„…những người lãnh đạo Đảng quyết tâm trấn áp thẳng tay hoạt động
âm nhạc họ nghĩ sẽ phá hoại đến lòng trung thành của nhân dân với chủ nghĩa xã
hội…“
Những lời ca xuống đường
Barley
Norton
Trần Quốc
Việt dịch
Xin hỏi, anh là ai?
Sao bắt tôi? Tôi làm điều gì sai?
Xin hỏi, anh là ai?
Sao đánh tôi chẳng một chút nương tay?
Xin hỏi, anh là ai?
Không cho tôi xuống đường để tỏ bày
Tình yêu quê hương này
Dân tộc này đã quá nhiều đắng cay
Xin hỏi, anh ở đâu?
Ngăn bước tôi chống giặc Tàu ngoại xâm
...
Tôi không thể ngồi yên khi nước Việt Nam đang ngả nghiêng
Dân tộc tôi sắp phải đắm chìm một ngàn năm hay triền miên tăm tối
Tôi không thể ngồi yên để đời sau cháu con tôi làm người;
Cội nguồn ở đâu
Khi thế giới này đã không còn Việt Nam?
Những lời ca này từ bản nhạc tên "Anh là ai?" của nhạc sĩ và ca sĩ Việt Khang. Bản nhạc theo
phong cách nhạc nhẹ thịnh hành và giọng hát ấm áp, khát khao của Việt Khang như
van nài chúng ta hát theo. Tuy nhiên ca từ thật táo bạo phi thường: ca từ phản
đối công khai cách hành xử của công an đối với những người biểu tình vốn được
coi là những người yêu nước chân chính.
Việt Khang thu âm "Anh là ai?" sau
khi lực lượng an ninh đàn áp các cuộc xuống đường. Vào mùa hè năm 2011, một loạt
các cuộc biểu tình lớn diễn ra trên đường phố Hà Nội và thành phố Sài Gòn phản
đối tình trạng căng thẳng gia tăng giữa Việt Nam và Trung cộng về chủ quyền quần
đảo Trường Sa tranh chấp bấy lâu nay và ranh giới lãnh hải ở biển Đông. Trong
vài tháng đầu nhà cầm quyền cho phép những cuộc biểu tình này diễn ra, nhưng
vào tháng Chín 2011 chính quyền quyết định phải chấm dứt các cuộc biểu tình, do
phần nào lo sợ chúng đang bị lợi dụng để "khích động bất đồng chống lại chế độ cai trị cộng sản". Nhằm
ngăn cản những cuộc biểu tình kế tiếp, công an sử dụng chiến thuật mạnh tay,
dùng bạo lực để bắt giữ và giải tán những người biểu tình. Rồi từ đấy, các nhà
hoạt động vẫn tiếp tục tổ chức những cuộc biểu tình nhỏ và viết bài trên mạng để
bày tỏ sự phẫn uất của họ về chính sách đối ngoại liên quan đến biển Đông của
chính quyền. Nhưng chế độ không còn khoan dung các cuộc biểu tình lớn nữa.
"Anh là ai?" lan
truyền rất nhanh trên YouTube, và sau khi bài hát lên mạng, Việt Khang bị công
an giam giữ. Anh chính thức bị bắt vào tháng Mười Hai 2011 và bị đưa ra tòa vào
ngày 30 tháng Mười 2012 sau khi bị giam cầm 10 tháng không xét xử.
Bị cáo buộc tội tuyên truyền chống lại nhà nước theo
Điều 88 của bộ luật hình sự, Việt Khang bị kết án bốn năm tù và sau đấy hai năm
quản chế. Các cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ phát động "Phong
trào kêu gọi trả tự do cho Việt Khang", và kiến nghị về nhân quyền,
trong đó đề cập đến Việt Khang, được gởi đến chính phủ Hoa Kỳ. Sau khi thụ án bốn
năm tù, Việt Khang được thả ra vào tháng Mười Hai 2015 và trở về với gia đình ở
thành phố Mỹ Tho ở miền nam Việt Nam.
Theo luật pháp Việt Nam bất kỳ hoạt động
nào thách thức quyền uy tối thượng của đảng Cộng sản Việt Nam hay chống lại nhà
nước dân tộc độc đảng này đều bị cấm và việc buộc tội Việt
Khang nhấn mạnh vào những hình phạt hà khắc mà các nhạc sĩ có thể phải đối mặt
nếu chế độ xét thấy họ chống lại các chính sách của chính quyền. Do hoàn cảnh
này, ta không ngạc nhiên là rất ít nhạc sĩ Việt Nam thách thức trực tiếp quyền
lực của Đảng khi sáng tác nhạc có lời ca công khai thách thức chính sách hay
hành động của chính quyền. Tuy nhiên một vài nhạc sĩ vẫn sáng tác những bản nhạc
như thế. Cùng với Việt Khang, nhạc sĩ khác, Trần Vũ Anh Bình, thành
viên nổi tiếng của Phong trào Tuổi trẻ Yêu nước tham gia vào
việc phát hành một số bản nhạc của Việt Khang-cũng bị cáo buộc theo Điều 88.
Anh bị kết án sáu năm tù và hiện vẫn còn chịu cảnh lao tù.
Nhà nước Việt Nam thi hành chế độ kiểm
duyệt âm nhạc rất khắt khe. Chính thức thì nhạc phải được những
người kiểm duyệt thuộc Bộ Văn hóa chấp thuận trước đã trước khi được phép công
khai trình diễn, phát thanh, hay thu âm phát hành. Ca từ của những bản nhạc thường
là mối quan tâm chính của những người kiểm duyệt, mặc dù phong cách trình diễn
và những nhân tố thẩm mỹ cũng quan trọng.
Kiểm duyệt âm nhạc ở Việt Nam không phải đơn giản
như chỉ có thể là những hành động công khai của chỉ những người kiểm duyệt
thôi. Kiểm duyệt âm nhạc thành công chủ yếu qua quá trình kiềm chế và hạn chế
phức tạp trước đấy, cho nên những hành vi trấn áp như tống giam nhạc sĩ và công
khai cấm đoán âm nhạc thật sự hiếm. Những hành vi kiểm duyệt hiếm khi được thực
hiện một cách minh bạch và rõ ràng và liên quan đến nhiều tổ chức. Những người kiểm duyệt ở Bộ Văn Hóa và giám đốc các công ty
truyền thanh và truyền hình của nhà nước, các nhà xuất bản và in ấn nhãn băng
dĩa đều thường không rõ ràng về những gì họ nên hay không nên cho phép.
Những sắc lệnh của đảng về văn hóa và nghệ thuật thường nói chung chung, còn những
chi tiết cụ thể thì thường bỏ ngỏ mơ hồ và có thể hiểu theo nhiều cách khác
nhau. Sự mơ hồ như thế có thể đưa đến những quyết định tùy tiện, vốn thường
không được giải thích hay biện minh đầy đủ, và điều này dễ khiến người ta càng
dè dặt và kiềm chế.
Thiếu minh bạch về những gì có thể được
cho phép không chỉ khiến cho nhiều người rối trí mà họ còn vô tình rơi vào bẫy
tự kiểm duyệt. Nhiều nhạc sĩ cuối cùng đành phải suy
đoán điều gì biết đâu có thể được cho phép và điều này khuyến khích họ thà cẩn
thận quá đáng còn hơn sai lầm.
Sự tự thân kiểm duyệt như thế, vốn tràn
lan trong thực tế xã hội và trong tâm trạng của các nhạc sĩ, thường
khó giải thích chính xác, nhưng rất quen thuộc với các nhạc sĩ người Việt mà
tôi có dịp thảo luận với họ về kiểm duyệt.
Âm nhạc nào không ca ngợi lý tưởng cộng sản
chẳng hạn như những bản tình ca ngoại quốc và nhạc tiền chiến Việt Nam đều bị
chế diễu là "nhạc vàng" và bị cấm đoán. Tuy
nhiên một vài nghệ sĩ ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa như ca sĩ Phan Thắng
Toán, thường gọi là Toán Xồm, dám trình diễn nhạc vàng. Vào giữa thập niên
1960, Toán Xồm chơi nhạc vàng cho các đám cưới và đám tiệc, nhưng vào năm 1968
anh bị bắt cùng với 6 thành viên khác trong băng nhạc. Khi các thành viên băng
nhạc này cuối cùng bị đưa ra tòa vào năm 1971, họ bị kết tội "gieo rắc văn hóa thực dân đồi trụy và tuyên
truyền phản cách mạng" và đều bị kết án nhiều năm tù dài. Mặc dù những
nghệ sĩ này quả quyết họ không có mục đích chính trị gì mà chỉ có tình yêu dành
cho nhạc vàng, nhưng những án tù của họ minh họa mức độ mà những người lãnh đạo Đảng quyết tâm trấn áp thẳng tay hoạt động
âm nhạc họ nghĩ sẽ phá hoại đến lòng trung thành của nhân dân với chủ nghĩa xã
hội và đến quyết tâm theo đuổi chiến tranh của họ. Bản án nhiều năm dành
cho Toán Xồm, người mà mãi đến năm 1980 mới được thả ra, là để cảnh cáo những
nghệ sĩ khác: hãy tuân theo đường lối của Đảng hay ở tù.
Nguyễn Văn Lộc (Lộc Vàng) và Phan Thắng
Toán. Họ đi tù suốt nhiều năm trời chỉ vì chơi nhạc lãng mạn. Ra tù,
Toán sống và chết trong cảnh bần hàn vô gia cư. Ảnh của Nguyễn Đình Toán
Nguồn:
Kiểm duyệt âm nhạc ở nước
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam sau 1975
Vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, quân đội Bắc Việt chiếm
Sài Gòn và chiến thắng này đánh dấu sự kết thúc cuộc chiến tranh. Cùng với sự
thống nhất chính thức vào năm 1976, quốc gia đổi tên thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ
Nghĩa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Kiểm duyệt âm nhạc vào những năm sau thống
nhất cực kỳ khắt khe. Như là một phần trong nỗ lực bắt văn hóa
khuynh hướng thị trường hơn phải vào khuôn khổ như miền bắc xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện những chiến dịch "làm sạch"
để ra sức loại bỏ văn hóa âm nhạc của Việt Nam Cộng Hòa cũ. Cán bộ cộng
sản lên án âm nhạc nổi tiếng thịnh hành ở miền Nam là thuốc độc thực dân mới.
Nhà nước kiểm soát phân phối và phát thanh âm nhạc, còn những dĩa, băng, và
sách nhạc "không lành mạnh" đều bị thu gom, tịch thu và tiêu hủy một
cách có hệ thống.
Nhiều nhạc sĩ nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam trốn ra
nước ngoài còn những nhạc sĩ ở lại có thể bị đưa đi đến các trại "cải tạo".
Thay vào văn hóa "phản động" của chế độ Việt Nam Cộng Hòa cũ, chế độ
mới kêu gọi các nhạc sĩ sáng tác những nhạc phẩm giáo dục chính trị với các chủ
đề về dân tộc, cách mạng và chủ nghĩa xã hội. Tình hình không có gì thay đổi
cho tới sau năm 1986 khi bắt đầu thực hiện các cải cách.
Nhạc rap Việt Nam,
Internet và kiểm duyệt
Internet ra đời ở Việt Nam từ cuối thập
niên 1990 đã mở rộng rất lớn sự tiếp cận với các nền âm nhạc nổi tiếng trên
toàn thế giới. Mặc dù Việt Nam là một trong những nước
bị kiểm soát nhất trên thế giới về việc sử dụng internet và bị tổ chức Phóng
viên Không Biên giới liệt kê là "kẻ thù của internet", nhưng những
người kiểm duyệt đã dồn hầu hết công sức vào nội dung tôn giáo và chính trị gây
nhiều tranh cãi song họ thấy khó mà kiểm soát sự lưu hành của âm nhạc.
Tiếp xúc với thế giới âm nhạc muôn màu muôn vẻ trên
mạng đã khích lệ nhiều thanh niên Việt Nam thử nghiệm với những loại nhạc nổi
tiếng như metal và rap. Sinh hoạt nhạc rap "ngoài luồng" ở Việt Nam
là một trong những lĩnh vực hoạt động âm nhạc sôi động nhất nở rộ trên không
gian mạng. Những người kiểm duyệt sẽ đánh rớt hầu hết các nhạc rap ngoài luồng
do lời ca rất rõ ràng và thẳng thắn của nhạc, nhưng nhạc rap lại lưu hành rộng
rãi trên các mạng truyền thông, các diễn đàn mạng địa phương và các trang mạng
quốc tế như YouTube.
Nhạc rap ngoài luồng bàn về những vấn đề đa dạng mà
tuổi trẻ Việt Nam quan tâm, nhưng hầu hết các nhạc rap đều không bàn trực tiếp
đến chính trị. Một ngoại lệ nổi tiếng là bản nhạc được thu âm tên "Địt Mẹ Cộng
Sản", hay viết tắt "ĐMCS", của nghệ
sĩ nhạc rap Nah. Nah, tên thật là Nguyễn Vũ Sơn (sinh năm 1991), lớn
lên ở thành phố Hồ Chí Minh, nơi anh thành danh nhờ dòng
nhạc rap đầy ưu tư chuyển tải các vấn đề xã hội.
Năm 2013, anh sang Mỹ du học và tại đây anh cho ra mắt "ĐMCS"
(Địt Mẹ Cộng Sản) trên Youtube vào năm 2015.
Điệp khúc của nhạc như sau:
Tao không vào địa ngục thì ai? Địt mẹ cộng sản.
Muốn thay đổi đất nước là sai? Địt mẹ cộng sản.
Mày dám bán đất đai tổ tiên? Địt mẹ cộng sản.
Giết người, bịt mắt, bịt miệng? Địt mẹ cộng sản.
Thảm sát đồng bào tại Huế? Địt mẹ cộng sản.
Tao đéo chịu làm nô lệ. Địt mẹ cộng sản.
Tụi mày sẽ sớm bị lật. Địt mẹ cộng sản.
Tất cả sẽ biết sự thật. Địt mẹ cộng sản.
Ngay sau khi được đưa lên mạng, 'ĐMCS' lan truyền rất
nhanh và khích thích sự quan tâm truyền thông rất nhiều, đặc biệt bên ngoài Việt
Nam. Thật không rõ nhà cầm quyền sẽ phản ứng thế nào trong trường hợp Nah trở về
Việt Nam.
Những bản nhạc rap không qua kiểm duyệt lưu hành
trên mạng đã giúp tuổi trẻ Việt Nam thể hiện mình, ít ra đối với những người trẻ
cùng trang lứa, theo nhiều cách hoàn toàn rất khác với bất kỳ điều gì được cho
phép ở truyền thông chính thức. Điều này dường như chứng tỏ sự bất lực càng
ngày càng tăng của nhà nước trong việc kiểm soát sự thể hiện văn hóa theo cách
họ đã làm trong quá khứ.
Người ta thường đề cập đến tiềm năng của internet
qua mặt kiểm duyệt nhà nước, nhưng quan trọng là phải chỉ ra những hạn chế. Ở
Việt Nam, kiểm duyệt mạng rất phổ biến cho nên không được phép chính thức phát
thanh trên truyền thông của nhà nước, trình diễn công khai hay phát hành băng
dĩa thì các nhạc sĩ rất khó mà đến với đông đảo thính giả.
Về mức độ nào đấy sự thay đổi kỹ thuật và
sử dụng internet đã thách thức khả năng kiểm soát của nhà nước về tự do thể hiện
âm nhạc.
Tuy nhiên Đảng vẫn còn mau chóng trừng phạt những nhạc
sĩ nào được coi là nguy hiểm đến chính trị, như minh chứng qua việc bắt
giam Việt Khang đã được bàn đến vào đầu bài này. Như trong quá khứ, các nhạc sĩ nào ở Việt Nam đương thời dám viết ra những lời ca
thách thức trực tiếp quyền lực của Đảng hay chính sách của Đảng thì sẽ đối mặt
với những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.
Barley Norton
Barley Norton là giảng viên âm nhạc ở
Goldsmiths, Đại học Luân Đôn. Ông là tác giả viết nhiều về âm nhạc Việt Nam.
Nguồn:
Trích dịch từ trang mạng Freemuse ngày 14 tháng Mười 2016. Tựa đề tiếng Việt của người dịch. Tựa đề nguyên tác
" Vietnam: Popular music and censorship".
Bản tiếng Việt của Trần Quốc Việt