Ngày ba mươi tháng tư năm bẩy lăm, chiến tranh Việt Nam chấm dứt… Người
dân ba miền nắm chặt tay nhau, nhưng lại hất tay người lính quân lực Việt Nam Cộng
Hòa. Con đường độc đạo họ bị lùa vào, là con đường học tập lao tù cải tạo.
SỐNG VỚI LÒNG NHÂN
Ký ức – Lê
Thị Thấm Vân
tôi viết “Sống với lòng nhân” vào mùa hè
1996, đã hơn 20 năm. Vài người tôi nhắc đến, giờ đã lìa đời.
những câu chuyện vụn vặt tôi được nghe,
sờ, ngửi, thấy… bằng nấc nghẹn, tiếng thở dài, giọng thầm thì trong bóng tối.
Không rực rỡ sắc màu, không kèn nhạc hoan ca, không tiếng vỗ tay.
“Hai mươi năm sau, trở về, để thấy miền Bắc đã thắng trên mặt
trận quân sự, nhưng rõ ràng, miền Nam đang thắng trong hòa bình”. Một
người bạn quen biết lâu năm, từng về lại Việt Nam nhiều lần, đã nói với tôi, giọng
chắc nịch.
***
Mỗi lần nghĩ đến chiến tranh, giải phóng đất nước,
cách mạng dân tộc, xuống đường biểu tình…, đầu óc tôi lơ mơ liên tưởng đến vụ
Thiên An Môn năm nào. Nghĩ đến hình ảnh người đàn ông hiên ngang tiến ra dang
hai tay chận đứng chiếc xe tăng. Hình ảnh anh hùng, xem cái chết tựa lông hồng
với đầy thách thức, đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền. Hình ảnh đã đánh mạnh vào
tâm não hàng bao triệu người trên thế giới. Ai cũng ngợi khen, kính phục lòng
quả cảm của anh. Riêng tôi, âm thầm nghĩ tới người lính lái chiếc xe tăng khổng
lồ đầy răng sắt. Hẳn anh phải là người từ bi, nhân hậu, “thương người như thể thương thân”. Anh không muốn giết người, dù
trong tay toàn quyền nghiền nát người đàn ông hiên ngang hùng dũng thách thức
kia. Hành động đó, sẽ được coi như một chiến công hiển hách đối với đảng và nhà
nước. Bởi biết đâu, sau khi đám đông rã đám tan hàng, trong khi người đàn ông đứng
chặn đoàn xe tăng được hàng triệu người trên thế giới ca ngợi, thì anh lính lái
xe tăng bị cấp trên trừng phạt, tra tấn, thậm chí thủ tiêu vì nghi ngờ là tay
sai của địch, hoặc đã không thi hành chu toàn nhiệm vụ. Ai đúng ai sai trong biến
cố Thiên An Môn tại công trường đỏ đất ngàn năm văn hiến kia?
Cuộc chiến Nam Bắc phân tranh, máu đổ tương tàn, nồi
da xáo thịt trong mấy chục năm qua đã tưởng không bao giờ dứt. Như trong gia
đình, vì bất đồng chính kiến, hoặc nghe lời người ngoài xúi bẩy, hai anh em đè
nhau ra đánh, nhất quyết một ăn một thua, không ai nhịn ai. Cuối cùng, vì lý do
gì đó, người anh dừng tay, chịu thua người em. Có thể người anh sớm ý thức được
điều mình đang làm là bậy, hoặc vì sợ bố mẹ buồn, vì chán đánh nhau, vì thể chất
yếu đuối, vì “một sự nhịn, chín sự lành”,
vì…
Trong cuộc chiến vừa qua, tôi thấy người
anh là miền Nam và người em là miền Bắc. Người em như con ngựa bị
bịt mắt phóng nước đại. Viện dẫn lý tưởng tốt đẹp, vì dân vì nước. Mà lý tưởng
thường là ảo tưởng.
Vì chủ nghĩa Cộng Sản, giáo điều ý thức hệ, bánh vẽ
khổng lồ đã đẩy đưa biết bao kẻ trở thành đồ tể giết người.
“Xẻ
dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”…
“Cả
thế hệ xoay trần ra đánh giặc/ Mặc quần đùi khiêng pháo lội qua sông”…
“Bát
cơm xẻ nửa, hạt muối cắn hai/ Mo cơm, quả cà với tấm lòng Cộng Sản”…
Để rồi, khi đặt chân vào đất
miền Nam ngày 30 tháng 4 năm 1975, người Cộng Sản bật ngửa “không biết ai giải phóng ai?”. Những
lấp liếm, mị dân, che đậy, tối lòng, cuồng tín… đã gây biết bao khổ đau
chồng chất trên mảnh đất vốn đầy tai ương, bất hạnh từ ngày lập quốc.
***
Người lính Việt Nam Cộng Hòa, đã một thời có tên gọi
như thế, phần lớn xuất thân từ miền Nam. Dù người miền Bắc chiến thắng muốn
tiêu diệt, người ngoại quốc hoàn toàn không chút thiện cảm, cả hai đều muốn
quên, cố tình gạt bỏ, bôi xóa sự hiện hữu của người lính cũng không thể được. Người lính Việt Nam Cộng Hòa đã có mặt trong khoảng vài ba
chục năm trong dòng chảy lịch sử đất nước.
Tuổi thanh xuân, tuổi bước vào đời là bước vào cửa
thần chết. Phải bước, hoàn toàn không có sự lựa chọn. Bước vào ngửi mùi tử khí
của chính mình.
Chiến tranh đồng nghĩa tàn bạo. Biết là tàn bạo
nhưng phải sống với tàn bạo. Và bất nhẫn là, sự tàn bạo được chấp thuận, đánh
bóng tối đa.
Sống trong nỗi chết như mảng lưới luôn giăng ngang đỉnh
đầu, chực chờ phủ chụp. Mà trên đời ai lại chẳng sợ chết? Và chưa sống tại sao
phải chết. Con người kinh qua mọi thứ kinh nghiệm, trừ kinh nghiệm chết.
Cách đây khá lâu, người bạn kể tôi nghe câu chuyện
đã ám ảnh anh, và rồi ám ảnh tôi. Câu chuyện về người anh cả của anh thuở học lớp
bốn trường làng. Một buổi chiều hè trời chạng vạng, anh cả đang đứng xớ rớ ở vườn
sau, túi trĩu nặng những viên bi sau một ngày cong lưng ăn thua cùng mấy đứa bạn.
Ông anh hàng xóm ở sát vách, lớn hơn anh cả gần chục tuổi, trước ngày nhập ngũ
xoa đầu anh cả nói, “Mày may hơn tao. Khi
mày lớn thì chiến tranh đã chấm dứt, khỏi phải đi lính”. Anh cả giương mắt
ngước nhìn ông anh hàng xóm. Ông anh hàng xóm ngước mắt nhìn trời. Lần đầu tiên
trong đời, thằng bé lớp bốn biết suy tư vì một câu nói.
Rồi thằng bé theo gia đình trôi nổi. Ông anh hàng
xóm một thời chia chung tấm vách cũng trôi chìm theo dòng đời, dòng thời gian.
Nhưng cuộc chiến thì không. Thế hệ thằng bé lớn lên, chẳng những chiến cuộc
chưa dứt, trái lại càng khốc liệt. Rồi một ngày, thằng bé cũng nối gót ông anh
hàng xóm lên đường tòng quân giết giặc. Đêm trước ngày đi, anh tâm sự nhiều với
thằng em và nhắc đến ông anh hàng xóm thời nhỏ dại, chẳng biết sống/chết hay đã
thành thương phế binh. Kết cuộc là chiến tranh đã không chấm dứt khi thằng bé lớn
lên như ông anh hàng xóm hy vọng. Và không những là thằng bé kia, tức là anh cả
bạn tôi, đã trở thành một tổn thất vô danh, mà người em kế của bạn tôi cũng đã
trở thành tên tù cải tạo lần đầu tiên được trông thấy miền Bắc, quê hương của
cha mẹ, với tư cách là một tù nhân cải tạo.
Trong thời chinh chiến, thanh niên đánh mất quãng đời
trai trẻ, cứ đến tuổi là phải nhập ngũ. Hàng hàng lớp lớp tiến thẳng vào quân đội,
cùng đi vào nơi gió cát. Anh chàng thư sinh ngồi cạnh chị tôi suốt niên học, tướng
trói gà không chặt. Qua một mùa hè, tình cờ gặp lại, tóc đã cắt ngắn, hỏi ra
anh sắp đi lính, đã có giấy gọi. Một năm sau gặp lại trên phố, mặt anh sạm đen,
quần áo nhà binh, đang nghỉ phép. Vài năm sau gặp lại, anh bạn thư sinh ngày
nào, nay bỗng dưng biết đâm chém giết người, ăn tục nói phét, coi cuộc đời như
bãi chiến trường. Thuyết hiện sinh của Sartre, hiểu theo lối bình dân, du nhập
vào miền Nam được mọi người nhiệt liệt hưởng ứng vì hoàn cảnh thời sự xô đẩy. Họ
áp dụng vào đời sống hết sức chân thành, nhiệt tâm và nhiệt tình.
Một trong truyện đầu tay của Nhã Ca tôi đọc lúc mới
đến Mỹ, “Đêm nghe tiếng đại bác”. Bà
tả tâm trạng đợi chờ của một gia đình- cả người tình- chuyến về phép của người
con từ chiến trận trong đêm giao thừa. Cả nhà đợi mãi, ruột càng lúc càng nóng,
trong khi đĩa chả giò thì nguội đi. Hy vọng càng về khuya càng héo hắt như tấm
vé số trong tay người mẹ. Rồi cuối cùng cửa mở, người về không phải là người cả
nhà đang mong đợi, mà là đồng đội đến chia buồn. Hóa ra đứa con đã ra người
thiên cổ. Nhã Ca viết truyện này trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, dù oan
nghiệt nhưng còn đượm vẻ dịu dàng. Nhưng là thông điệp dự báo mùa thương khó sắp
đến. Nhã Ca chưa tả người lính chết trận thế nào, thảm thiết ra sao. Mãi về
sau, cả nước tìm thấy điều này trong ” Giải
Khăn Sô Cho Huế”.
Cách đây không lâu, trong quán ăn nằm ở mép đồi San
Francisco. Gió và nắng đầu hè lồng lộng. Quanh vài người bạn văn thân thiết, lý
do lan man nào đó, đẩy đưa tình cờ, một anh bạn nhắc lại ký ức trong chuyến
hành quân, đồng đội cũng là bạn thân của anh bị địch bắn chết, xác nằm xa anh một
đoạn. Đạn bắn như mưa rào. Anh chạy ào ra, cố lôi cho được xác thằng bạn, dù chẳng
biết lôi đi đâu. Nó đã là cái xác chết, không còn nhúc nhích. Nó đã chết. Chết
là hết. Nhưng anh vẫn cứ lôi cứ kéo. Chẳng lẽ để nó nằm đó một mình! Anh lôi
như đánh thức nó dậy, bảo nó phải chạy theo anh em đồng đội. Đạn chi chít trong
không gian, anh kéo lê xác thằng bạn trong bom đạn, tiếng gào thét, tiếng gió
thổi cây cối kêu vù vù… Và rồi, xác chết là cái bia đỡ đạn cho anh. Những viên
đạn nã vào cái xác, nằm gọn trong đó. Anh kể cùng những giọt nước mắt trào ra bất
chợt. Anh đã cố chôn vùi một khoảng thời gian bất trắc bất hạnh thuộc phần đời
quá khứ. Xác người bạn nay đã rã mục đâu đó trên quê hương. Cái xác mà, rã bên
này sông Bến Hải được liệt vào phân bón tốt tươi sơn hà. Rủi thay rã phía bên
kia sông, bị xem làm ung thối đất đai.
Câu chuyện khác tôi nghe từ người khách quen khi còn
làm việc không lương tại quán cà phê Viễn Xứ ở San José đầu thập niên tám mươi.
Sau một trận giao chiến, trong đám tử thi để lại trên chiến trường, có xác anh
bộ đội trẻ. Người lính dưới quyền anh tò mò lục xem ví người chết. Ở ngăn sâu
kín nhất, là giấy bạc năm trăm đồng. Kẹp giữa giấy bạc, là lá thư viết vài dòng
dở dang: “Kính thăm thầy đẻ. Con viết vài
hàng về thăm thầy đẻ. Con đang nghỉ trên đường. Thầy đẻ gắng giữ gìn sức khỏe.
Con vẫn mạnh… “. Thằng bạn đứng cạnh buột miệng chửi thề: “Đụ má! Vậy là kể như thư này đéo tới tay thầy
đẻ rồi!”. Anh nghe, bỗng dưng tim thót mạnh. Biết đâu ngày mai xác
anh cũng như thằng bộ đội đang nằm sấp kia, máu và đất bê bết mặt, nhưng hai mắt
cố mở trừng nhìn anh… Tuần trước, anh nhận được thư vợ, báo tin mang thai hơn
năm tháng, có lẽ giờ đây đứa bé đang ngọ nguậy trong bụng má nó. Biết anh còn sống
đến ngày thấy mặt con không? Lúc đó, anh chỉ muốn buông súng, về ngay với gia
đình.
Cảnh những đứa con ngơ ngác bao quanh xác cha, như
ngơ ngác trước cuộc đời. Cuộc đời vốn như con báo hung dữ lúc nào cũng chực
dang móng nhọn vồ chụp. Dù vô tâm đến đâu, dù chai sạn đến đâu, dù tàn nhẫn đến
đâu, người lính cũng không khỏi bứt rứt khó nhọc khi đến nhà đồng đội báo hung
tin. Phải chăng lòng nhân ái chỉ tỏ lộ qua sự chết chóc?
Hình ảnh người lính mặt còn non nớt, cơ thể chưa
phát triển toàn diện, mắt dõi nhìn khắp bốn phương, lòng ngẩn ngơ tự hỏi,
phương nào cả nhà đang ngồi trước mâm cơm chiều?
Cuối cùng, vô tình hay cố ý, hay vì những lý do phức
tạp vượt ngoài quyền hạn và tầm hiểu biết của mình, người lính buông súng,
buông ba lô, giã từ vũ khí. Họ muốn trở về làm người dân bình thường đúng
nghĩa. Đúng hay sai? Thiện hay ác? Khôn hay dại? Họ phải bịt tai để khỏi phải
nghe tiếng chê bai, thóa mạ, hèn nhát, thua trận, không đồng lòng chiến đấu, bất
lực, khiếp nhược, không lý tưởng, thiếu dũng cảm, bị đồng minh bỏ rơi… Thôi thì muôn vàn chữ nghĩa xấu xa nhất áp đặt lên vai người
lính Cộng Hòa.
Không tiếp tục chiến đấu, không muốn đánh nhau, mong
mỏi hòa bình, ý thức hệ nhân bản… thì có gì là xấu xa bỉ ổi? Nếu không nói, phải
đầy lòng nhân ái mới hành động được như thế.
Người lính miền Nam dầu gì cũng được thấm
nhập nền văn minh, văn hóa của thế giới tự do. Họ không bị đào tạo sắt máu. Máu
ảo tưởng không bị bơm vào người. Vì thế, họ suy nghĩ hiện
đại và phóng khoáng hơn bộ đội miền Bắc. Bởi được tự do- dù tương đối- trong
giai đoạn đó, nên họ biết quý trọng mạng sống và có tình người hơn.
Cùng thời điểm đó, bên kia Mỹ quốc, những thanh niên
đồng tuổi cũng bị áp đẩy lên máy bay, đưa sang xứ nhiệt đới Việt Nam, nơi thậm
chí họ chưa định vị được trên tấm bản đồ thế giới. Những người còn lại, phản
chiến bằng cách bạo động đốt xe, xung đột với cảnh sát. Hoặc lãng mạn hóa, thắp
nến đi vòng quanh khuôn viên đại học, cùng hát Give Peace a Chance. Họ kêu gọi
con người hãy làm tình thay vì làm tội. Trưng ảnh con bồ câu trắng.
Đóa hoa nở
đầu họng súng.
***
Ngày ba mươi tháng tư năm bẩy lăm, chiến
tranh Việt Nam chấm dứt. Người lính của cả hai phía đều thở phào.
Không tin cũng phải tin, là họ còn tốt số, còn được sống sót. Quê hương đồng ca
hòa bình. Cửa nhà thông mở nối liền Bắc-Trung-Nam. Người
dân ba miền nắm chặt tay nhau, nhưng lại hất tay người lính quân lực Việt Nam Cộng
Hòa. Con đường độc đạo họ bị lùa vào, là con đường học tập lao tù cải tạo. Những
người chiến thắng miền Bắc đã biết trong đầu những người lính “thua trận” này
nghĩ gì, dự định làm gì, có tìm hiểu họ đâu mà lùa họ vào nhà tù tập thể, vội
vã như lùa bầy lợn, để rồi đầy đọa họ bằng đủ mọi cách. Vắt cạn tinh thần lẫn
thể xác họ như vắt đất khô chắt từng giọt nước. Cuối thế kỷ hai mươi, ngoài kia
nhân loại đang làm bảng liệt kê, nhân quyền được đứng hàng đầu, viết hoa, gạch
dưới. Chỉ còn nơi đây, người đối xử người tàn ác, dã man. Thẳng tay thắt họng
những ai van xin sự buông tha, lòng độ lượng.
Tù nhân dân sự bị nhốt còn biết được ngày về, tùy tội
phạm nặng hay nhẹ. Một năm, năm năm, mười năm, hay hai mươi năm. Nhưng đối với
người tù cải tạo, là bản án chung thân. Tuyệt vọng
thay cho hy vọng. “Giấy đây, kê khai tội
anh ra!”. Nơi đây, thua trận đồng nghĩa phạm tội. Ngoài kia, thiên hạ
phù thịnh hơn phù suy.
Chết bị đày xuống địa ngục, ngồi nghe Satan kể tội
mình. Nếu được lên thiên đường, cũng được nghe Chúa kể công mình. Đang sống mà
lỡ phạm tội, ra trước tòa đứng nghe bị cáo buộc tội mình. Chỉ trong lao tù Cộng
Sản, mình buộc tội mình.
Đã vậy, bụng lúc nào cũng rỗng. Mắt hoa lên vì đói.
Lãnh phần ăn, bao giờ cũng nghĩ chén mình ít hơn bạn tù kế cận. Lắm lúc ước gì
“nó” chết phắt thì chén mình được thêm vài hạt cơm. Nơi đây bao tử điều khiển
cái đầu đúng nghĩa. Là địa ngục trần gian, không còn phân biệt được hèn nhát,
khí phách, lương tri, đạo đức… Tất cả sống cho bản năng. Ăn ngủ đái ỉa. Con vật
còn có lúc được làm tình, “con người” này hoàn toàn không. Tỉnh táo một chút,
đi lòng vòng quanh trại, mắt dáo dác mong kiếm được cái đinh, rồi lén lút dũa
nhọn. Một đêm nào đó, dựng đứng đầu đinh chĩa thẳng lên trời, ập đầu xuống, đầu
đinh nhọn hoắt cắm phập lút óc. Một giấc ngủ thiên thu. Nhưng đinh không có. Tự
kiếm cái chết liêm sỉ cũng không dễ.
Một chiều chập choạng đi quanh trong trại, bất chợt
thấy dúm cơm dưới bụi cây, mừng rỡ ngỡ trời thương lén mang tặng riêng mình. Vội
vã bốc ăn. Ăn lấy ăn để, sợ bọn tù khác trông thấy. Ôi! Những hạt bo bo cứng
như đá cục, được thải ra từ bụng tù nhân khác. Đêm nay, lại đi ra từ bụng người
ăn. Ngày mai, lại vào bụng tù nhân khác.
Vợ con còn đâu đó trên quê hương mà cứ tưởng đang ở
hành tinh khác. Những người đàn bà đầu tắt mặt tối, chạy ngang chạy dọc, ngược
xuôi chắt mót từng bữa ăn nuôi sống cả nhà. Nghề dạy nghề. Chợ trời, bán từng
cái quần đen áo lót thời ngụy. Bán bàn bán ghế, bán dần dà, có gì bán nấy, từ cái
nhỏ đến cái lớn, cuối cùng bán tuốt luốt. Nếu cần, thân xác này nghĩa lý gì.
Chúa Phật đều đúng, tâm linh mới là cốt yếu. Em bán em vì anh. Vì dúm cơm, ít
muối khô, chút thịt xào mặn, vài cái bánh, gói chè khô, bao thuốc lá… Chắt chiu
gói ghém lòng thương yêu lẫn oan nghiệt. Đường dài không quản ngại. Niềm vui giờ
đây là chen chân ngủ gật trên toa xe lửa đầy người và thú. Đường dài nóng bỏng
chân trần, nhưng hề hấn chi. Đầu tóc rũ rượi biếng chải, mặt mày lâu ngày quên
bẵng phấn son. Tình nghĩa vợ chồng là lúc này đây. Nhìn thấy nhau một năm được
mười lăm phút. Biết anh còn sống là còn hy vọng, còn cho em đủ nghị lực bươn bả
một hai với đời để nuôi đàn con. Và như thế, em cần phải sống, sống thẳng sống
hùng sống mạnh hơn bao giờ hết.
Nhiều đêm cố xua đuổi hình ảnh vợ con ra khỏi đầu,
như đưa tay mần mò kiếm từng con chí, con rệp bám trên tóc, ẩn trong da để giết.
Thầm nghĩ coi mình như đã chết, may ra mới yên.
***
Nhưng rồi người tù cải tạo không chết. Bức màn sắt mấy
chục năm tự bịt mắt nay từ từ chuyển mình. Tường Bá linh bị sụp. Cộng Sản Đông
Âu lần lượt gãy đổ. Liên Xô theo gương tư bản Nhật, Mỹ. Nhà tù chính trị cũng
được giải tán dần. Cùng nhau “rũ bùn đứng dậy” sau hơn nửa thế kỷ u mê tăm tối,
sai lầm.
Mỹ bắt đầu lộ diện sau gần hai mươi năm thống nhất đất
nước, nay cũng lại đứng ra đóng vai cao bồi cứu vớt dân tộc Việt bằng dollar
xanh thay cho súng đạn thời chiến. Và rồi, không quên đưa ngón tay vực người tù
cải tạo đứng dậy. Những người một thời là đồng minh, chiến hữu, sống chết có
nhau, nhưng đã phủi tay phản bội nửa chừng không thương tiếc. Việt Nam luôn là
mảnh đất thí dùng để thử mọi vũ khí tối tân, và cũng là bãi phế thải những khí
cụ lỗi thời của những siêu cường tranh giành quyền lực. Là con điếm rẻ tiền cho
bất cứ thằng đàn ông nào muốn hành lạc. Là thùng rác vĩ đại có sức chứa mọi thứ
dơ bẩn. Là nơi chốn áp dụng ở mức cặn bã mọi triết lý- chủ nghĩa- tư tưởng, trò
chơi trí tuệ con người.
Bắc Việt và Trung Cộng một thời “môi hở răng lạnh”
nay Việt Nam độc lập, chẳng những không “chia vui” còn dọa đưa quân sang chiếm
đất giành dân như thời lập quốc Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh… Nga Xô
cũng một thời chủ trương đồng minh hữu nghị, anh anh em em, nay chiến tranh chấm
dứt, tôi về thăm cố hương, đi từ Bắc chí Nam, hình ảnh còn sót lại là cái tượng
ông Lenin đứng giữa công viên phố Hà Nội, với hai câu vè con nít diễu cợt:
“Ông
Lenin ở nước Nga/ Cớ sao lại gác vườn hoa nước mình”.
Dấu tích Nga Xô gần như bị xóa sạch, tưởng như chưa
từng hiện diện ở đất nước này, dù chỉ ngược dòng thời gian chưa tới phần tư thế
kỷ. Nơi họ đã từng làm mưa làm gió. Vũ khí là quyền lực. Ho một tiếng là mấy
ông tướng lãnh miền Bắc sợ mất hồn. Giờ đây, cả nước chỉ còn thấy Mỹ, Mỹ là
chính. Mỹ là đúng. Mỹ là tất cả. Mỹ là quốc giáo. Mọi người già trẻ lớn bé,
nông dân đến trí thức đua nhau học tiếng Mỹ, lấy lòng Mỹ, bợ đỡ Mỹ, van xin Mỹ,
thiếu điều lạy lục xin được trở thành công dân Mỹ với bằng bất cứ giá nào.
***
Cộng Sản hất tay, Mỹ phủi tay. Cả hai đối
xử tệ hại, nhưng “cựu” tù nhân cải tạo lần đầu tiên trong đời có được sự lựa chọn.
Đi hay ở,
lựa chọn nào cũng khắc nghiệt. Nhưng đành chọn cái “đỡ” khắc nghiệt. Ít ra được
tự do, trên một nghĩa nào đó, là không phải suy nghĩ theo cái đầu của người
khác. Bù lại ra đi, là đồng nghĩa bước vào nhà tù lưu đày biệt xứ. Bắt đầu lại
bằng hai bàn tay trắng với ngôn ngữ, văn hóa hoàn toàn khác biệt, cùng với thể
chất sắp sửa về chiều, như toa tàu chất chứa nặng khổ đau, chán chường, mỏi mệt.
Mỹ đặt nặng nhân quyền là danh dự của quốc gia, với
truyền thống tự do, dân chủ. Một thời đã nhúng bàn tay vào cuộc chiến Việt Nam,
nay họ nhìn về Việt Nam như một biến cố, không dính líu tình cảm, đúng là ngoại
quốc và ngoại cuộc. Những cuốn sách nghiên cứu, phê bình Việt Nam như cựu bộ
trưởng Robert McNamara sau hai mươi năm, biết bao vật đổi
sao dời, xương chất thành núi, máu chảy thành sông, bao oan hồn còn vất vưởng,
giờ đây khơi khơi xem “Việt Nam” như là bài học lầm lẫn đáng tiếc. Rồi vẫn giữ
vững lập trường cố hữu, là chối bỏ hình ảnh người lính Việt Nam Cộng Hòa.
Danh xưng họ lại bị đổi thêm lần nữa. Từ
tù nhân cải tạo một sáng một chiều đổi thành cựu tù nhân chính trị, không ngoài
mục đích hợp thức hóa để được đưa sang Mỹ. Họ trở thành con vật
trao đổi, một trong những điều kiện đưa ra để tìm hài cốt lính Mỹ rã mục vô tăm
tích trên đất nước Việt Nam. Nô lệ da đen thời thành lập Hiêp Chủng Quốc được
khắc số trên da để khỏi lẫn lộn hay thất lạc. Ngày nay hiện đại tân kỳ hơn, mẫu
số riêng đánh bằng computer in trên hồ sơ của mỗi HO, rồi ưu ái khoác cho cái
áo nhân quyền, kẻ hưởng đặc ân nhân ái cuối mùa ở cuối thế kỷ hai mươi do người
Mỹ ban phát. Họ sống chưa trọn kiếp người, còn phải tiếp
tục làm kẻ lưu vong, bị tách ra khỏi nguồn gốc, ra khỏi mảnh đất chôn
sâu cuống rốn ngày vừa lọt lòng mẹ, nhưng không được dung dưỡng, nuôi nấng,
thương yêu. Trái lại, bị đối xử cực kỳ tàn nhẫn.
Giờ đây anh hoàn toàn là “free man”
Nhưng là freeman
trong lưu đày biệt xứ.
Và để giữ tâm hồn được bình an thanh thản ở những
năm cuối đời, người HO phải tự tập lòng bao dung tha thứ. Tha thứ những người
đã từng hãm hiếp anh. Nhục này quyết trả, hận thù sục sôi, oan nghiệt chồng chất…
Tất cả giờ đây phải chính anh tự tay tháo gỡ, hất tung đá tảng nghìn cân đeo cứng.
“Hận thù chỉ phá hủy cuộc đời”. Lời
kinh Phật, phúc âm Chúa dạy, nay người cựu tù đưa ra áp dụng tận tình.
Đầu mùa hè 1996, buổi triễn lãm “An Ocean Aparts- Nghìn Trùng Xa Cách” của
nhiều họa sĩ Việt Nam cư ngụ trong và ngoài nước. Tranh treo ở bảo tàng viện giữa
lòng phố San José, Bắc California. Thành phố đông dân cư Việt Nam đứng thứ nhì
hải ngoại. Câu chuyện xảy ra trong một gia đình tôi quen biết. Người con trai lớn
sang đây cùng mẹ từ năm 1975, kỹ sư tốt nghiệp đại học Berkeley. Người mẹ hiện
đang làm phụ tá luật sư. Hai mẹ con hăm hở tham dự buổi triễn lãm. Người bố
cùng cô con gái chậm chân kẹt lại Việt Nam. Người bố trả giá cho cái sự chậm
chân bằng mười hai năm tù vì tội “lính ngụy”. Cô con gái ngày ấy chưa học xong
tiểu học. Hành trang vào đời là những năm tháng chân trần đuổi theo khách hàng
xe đò năn nỉ mua giùm từng củ khoai, gói đậu phộng luộc, vài điếu thuốc lẻ, thỏi
kẹo cao su. Ông bố HO tỏ ý ngăn cản, “Còn
Cộng Sản là dân còn bị đọa đày. Cộng Sản không hề có giao lưu văn hóa”.
Kinh nghiệm đắng cay dạy ông điều này. Cựu tổng thống miền Nam Nguyễn Văn Thiệu,
với tài lãnh đạo vô cùng giới hạn, nhưng để lại một câu nhớ đời, “Đừng nghe những gì Cộng Sản nói. Hãy nhìn những
gì Cộng Sản làm”. Nhưng thằng con vẫn quyết định đi vì muốn tìm hiểu văn
hóa cội nguồn, và người vợ vẫn cương quyết đi để thể hiện quyền tự do dân chủ
nhân quyền.
Đêm đó, ông HO thức trắng ôm đầu suy nghĩ. Chuyện nọ
dẫn đến chuyện kia. Chuyện này chồng lên chồng khác… Chuyện đời, chuyện người,
chuyện ta, chuyện nước, chuyện nhà… Nỗi bất lực tuyệt vọng lại tê liệt tấm thân
ông. Từng ấy tháng năm xa cách người thân yêu ruột thịt là từng ấy khoảng cách
khó khăn buộc lại lòng nhau.
Trong đầu ông hiện ra những khuôn mặt bạn tù HO thờ
ơ lạnh lẽo như mặt bàn trống trong khu Lion sáng-trưa-chiều ngồi dán chặt thân
xác trên những chiếc ghế nhựa trắng đục xỉn màu. Sống chỉ để sống, hoàn toàn vô
dụng, vô nghĩa, vô trách nhiệm. Họ trở thành gánh nặng cho chính phủ, cho người
thân.
Một sáng mùa đông, đâu đó trong thành phố miền đông
nước Mỹ. Người đàn ông HO mở cửa nhìn quanh bốn bề. Trời đất bao phủ tuyết trắng
xóa. Tuyết đồng nghĩa là lạnh. Và nơi ông mỗi ngày mỗi gần, là huyệt mộ.
Một sáng mùa hè, ở góc phố miền Nam California. Người
đàn ông HO nhỏ thó, thò tay nhặt nhanh tờ báo chợ, đọc, đọc, đọc ngấu nghiến.
Niềm vui chốc lát. Những năm lính tráng, những năm tù rạc, là những năm đầu óc bị
đóng kín tối om. Nơi đây, chữ người đọc không hiểu. Những tờ báo biếu, báo chợ
bằng Việt ngữ vẫn là niềm an ủi.
Rồi một lúc nào đó, bất chợt ông HO nghĩ, ban đầu chỉ
là tưởng tượng nhưng dần dà tin rằng sự thật, rằng Việt Nam mang nợ ông, nước Mỹ
mang nợ ông. Nợ những năm lính tráng cộng những năm tù cải tạo. Rồi ông cuồng nộ,
giận dữ, đập phá… Ông liền bị gán thêm nhãn hiệu mới: Hội chứng hậu chiến
tranh.
Đêm về, toàn thân ông phủ chụp bởi những cơn ác mộng.
Tiếng kẻng, giọng quát tháo, cùng ánh mắt đe dọa của tay cai tù. Mồ hôi tuôn
như tắm. Quá khứ vẫn là nỗi ám ảnh khôn nguôi. Ông HO hội đủ điều kiện lãnh trợ
cấp tàn tật, không tâm thần thì thể xác. Hoặc cả hai.
Hầu hết, cuối đời của những ông HO là những
kẻ không nhà, không quê hương, không vợ con bên cạnh, không tiền, không của cải,
không chỗ đứng trong xã hội… Sống hoang mang không biết để làm
gì? Ý nghĩa cuộc sống nằm ở đâu? Họ mất hẳn sự thăng bằng, như đang đi trên sợi
dây cứng, có thể ngã nhào bất cứ lúc nào.
Mắt mờ răng rụng, thể chất yếu kém. Những cơn đau
hoành hành, hậu quả của những năm lính tráng, những năm tù đày, nhưng họ vẫn phải
dốc sức kéo lê kiếp sống còn lại.
Rồi cũng phải trút bỏ tất cả, sống với tấm lòng vị
tha. Cứ sống, trường tồn trong mọi tình huống bi đát, oan nghiệt. Soi bóng mình
bằng lòng nhân. Lòng nhân có thật, bởi họ đã chứng tỏ được điều này. Và đó là dấu
tích họ để lại, một lần đi qua trần thế.
***
Quá khứ là một phần của đời sống. Như bóng với hình.
Cố quên, cố xua đuổi quả là khó khăn, khổ nhọc. Và thường thì trong những biến
cố, thời gian ngắn hạn, những người sống với lòng nhân, có thể không đưa tới những
thành công thực tiễn, trái lại, họ phải gánh chịu sự bất công, thiệt thòi.
Nhưng xét về đường lâu đường dài- quá trình lịch sử văn minh nhân loại- đời sống
con người còn tồn tại được đến ngày hôm nay là do chính lòng nhân. Khổng Tử từng
phát biểu khi được hỏi về yếu tính của con người: “Nhân giả nhân dã”. Con người
là thiện. Con người sống vì/với nhân từ, lương tâm.
Người lính Việt Nam Cộng Hòa đã và đang
gánh chịu sự oan nghiệt, khổ đau, phải chăng là cái giá phải trả cho sự huy
hoàng mai hậu của tổ quốc Việt Nam?
(Văn
Việt)