„Nhưng môi trường nhiều bất ổn, pháp luật còn chưa đủ tạo niềm tin,
nạn tham nhũng vẫn là bài toán nan giải, và ngay cả bữa cơm họ ăn hàng ngày mà
chính họ cũng khó chắc chắn có bị nhiễm độc hay không, thì họ biết dựa vào đâu
để tìm về quê hương?“
Nỗi niềm của một kẻ tha hương
(Ảnh
minh họa)
Vài hôm trước tôi đọc thấy thông tin về người Việt lại
âm thầm kéo nhau sang nước ngoài. Theo số liệu của Tổ chức Di cư Quốc tế và Vụ
Liên Hiệp Quốc về Vấn đề Kinh tế và Xã hội của Liên Hiệp Quốc, từ năm 1990 đến năm 2015 đã có hơn 2,5 triệu người Việt Nam
di cư ra nước ngoài. Như vậy, trung bình mỗi năm có khoảng 100.000 người
Việt bỏ nước ra đi. Đây là những con số làm người ta đau lòng, không phải vì nó
lớn mà vì nó cho thấy dường như nỗi lo của người dân
ngày càng tăng.
Tôi từng đi đây đi đó rất nhiều, gặp gỡ không ít kiều
bào. Điều khiến tôi bất ngờ là càng đi xa, những người Việt này càng nhớ và hướng
về Việt Nam. Có người mỗi ngày đều xem kênh truyền hình Việt, theo dõi thông tin
về đời sống - xã hội - con người ở quê hương. Họ khắc khoải với những ký ức,
hoài niệm và cả những câu chuyện dài lê thê về bản thân và đất nước.
Nếu có ai hỏi họ “bạn có yêu đất nước Việt Nam không?”, tôi tin chắc họ sẽ không ngại
ngùng khẳng định: “Có”. Bởi nơi đó có
ông bà tổ tiên, những ngôi mộ xa nhà cỏ xanh che khuất mà có khi đôi ba năm họ
mới về thắp được nén nhang. Bởi nơi họ từng chôn nhau cắt rốn nay chỉ vỏn vẹn
trên vài ba trang giấy báo hay trên một đoạn tin tức truyền hình. Những “hóa thạch
ngoại biên” mà những Việt kiều còn giữ sẽ cho quý vị cảm giác về sự day dứt khi
họ rời xa quê hương, chỉ vì những nỗi sợ hãi và niềm tin bất định.
Không dưới chục người tâm sự với tôi, kể cho tôi
nghe về những ngày tháng sau chiến tranh. Họ ra nước ngoài sống vài thập kỷ,
nhưng những kỷ niệm về quê hương vẫn theo họ đến suốt cuộc đời. Tôi hỏi: “Thế ông (bà) sẽ về Việt Nam chứ?” Nhiều
người bảo về chơi chứ không ở, vì ở cũng không thấy an tâm. Họ nói nhiều với
tôi về những bất an của họ, theo một khái niệm mà bà Nguyễn Phương Mai, Phó
Giáo Sư Tiến sĩ chuyên ngành giao tiếp và quản trị đa văn hóa, hiện đang giảng
dạy tại Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan, đưa ra và được đón nhận nồng
nhiệt: “Tị nạn
niềm tin”.
Đã có quá nhiều câu
chuyện khiến những người Việt bên kia đại dương khi nhìn về đất nước cảm thấy bất
an. Những án tù
oan kéo dài hàng thập kỷ, làm chấn động ngành tư pháp; những vụ ẩu đả, xô
xát giữa cảnh sát và quần chúng nhân dân,
để rồi kẻ ra tay đấm vào mặt một nhà báo vô tội lại được cấp trên khéo léo chơi
chữ “gạt tay trúng má”; những vụ bê bối,
tham nhũng vỡ lỡ khiến người dân
choáng váng nhận ra rằng bấy lâu nay họ đóng thuế để nuôi những gia đình từ ông
cha đến con cháu làm quan, để rồi núi nợ công cứ cao thêm từng ngày mà thế hệ con
cháu họ phải tiếp tục cày sâu cuốc bẩm để trả; hay những vùng biển đang chết vì những doanh nghiệp
như Formosa và sự thiếu quyết đoán trong khâu quản lý khiến hàng
ngàn người lao đao, nhưng đơn kiện thì bị tòa trả lại. Rồi nào là thực phẩm bẩn tràn
lan, y tế yếu kém, giáo dục thì, than ôi, bằng cấp cao ngất trời
nhưng không biết bao nhiêu người thất nghiệp.
Không ít kiều bào muốn trở về sinh sống, lập nghiệp
trên chính mảnh đất quê hương mình để họ gần lại gia đình. Cuộc sống họ phải ngụp
lặn giữa hai bờ đại dương, một bên là đấu tranh vì bản thân còn bên kia chính
là gia đình, quê hương của họ. Nhưng môi trường nhiều bất ổn, pháp luật còn
chưa đủ tạo niềm tin, nạn tham nhũng vẫn là bài toán nan giải, và ngay cả bữa
cơm họ ăn hàng ngày mà chính họ cũng khó chắc chắn có bị nhiễm độc hay không,
thì họ biết dựa vào đâu để tìm về quê hương? Đến lúc gần nhắm mắt xuôi tay, khi
sinh mạng không còn quan trọng bằng tình cảm con người, họ buộc phải trở về để
được nằm xuống trên chính mảnh đất quê hương cùng với những hoài niệm đẹp, đưa
những đau thương, mất mát, lo toan và cả những chuyện lợi danh vào dĩ vãng.
Nhưng than ôi, người nằm xuống rồi thì không còn gì phải lo lắng và nghĩ ngợi,
nhưng kẻ sống thì vẫn phải sống tiếp một cuộc đời ngụp lặn.
Giới trẻ của chúng tôi, những người sinh ra thời hội
nhập, chỉ cảm nhận lịch sử qua sách vở và lời kể của ông bà, càng dễ dàng vị
tha với quê hương mình. Nhưng với chúng tôi, sống là nhìn về phía tương lai. Dẫu
vậy với chúng tôi cũng vô cùng gian khó. Biết bao nhiêu người tốt nghiệp đại học
rồi thất vọng vì bị xã hội lãng quên; thất vọng vì tấm bằng trên tay và những ước
mơ của mình đều dừng lại, lung lay và tan vỡ; thất vọng vì xung quanh mình sao
vẫn còn quá nhiều bất công mà ngay cả một đứa trẻ phương Tây cũng nhận ra: quyền
được học hành tử tế, được đối xử công bằng, được cạnh tranh và tuyển dụng minh
bạch, lành mạnh... Thế nên lắm kẻ tha phương, bỏ tấm bằng đại học lại quê hương
để sang xứ người làm công việc vụn vặt. Ừ, thì thà làm việc chân tay mà có nhiều
tiền, được hưởng phúc lợi tốt và được đối xử công bằng trong môi trường lành mạnh,
hơn là lây lất với tấm bằng đại học trong một hệ thống giáo dục quá khó lường,
quá nhiều bất trắc và bất định.
Tôi rảo bước cùng một người ngấp nghé 60 tuổi. Ông
tha phương đã lâu ngày, nhìn tôi ông bảo: “Một
ngày nào đó, lúc gần đất xa trời bác sẽ về lại quê hương để nghe mùi đồng nội”.
Tôi biết ông nhớ quê nhà, nhớ cả những nấm mồ lâu ngày vắng khói hương và vài
cành hoa nhỏ. Ông sắp xong cuộc rong chơi của đời ông, nên cũng không đắn đo
nhiều về niềm tin về miền đất mẹ đẻ. Nhưng những người
trẻ như tôi, vẫn mệt nhoài giữa đôi bờ ngụp lặn, thì biết đến bao giờ quê cha đất
tổ mới cho chúng tôi lại những niềm tin để quay về?
Blog Cao Huy Huân