kiểm soát vốn đang thắt chặt, nhiều cá nhân và công ty đang tìm cách chuyển số lượng tiền lớn chưa từng có ra khỏi đất nước.

Trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhiều người ở phương Tây tin rằng sự trỗi dậy của TC sẽ là sự trỗi dạy hòa bình. Nước này đã ban hành những cải cách kinh tế theo hướng thị trường, mở cửa cho ngoại thương và đầu tư, cư xử một cách thân thiện đối với các nước láng giềng, và tham gia các tổ chức quốc tế đã có. Nhưng việc phục hồi nhanh chóng của TC sau khủng hoảng, tạo ra một cảm giác về sự chiến thắng của TC và sự yếu kém của phương Tây đã khiến chính phủ TC thúc đẩy lợi ích của TC một các hung hăng hơn so với trước đây, và trong tiến trình này, làm suy yếu những lợi ích của Hoa Kỳ.

Một phần của nỗ lực đó dính dáng tới việc theo đuổi chính sách bảo hộ phân biệt đối xử với các doanh nghiệp Mỹ. TC đã gây sức ép các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ độc quyền sở hữu cho các công ty TC như một điều kiện làm ăn ở nước này. TC đã bị chựng lại trong nỗ lực cải cách các công ty quốc doanh dàn trải mà Tập Cận Bình coi như là cơ sở kinh tế của Đảng Cộng Sản. Và họ đã có những bước khác, chẳng hạn như nhắm đích một cách thiếu cân xứng các công ty nước ngoài qua các quy định cạnh tranh tạo lợi thế cho các ngành công nghiệp trong nước một cách thiếu công bằng. Không ngạc nhiên là công nhân và lãnh đạo các công ty Mỹ ngày càng cảm thấy rằng TC đang khuynh đảo sân chơi kinh tế để họ được lợi thế.

Bắc Kinh cũng đã ban hành nhiều quy định mới ngăn ngừa các cá nhân và tổ chức nước ngoài mà họ tin đe dọa sự cai trị của ĐCSTH không được hoạt động bên trong nước này. Họ buộc các tổ chức từ thiện nước ngoài, các think tanks (nhóm chuyên gia cố vấn), và các tổ chức phi lợi nhuận khác, phải được sự chấp thuận chính thức cho các hoạt động của họ và đã cho cảnh sát quyền hạn rộng rãi trong việc giám sát hoặc đóng cửa các tổ chức này. Ngày càng có nhiều trường hợp chính quyền TC từ chối cấp thị thực cho các học giả, nhà văn, nhà báo có quan điểm mà họ thấy đáng chê trách về mặt chính trị. Các giới hạn này, nếu tiếp tục, sẽ làm suy yếu nền tảng các quan hệ ổn định Mỹ-Trung: sự trao đổi không bị trói buộc giữa công dân Mỹ và TC.

Chính trong các lĩnh vực an ninh khu vực châu Á mà TC đã thể hiện ra bên ngoài tham vọng và lo âu của mình đáng kể nhất, qua việc làm cho việc thực thi quyết đoán các yêu sách biển của họ có ưu tiên cao nhất. Lập trường khư khư này về chủ quyền đã làm cho họ và Hoa Kỳ vướng vào thế đối chọi, có thể dễ dàng chuyển thành bạo lực. TC tuyên bố một khu vực rộng lớn ở Biển Đông là của mình, bất chấp phán quyết ngược lại của tòa án quốc tế năm ngoái. Bắc Kinh từ chối tham gia tranh tụng ở tòa án và chọn việc thổi bùng nhiệt huyết dân tộc chủ nghĩa thay vào bằng việc thách thức quyền của Hải quân Mỹ hoạt động tại các vùng biển tranh chấp, bằng việc xây dựng đảo nhân tạo lớn, xây dựng các cơ sở quân sự, và quấy rối tàu thuyền đánh cá của các nước cũng yêu sách các đảo ở khu vực này.

Sự quyết đoán đó có thể làm tăng thêm sự ưa thích của người dân đối với ĐCSTH, nhưng một số người ở TC lo lắng rằng nó đã làm tổn hại lợi ích của nước này ở bên ngoài. Nó coi rẻ quan hệ với nước láng giềng của TC ở Đông Nam Á, đặt TC đối kháng trực tiếp với luật pháp quốc tế, gieo nghi ngờ về ý định của họ, và tạo nên căng thẳng mới trong quan hệ với Hoa Kỳ.

CÙNG CHUNG SỐNG

Khi cố gắng đối phó với một TC mạnh mẽ về mặt quốc tế nhưng âu lo trong đối nội, Hoa Kỳ cần phải theo năm đường hướng bao quát.

Thứ nhất, Washington cần phải duy trì mạng lưới đồng minh và quan hệ đối tác ở châu Á. Mạng lưới đó là rất quan yếu trong việc ảnh hưởng đến hành động của TC. Việc Mỹ dọa rút khỏi liên minh với Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ nhằm đòi hỏi những quốc gia này phải gánh thêm chi phí duy trì lực lượng quân sự của Mỹ trong khu vực, như Trump đề nghị, sẽ làm suy yếu nghiêm trọng vị thế của Hoa Kỳ ở châu Á. Thay vào đó, Trump nên xem xét đến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc vào đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình để trấn an họ rằng ông coi trọng giá trị việc họ có quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ. Và ông nên tìm cách tái khẳng định sự quyết tâm cũng như thế với các đồng minh trong khu vực.

Thứ hai, Washington cần phải đẩy lùi lại những lề thói hành động của TC trực tiếp gây tổn hại cho Hoa Kỳ, thậm chí nếu điều đó có nghĩa là làm căng thẳng tăng lên. Cần tập trung vào những than phiền cụ thể, trao đổi rõ ràng với Bắc Kinh, và sử dụng các công cụ cho phép làm tăng hoặc giảm cường độ để đáp ứng với những thay đổi trong hành vi của TC. Ví dụ, Washington có thể thực thi các luật thương mại bằng cách áp đặt trừng phạt với các ngành cụ thể, các trừng phạt có thể sẽ được tháo bỏ nếu Bắc Kinh ngưng các lề thói hoạt động kinh tế phân biệt đối xử của họ. Ngược lại, loại hàng rào thuế quan tổng thể mà Trump đã đề xuất trong chiến dịch tranh cử sẽ chỉ khiêu khích TC trả đũa, thậm chí còn gay gắt hơn. Washington cần phải trấn an các lãnh đạo TC rằng khi họ hành động với sự kiềm chế và hợp tác giải quyết các bất đồng một cách hòa bình, Hoa Kỳ sẵn sàng đáp lại như vậy.

Thứ ba, các nhà hoạch định chính sách Mỹ cần phải lưu ý rằng TC không phải là một diễn viên đơn nhất. Họ nên trù liệu lời nói và hành động của mình để thu hút những nhóm ở TC, chẳng hạn như các doanh nghiệp tư nhân vốn ủng hộ thương mại và đầu tư nước ngoài và một chính sách đối ngoại kềm chế, và để làm suy yếu những nhóm, chẳng hạn như cảnh sát, bộ máy tuyên truyền, và quân đội TC vốn được lợi từ các quan hệ căng thẳng với Hoa Kỳ. Ví dụ, Hoa Kỳ cần phải sử dụng các nhà ngoại giao của Bộ Ngoại giao để truyền tải thông điệp của mình về biển Đông, thay vì các sĩ quan quân đội ăn nói cứng rắn đã từng được sử dụng. Và Hoa Kỳ phải chỉ trích việc xây dựng mới trong khu vực này của tất cả các nước, thay vì tiếp tục điểm mặt một mình TC. Điều này sẽ làm dịu sự tức giận của TC về việc Mỹ can thiệp và nâng cao các tiếng nói ở TC, kêu gọi gác tranh chấp lại hoặc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Thứ tư, để giữ quan hệ Mỹ-Trung được trơn tru, các quan chức Mỹ ở cấp cao nhất nên liên lạc thường xuyên với các đối tác TC. Việc tập trung quyền lực của Tập Cận Bình, như việc ông ta nhấn mạnh rằng, ĐCSTH phải kiểm soát mọi quyết định, và sự mất tin tưởng của ông đối với các nhà ngoại giao chuyên nghiệp thuộc Bộ Ngoại giao TC, đang làm cho Hoa Kỳ khó giao tiếp hiệu quả hơn trước đây, đối với những người ra quyết định phía TC. Để khắc phục vấn đề này, Trump và Tập nên đồng ý mỗi người chọn một cố vấn cao cấp đáng tin cậy, làm kênh thông tin liên lạc của mình và nên cử đại diện đặc biệt cấp cao để làm việc với nhau về các vấn đề quan trọng, chẳng hạn như mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Trump và Tập, lý tưởng là trong một khung cảnh không chính thức cho phép việc bàn luận không bị gò bó, sẽ giúp đặt nền móng cho giao tiếp tốt hơn trong tương lai.

Cuối cùng, Hoa Kỳ cần phải kiềm chế, không khuyến khích mối xung đột đối kháng đối với TC. Đa số công chúng ở cả hai nước bây giờ có cái nhìn tiêu cực về nước kia, làm cho chính phủ hai nước khó thỏa hiệp về vấn đề có tầm vóc lớn. Lãnh đạo hai nước còn làm cho vấn đề này tồi tệ hơn. 

ĐCSTH đã cố dẫn dụ công chúng TC rằng, Hoa Kỳ không đàng hoàng trong việc kềm chế sự lớn mạnh về kinh tế và tầm quốc tế của TC—một việc thực hiện dễ dàng bằng những giới hạn về thông tin do chính phủ đưa ra. Tại Hoa Kỳ, các nhà chính trị và truyền thông thường đóng khung mối quan hệ theo điều kiện tổng zero, tạo ấn tượng rằng việc hai phía đều được lợi là không thể xảy ra. Để bảo toàn khả năng đàm phán, các nhà chính trị Mỹ và TC nên cố hướng công luận có một cái nhìn thực tế, nhưng với tầm nhìn rộng mở về nước kia.

NHẤN MẠNH TỚI VIỆC CÓ ĐI CÓ LẠI

Đây là nguyên tắc chung hướng dẫn chính sách của Mỹ đối với TC, nhưng rất đáng để đi vào chi tiết về cách Trump nên đáp ứng với ba khu vực bất đồng chính: hành động kinh tế phân biệt đối xử của TC đối với các công ty Mỹ, sự quyết đoán ngày càng tăng của TC trong vùng biển khu vực, và việc TC miễn cưỡng gây sức ép thực sự lên Bắc Triều Tiên về chương trình hạt nhân.

Về kinh tế, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thực hiện một số bước đi đúng hướng. Chẳng hạn, ngay trước chuyến thăm Hoa Kỳ cấp nhà nước của Tập Cận Bình vào năm 2015, chính quyền Obama đe dọa trừng phạt trả đũa hành vi của các hacker nghi là thuộc chính phủ TC trộm cắp bí mật thương mại của các công ty Mỹ. Đe dọa này đã có tác dụng: trong chuyến thăm này, Tập và Obama đã công bố một thỏa thuận chung không ủng hộ hoặc thực hiện hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ qua mạng hay bí mật thương mại khác. Cuối năm đó, để giúp thực thi thỏa thuận này, Washington đã thuyết phục các quốc gia G-20 thực hiện cam kết tương tự.

Bắt TC điều chỉnh lại hành vi của mình đúng mực sẽ cho thấy không phải lúc nào cũng đơn giản. Trong nhiều trường hợp, luật pháp Mỹ hạn chế các lựa chọn của Washington. Ví dụ, nó ngăn không cho chính phủ đối xử với các công ty TC hoạt động tại Hoa Kỳ khác với các công ty nước khác. 

Tương tự như vậy, cấm cửa truyền thông TC để trả đũa việc TC kiểm duyệt các ấn phẩm của Mỹ, như báo New York Times và báo Wall Street Journal, sẽ vi phạm luật đảm bảo quyền tự do bày tỏ của Mỹ. Hơn nữa, hạn chế đầu tư của TC vào các công ty Mỹ sẽ làm tổn thương các công nhân Mỹ mà các công ty này sẽ sử dụng theo cách này hoặc cách khác. Tuy nhiên, Washington cần phải tìm cách đáp ứng trả các hành động của TC, ngay cả khi làm như vậy có nghĩa là phải trả giá trong nước. Khi Bắc Kinh đối xử với các doanh nghiệp Mỹ không công bằng; hạn chế sự tiếp cận của các think tanks Mỹ, các chương trình đại học, các nhóm công dân và các tổ chức truyền thông; hoặc giữ lại thị thực của các nhà báo và học giả Mỹ, Washington nên theo nguyên tắc ngoại giao đáng tôn trọng về có đi có lại. Trong khi đó, vì các doanh nghiệp TC đang mong muốn đầu tư tại Hoa Kỳ, chính phủ Mỹ có thể yêu cầu quyền truy cập đối ứng cho các doanh nghiệp Mỹ sẽ phải đối mặt với những hạn chế chặt chẽ ở TC, bằng cách này hay cách khác.

Cách tốt nhất để bảo đảm rằng mỗi nước đối xử với các công ty của nước khác một cách công bằng sẽ là, hoàn thành đàm phán về hiệp ước đầu tư song phương được tiến hành từ năm 2008. Nếu như Hoa Kỳ thậm chí còn đi xa hơn và làm sống lại Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương—một triển vọng khó có thể xảy ra do có sự phản đối của Trump đối với hiệp định thương mại này—thì sẽ giúp cho các quan chức TC động cơ cải cách thị trường trong nước TC, để cho TC cuối cùng tự tham gia hiệp ước này.

Đồng thời khi Hoa Kỳ giữ nguyên lập trường về các vấn đề cụ thể, các quan chức Mỹ sẽ tiếp tục những nỗ lực phần lớn là thành công để đưa TC hội nhập vào cộng đồng toàn cầu. Washington sai lầm khi phản đối các sáng kiến kinh tế của TC mà các nước khác hoan nghênh, như chính quyền Obama đã làm khi cố kiềm chế Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á còn non trẻ của TC. Thay vào đó, Hoa Kỳ cần phải ủng hộ các sáng kiến nhằm phục vụ lợi ích của Mỹ, ngay cả khi chúng xuất phát ở Bắc Kinh.

BẮC CẦU QUA VÙNG NƯỚC XOÁY [BIỂN ĐÔNG]

Khi nói đến các yêu sách biển của TC, chính quyền Trump nên có một lập trường vững chắc về biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế. Nếu muốn các nước trong khu vực châu Á thấy Mỹ sẵn sàng đương đầu với Bắc Kinh khi cần thiết, thì Mỹ không thể cho phép TC quấy nhiễu bất hợp pháp tàu Mỹ ở vùng biển quốc tế. Chẳng hạn, tháng 12 năm 2016, một tàu hải quân TC thu giữ phi pháp một thiết bị lặn thu thập dữ liệu hải dương học cho các hoạt động chống tàu ngầm của Mỹ ngoài khơi bờ biển Philippines, ngoài khu vực TC yêu sách. Washington đã phản đối, và Bắc Kinh đã trả lại thiết bị lặn. Nhưng đáng lẽ chính quyền Obama nên nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh phải thừa nhận thuyền trưởng của TC đã làm sai, và cũng nên thông báo rằng, Mỹ đang cân nhắc việc cho tàu có vũ trang chạy kèm theo tàu nghiên cứu của hải quân Mỹ từ bây giờ trở đi.

Dù có những sự cố như vậy, chính quyền Trump nên chủ yếu dựa vào ngoại giao và luật pháp quốc tế để quản lý tình hình ở biển Đông. Để cho thấy rằng các nguyên tắc pháp lý chứ không phải là một nỗ lực để kiềm chế TC, thúc đẩy việc can dự của mình, Hoa Kỳ cần phải có một lập trường khách quan về việc nước nào sở hữu cái gì. Các quan chức Mỹ nên chỉ trích không chỉ TC mà cả Brunei, Mã Lai, Phi Luật Tân, Đài Loan và Việt Nam nữa nếu có nước nào trong họ xây dựng cơ sở mới trên đá và đảo mà họ đang kiểm soát. Hải quân Mỹ nên tiến hành hoạt động tự do đi lại để thiết lập quyền trên biển của mình theo luật pháp quốc tế, không chỉ ở vùng biển quốc tế do TC yêu sách mà còn ở những vùng biển do các nước khác yêu sách. Để tránh leo thang căng thẳng, Ngũ Giác Đài nên lặng lẽ và thường xuyên tiến hành những hoạt động này, giống như làm ở các phần khác của thế giới, thay vì công bố lên. Làm như vậy sẽ gửi thông điệp đúng cho TC và các nước khác trong khu vực, mà không tạo ra áp lực công cộng nào khiến họ phản ứng hung hăng. Hoa Kỳ cũng nên giữ một sự hiện diện quân sự năng động trong khu vực để báo hiệu rằng Hoa Kỳ sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu TC sử dụng vũ lực chống lại Hoa Kỳ hoặc các đồng minh của mình.

Washington cũng nên công khai hoan nghênh những nỗ lực đàm phán song phương của Bắc Kinh với các bên tranh chấp khác. Và nên khuyến khích TC và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà các bên tranh chấp khác là thành viên trong đó, ổn định tình hình bằng việc thoả thuận bộ quy tắc ứng xử, gồm việc ngưng xây dựng mới và cùng nhau quản lý nguồn lợi thủy sản. Cuối cùng, cần phải nói: Hoa Kỳ sẽ tăng cường vị thế của mình như là người ủng hộ luật pháp quốc tế, nếu như cuối cùng Quốc hội [Mỹ] phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, điều ước quốc tế điều chỉnh những vụ thế này.

LOẠI BỎ BOM [HẠT NHÂN]

Đối phó với các mối đe dọa của chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, đòi hỏi một sự kết hợp tương tự về ngoại giao và sức mạnh. Trump nên làm rõ với Tập Cận Bình rằng, ông sẽ coi sự hợp tác của TC trong việc buộc Bắc Triều Tiên chấm dứt chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa, như là một phép thử trọng yếu của mối quan hệ Mỹ-Trung. Nếu muốn, Bắc Kinh có thể gây áp lực lớn lên Bình Nhưỡng bằng cách hạn chế thương mại của nước này, khoảng 85 % trong số đó đi tới hoặc ngang qua TC. Tuy nhiên, cho đến nay các nhà lãnh đạo TC đã từ chối không làm như vậy. Họ lo ngại rằng việc trừng phạt có thể huỷ diệt chế độ Bắc Triều Tiên, làm tăng triển vọng của một Triều Tiên thống nhất với các lực lượng Mỹ ở biên giới TC. Để giảm bớt những lo ngại của TC về một Triều Tiên thống nhất, Trump có thể trấn an Tập Cận Bình rằng, Hoa Kỳ sẽ xem xét nghiêm túc quan ngại về an ninh của TC đối với bán đảo này và không bố trí lực lượng của mình gần biên giới.

Bắc Kinh hiện thời tiếp sức Bình Nhưỡng bằng cách cho phép các công ty Bắc Hàn Quốc hoạt động bên trong TC và không thực thi lệnh trừng phạt quốc tế như không cho Bắc Triều Tiên xuất khẩu than đá và quặng sắt. Trump nên làm rõ ràng rằng, nếu TC tiếp tục hành vi này, Hoa Kỳ sẽ áp đặt lệnh trừng phạt lên các ngân hàng và các công ty TC có làm ăn với Bắc Triều Tiên. Washington cũng nên nhắc nhở Bắc Kinh rằng, nếu như họ có thể hợp tác trong việc giảm mối đe dọa Bắc Triều Tiên thì Hoa Kỳ có thể sẽ triển khai các bước quân sự phòng thủ trong khu vực chậm lại, chẳng hạn như việc triển khai hệ thống chống tên lửa THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) ở Hàn Quốc.

Cuối cùng, làm cho TC ra tay giúp đỡ trong mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên sẽ đòi hỏi một yếu tố thứ ba: một nỗ lực nghiêm túc để đạt được một thỏa thuận với Bình Nhưỡng. Washington nên đề xuất đàm phán theo mô hình các cuộc đàm phán dẫn đến thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. 

Washington đề xuất với Bình Nhưỡng một hiệp ước hòa bình, bình thường hóa quan hệ ngoại giao, và loại bỏ tuần tự các trừng phạt để đổi lấy việc Bắc Triều Tiên ngưng phát triển hạt nhân và tên lửa, tiến tới phi hạt nhân hóa. Tất cả các bước này đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc. Bắc Triều Tiên từ lâu đã gieo mầm chia rẽ giữa TC, Hàn Quốc và Hoa Kỳ, và khi ba nước không thể vượt qua những khác biệt của mình, Bắc Triều Tiên sẽ thắng to.

NẾU KHÔNG BỊ GÃY ĐỔ

Cũng như đối với các vấn đề khác, thật khó để nói chính xác Trump sẽ xử lý quan hệ với TC như thế nào. Nhưng ngay cả trước khi ông nhậm chức, ông đã tạo ra một cuộc khủng hoảng. Hồi tháng 12, ông đã nhận điện thoại chúc mừng của bà Thái Anh Văn, tổng thống Đài Loan, làm cho Trump thành tổng thống đầu tiên của Mỹ hay Tổng thống đắc cử nói chuyện chính thức với đối tác Đài Loan kể từ khi Hoa Kỳ cắt đứt quan hệ chính thức với hòn đảo này vào năm 1979. Cuối tháng đó, ông nói với Fox News: “tôi không biết tại sao chúng ta phải bị ràng buộc bởi chính sách ‘một nước Trung Hoa’ trừ khi chúng ta có thỏa thuận với TC phải làm với những thứ khác, kể cả thương mại“. Nếu Trump theo đuổi như một sự đảo ngược cực đoan chính sách trong địa vị tổng thống, điều đó có thể phá hủy cơ sở hiện có cho quan hệ hòa bình và chấp nhận rủi ro phản ứng giận dữ từ TC. Tập Cận Bình, sợ bị công chúng TC thấy là yếu ớt, rất có thể sẽ trả đũa bằng cách áp đặt trừng phạt kinh tế đau đớn lên Đài Loan và Hoa Kỳ và có những hành động quân sự khiêu khích ở eo biển Đài Loan (vốn đã yên bình trong hơn một thập kỷ) hoặc biển Đông. Hơn nữa, đối xử với TC như một kẻ thù sẽ làm cho hai nước khó có thể hợp tác với nhau về các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, và phổ biến vũ khí hạt nhân.

Các chính phủ Mỹ trước đây đã không nhận được tất cả mọi thứ thẳng thóm liên quan đến TC, nhưng thay vì từ bỏ hoàn toàn cách tiếp cận của họ, Trump nên giữ những gì có tác dụng và thay đổi những gì không tác dụng. Quan trọng nhất, ông nên giữ nguyên vị thế về sức mạnh của Hoa Kỳ ở châu Á. Ông cũng nên tránh những thay đổi căn bản trong chính sách hoặc hô hào đối đầu có thể làm lay động sự tin tưởng của Bắc Kinh về ý định hòa bình của Washington và làm cho các đàm phán giữa hai nước thành bất khả. 

Nhưng nếu TC tiếp tục khẳng định lợi ích theo cảm nhận của chính mình trong khi ít chú ý đến các quan tâm của Mỹ, Hoa Kỳ cần phải đẩy lùi họ lại. Khi các nhà lãnh đạo của TC bị cám dỗ chọn việc đánh nhau với các nước để có được sự ủng hộ trong nước tăng lên—như Tập Cận Bình có thể làm trong thời gian sắp tới cho hội nghị giữa nhiệm kỳ của ĐCSTH vào cuối năm 2017—họ cần nhìn ra Thái Bình Dương, thấy Hoa Kỳ đang đứng cùng với các đồng minh và đối tác của mình, và cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi hành động.

Tác giả: Susan Shirk là Chủ tịch của Trung tâm Trung Hoa Thế kỷ 21 tại Đại học UCSD (UC San Diego).