Những bước chân trên Thung Lũng Tử Thần
Nguyễn
Quang
Cộng sản hô hào xẻ dọc Trường Sơn để giải
phóng miền Nam Việt Nam, thực hiện giấc mơ thế giới đại đồng cộng sản, còn
chúng ta những nạn nhân xin ghi lại nỗi đau, sự quằn quại của kiếp người khi chẳng
may sống dưới chế độ này.
Sau đây là toàn cảnh sinh hoạt của nhà tù Xuân Phước, A 20, Tuy Hòa, Phú Yên
và vì tính chất khắc nghiệt, tàn ác dã man của nó nên còn được gọi là Thung Lũng Tử Thần.
Những cơn
đói: Nói đến cộng sản là nói đến đói khát,
nghèo nàn, lạc hậu và nơi trại giam trên hiện trường lao động, nếu có con ếch
nhái nào chạy ngang qua, đó là món quà tặng của ngày hôm ấy. Các tù nhân chỉ kịp
nướng sơ sài và bỏ vào miệng len lén nhai, dù thật vội vã kín đáo, nhưng nếu bị
quản giáo bắt gặp sẽ bị giật lại, thậm chí bị móc ra khỏi miệng với bài giảng đạo
đức cách mạng: nào đã học nội qui chưa, ăn như thế là không hợp với nếp sống
văn hoá mới, kém văn minh. Các tù nhân vẫn thầm lặng, cúi đầu, nhưng trong ý
nghĩ mỗi người: con người bỏ đói con người, chỉ
vì khác biệt chính kiến, có là văn minh? Một người sắp ngã qụy
vì thiếu lương thực song bị móc ra khỏi miệng miếng ăn đang ngậm, hành vi đó có
được gọi là nếp sống văn hoá mới? Hay chỉ là hành động nhằm triệt hạ con người
để trả thù. Hằng ngày cho dù các tù nhân có nấu nướng đúng giờ cùng nơi qui định,
các cán bộ trại giam cũng tìm đủ mọi cách để đạp đổ thức ăn của tù nhân như khi
hồi còi chấm dứt giờ nấu nướng vừa thổi lên, chúng đã chờ đâu đó sẵn sàng chạy
vào đạp đổ hết thảy nếu ai đó chưa nhanh chân thu dọn kịp thời. Những cây rau dại,
các cánh lá rau má, những cây cải trời… đều bị móc ra từ trong túi áo, lưng quần
của các tù nhân trước khi vào cổng trại. Tất cả đều đi ra bằng tay không, đi về
với tay không và chân không.
Con người hay bóng ma: đặc điểm của trại Thung Lũng Tử Thần là
những ai mới đến sẽ nhận thấy ngay nước da của tù nhân nào cũng xanh mét, họ ngồi
thành hàng ốm o, co rút người lại chờ xuất trại để lao động khổ sai. Những đoàn người lúc rời khỏi trại giam xếp thành đoàn đội
và di chuyển chầm chậm cách xa nhau, trông họ không còn ra con người, nhưng lúc
trở về cũng đoàn người đó, trong sự kiệt sức rã rời, chân đi như kẻ say… họ đã
bị vét hết sức lực trên các cánh đồng và đang ráng lê bước về trại giam. Những
tù nhân đáng thương ấy không còn nhìn ra người nữa và hằng đêm thường xuyên có
tiếng kêu cấp cứu từ các phòng giam vì ngộ độc thức ăn như say khoai mì,
say nấm, say những gì họ đã ăn phải để qua cơn đói. Các tù nhân xin đi cầu và họ
ngồi ngay chỗ đại tiểu tiện moi khoai mì sống và hãy còn non rồi bỏ vào miệng
nhai ngon lành… Tất nhiên sau đó là các chứng ói mửa, tiêu chảy. Các tù nhân dường
như đều sợ mùa đông, cái đói khủng khiếp làm buốt cả xương da và tê liệt đầu óc
con người. Hầu hết người nào da cũng săn lại, nứt nẻ, có khi chảy nước
vàng… Không biết trên thế giới có nhà tù nào cho tù nhân ăn no hay không, riêng
ở Châu Á, câu trả lời có lẽ là không, ở nước Nga cũng vậy, và nếu có là nhà tù ở
nước Mỹ? Quả đúng thật như vậy, thì đó là niềm hãnh diện cho các công dân Hiệp
Chủng quốc.
Con người ăn cỏ:
các sách sinh học hướng dẫn: loài nhai lại có con bò ăn cỏ, nhưng ở đây cả con
người cũng thèm cỏ non, nhiều tù nhân bị giam riêng lâu ngày thiếu chất
tươi, được dịp ra ngoài, thế là trên đường đi hỏi cung trở về hay giả vờ vấp té
ngã để ăn cỏ non, rồi uống tạm nước mương cho qua cơn khát. Người ta chứng kiến
các tu sĩ cũng vấp ngã như thế. Các tù nhân còn khoẻ mạnh và lao động bên ngoài
trại giam, khi đội ngũ của họ đi ngang qua đám rau lang, rau muống nào… thì dường
như luống rau ấy không còn đọt non nữa. Ai cũng vội lặt lặt, phủi phủi rồi bỏ
vào miệng nhai, và đều nhận thấy mắt mỗi người như long lên, sáng hơn, mặc cho
tiếng la ó của quản giáo, quản chế về sự phá hoại hoa màu, thậm chí có tù nhân
quá chậm tay bị đánh đá vào người, nhưng cả một tập thể đều ăn nhơ như thế
không thể móc ra hết, mà chỉ có thể họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Không có cuộc
họp nào mà không có nhiều người ngủ gật, “Hãy bắt chúng họp thật khuya” -Thường
là lời của các quản giáo. Thời gian trở thành thứ vũ khí để trừng phạt.
Pháp trường:
nhiều phiên toà lưu động, nhiều án tử hình và lệnh
hành quyết ngay tại trại giam. Các phiên toà nầy thường xảy ra nhanh
chóng, như buổi lễ tế Đảng đã được chuẩn bị sẵn nào tuyên bố khai mạc, đọc cáo
trạng, thẩm vấn bị can, lời nói cuối cùng và trong lời tuyên bố trịnh trọng: bị
can không thể cải tạo được nữa. Mọi người biết rằng phiên toà sắp bế mạc, và
trường bắn sẽ mở ra… Các tù nhân trốn trại hoặc bị bắn
chết ngay tại chỗ, nếu bị thương dù trong cơn hấp hối, họ bị mang ra phơi nắng
ngay trước cổng trại… đặc biệt mỗi cán bộ khi đi ngang qua đều đấm đá một
vài cái thật mạnh gọi là tỏ lập trường giai cấp. Nếu còn sống, hầu hết các nạn
nhân nầy đều mang chứng bất bình thường về tâm sinh lý: khủng hoảng đến điên loạn.
Người Việt Nam có phong tục thờ cúng Tổ Tiên, Ông Bà và mỗi năm có nhiều gia
đình đến chục cái giỗ, còn nơi trại giam nầy vào những năm cao điểm, các phiên
toà lưu động mở ra liên tục và nhiều sự cố xảy ra trong các buổi lễ tế đảng đầy
oan nghiệt nầy, và có lần khi các tử tù được chở từ khu tử hình đến trại giam,
nơi họ đang thụ án và trốn trại, các tử tù tạm thời được nghỉ tại nhà văn hoá
cho đến giờ ra trường bắn sát bên trại giam, những thủ tục cuối cùng đã diễn ra
không suông sẻ, khi các tử tù vẫn cứ ngậm cứng miệng không cho nhét quả chanh
vào miệng và còn hô vang các câu khẩu hiệu khiến các tù tự giác đều nghe thấy rất
rõ, thế là đã có một cuộc ẩu đả xảy ra dù cho các tử tù đang bị cùm tay chân rất
kỹ. Người ta cũng chứng kiến trong số các tử tù có cả những sĩ quan tập trung
trốn trại lên chung thân, và đào thoát tiếp không thoát bị lên tử hình.
Tất cả đều được chôn cất và
chôn rất cạn để mọi người ngửi thấy mùi xú uế mà làm gương.
Từ khi các tù nhân bị bắt vào trại tạm giam, cho đến
khi chuyển sang các trại lao cải, lúc nào cũng được nhắc nhở học nội qui. Nếu
còn ở các trại tạm giam thì mỗi sáng ê a hết gần nửa buổi.
Nhưng riêng ở trại Thung lũng tử thần người ta thấy
các tù nhân xếp thành hàng đứng trước bảng nội qui to tướng giữa sân trại giam
gọi là học tập nếp sống văn hoá mới; thật sự họ bị phạt vì các vi phạm khác
nhau: trên tay mỗi người đều ôm các món mà họ đánh cắp từ tài sản hoa màu của
trại giam như ôm quả dừa vì hái dừa trộm, bưng cả thúng đậu hay vác cả quầy chuối
vì lén đốn hạ những thứ ấy… nhiều người ngất xỉu vì đói lả giữa trưa nắng và tất
nhiên không được đội nón mũ gì hết với nhiệt độ thường trên bốn mươi độ C.
Một hôm các tù nhân đang bị kỷ luật nầy chứng kiến
các quản giáo và quản chế chạy trối chết tìm chỗ trốn, thậm chí chui cả
rào… sau đó là tiếng quát tháo cùng sự xuất hiện của cái ban trưởng trại, y la
hét thật to tuyên bố tha cho những con người đang học nội qui, rồi chửi bới cấp
dưới là ai đã quyết định có sự đối xử với tù tồi tệ đến thế… sẽ còn đâu sức khoẻ
mà chúng cải tạo tiếp.
Song các tù nhân đang có mặt trong các phòng của trại
giam lại một phen hú vía, mất hồn, tưởng rằng sắp có sự khủng bố gì đây vì họ
không biết cán bộ cấp dưới đang hoảng hốt chạy trốn cấp trên. Và cấp trên chạy
trốn cấp cao hơn nữa, đó là nét đặc thù của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Người ta cũng chứng kiến: mỗi chiều có một Linh mục
tù nhân cầm gậy chạy khắp trại giam, trạc ngũ tuần, mọi người biết ông là một
tuyên úy trước đây. Trong tù ông luôn phấn đấu từ đội trưởng lên đến trưởng ban
thi đua, ông cầm gậy chạy và thọt vào các góc tường để xem có ai đó đào khoét
chuẩn bị trốn trại. Cũng may, trong số hàng trăm Linh mục ở tù, tập trung tại
đây đến vài chục, chỉ có một mình ông là đi trên con đường: giương cây gậy toan
đập anh em.
Có một cựu trung tá, trưởng ban thi đua: ai cũng khiếp
tởm nhưng lại không sợ, vì y thật sự xét cho cùng chỉ là con người ham sống như
mọi hữu thể mà sinh sợ hãi. Nó không đội lốt, bên dưới lớp áo, đó là con người
thật sự, con người đáng thương và ta luôn có thể tránh được, cũng như y luôn
tránh những nơi mà y biết chắc chắn có vấn đề phải báo cáo. Trung tá Mai, một
cái tên không thể quên được với các tù nhân từng trải qua trại Thung Lũng Tử Thần.
Và có một Đại tá khi vào trại giam lại “chuyển ngành”, các sĩ quan đã xếp thành
hàng trịnh trọng chào lúc ông lao động trở về, họ đồng loạt hô lớn: -Chào Đại tá đã chuyển ngành. Chắc là Đại
tá Tí đã báo cáo anh em về những vấn đề gì đó…
Tất cả – nó đều đáng thương,
họ chỉ là nạn nhân của một cơ chế giam giữ không nhằm chữa trị con người mà chỉ
cốt triệt hạ con người.
Tư bản Chợ Lớn, cộng
sản gọi là tư sản mại bản: Họ là những nhà kinh doanh thuộc miền Nam trước đây,
khi cộng sản miền Bắc cai trị miền Nam, họ bị kết án là tư sản mại bản, kẻ hai
mươi năm, người mười năm.v.v. Những
thành phần án cao vào hàng tỷ phú đều có mặt tại Thung lũng tử thần,
trông người nào nước da vẫn còn tốt, mặc dù đã qua nhiều năm trong tù, chỉ duy
nhà tư bản họ Lý bị các tù nhân khác tạc nước sôi, may tránh kịp, suýt nữa
không còn da mặt, nhà tư bản nầy rất keo kiệt với bạn tù, nhưng lại thường
xuyên đút lót cán bộ để được an nhàn, khỏi phải lao động khổ sai. Đặc điểm của
các nhà tư sản ở đây là không có người nào mà không hối lộ để được yên thân. Tất
nhiên tùy theo sự liêm sỉ mà cách thể hiện có khác nhau, như nhà tỷ phú họ Lưu
người được lòng anh em nhất, ông chỉ cho khi chúng xin và thường xuyên giúp đỡ
các tù nhân khác về thuốc men. Mặc dù đã ngoài sáu mươi, nhưng vẫn đi lao động
như anh em, còn hầu hết đều tìm cách chạy chọt để núp bóng dưới hình thức nầy
hoặc hình thức khác, nghĩa là trong tù họ vẫn giàu có hơn, cũng như ít vất vả
hơn những người khác. Ông tỷ phú họ Lý cất giữ lương thực như chính ông thường
nói phải dự phòng sáu tháng, nên lão luôn xin giữ kho vì các giỏ thăm nuôi của
ông bao giờ cũng chiếm nhiều chỗ nhất trong đó. Hằng ngày ông dùng bữa, thức ăn
sắp xếp theo từng lớp, nếu có ai đến xin giúp đỡ, ông vui vẻ, nhưng chỉ cho lớp
trên bao giờ cũng là món dưa cải hoặc củ cải muối, còn bên dưới, ông nói: dùng
cho người bị tiểu đường, thật sự chỉ có ông và Trời biết… Đặc biệt có nhà tư bản
điện ảnh đã trở thành thầy thuốc nam Trương Dĩ với những món thuốc đặc trị cho
các tù nhân trong nhà tù cộng sản mà ông đã góp phần bào chế như Xuyên Tâm
Liên, Khung Chỉ… nhiều buổi sáng chỉ cần đi khám bệnh xong, khỏi phải điểm tâm
vì người nào và bất cứ bệnh gì cũng được phát một nắm thuốc nam loại nầy đến no
luôn. Có nhà tư sản tên là Hương xin được làm tạp dịch nấu nước phục vụ cán bộ,
và hôm nào có miếng cơm cháy, khoai mì nám đen lại khen ngon ráo riết. Tất cả đều thay đổi từ khi con người bắt đầu bước vào trại
lao cải, nhưng không ai rõ chính mình đã bị biến đổi tự bao giờ. Ở đây,
Tôi đang sống và bằng mọi cách Tôi phải sống, cũng không ai còn nghĩ cách làm
giàu như ưu thắng liệt bại; một số anh em tù thích ngồi bên họ sau những giờ
lao động, ít ra cũng được mời hút thuốc, riêng họ Lý thì trong hộp thuốc mời của
ông ta có hai ngăn, một ngăn thuốc ngon chính hiệu, còn ngăn kia để mời là thuốc
có trộn với bột cưa tán nhỏ. Giờ đây họ nói nhiều về gia đình và thật sự thâm
sâu trong lòng mỗi người đều muốn được sum họp bên mái ấm gia đình hạnh phúc mà
vốn họ đều có gia đình, nhưng theo cách mô tả về gia đình của họ: gia đình chỉ
là nơi để phục vụ họ, chứ không phải là nơi mình được phục vụ hầu mang lại hạnh
phúc… vì người nào nếu không vợ hai, vợ ba, cũng ăn chơi trác táng không sao kể
xiết với các đêm màu hồng, nhất dạ đế vương… Và các tù nhân ngoài cái đói khát,
bệnh tật, chết chóc lại rất thích nghe những chuyện nầy.
Những tù nhân qua nhiều
triều đại: có người đã thụ
án đến ba mươi hai năm với nhiều bản án chồng chất từ chế độ nầy sang chế độ
khác, phần lớn họ lập công trong tù bằng cách triệt hạ người khác để lấy điểm với
kẻ đương quyền, nên lúc chế độ nầy sụp đổ những kẻ bị trấn áp ngày trước, nay
lên cầm quyền và thế là họ bị kêu án tiếp… Con đường cũ cứ lập lại vì trên đất
nước nầy các thế lực bao giờ cũng là các đối cực, nên kẻ lên ngựa người xuống
xe là điều không tránh khỏi, nhất là đối với những kẻ gây hận thù mà vốn hận
thù chỉ thêm thù hận. Tù nhân ba mươi hai năm lưu đày nầy cướp ngân hàng từ năm
mười tám tuổi, dưới thời Pháp thuộc, gây án mạng trong tù bị kêu án tiếp,
từng là trưởng ban trật tự khét tiếng ở nhà tù Côn đảo, đàn áp tàn nhẫn dã man
với các tù nhân cộng sản, nên khi những người cộng sản chiến thắng, y nhận được
một cái lệnh tập trung vô thời hạn và đã mười lăm năm trôi qua trong tù dưới chế
độ cộng sản… y tâm sự: bây giờ thì tôi sợ rồi, ngày trước nhiều lắm chỉ đánh đá
vài cái là xong, có khi đánh trúng chỗ huyệt chết ngay, chứ không có sự trả thù
dai dẳng như bây giờ. Người tù xấu số nầy chỉ tay về phía Nhà đỏ, nơi những con
người đang bị sấy khô trong các cái hộp và chết dần dần vì quá khát, quá đói
cùng những cú đấm đá vô chừng vào mỗi chiều trong giờ điểm danh. Ông ta làm thợ
hớt tóc trong trại giam, ánh mắt y luôn dáo dác, sợ hãi, đây cũng là nét chung
của các tù nhân thuộc nhóm tù từ Côn Đảo được đưa về đây: làm gì cũng cảnh
giác, luôn luôn sợ các bạn tù cũng như công an theo dõi.
Và một người đồng bọn, cũng tù Côn đảo, anh ta cao
to lớn, do vậy các nhu cầu cơ thể có lẽ cũng nhiều, mỗi chiều sau giờ lao động
tù nhân nầy đi đánh bắt thằn lằn về kho như cá cơm. Nhưng đó cũng lại là cái cớ
để gặp gỡ với người nầy, người khác nhất là những người mới thăm gặp để vòi thức
ăn, nếu ai không cho y sẽ gây gổ…Trong tù dạng xin ăn này không thiếu. Y
bị đi Nhà Đỏ nhiều lần nhưng vì tính chất hình sự nên sớm được thả ra, và rồi vẫn
ngựa quen đường cũ. Trước con mắt hớt hãi của y như đi tìm mồi, ai thoáng thấy
cũng ái ngại lo tránh xa, khiến người ta nghĩ đến học thuyết ba thế giới của
Mao Trạch Đông: hình ảnh các nước thứ ba đến một lúc nào đó vì không kiềm chế
được nữa đối với các nước giàu.
Tuổi trung bình của nhóm nầy từ bốn mươi đến năm
mươi, người nào cũng trông như khô đét lại, còn nếu trông như mập thì đó là bị
sưng phù, mỗi khi đội hình của họ ra khỏi trại, công việc đầu tiên của mỗi người
là nhắm vào những đám khoai mì, cho dù quản giáo, quản chế có la réo, họ cải
thiện cho bằng được dù mỗi người chỉ cố vơ không hơn một nắm lá khoai mì để về
làm dưa. Người nào may mắn lắm mỗi năm gia đình đến thăm một lần, nhưng hầu như
rất ít, thời gian cách ly xã hội quá lâu khiến nhiều người không còn biết thân
nhân mình bây giờ ở đâu. Và về mặt xã hội, sự gánh chịu lâu năm đối với người
trong tù trở nên gánh nặng mà lâu dài các gia đình không thể chịu nổi, nhất là
tù hình sự thường gia đình bỏ cuộc rất sớm.
Khi đội hình kia trở về trại giam, họ chạy khắp các
phòng lục lạo trong các chỗ rác rưởi, thật đáng thương để tìm xem thức ăn có
còn sót chút nào hay không, một số khác tìm cách phục vụ các tù nhân có thăm gặp
hầu mong xin được một chút mắm muối gì còn sót lại… “Cuộc đời là một sự
chuyển tiếp và suy tàn” như triết gia Nietzche đã nói, nhưng nếu sự
chuyển tiếp đã là một sự suy tàn thì còn gì là phủ định của phủ định để gieo niềm
tin nơi mai hậu. Các tù nhân thuộc nhóm nầy khi được hỏi về đức tin tôn giáo họ
rất thờ ơ: có Chúa, có Phật cũng như không Phật – không Chúa. Nhưng họ không phải
là kẻ vô thần. Người nào cũng trong mệt mỏi, những bước chân còn lại trên trần
gian nầy dù có rán lê bước nhưng đã quá uể oải. Từ oải oải được nhắc đến nhiều
bằng các từ chia cơm, chia nước, cải thiện… trong cuộc sống hằng ngày. Hầu hết
họ bị sốt nhẹ vào buổi chiều và có khi sốt cao cả nguyên ngày, có một cái gì đó
đang chờ đợi họ. Nó không to lớn lắm và họ cũng không cầu nguyện. Nó là dấu chấm
hết. Họ tâm sự và tự hỏi không biết mình sinh ra để làm gì, để triệt hạ con người,
để giết người, sinh mâu thuẫn hận thù, lúc nào cũng phải nói láo với vợ con, bạn
hữu và cả chính mình vì chắc chắn không thể nói thật được, với họ thế gian nầy
có cái nói thật sẽ chết ngay. Giờ đây trước giờ có thể lâm tử bất cứ lúc nào của
mỗi người: cái thật hay không thật cũng chỉ là cái giới hạn, chết có dù cho là
hết, nhưng trong họ khi có dịp tiếp xúc và hiểu được tâm trạng người nào cũng
có nỗi băn khoăn: giá như ta đã làm gì mang lại một chút hữu ích cho đồng loại
vẫn dễ nhắm mắt hơn lúc ra đi. Trong nhóm nầy có cả các tướng cướp khét tiếng ở
miền Trung và miền Nam như họ Mã, họ Điền, họ Lâm… Họ lầm lì, lúc rảnh rỗi thì
đi qua đi lại bên trong các hàng rào kẽm gai và như hầm hừ không nói năng gì cả,
theo cuộc sống có lúc họ cũng chạy, nhưng phần lớn họ đều có đàn em và người phục
vụ hay hoà đồng cùng chia cơm nước muối, lá khoai mì muối dưa với anh em khác.
Người nào cũng chung thân hoặc tử hình được tha tội chết, và đố ai biết cọp khi
thả về rừng.
Những người ‘yêu nước’ từ
Mỹ trở về: rải rác quanh khắp trại giam đều có những nấm
mồ chôn theo tập thể gọi là Thương Tín, đúng ra là những
người trở lại quê hương trên con tàu mang tên Việt Nam Thương Tín. Họ là
những người rời bỏ Việt Nam khi cộng sản nắm quyền, nhưng khi qua Mỹ với nhiều
lý do ban đầu như nhớ vợ con, cha mẹ, môi trường vừa đang sống nay thoáng chốc
đã mất… Trong cơn khủng hoảng và chao đảo: họ muốn trở về. Nước Mỹ vốn tôn trọng
tự do và hơn ai hết các nhà lãnh đạo nước Mỹ hiểu rất rõ thế nào là chế độ mất
tự do, nên đã tạo cho mỗi người nhiều cơ hội cuối, theo lời kể của những người
trở về, trước khi lên tàu họ bước xuống con đường hầm có hai ngõ rẽ để ở lại
Hoa Kỳ hay lên thẳng con tàu Thương Tín trở lại Việt Nam. Người Mỹ muốn giữ
danh dự cho những người muốn ở lại, vì trước đó những người nầy đã biểu tình
đòi về nước rất hung hăng. Có người sớm nhận ra vấn đề và nhờ đường nhân đạo nầy
được ở lại Hiệp Chủng Quốc và thoát chết. Song số phận
của những con người trở về, khi con tàu vừa cập bến họ đều bị giam giữ ngay,
trong tuần lễ đầu tiên đã có người tự tử, Theo lời kể có viên trung uý
trở về oan ức quá mà tự tử: tất cả đều bị kết tội gián điệp cho CIA. Nhiều người
khác cũng tự tử khi chuyển đến các trại lao động khổ sai. Lúc đầu họ thường
xuyên bị nhốt kín vì là gián điệp trở về Việt Nam để quấy phá, về sau số còn lại
được ra ngoài lao động, nhưng lúc vào trại cũng bị khoanh vùng không cho liên hệ
với ai. Các tù nhân chỉ được gặp họ một cách thoả mái trên hiện trường lao động,
nơi thỉnh thoảng gần đó có nhiều anh em Việt Nam Thương Tín đã bỏ cuộc. Các tù
nhân thường đắp mộ và rắc hoa cỏ dại lên mộ của họ. Mọi
người cũng không rõ trên nghĩa trang chính thức của trại giam có bao nhiêu người
Thương Tín trong số hàng hàng lớp lớp nằm xuống nơi đây, và riêng họ bị chôn
phân tán khắp nơi. Những ai đến cải tạo tại trại Xuân Phước, mệnh danh
là Thung Lũng Tử Thần, thường không quên hỏi về những người tù đặc biệt nầy, rồi
câu trả lời trở thành lời ghi nhớ mãi trong ký ức các tù nhân: Họ đã suy sụp
tinh thần và chết dữ lắm.
Thung Lũng Tử Thần không xa Sài Gòn lắm, chưa
tới năm trăm kí lô mét nhưng phải mất ba ngày tàu lửa cùng ô tô cộng xe kéo mới
đến nơi, nếu vào mùa mưa lũ phải mất đến cả chục ngày mới về lại đến nhà. Ấn tượng
nhất là chiếc xuồng bé nhỏ đưa thân nhân sang sông, có lúc như muốn chìm hẳn
theo dòng nước cuốn… Mỗi chiều sau giờ cơm nước trước lúc điểm danh, họ hay đi
rà qua rà lại như để tìm ai đó… Song vô vọng, hàng rào kín thật chặt, trông họ
rất đăm chiêu, ân hận, sự lầm lỡ trong phút chốc bồng bột đầy cảm tính có liên
can đến vấn đề chính trị đã đưa họ xuống tận đáy địa ngục. Địa ngục không phải ở
kiếp sau mà nơi đây dưới lửa thiêu đốt của bàn tay con người mới đáng sợ và
kinh hãi hơn những gì được phát họa về sự trừng phạt của Thượng Đế.
Tử vì đạo: đó là một Linh mục giữ bánh lễ và bị kỷ
luật, bị đánh đến trào máu, chết vì tội truyền bá tôn giáo, trong tù mà còn giữ
Mình Thánh Chúa… Các tù nhân tiếc thương đến viếng vị Linh mục khả kính nầy lần
cuối cùng tại bệnh xá trại giam, người nằm trên chiếc giường gỗ để khám cho các
bệnh nhân, mũi và miệng đầy máu do bị đánh đêm qua. Tên Người là Nguyễn Quang
Minh, vụ Nhà thờ Vinh Sơn, thuộc miền Nam Việt Nam trước đây, xảy ra khi đất nước
vừa mới thống nhất. Không ai biết rõ Người liên can đến chính trị ở mức độ nào
vì con người là một hữu thể chính trị. Song Người sống hiền lành, giúp đỡ mọi
người, những ai gần gũi Ngài đều rõ: không bao giờ Ngài đề cập đến chính trị,
ngoài sống Phúc âm. Ngài chết đi, không ai biết có là Chân Phước hay không,
nhưng chắc chắn Người đã chết vì Đức Tin .
Tử đạo vì nhân quyền:
Cái chết của một Linh mục bất khuất, Người đấu tranh cho quyền của con người được
sống tự do, bình đẳng, tự do tôn giáo, chống lại những bất công của chế độ mà
xuyên suốt các trại giam ai cũng biết: Linh mục Nguyễn Luân, án chung thân, những
chuỗi ngày tù của vị Linh mục trẻ nầy là kỷ luật và kiên giam. Người đã chết tại
bệnh xá Thung Lũng Tử Thần vì một ung nhọt nhỏ sau lưng bị nhiễm trùng loét dần
đến chết, tuổi ngoài bốn mươi. Những bài viết, những lời hô hào về nhân quyền của
Người được truyền khắp trại giam, quen thuộc như những bài cầu kinh nhật tụng
sáng tối.
Nguyễn
Quang
*
Trích đoạn từ tác phẩm Biển Đỏ VN của N.Quan