02.01.2017

Lược sử Blog Việt Nam năm 2016 (I, II) - Phạm Đoan Trang

Lược sử Blog Việt Nam năm 2016 (I,II)

(Phần 1)

Phạm Đoan Trang

- 19/1: Trước ngày khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 12, Cụ Rùa Hồ Gươm tịch. Các báo chỉ đưa tin, không bình luận gì thêm. Cộng đồng mạng bắt đầu xì xào về một điềm gở cho Đảng Cộng sản.

- 20/1: Đại hội Đảng lần thứ 12 chính thức khai mạc. Trước và trong thời gian này, nhiều trang web “truyền thông đen” ra đời, nhân danh “sự thật” để vạch mặt, phơi áo nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng và đánh phá phe thân Nguyễn Phú Trọng. Trước mắt dân chúng, Đại hội Đảng 12 đã thể hiện hệt như một xới vật.


Đại hội kết thúc với thất bại thuộc về phe Nguyễn Tấn Dũng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chức vụ người lãnh đạo cao nhất của Đảng. Ngoài ra, Đảng đã chọn ra bộ máy nhân sự lãnh đạo cả nước, gồm Chủ tịch Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

- 6/2: Trang facebook “Vận động Ứng cử đại biểu Quốc hội 2016” ra đời, công khai ủng hộ cho các ứng viên độc lập vào Quốc hội khóa 14 (nhiệm kỳ 2016-2021). Phong trào tự ứng cử đại biểu Quốc hội bắt đầu, và các hoạt động đánh phá ứng viên độc lập của lực lượng an ninh và dư luận viên cũng bắt đầu, rầm rộ hơn so với tất cả các năm trước.

- 15/3: Cuốn sách “Anh Ba Sàm” của Nhà xuất bản Trẻ Hà Nội ra mắt trên mạng Amazon. Đây là cuốn sách đầu tiên về một tù nhân lương tâm ở Việt Nam, cũng là tác phẩm song ngữ Anh-Việt, gồm một tuyển tập các bài viết về blogger Ba Sàm và các sai phạm của công an trong vụ án Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh.

- 23/3: Phiên xét xử sơ thẩm blogger Ba Sàm và cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy diễn ra tại Hà Nội. Hàng trăm người kéo đến tòa dự nhưng không được vào, trong đó có cả một số chính khách phương Tây như Dân biểu Đức Martin Patzelt, quan chức các Đại sứ quán Thụy Điển, Nauy, Phái đoàn EU tại Việt Nam, v.v. Trong khi đó, bên trong phòng xử án, dày đặc an ninh và sinh viên các trường đại học của công an.

Mặc dù không chứng minh được tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm hại lợi ích quốc gia” của ông Vinh và bà Thúy, song Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội vẫn kết án ông Nguyễn Hữu Vinh bị kết án 5 năm tù, bà Nguyễn Thị Minh Thúy 3 năm tù.

- 28/3: Cái gọi là “quần chúng tự phát” đã ném mắm tôm vào những người ủng hộ Hoàng Văn Dũng, là ứng viên độc lập đầu tiên bị loại trong hội nghị lấy ý kiến cử tri. Ông nhận được 4 phiếu thuận trên tổng số 57 phiếu.

- 4/4: Ngư dân Nguyễn Xuân Thành (36 tuổi, thôn Ba Đồng, phường Kỳ Phương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) lặn biển và bất ngờ phát hiện một đường ống xả thải khổng lồ chôn dưới đáy biển, nối từ khu vực dự án Formosa thuộc khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh). Cũng từ đầu tháng 4, cá bắt đầu chết hàng loạt trên vùng biển Vũng Áng ở Hà Tĩnh, rồi tới Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế...

- 7/4: Tại Hà Nội, Trung úy Nguyễn Văn Bắc (SN 1983, cảnh sát khu vực phường Trung Liệt, quận Đống Đa) bất thình lình kiểm tra nhà dân nhưng bị từ chối. Trung úy đã nhổ nước bọt vào mặt cô Trần Phương Linh (SN 1992) và bị quay clip. Clip lan nhanh trên mạng xã hội trong ngày 8/4, buộc Công an quận Đống Đa phải vào cuộc xác minh. Trung úy Bắc ban đầu phủ nhận việc nhổ nước bọt, nhưng cuối cùng, ngày 11/4, đã chấp nhận xin lỗi cô Linh, ngoài ra không bị xử lý gì thêm.

- 9/4: Tiến sĩ Nguyễn Quang A – ứng viên ĐBQH độc lập – bị loại áp đảo vì “không thường xuyên tham dự các cuộc họp ở tổ dân cư” và “không có đóng góp gì cho đất nước”. Ông được 6 phiếu ủng hộ trong số 75 phiếu bầu. Trước đó ông đã nhận được hơn 5000 chữ ký từ những người ủng hộ trên cả nước.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện giành được 6 trong tổng số 66 phiếu tại hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú. Một cuộc họp khác với cơ quan của ông đã được tổ chức ngày hôm trước, mà Ban kiểm phiếu phải mất 30 phút để kiểm đếm chỉ 58 phiếu.

Đến tối, Nguyễn Kim Môn được 3/81 phiếu. Ông bị tố là “không chịu moi cống”.

Giữa chừng hội nghị lấy ý kiến cử tri, Nguyễn Thúy Hạnh, Nguyễn Tường Thụy và Phạm Chí Thành tuyên bố quyết định tẩy chay cuộc đấu tố.

- 10/4: Hội nghị lấy ý kiến cử tri của thầy giáo Đỗ Việt Khoa tại nơi cư trú, được tổ chức với một nửa số người tham dự là công an mặc thường phục được cử đến từ những nơi khác. Người tổ chức thông báo cấm tuyệt đối ghi âm hay ghi hình. Tổ trưởng dân phố của ông tố cáo ông đã “để chó nhà mình ỉa sang vườn nhà hàng xóm”. Ông vẫn giành 13 phiếu ủng hộ từ những người hàng xóm thật sự của mình, trên 75 phiếu, rồi mới bị loại.

Các diễn biến liên quan đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021, xin xem báo cáo Bầu cử phi dân chủ ở Việt Nam.

- 14/4: Tại TP.HCM, Thượng sĩ công an Lương Việt Hà dùng thế võ hiểm quật ngã anh Phạm Thiện Minh Phong, một người bán hàng rong, gây chấn thương. Lý do là anh Phong không chịu đóng 700.000 đồng “hụi chết” mỗi tháng như những người bán hàng rong khác.

- 21/4: Thanh niên đưa tin, tính đến ngày này, người dân ven biển Quảng Trị đã thu gom được khoảng 30 tấn cá chết.

- 22/4: Giữa cơn khủng hoảng cá chết, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng đến Vũng Áng để thăm và kiểm tra tiến độ dự án Formosa. Ông không gặp gỡ, tiếp xúc với người dân nào ở địa phương và cũng chẳng có phát biểu gì sau chuyến thăm.

- 25/4: Ông Chu Xuân Phàm (Chou Chun Fan), Phó phòng đối ngoại Formosa, Trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội, nói với báo chí rằng người dân Việt Nam chỉ có thể chọn giữa tôm cá và thép. Phát ngôn gây phẫn nộ trong dư luận. Chiều 26/4, Chu Xuân Phàm và lãnh đạo Formosa ở Hà Tĩnh đã tổ chức họp báo và cúi đầu xin lỗi. 27/4, ông này xác nhận bị đuổi việc, về lại Đài Loan.

[- 27/4: Bắt đầu từ ngày 27/4 đến ngày 20/5, bản Tuyên bố về tội ác đầu độc biển miền Trung Việt Nam với 2940 tên người ghi danh được đăng trên nhiều trang mạng dân sự, đanh thép lên án tội ác của Formosa Vũng Áng và yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam 6 điểm, trong đó có việc cấp bách tổ chức cứu trợ người dân ở những vùng cá chết; tìm mọi giải pháp khoa học tối ưu để nhanh chóng xác định đúng nguyên nhân tai nạn; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động của Formosa không để họ tự tiện xả thải tiếp chất độc xuống biển; nếu cần thì “sẵn sàng xoá bỏ dự án Formosa, nếu những nguy hiểm tiềm tàng mà dự án gây ra không thể triệt tiêu được”; đồng thời thi hành kỷ luật đối với các quan chức trung ương và địa phương vô trách nhiệm và có thể có tham nhũng, tiêu cực trong việc xử lý vụ đầu độc biển miền Trung.

Để đối phó với dư luận ngày một nổi sóng (trong đó có cả biểu tình ở Bắc, Trung, Nam), do ảnh hưởng của tình trạng cá chết và biển chết mỗi lúc một thêm nghiêm trọng cũng như do tác động khách quan của Bản tuyên bố, trong các đêm 13-5 và ngày 14-5, Đài truyền hình Nhà nước VTV, kênh An ninh TV đã cho phát đi bài bình luận “Bằng chứng Việt Tân chỉ đạo dùng bom xăng để kích nổ ‘Cách mạng Cá’ ở Việt Nam”, vu khống một cách trắng trợn một số cá nhân các nhà trí thức tham gia ký tên trong bản Tuyên bố này như các ông Nguyễn Quang A, Nguyễn Huệ Chi, Hoàng Hưng, kể cả ngài Nguyễn Thái Hợp, Tổng Giám mục Giáo phận Vinh, coi họ là những người cầm đầu việc khởi xướng, kêu gọi ký tên “nhằm khuếch trương thanh thế, ngụy tạo dư luận, tập họp lực lượng” hoặc có những hành động gây khó khăn cho nhà chức trách. Ngay lập tức, trong ngày 16-5, các ông Nguyễn Quang A, Nguyễn Huệ Chi, Hoàng Hưng đã cho công bố bài “Tố cáo và phản đối Truyền hình TV vu cáo trắng trợn, ngang nhiên bôi nhọ danh dự của công dân trên các trang mạng, chỉ rõ ý nghĩa đóng góp tích cực đầy trách nhiệm của Bản tuyên bố, không hề mang động cơ “kích động chống phá chính quyền hay lật đổ chế độ”, trái lại chính An ninh TV mới là một thế lực tự cho phép mình làm những việc đổi trắng thay đen bất chấp pháp luật nói trên. Và quả nhiên đến ngày 30-6, trước áp lực mạnh mẽ của công luận, Formosa đã phải cúi đầu thừa nhận tội lỗi của mình] (1).

- 1/5: Biểu tình lớn tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang... đòi chính quyền có trách nhiệm bảo vệ môi trường và minh bạch trước dân chúng. Ở Hà Nội và Sài Gòn, quy mô biểu tình lên tới hơn 1000 người và có xô xát với lực lượng đàn áp, gồm cảnh sát, an ninh thường phục, dân phòng, và những thành phần không rõ có chức năng gì, như thanh niên xung phong và quy tắc đô thị.

Trong chương trình Thời sự 19h tối, Truyền hình Việt Nam đưa lại bản tin do Truyền hình An ninh (An ninh TV) sản xuất, nói rằng công an đã bắt ông Trương Minh Tam (thành viên phong trào Con đường Việt Nam) và ông Chu Mạnh Sơn (đảng Việt Tân) vì tội “quay phim, chụp hình, phỏng vấn” người dân địa phương với “ý đồ biên tập phóng sự, phát tán trên các trang mạng xấu để kích động biểu tình, gây phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn”.

- 8/5: Biểu tình nổ ra lần thứ hai ở Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang, Vũng Tàu… và bị lực lượng an ninh tung quân ngăn trở. Người biểu tình bị đàn áp ngang nhiên và dã man ở Hà Nội, Sài Gòn: Có vẻ như tất cả những gương mặt mới và phụ nữ mang theo con nhỏ đều trở thành trọng tâm để công an, dân phòng và những lực lượng không rõ chức năng nhằm vào tấn công. Chị Hoàng Mỹ Uyên, một chủ quán café của giới văn nghệ sĩ ở Sài Gòn, bị đấm vào mặt, gây thương tích, trong khi chị vẫn ôm con gái nhỏ.

Cùng với làn sóng phẫn nộ dâng lên trong cộng đồng mạng về việc “công an đánh người tuần hành ôn hòa” là một làn sóng dư luận viên ồ ạt định hướng độc giả theo hướng biến nạn nhân thành thủ phạm. Xảo thuật biến nạn nhân thành thủ phạm này đã, đang và sẽ còn được dư luận viên tiếp tục sử dụng trong nhiều sự kiện khác.

Các diễn biến liên quan đến thảm họa môi trường do Formosa gây ra, xin xem báo cáo “Toàn cảnh thảm họa môi trường biển miền Trung” của nhóm Green Trees/ Vì Một Hà Nội Xanh.

- 23/5: Tổng thống Mỹ Barack Obama sang thăm Việt Nam. Trong lịch trình, có một sự kiện quan trọng đối với phong trào dân chủ: Sáng 24/5, ông Obama gặp gỡ một số đại diện của khối xã hội dân sự ở Việt Nam (cả tổ chức độc lập lẫn tổ chức chịu sự kiểm soát của nhà nước). Kết quả: Cuộc gặp diễn ra với 9 trên 15 ghế trống. Những nhà hoạt động xã hội dân sự, nếu không chấp nhận sự “quản lý” của nhà nước, đều bị chặn bắt tại nhà hoặc trên đường đến nơi họp mặt.

Tại Sài Gòn, hàng nghìn người dân đã đổ xô ra đường chào đón Tổng thống Mỹ. Trước đó hơn nửa năm, cũng người dân Sài Gòn đã biểu tình dữ dội, phản đối Chủ tịch, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình khi họ Tập sang Việt Nam theo lời mời của “đảng em”.

- 5/6: Nhóm Green Trees (Vì một Hà Nội Xanh) tổ chức tuần hành ở Hà Nội, kêu gọi bảo vệ môi trường, phản đối Formosa và yêu cầu Quốc hội thể hiện trách nhiệm thay vì im lặng “thủ khẩu như bình”. Biểu tình bị công an dẹp chỉ sau 10 phút. Công an cũng bắt tất cả những người biểu tình về đồn và thẳng tay đánh hội đồng facebooker Phạm Nam Hải.

Phong trào tự xuất bản kiểu Việt Nam (samizdat) tiếp tục với sự ra mắt cuốn sách Từ Facebook xuống đường (NXB Hoàng Sa), kỷ niệm 5 năm ngày diễn ra những cuộc biểu tình chống Trung Quốc đánh dấu sự ra đời và lớn mạnh của phong trào xã hội dân sự đòi dân chủ-nhân quyền.

- 10/6: Công an nai nịt kỹ càng, bủa vây nhà bà Cấn Thị Thêu – “người nông dân nổi dậy”, gương mặt lãnh đạo chủ chốt của dân oan Dương Nội – từ sáng sớm, khi gia đình còn đang ngủ. Họ bắt bà (lần thứ hai) với tội danh “gây rối trật tự công cộng”, do đã tham gia một cuộc mít-tinh từ… ngày 8/4 kỷ niệm 10 năm ra đời Khối 8406.

- 14/6: Máy bay Su-30MK2, số hiệu 8585, mất liên lạc cùng hai phi công là Thượng tá Trần Quang Khải (43 tuổi) và Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi). Một ngày sau, thiếu tá Cường được ngư dân cứu sống.

- 16/6: Máy bay quân sự Casa-212, số hiệu 8983, chở theo 9 người, cất cánh đi tìm Su-30MK2 và thượng tá Khải. Sau đó lại mất liên lạc và mất tích.
Theo VnExpress, chiến dịch tìm kiếm phi công Su-30 và chiếc Casa mất tích được huy động lên đến 2.700 người thuộc các lực lượng của Quân khu 4, biên phòng, hải quân, cảnh sát biển, phòng không không quân. Hơn 250 phương tiện gồm 14 máy bay, 183 tàu… quần thảo cả ngày lẫn đêm trên vùng trời, vùng biển. Nhưng kết quả là đều chỉ có ngư dân tìm ra những phi công bị nạn.

- 17/6: Nhà báo Mai Phan Lợi – admin Diễn đàn Nhà báo Trẻ – đưa lên Diễn đàn một khảo sát (poll) với nội dung: “Vì sao máy bay Casa 212 tan xác?”. Ông không biết rằng mình đã “vạ miệng”: Ngay lập tức, nhiều thành viên của Diễn đàn (cũng là những người làm báo) lên tiếng chỉ trích admin vì hai từ “tan xác”.

Cũng trong đêm 17 và sáng 18/6, poll có thêm một loạt phương án trả lời do các thành viên tự gợi ý, như: Máy bay bị bắn; Máy bay chất lượng kém do tham nhũng trong ngành quốc phòng luôn bị đóng dấu mật… Tối 18/6, ông Lợi xin lỗi và gỡ bỏ khảo sát, nhưng đã muộn. Petro TimesNgười Đưa TinVTV cùng một loạt cơ quan báo chí khác đổ xô vào phẫn nộ, tố cáo, thậm chí đòi truy tố ông Lợi. Hậu quả là ông Mai Phan Lợi bị tước thẻ nhà báo, đuổi việc. 

Ông Mai Phan Lợi là sáng lập viên Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng MEC, một trong hai tổ chức xã hội dân sự có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực truyền thông. Ông cũng là một trong sáu người “được phép” đến gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 24/5.

- 30/6: 17h, Chính phủ tổ chức họp báo công bố nguyên nhân cá chết: xác định đích danh thủ phạm là Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Trần Nguyên Thành, Chủ tịch Công ty, cúi đầu xin lỗi cử tọa và cam kết bồi thường 11.500 tỷ đồng, tương đương 500 triệu USD.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu: “Formosa đã nhận lỗi… Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại”; “Việc đưa vụ án ra khởi tố hay không thì cần cân nhắc. Người dân Việt Nam vốn khoan hồng, độ lượng”.

Trong buổi tối và đêm, hàng loạt facebooker gồm luật sư, nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền-dân chủ… đã lên tiếng kịch liệt phản đối việc Chính phủ tự ý đứng ra thỏa thuận với Formosa mà không tham vấn người dân, và chấp nhận một mức giá bồi thường vô cùng rẻ mạt.

Từ việc yêu cầu điều tra và minh bạch hóa nguyên nhân cá chết, phong trào XHDS đã chuyển sang hướng yêu cầu khởi tố Formosa hoặc đuổi Formosa khỏi Việt Nam, “Formosa cút đi!”.


P.Đ.T.

(1) Đoạn trong ngoặc vuông là bổ sung của BVN

Lược sử blog Việt năm 2016
(phần 2)

10/7: Anh Lã Việt Dũng, một thành viên tích cực của đội bóng No-U, bị công an mặc thường phục đánh chảy máu đầu sau khi ăn tối cùng và tham gia một trận bóng của No-U chiều chủ nhật. Việc làm này của an ninh có ý dằn mặt những người có khả năng và có tinh thần sẵn sàng tổ chức biểu tình, 10 ngày sau khi chính quyền chấp nhận lời hứa đền 500 triệu USD của Formosa.

12/7: Tòa án Trọng tài Quốc tế ra phán quyết xử thắng cho Phi Luật Tân trong vụ kiện Trung cộng. Phán quyết dài 501 trang khẳng định Trung cộng không có “chủ quyền lịch sử” đối với Biển Đông, và đường chín đoạn tức đường lưỡi bò là không có căn cứ pháp lý, do đó, vô hiệu lực.

                            Ảnh: Hiển Trịnh

17/7: Các blogger ủng hộ dân chủ ở Hà Nội tổ chức tuần hành bày tỏ sự ủng hộ đối với phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế trong vụ kiện Phi Luật Tân – Trung cộng. Tuy nhiên, biểu tình lại bị an ninh trấn áp, như thường lệ. Ngay cả việc đến Đại sứ quán Phi Luật Tân để chúc mừng cũng bị ngăn cản. Một lần nữa, các thông điệp ngoại giao – vốn rất cần thống nhất để gửi ra thế giới – lại bị công an Việt Nam phá hoại.

Một số facebooker phải “tập kích” bất ngờ ở trước cổng tòa nhà Văn phòng Quốc hội để bày tỏ chính kiến.

29/7: Phi trường Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị tin tặc Trung cộng tấn công, cho hiện lên màn hình thông tin những nội dung xúc phạm Việt Nam và Phi Luật Tân.

30/7: Chuyên mục “Góc nhìn” của báo điện tử VnExpress đăng tải bài viết “Điều kỳ diệu sau cuộc tấn công” của nhà báo Hoàng Minh Trí (blogger Cu Trí), được hàng nghìn độc giả like và khen ngợi. Tuy nhiên, bài báo cũng gây một trận cười trên mạng xã hội vì những ngụy biện mơn trớn đám đông của nó: Nhờ cuộc tấn công của tin tặc Trung Quốc, người dân Việt Nam bộc lộ đầy đủ các phẩm chất tốt đẹp như đoàn kết và cảm thông, kiên nhẫn, kiên cường…

Thành công ngoài dự kiến của tác giả và ban biên tập là bài báo đã trở thành một dạng “văn mẫu”: Về sau, trong mỗi trường hợp cần đánh vào cảm xúc một cách lạc quan tếu, các facebooker lại dùng công thức sau đây để đặt tít: “Điều kỳ diệu sau xxx”, trong đó xxx là một sự cố không mong muốn.

18/8: Chi cục trưởng kiểm lâm tỉnh Yên Bái, Đỗ Cường Minh, rút súng bắn tử thương Bí thư tỉnh ủy Phạm Duy Cường và Chủ tịch HĐND kiểm Trưởng ban tổ chức tỉnh ủy Ngô Ngọc Tuấn. Minh cũng bị trọng thương và chết sau đó, báo chí đưa tin là do tự sát. Vụ việc gây rúng động.

Cuộc họp báo tại Yên Bái diễn ra vào buổi chiều 18/8 và được một số báo tường thuật trực tiếp trên facebook (qua livestream). Điều nực cười là đa số trong hàng nghìn biểu tượng cảm xúc đều là “like” (thích), thả tim và cười ha ha. Nhiều comment reo hò “cho chúng nó bắn nhau chết hết đi”, “lòng dân là đây chứ đâu”, đẩy các báo vào thế vô cùng khó xử và khiến ban Tuyên giáo giận dữ.

23/8: TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm hai facebooker Nguyễn Hữu Quốc Duy (SN 1985) và Nguyễn Hữu Thiên An (SN 1995) với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước”, Điều 88 Bộ luật Hình sự. “Tội” chính của hai anh em họ này là “truy cập các trang facebook, trang web phản động, nói xấu nhà nước CHXHCN Việt Nam” (nói nôm na là tội bôi đen đít nồi).


5/9: Blogger Người Buôn Gió (tên thật Bùi Thanh Hiếu) khởi đăng loạt bài “Trịnh Xuân Thanh – con dê tế thần”, nói về cuộc chiến phe phái trong nội bộ ban lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó Trịnh Xuân Thanh (Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, đại biểu Quốc hội), kẻ bị báo chí đánh hội đồng vài tháng trước đó vì có biểu hiện tham nhũng, chỉ là một “con dê tế thần”.
Ngày 6/9, Trịnh Xuân Thanh gửi đơn xin ra khỏi đảng rồi trốn ra nước ngoài. Điều kỳ lạ là Cơ quan An ninh Điều tra và Cục Xuất nhập cảnh, cũng như toàn bộ Bộ Công an, mặc dù vốn tỏ ra rất tinh nhuệ trong các vụ chặn giữ, cấm xuất cảnh đối với công dân, lại bất lực trong việc xác minh xem Trịnh Xuân Thanh đã đi đâu và đang ở đâu.

20/9: TAND TP. Hà Nội xét xử sơ thẩm bà Cấn Thị Thêu, kết án bà 20 tháng tù giam về tội “gây rối trật tự công cộng” – tội danh mà tất cả các chính quyền độc tài đều ưa dùng để ngăn ngừa biểu tình, tụ tập đông người.

22/9: TAND tối cao xét xử phúc thẩm ông Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm) và bà Nguyễn Thị Minh Thúy, tuyên y án sơ thẩm.


23/9: Một tổ công an hình sự huyện Đông Anh (Hà Nội) đã lợi dụng “công vụ” để tấn công, hành hung nhà báo Trần Quang Thế, phóng viên báo Tuổi Trẻ, khi anh Thế đưa tin về một vụ tai nạn giao thông trên cầu Nhật Tân.
Sau đó, Công an Hà Nội đã ngay lập tức bao che cho thủ phạm bằng cách tung ra bản kết luận điều tra sử dụng đầy phép uyển ngữ, tức là nói giảm, nói tránh: Họ nói công an huyện không hành hung mà “chỉ đá nhưng không trúng vào người” và “gạt tay vào má” nhà báo Trần Quang Thế. Phụ họa với công an, như thường lệ, là cả dàn dư luận viên ra sức biến nạn nhân thành thủ phạm.

Cụm từ “gạt tay trúng má” trở thành một uyển ngữ kinh điển cho tài lươn lẹo ngôn ngữ của công an Việt Nam.

2/10: Biểu tình lớn, gần 20.000 người, tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh), nơi đặt trụ sở của Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.


10/10: Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm, 37 tuổi, bị bắt tại nhà riêng vào buổi trưa và bị khởi tố theo Điều 88 Bộ luật Hình sự, “tội tuyên truyền chống Nhà nước”.

Khám nhà bà Quỳnh, Cơ quan An ninh Điều tra của Bộ Công an thu được nhiều… khẩu hiệu yêu cầu khởi tố Formosa, đòi minh bạch, và một tập hồ sơ phản ánh nạn bạo hành của công an, trích từ báo chí chính thống.


13/10: Hàng chục người nuôi cá ở xã Long Sơn (Vũng Tàu) đã lôi xác những con cá chết, to và nặng, ra Quốc lộ 51, để phản đối 14 công ty chế biến hải sản gây ô nhiễm môi trường. Cuộc biểu tình độc đáo khiến giao thông trên đoạn quốc lộ chạy qua huyện Tân Thành bị ách tắc, ô-tô theo hướng từ Vũng Tàu lên Sài Gòn không di chuyển được.

14/10: Miền Trung bắt đầu chìm trong mùa mưa lũ. Đêm 14/10, thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) xả lũ bất ngờ, kết hợp với mưa lớn từ trước đó, gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho hàng chục nghìn người dân không kịp trở tay.


16/10: Một số người dân ở Sài Gòn đã kéo những con cá cắt bằng bìa carton đi dạo trong công viên Lê Văn Tám. Trên mỗi con cá đều có ghi dòng chữ: “Formosa get out” (Formosa cút đi). Đây là hành động nhằm nhắc công luận nhớ tới thảm họa môi trường miền Trung Việt Nam và cuộc “biểu tình cá” trên Quốc lộ 51 ba ngày trước đó.

17/10: MC Phan Anh kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ đồng bào miền Trung nơi chịu lũ lụt, và quyên góp được 10 tỷ đồng cứu trợ chỉ sau chưa đầy 24 giờ (tính đến sáng 18/10).

Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người Tiêu dùng Việt Nam (Vinastas, một NGO có đăng ký và chịu sự quản lý của nhà nước) công bố kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc. Báo cáo nhận định rằng “nước mắm càng cao đạm, càng chứa nhiều thạch tín”. Cuộc khảo sát được tài trợ bởi Công ty TNHH Liên doanh T&A Ogilvy của “phù thủy marketing” Nguyễn Thanh Sơn. Song song với đó, có những người photo và phân phát danh sách các hãng nước mắm có lượng arsen vượt ngưỡng, khuyến cáo là sẽ gây độc hại với người tiêu dùng, đồng thời quảng cáo nước mắm công nghiệp của tập đoàn Masan.

Chiến dịch truyền thông bẩn đã gây điêu đứng cho nước mắm truyền thống, và nó chỉ dừng lại sau khi bị cộng đồng mạng phát hiện và lên án dữ dội.

18/10: Giáo dân ở Phú Yên cùng linh mục Đặng Hữu Nam đến TAND huyện Kỳ Anh nộp đơn khởi kiện tập đoàn Formosa và bị taxi Mai Linh từ chối chuyên chở, dưới sức ép của công an.


19/10: Nhóm Green Trees đến Văn phòng Quốc hội để trao một bản báo cáo có nhan đề “Toàn cảnh thảm họa môi trường biển Việt Nam”. Đây là báo cáo do Green Trees thực hiện với mục đích cung cấp cho Quốc hội một cái nhìn tổng thể, đa chiều về thảm họa môi trường biển diễn ra tại bốn tỉnh miền Trung từ tháng 4.
Báo cáo có ba thứ tiếng: Việt, Anh và Đài Loan.


3/11: Cơ quan An ninh Điều tra CA Sài Gòn bắt bác sĩ Hồ Văn Hải (facebooker Hồ Hải, 52 tuổi) tại phòng khám của ông ở Sài Gòn, theo Điều 88 Bộ luật Hình sự, tội “tuyên truyền chống nhà nước”. Chẳng ai biết ông đã làm gì, nói gì, viết gì mà thành tuyên truyền.

6/11: An ninh tiếp tục bắt hai ông Lưu Văn Vịnh (47 tuổi) và Nguyễn Văn Đức Độ (41 tuổi), khép hai ông vào tội hoạt động lật đổ chế độ, theo Điều 79 Bộ luật Hình sự.

9/11: Bầu cử tổng thống ở Mỹ (theo giờ Washington D.C. là ngày 8/11) thu hút sự chú ý đặc biệt của công chúng Việt Nam. Kết quả “Trump thắng” cũng bất ngờ và gây tranh cãi dữ dội trong cộng đồng mạng Việt Nam, hệt như ở Mỹ.

Trong khi đó, với bầu cử ở Việt Nam, nhờ chính sách “đảm bảo cơ cấu theo hiệp thương”, ai cũng biết nội các Ba Đình từ vài tuần trước khi bầu cử. Càng khác hơn nữa là tuy biết trước nhưng toàn bộ lãnh đạo, các đảng viên cao cấp, và giới truyền thông quốc hữu quốc doanh cứ phải tỏ ra là chưa biết gì cả, kết quả “tuy cơ cấu đấy nhưng vẫn bất ngờ”.

28/11: Fidel Castro mất. Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam ra thông cáo chọn 4/12 làm ngày quốc tang. Quyết định của đảng hóa ra lại sai luật, vì không có cơ sở pháp lý nào ở Việt Nam cho việc để tang một công dân nước ngoài.

Làn sóng tranh cãi lại tiếp tục nổ ra giữa những người phản đối quốc tang một nhà độc tài và những người ủng hộ quốc tang, biết ơn Cuba và Fidel.

2/12: Công an Nghệ An đánh đập ông Nguyễn Công Huân khi ông đang trên đường đi dự đám cưới một cựu tù nhân lương tâm.

                                     Ảnh: LS. Hà Huy Sơn.

22/12: Công an Hà Nam hành hung ông Trương Minh Hưởng, một nông dân theo đuổi việc khiếu kiện đất đai từ nhiều năm nay, cũng là người ủng hộ dân chủ-nhân quyền. Lực lượng công quyền mặc thường phục đã đánh ông Hưởng ộc máu mũi, ngay trước mặt luật sư Hà Huy Sơn, mặc cho ông Sơn cố can ngăn.

26/12: Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn, một nhà hoạt động môi trường tại Hà Nội, treo cờ rủ với dải băng đen để tưởng niệm 235 đồng bào chết vì lũ lụt và thủy điện trong vài tháng qua. Tuy nhiên, an ninh quận Hai Bà Trưng, công an phường Vĩnh Tuy, tổ dân phố, hai bà hàng nước, tổng cộng hơn 20 người, đã kéo đến hò hét, đe dọa, gây sức ép bắt gia đình anh phải tháo cờ. Không ép được, họ bèn cắt dây, cướp lá cờ mang đi.

Cùng ngày, lực lượng an ninh của Bộ Công an cả phá một lớp học của các bạn trẻ hoạt động xã hội ở Sài Gòn: bất ngờ khám nhà, thu giữ đồ đạc, giấy tờ tùy thân và bắt các học viên về đồn thẩm vấn. Tới nửa đêm, họ mới lần lượt thả người. Sau khi ra khỏi đồn, nhà hoạt động Nguyễn Hồ Nhật Thành (Paulo Thành Nguyễn) bị hơn chục công an tấn công ngay trên đường phố.

Đ.T.