Hội thảo “Vấn nạn bạo hành của nhà cầm quyền đối với giới bất đồng
chính kiến ở Việt Nam”
Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Tường Thụy
Hôm nay nhân ngày Quốc tế ủng hộ các nạn
nhân bị tra tấn (26/6), tại Hà Nội, Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm đã tổ chức
cuộc gặp gỡ các đại diện tổ chức xã hội dân sự và những nhà hoạt động để cùng
nhau thảo luận về đề tài: “Vấn nạn bạo hành của nhà cầm quyền đối với
giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam”. Đã có khoảng 25 người tới tham dự
cuộc hội thảo, trao đổi và bàn bạc sôi nổi xung quanh chủ đề của cuộc hội thảo.
Sau đây là đề cương nội dung chủ đề Hội thảo
VẤN NẠN BẠO HÀNH CỦA NHÀ CẦM QUYỀN ĐỐI VỚI GIỚI BẤT ĐỒNG
CHÍNH KIẾN Ở VIỆT NAM
Như chúng ta đã
biết, Công ước chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc tên đầy đủ là Công
ước chống Tra tấn và Trừng phạt hoặc Đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm
giá khác (tiếng Anh: United Nations Convention against
Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment) là một
trong Các văn kiện nhân quyền quốc
tế và khu vực, dưới sự duyệt xét lại của Liên Hiệp Quốc, nhằm mục đích phòng chống tra tấn trên
toàn thế giới.
Công ước này
đòi các nước phải có biện pháp hữu hiệu để phòng chống tra tấn trong
nước mình, và nghiêm cấm các nước trả lại người về đất nước của họ nếu có lý do
để tin rằng (ở đó) họ sẽ bị tra tấn.
Bản văn Công ước
đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chấp
thuận ngày 10.12.1984 và, tiếp sau sự phê chuẩn của nước ký kết thứ
20, Công ước đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 26.6.1987. Ngày 26 tháng
6 nay được công nhận là Ngày
quốc tế ủng hộ các nạn nhân bị tra tấn (International Day in
Support of Torture Victims) để vinh danh Công ước này.
Việt Nam là nước
đã ký kết Công ước Chống tra tấn ngày 07/11/2013 và phê chuẩn Công ước ngày
05/02/2015.
I/ Thực trạng bạo hành nói chung và bạo hành người bất đồng
chính kiến ở Việt Nam.
1 - Thực
trạng bạo hành ở Việt Nam.
Có thể nói rằng vấn đề bạo hành ở Việt Nam là vấn
đề nhức nhối mà bất kể ai quan tâm, cũng như thường xuyên theo dõi mạng xã hội
đều có thể cảm nhận được. Bạo lực và bạo hành trở thành vấn nạn chứng tỏ một xã
hội thiếu vắng tình yêu thương, thiếu vắng luật pháp và khả năng thực thi luật
pháp. Vấn nạn bạo hành xảy ra ở khắp nơi, giữa người dân với người dân, giữa
nhân viên công lực với người dân... và điều đáng buồn nhất, đã xảy ra tình trạng
bạo lực học đường, tức là bạo lực đã xâm nhập và nảy nở vào/từ lớp trẻ. Sự bao
trùm và gốc rễ của vấn nạn bạo hành của xã hội chính là vấn nạn bạo hành của
công an với người dân. Hàng ngày chúng ta vẫn chứng kiến cảnh công an đánh đập
người dân, đủ các thành phần và vì đủ các lý do. Theo thống kê chính thức, tức
là con số được báo cáo công khai, mà thực tế thì con số gấp rất nhiều lần, đã
có 226 trường hợp người dân chết trong các trại tạm giữ, tạm giam trong thời
gian 3 năm (2011-2014). Hiện tại, hàng ngày chúng ta vẫn thấy các thông tin người
dân chết trong các đồn công an trên khắp cả nước.
2 - Vấn
nạn bạo hành người bất đồng chính kiến ở Việt Nam
Người bất đồng
chính kiến ở Việt Nam, ngoài việc có thể bị bắt giam bất cứ khi nào, còn phải đối
diện với tình trạng bạo lực, bạo hành của nhà cầm quyền. Có thể nói rằng, có đến
70-80% số người bất đồng chính kiến, người đấu tranh dân chủ ở Việt Nam đã từng
bị đánh đập bởi công an và côn đồ được công an chỉ đạo. Ngày 19/6/2017 vừa qua,
tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế Human Rights Watch( HRW) công bố bản
phúc trình về việc nhiều nhà hoạt động nhân quyền và các blogger ở
Việt Nam thường xuyên bị hành hung, đe dọa. Trong khi đó, thủ phạm của
các vụ bạo lực nhằm vào những người có tiếng nói đối kháng không
bị truy cứu trách nhiệm. Tổ chức phi chính phủ theo dõi nhân quyền
yêu cầu “chính quyền Việt Nam cần ra lệnh chấm dứt tất cả mọi hành vi tấn
công và truy cứu trách nhiệm những người liên quan”.
Dưới tiều đề “Không chốn dung thân cho các
nhà hoạt động nhân quyền: Các nhà vận động dân chủ và blogger ở
Việt Nam bị hành hung”, bản phúc trình của HRW dài 65 trang nêu ra
36 trường hợp những người hoạt động nhân quyền và blogger bị những kẻ
mặc thường phục tấn công, đánh đập, nhiều người bị thương tích nặng,
trong khoảng thời gian từ tháng Giêng năm 2015 đến tháng Tư năm 2017.
II/ Nguyên nhân của tình trạng bạo lực trong xã hội và vấn
nạn bạo hành đối với giới bất đồng chính kiến.
1 -
Nguyên nhân của tình trạng bạo lực trong xã hội Việt Nam.
Có hai nguyên
nhân chính:
Thứ nhất,
yếu tố lịch sử - tâm lý - văn hóa của con người Việt Nam. Xã hội Việt Nam từ
xưa tới nay trải qua các chế độ xã hội mà con người chưa hề biết đến nhân quyền,
đối thoại mà chỉ có phương án giải quyết mâu thuẫn, xung đột cuối cùng là bạo lực.
Chính sự tồn tại lâu dài trong các xã hội như vậy đã tạo ra một nét tính cách,
một phản xạ ứng xử bạo lực trong tính cách con người Việt Nam nói chung.
Thứ hai,
môi trường xã hội của chế độ cộng sản lại là nơi nuôi dưỡng và khuyến khích bạo
lực. Mục đích thực sự của cộng sản là thống trị người dân, mà muốn thống trị được
người dân thì cần tạo ra sự sợ hãi đối với họ. Cách tạo ra sự sợ hãi là sử dụng
khủng bố và bạo lực. Chính vì vậy, bạo lực như là một công cụ của nhà cầm quyền
để áp đặt và duy trì sự thống trị đối với người dân. Trong hoàn cảnh đó, bạo lực
được nuôi dưỡng và phát triển thành vấn nạn như ngày hôm nay.
2 -
Nguyên nhân vấn nạn bạo hành đối với giới đấu tranh, bất đồng chính kiến
Trong phương thức
ứng xử bạo lực của nhà cầm quyền đối với người dân nhằm tạo ra sự sợ hãi để thống
trị nhân dân, đối với từng thời kỳ khác nhau thì tính chất và mức độ của bạo lực
cũng khác nhau. Thời kỳ đầu, cướp được quyền, nhà cầm quyền sử dụng bạo lực ở mức
độ tàn bạo, khốc liệt nhất, đó là giết người, thủ tiêu những người bất đồng, phản
kháng. Trải qua một thời gian, nhà tù là nơi được sử dụng nhiều nhất cho việc
đàn áp người dân. Đến thời kỳ hiện nay, khi mà đất nước hội nhập, ký kết các
văn bản pháp lý về các quyền con người, hệ thống thông tin rộng mở thì việc giết
người, thủ tiêu hầu như không còn, việc bắt giam và kết án người bất đồng
chính kiến cũng gặp khó khăn, hạn chế nhiều. Trong bối cảnh đó, một phương thức
vẫn được sử dụng trước đây đã lên ngôi, đó là bạo hành, đánh đập người bất đồng
chính kiến, người đấu tranh dân chủ. Vấn nạn bạo hành đối với người đấu tranh,
bất đồng chính kiến có ba mục đích.
- Ngăn chặn những
hoạt động đang diễn ra của người đấu tranh, giới bất đồng. Ví dụ, mọi người
đang biểu tình, công an, dân phòng quây vào đánh người... mọi người tập trung
vào việc cứu người nên không thực hiện việc biểu tình được nữa...
- Đánh để dằn mặt,
với mục đích để người bị đánh sợ lần sau không dám tham gia các sự việc, công
việc cũng như từ bỏ việc đấu tranh. Mục đích này của nhà cầm quyền thường không
hiệu quả, phần lớn người đấu tranh vẫn tiếp tục các công việc của mình.
- Đánh để trả
thù người đấu tranh. Có những người đấu tranh bị đánh vì sự trả thù của an
ninh, công an. Trong những va chạm, xô xát hoặc những hình ảnh xấu của an ninh,
công an bị đưa ra công luận, dư luận, khi sự việc xảy ra, an ninh chưa làm gì
được. Họ đợi dịp để trả thù, trả đũa người đấu tranh vào những lúc khác, bất ngờ
nhất... mục đích này là có và kết hợp với mục đích dằn mặt, nhưng chỉ được sử dụng
hạn chế.
III/ Một số biện pháp để hạn chế, ngăn chặn vấn nạn bạo
hành đối với người bất đồng chính kiến
Trong bối cảnh
nhà cầm quyền sử dụng bạo lực như một công cụ để đối phó với phong trào dân chủ,
chúng ta không thể có giải pháp nào có thể giải quyết triệt để vấn nạn bạo hành
với người bất đồng chính kiến. Chỉ khi nào chế độ thay đổi, thì vấn nạn này mới
thực sự chấm dứt được. Tuy nhiên, chúng ta có những biện pháp để hạn chế, ngăn
chặn phần nào vấn nạn này. Có thể có hai biện pháp sau đây:
+ Tố cáo, lên án việc
sử dụng bạo lực của nhà cầm quyền tới các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, tới
dự luận thế giới, dư luận trong nước. Với những trường hợp cụ thể, có bằng chứng,
hình ảnh và giám định thương tật chúng ta đã và đang làm những công việc đó một
cách khá bài bản và hiệu quả.
+ Áp dụng một số
biện pháp nhằm tự bảo vệ bản thân và bạn bè, những người đồng chí hướng. Những
người bất đồng chính kiến cần chuẩn bị những phương án đối phó với việc sử dụng
vũ lực của an ninh, công an trong các trường hợp, tình huống cụ thể. Trang bị
những kiến thức về quyền con người, pháp luật, thông tin kịp thời tới bạn bè,
người thân khi có sự cố; lưu giữ những hình ảnh vi phạm pháp luật để tố cáo và
lên án nhà cầm quyền...vv.../.
Hà Nội, ngày 26/6/2017
N.V.B
-------------------------------------------------
Kỷ niệm ngày
Quốc tế ủng hộ các nạn nhân bị tra tấn (26/6), Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm đã tổ
chức hội thảo với chủ đề “Vấn nạn bạo hành của nhà cầm quyền đối với
giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức cùng ngày
tại Hà Nội và Sài Gòn.
Tại Hà Nội,
tham gia hội thảo ngoài các thành viên Cựu Tù nhân Lương tâm, có đại diện của
các tổ chức xã hội dân sự: Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, Phong trào Chấn hưng
Nước Việt, Phong trào No-U, Hội Phụ nữ nhân quyền, Hội Bầu bí tương thân, Mạng
lưới bloger, tổ chức Người bảo vệ nhân quyền… Ông Yann Righetti, tùy viên
nghiên cứu, Đại Sứ quán Thụy Sĩ có mặt tham dự.
Hội thảo tập
trung vào các nội dung:
- Tình trạng bạo hành nói chung và bạo hành
người bất đồng chính kiến ở Việt Nam.
- Nguyên nhân
của tình trạng bạo lực trong xã hội và vấn nạn bạo hành đối với giới bất đồng
chính kiến.
- Làm thế
nào để hạn chế, ngăn chặn vấn nạn bạo hành đối với người bất đồng chính kiến.
Tuy Việt Nam
là nước đã ký kết Công ước Chống tra tấn ngày 07/11/2013 và phê chuẩn Công ước
ngày 05/02/2015 nhưng điều trớ trêu là bạo hành ở Việt Nam lại là vấn đề nhức
nhối trở thành vấn nạn. Điều này nói lên một xã hội thiếu vắng tình yêu thương,
thiếu vắng luật pháp và khả năng thực thi luật pháp. Bạo hành xảy ra ở khắp
nơi, với đủ mọi thành phần xã hội, đặc biệt ngay ở cả học đường. Nhưng tệ hại
hơn cả và là gốc rễ cho bạo hành phát sinh lại chính là bạo hành của công an
với người dân.
Theo báo cáo
của Bộ Công an chỉ trong 3 năm, từ Tháng10/2011 đến Tháng 9/2014 đã xảy ra 226
trường hợp chết tại nhà tạm giữ, trại tạm giam trên toàn quốc (con số có thể
còn thấp so với thực tế). Những thông tin người dân chết trong các đồn công an,
người bất đồng chính kiến bị đánh trên khắp cả nước xảy ra ngày càng nhiều.
Với người
bất đồng chính kiến ở Việt Nam, ngoài việc có thể bị bắt giam bất cứ khi nào,
còn phải đối diện với tình trạng bạo lực, bạo hành của nhà cầm quyền. Ngày
19/6/2017 vừa qua, tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế (HRW) công bố bản phúc
trình về việc nhiều nhà hoạt động nhân quyền và các blogger ở Việt
Nam thường xuyên bị hành hung, đe dọa. Trong khi đó, thủ phạm của các
vụ bạo lực nhằm vào những người bất đồng chính kiến không hề bị truy
cứu trách nhiệm. Tổ chức phi chính phủ theo dõi nhân quyền đã yêu cầu
“chính quyền Việt Nam cần ra lệnh chấm dứt tất cả mọi hành vi tấn công và truy
cứu trách nhiệm những người liên quan”.
Dưới tiều
đề “Không
chốn dung thân cho các nhà hoạt động nhân quyền: Các nhà vận động dân
chủ và blogger ở Việt Nam bị hành hung”, bản phúc trình của HRW nêu ra 36 trường
hợp những người hoạt động nhân quyền và blogger bị những kẻ mặc
thường phục tấn công, đánh đập, nhiều người bị thương tích nặng,
trong khoảng thời gian từ tháng 1/ 2015 đến tháng 4/2017.
Những tham
luận cũng chỉ ra nguyên nhân của tình trạng bạo lực trong xã hội và vấn nạn bạo
hành đối với giới bất đồng chính kiến. Hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng
này được nêu ra: yếu tố lịch sử - tâm lý - văn hóa của con người Việt Nam và
môi trường xã hội của chế độ cộng sản là nơi nuôi dưỡng và khuyến khích bạo
lực.
Với giới đấu
tranh, bất đồng chính kiến, nhà cầm quyền đối với người dân nhằm tạo ra sự sợ
hãi để giữ quyền thống trị. Việc đàn áp những người bất đồng chính kiến nhằm
ngăn chặn những hoạt động của người đấu tranh, dằn mặt hoặc trả thù. Tuy nhiên
những biện pháp này thường không mấy hiệu quả, bằng chứng là đội ngũ những người
đấu tranh ngày càng đông lên, đặc biệt là trong giới trẻ.
Về vấn đề
làm thế nào để hạn chế, ngăn chặn vấn nạn bạo hành đối với người bất đồng chính
kiến, các ý kiến thảo luận nhấn mạnh đến việc cần phải tố cáo kịp thời tới các
tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, tới dư luận thế giới và trong nước. Những
người hoạt động cần có những biện pháp tự bảo vệ mình, trang bị thêm kiến thức
pháp luật, lường trước những tình huống xảy ra để chủ động đối phó…
Không một ý
kiến nào đề cập việc phải tố cáo, khiếu nại đến các cơ quan nhà nước. Có thể
giải thích điều này vì những tố cáo, khiếu nại về các vụ bạo hành đối với người
đấu tranh chưa bao giờ được giải quyết vì nhà cầm quyền chính là thủ phạm mà tố
cáo tới thủ phạm là điều không thể. Tuy nhiên, trong các vụ việc lớn và có thể,
hãy nên kiên quyết tố cáo với nhà cầm quyền, tận dụng pháp luật, quyền công dân
để tự bảo vệ mình, ít ra cũng có bằng chứng để vạch mặt họ vi phạm Luật Khiếu
nại, tố cáo.
Buổi Hội
thảo có rất nhiều ý tâm huyết và đầy bức xúc, phẫn nộ của các đại biểu: Nguyễn
Chí Tuyến, Trần Thị Thảo, Vũ Quốc Ngữ, Lê Dũng, Cựu Tù nhân Lương tâm Vũ Hùng
v.v… Vũ Quốc Ngữ hướng dẫn cách cụ thể tỉ mỉ cách tố cáo đến các tổ chức nhân
quyền quốc tế. Cựu TNLT Lê Thị Công Nhân nhấn mạnh vấn nạn bạo hành đối với phụ
nữ. Ngoài đánh đập gây đau đớn, di hại về thân thể , chúng còn sỉ nhục, xúc
phạm đến nhân phẩm phụ nữ, gây ảnh hưởng tinh thần lâu dài.
Điều cần nói
thêm là buổi hội thảo diễn ra thành công và đảm bảo an toàn. Không có ai bị
ngăn chặn, theo dõi và không thấy bóng an ninh lảng vảng quanh địa điểm Hội
thảo. Điều này chứng tỏ thông tin về Hội thảo đảm bảo được bí mật tuyệt đối để
không bị đánh phá. Đây cũng là một kinh nghiệm cho việc tổ chức các sự kiện sau
này.
Nguyễn
Tường Thụy