CSVN bị dân lột mặt nạ, thuê mướn người biểu tình chống Lm Đặng Hữu
Nam.
Điều bỉ ổi nhất là bắt học sinh đóng tiền để trả cho người biểu tình.
Ngày 7/5/2017 lẽ ra nhà cầm Huyện Quỳnh Lưu - Nghệ
An tổ chức biểu tình đấu tố Lm. Đặng Hữu Nam tại Xã Quỳnh Nghĩa như đã diễn ra ở
Xã Sơn Hải hôm qua. Nhưng người dân xã Quỳnh Nghĩa không hưởng ứng vì cho rằng
nhà cầm quyền trả thù lao quá rẻ, 30.000 đồng/mỗi người. Trong khi đó người đi
biểu tình hôm qua tại Xã Hải Sơn được trả mỗi người 200.000 đồng. Sự chênh lệch
chi trả tiền thù lao khiến người đi biểu tình vì tiền bất mãn, không muốn tham
gia.
Học sinh các trường học tại khu vực Huyện Quỳnh Lưu bị buộc phải nộp chi phí đi
biểu tình, 50.000 đồng/mỗi người. Một học sinh tại trường Quỳnh Lưu 3 kể lại.
Cuối cùng chỉ có mỗi chiếc xe tải cắm cờ và người quanh khu vực chỉ đứng xem.
Được người dân địa phương cho biết, học sinh không đi mít tinh thì bị hạ hạnh kiểm. Và khi học sinh hỏi về việc thu phí đi biểu tình thì nhà trường cho biết số tiền thu từ học sinh để chi tiêu cho cuộc biểu tình tố cáo LM Nam.
Đối với người đi biểu tình vì tiền khi không chi trả sòng phẳng thì họ không tham gia nữa. Đó cũng là điều không có gì khó hiểu.
Xem thêm:
Cát Linh (RFA)
Linh mục Đặng Hữu Nam (trái) và linh mục
Nguyễn Đình Thục hướng dẫn giáo dân đi kiện Formosa. Courtesy of
fvpoc.org
Sáng ngày 6/5/2017 tại địa bàn xã Sơn Hải, huyện Quỳnh
Lưu, tỉnh Nghệ An diễn ra một cuộc biểu tình kêu gọi chống linh mục Đặng Hữu
Nam.
Từ những video clips và hình đưa lên mạng xã hội cho
thấy một số trẻ em từ các trường học, tay cầm cờ đỏ sao vàng, gậy gộc, vừa đi,
vừa chạy và hô to: "Bác Hồ muôn năm, Bác Hồ muôn năm"!
Cũng có nhiều câu khẩu hiện thể hiện dấu hiệu chia rẽ
lương - giáo.
Liên lạc với Linh mục Đặng Hữu Nam vào tối thứ Bảy,
ngày 6 tháng 5, ông xác nhận:
“Chính quyền tỉnh Nghệ An, huyện Quỳnh
Lưu, phòng Giáo dục, Sở Giáo dục đã tổ chức cho người dân biểu tình để phản đối
tôi. Trong động thái trước đó họ đã huy động và thành lập câu lạc bộ cựu chiến
binh để đấu tố tôi trong những cuộc họp rồi đưa lên mạng truyền thông.
Ngày hôm nay họ huy động cựu chiến binh,
thanh niên, phục nữ, tất cả các nguồn lực và đặc biệt là các học sinh, từ tiểu
học cho đến cấp 3 đi biểu bình để lên án tôi bằng hình thức giống như đấu tố thời
năm 1953 – 1957.”
Theo những gì Linh mục Đặng Hữu Nam chứng kiến trong
ngày hôm nay, ông cho biết có nơi huy động lực lượng là những phụ nữ để lên tiếng
kết tội ông, có nơi là một nhóm học sinh cầm cờ và hô những khẩu hiệu phản đối
ông.
Nói về những học sinh này, Linh mục Đặng Hữu Nam cho
biết:
“Theo lệnh của Sở, Phòng giáo dục, có những
thông tin là họ buộc học trò phải đi biểu tình vì nếu không đi, sẽ không cho
thi tốt nghiệp, không cho chuyển cấp hoặc hạ hạnh kiểm.”
Trước đó hai ngày, cư dân mạng xã hội Facebook đã
truyền nhau các video clips hình ảnh phó chủ tịch huyện Quỳnh Lưu, ông Hồ Ngọc
Dũng về chỉ đạo cuộc đấu tố Linh mục Đặng Hữu Nam, qua lời hướng dẫn: "Biểu
tình bên giáo, họ đã biểu tình ta, ta biểu tình họ"!
Ủng hộ quyền hiến định
Bên cạnh những video clips và thông tin về đoàn biểu
tình đấu tố, người theo dõi sự việc nhận thấy có hình ảnh những chai nước uống
với khẩu hiệu “Người dân giáo xứ Phú Yên tiếp nước cho đoàn biểu tình do
huyện Quỳnh Lưu tổ chức”.
Giải thích về điều này, Linh mục Đặng Hữu Nam xác nhận
và cho biết:
“Chúng tôi mặc dù không đồng ý với nội
dung họ biểu tình tức là vu cáo tôi, nhưng chúng tôi ủng hộ nhà cầm quyền huyện
Quỳnh Lưu, Phòng Giáo dục huyện Quỳnh Lưu tổ chức cho người dân biểu tình.
Vì bấy lâu nay tại Việt nam người ta bảo
là không được biểu tình, mặc dù điều 25 Hiến pháp ghi rất là rõ là người công
dân được quyền biểu tình.
Hôm nay chính nhà cầm quyền tổ chức nên
chúng tôi rất hoan nghênh và ủng hộ mặc dù chúng tôi không ủng hộ nội dung.”
Trong một diễn tiến khác xảy ra cùng ngày, Linh mục
Đặng Hữu Nam cho biết ông nhận được môt công văn của tỉnh Nghệ An gửi hoả tốc,
với nội dung tái yêu cầu Toà Giám mục không bố trí công tác phục vụ cho Linh mục
Đặng Hữu Nam tại tỉnh Nghệ An.
Theo thông tin nhận được thì sáng ngày mai, Chủ nhật,
7 tháng 5, tại địa bàn xã Quỳnh Nghĩa và trường cấp hai Quỳnh Bảng sẽ có các cuộc
biểu tình lớn hơn gồm các học sinh của trường cấp ba Quỳnh Lưu 3 và các trường
cơ sở trên địa bàn:
“Theo như tôi được biết ngày mai mới là
đông. Bởi vì Sở Giáo dục và phòng Giáo dục huyện Quỳnh Lưu huy động tất cả các
em học sinh từ tiểu học cho đến cấp 3 sẽ tổ chức biểu tình phản đối tôi bằng
cách đấu tố như thế.”
Cũng theo lời Linh mục Nam, ông đã yêu cầu người dân
trong giáo xứ chuẩn bị nước uống và nhà tiếp tế để hỗ trợ cho đoàn biểu tình
ngày mai, như một động thái ủng hộ quyền hiến định.
Đoàn biểu tình của nhà nước được đối xử bất ngờ
khi đến GX Phú Yên - Lm Đặng Hữu Nam
Nguồn: FB Tin Mừng Cho Người Nghèo
Ám Ảnh
Gần 2h sáng mà vẫn không ngủ được. Bức ảnh về người
phụ nữ trung tuổi tham gia biểu tình quốc doanh vẫn ám ảnh và bám chặt vào suy
nghĩ.
Người phụ nữ đó giống mẹ tôi đến kỳ lạ: tóc tai bù
xù, quần áo cũ nhàu, nước da đen nhẻm của người dân quê đội mưa đội gió kiếm ăn
từng bữa ngón tay to bè, nhăn nheo thô ráp y hệt bàn tay mẹ tôi. Bàn tay đó đã
làm bao nhiêu việc nặng nhọc? Bàn tay đó đã chai sạn và bong đi bao nhiêu lớp
da chai cứng? Bàn tay đó đã cuốc bao nhiêu nhát xuống đất quê cằn cỗi? Tôi
không trả lời được, cũng như tôi không thể đếm và trả lời về bàn tay mẹ tôi.
Ám ảnh nhất chính là khuôn mặt với nụ cười méo mó,
khổ sở và ngô nghê của người nghèo ít học. Và tôi cũng có người mẹ gần giống
như vậy. Nhìn nụ cười ngô nghê khốn khổ đó tôi bị ám ảnh, ám ảnh từ lúc bức ảnh
này xuất hiện trên mạng. Nhìn từ hình dạng, bàn tay, quần áo, khuôn mặt, nụ cười
của người phụ nữ ngồi biểu tình trong hội trường đó là hình ảnh của mẹ tôi, của
hàng triệu người phụ nữ nghèo khổ ở khắp nơi trên đất nước này.
Người phụ nữ đó đã nhận được khá nhiều lời lẽ chê
bai, dè bỉu và thậm chí miệt thị trên mạng xã hội từ lúc bức ảnh xuất hiện. Vì
điều gì mà cộng đồng lại nặng nề như vậy? Nếu đặt vào địa vị mẹ tôi, tôi hiểu tại
sao người phụ nữ đó lại đi tham gia cuộc biểu tình, đấu tố linh mục Đặng Hữu
Nam. Nếu đi vì bức xúc cá nhân, vì "phẫn nộ với việc làm sai trái" của
các linh mục như những gì báo chí lề đảng nói thì không có gì đáng nói vì đó là
quan điểm cá nhân và quyền biểu tình của người phụ nữ khốn khổ đó. Nhưng bằng
linh cảm và quan sát của một đứa con có mẹ nghèo khổ, có lẽ chuyện người phụ nữ
này tham gia cuộc biểu tình đấu tố không phải vì bức xúc cá nhân hay nhận thức
về quyền và nhu cầu phải biểu tình.
Tuy xấu hổ nhưng cũng phải nói, có lẽ người phụ nữ
trong ảnh cũng giống mẹ tôi đó là cả năm không đọc báo, không biết gì về tình
hình chính trị, kinh tế xã hội, không biết tại sao cá ở miền Trung lại chết và
thậm chí viết chữ cũng rất khó vì mấy chục năm không đụng đến bút, đọc cũng chậm
chạp ề à vì đầu tắt mặt tối với miếng ăn và cái nghèo. Có lẽ cả đời bà cũng
chưa bước chân ra khỏi huyện như mẹ tôi. Nếu bảo mẹ tôi vì bức xúc chuyện
Formosa xả độc hủy hoại môi trường mà đi biểu tình thì đó là sự phi lý ghê gớm.
Nếu bảo mẹ tôi hay người phụ nữ đó tự nhận thức được việc cha Nam làm, biết vị
linh mục này phạm tội hay "phản động" thì đất nước này đã khá hơn rất
nhiều. Dứt khoát là mẹ tôi sẽ không đủ nhận thức, ý thức công dân và ý thức
chính trị để bỏ ruộng vườn, bỏ làm để đi "biểu tình".
Vậy điều gì sẽ khiến cho những người phụ nữ khốn khổ
đó tham gia vào "trò chơi" biểu tình kết hợp đấu tố như vậy? Nếu được
cho 1-200 nghìn thì mọi việc lại khác. Bỏ 1 buổi làm đồng để đổi lấy 100 nghìn
là một việc mà người dân nghèo nào cũng muốn tham gia, tham gia nhiệt tình và
thậm chí còn rất vui vẻ nữa. Mẹ tôi cũng sẽ làm như vậy vì 100 nghìn đối với những
người phụ nữ như mẹ tôi nó quý ghê gớm. Với số tiền đó đong được khoảng 8 cân gạo
hoặc 1 cân rưỡi thịt ở quê, với 100 nghìn đó, mẹ tôi sẽ không phải lo ngay ngáy
về một đám cưới,2 đám ma luôn dày đặc ở các vùng quê nghèo như quê tôi.
Xin đừng trách họ, cũng đừng trách mẹ tôi. Nếu ai được
sinh ra ở vùng quê nghèo khó mới thấy giá trị của 1-200 nghìn. Những người phụ
nữ đó cũng như mẹ tôi, đã đến tận cùng của sự lam lũ, nghèo khó. Đừng trách họ
vì đã tham gia vào trò biểu tình này. Cũng xin đừng chê trách cười nhạo người
phụ nữ méo mó như mẹ tôi đó vì ngu dốt, kém hiểu biết. Nếu chúng ta đang ở tận
cùng của sự khổ cực, nếu sức chịu đựng về cơm áo gạo tiền đã đến giới hạn như mẹ
tôi và những người phụ nữ đáng thương trong các hình ảnh biểu tình của nhà nước,
các anh chị, cô chú sẽ hiểu tại sao họ lại vui như vậy khi được tham gia vào
"trò chơi" nhẹ nhàng nhưng có 1-200 nghìn.
Xin hãy tha thứ cho mẹ tôi cùng hàng trăm người mẹ
nghèo tham gia các cuộc đầu tố linh mục Đặng Hữu Nam ở Nghệ An vừa qua. Xin đừng
miệt thị họ nữa. Sự đói khổ, khốn cùng, mệt mỏi với từng bữa ăn hàng ngày vốn
đã không cho phép họ kịp suy nghĩ đến đúng-sai, lương tâm hay lương tri nữa. Nếu
nhà cầm quyền đến và vận động mỗi nhà 1-2 người đi biểu tình chống Mỹ ngay ngày
mai và có "bồi dưỡng" 100 một buổi, tôi tin rằng mẹ tôi và hàng triệu
người mẹ nghèo khác sẽ ngay lập tức đi rất vui vẻ mà không cần biết rằng Mỹ sai
cái gì, sai như thế nào, tại sao lại phải biểu tình chống Mỹ... Sự việc ở Nghệ
An mấy ngày qua có lẽ cũng như vậy.
Nếu ai đã từng sinh ra, lớn lên ở một vùng như quê
tôi, trải qua cái nghèo đói khủng khiếp như quê tôi, đến bây giờ vẫn phải lo
"chạy ăn" như quê tôi thì sẽ hiểu sự ám ảnh kinh khủng khi nhìn vào
người phụ nữ đi "biểu tình" trong ảnh. Người phụ nữ đó cũng như mẹ
tôi hoàn toàn vô tội trong cuộc chơi đánh dưới thắt lưng linh mục Đặng Hữu Nam
của những kẻ hắc ám. Chính chúng đã làm bần cùng hóa, làm nhăn nhúm, méo mó, xơ
xác những người mẹ, những người phụ nữ đó. Rồi chính chúng, lợi dụng sự nghèo
khổ của họ để đưa ra vài đồng nhằm biến họ thành công cụ chính trị bẩn thỉu cho
chúng triệt hạ người lương thiện. Chính chúng thực hiện chính sách ngu dân, triệt
hạ những tư duy, tâm hồn lành mạnh để tạo ra những hình hài xác xơ, méo mó và
những tâm hồn cúi đầu trước tăm tối để lo miếng ăn hàng ngày.
Một lần nữa, xin cộng đồng đừng trách cứ, miệt thị,
tức giận người phụ nữ trong bức ảnh này, đừng chê trách hàng trăm người phụ nữ
khốn khổ tham gia biểu tình quốc doanh. Đó là hình hài của người khác nhưng là
hoàn cảnh của mẹ tôi và mẹ của hàng triệu người nữa.