27.06.2017

Quốc tế tiếp tục lên tiếng việc trục xuất ông Phạm Minh Hoàng

Quốc tế tiếp tục lên tiếng việc trục xuất ông Phạm Minh Hoàng

GS Phạm Minh Hoàng tại Le Kremlin-Bicetre, Pháp hôm 26/6/2016.
 AFP/JACQUES DEMARTHON
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới vào ngày 26 tháng 6 bày tỏ thái độ bàng hoàng khi biết tin cựu tù chính trị- giảng viên Phạm Minh Hoàng bị nhà cầm quyền Hà Nội trục xuất khỏi quê mẹ hôm tối thứ bảy 24 tháng 6 vừa qua.

Phóng viên Không Biên giới nhận định biện pháp chưa từng có của Hà Nội trong việc tước quốc tịch của công dân Việt Nam Phạm Minh Hoàng là nhằm bịt miệng tiếng nói bất đồng hàng đầu này tại Việt Nam.
Theo Phóng viên Không Biên giới, ông Phạm Minh Hoàng là một blogger và là một quán quân trong công cuộc đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam.
Tổng thư ký của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, Christopher Deloire, lên tiếng rằng những gì xảy ra đối với  bản thân ông Phạm Minh Hoàng, một nhà hoạt động độc lập và can đảm bảo vệ quyền tự do ngôn luận, là điều đáng hổ thẹn; đặc biệt đối với nhà cầm quyền Việt Nam.
Phóng viên Không Biên giới nói rõ đây là lần đầu tiên nhà nước độc đảng Việt Nam tước quốc tịch của một nhà bất đồng chính kiến trong nước dù rằng theo pháp luật Việt Nam biện pháp đó không thể áp dụng đối với người sinh ra tại Việt Nam như ông Phạm Minh Hoàng.
Phóng viên Không biên giới nhắc lại Việt Nam là một trong những quốc gia nằm cuối bảng xếp hạng về Chỉ số Tự do Báo chí năm 2017 do tổ chức này thực hiện; đó là hạng 175 trên 180 nước.
Trước đó, tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch vào ngày ngày 25 tháng 6 cũng lên tiếng tố cáo đó là hành vị vi phạm trắng trợn quyền con người cần bị toàn thể thế giới lên án.
Theo Human Rights Watch thì qua biện pháp cưỡng bức, trục xuất ông Phạm Minh Hoàng, nhà cầm quyền Hà Nội vượt qua làn ranh đỏ đối với các quyền tự do bày tỏ, quyền quốc tịch, các quyền dân sự và chính trị cơ bản.
Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Human Rights Watch, ông Phil Robertson, cho rằng không có lý lẽ nào có thể biện minh cho hành động phi pháp, vi phạm nhân quyền của Hà Nội khi đột ngột cách ly một người chồng ra khỏi vợ và gia đình ông ta.
Ông Phil Robertson nêu rõ bằng biện pháp cưỡng bức ông Phạm Minh Hoàng phải sống lưu vong vô thời hạn, nhà cầm quyền Việt Nam cho thấy rõ việc sẵn sàng vi phạm các quyền của người dân.
“Chính phủ Việt Nam đã chứng tỏ họ sẵn sàng vi phạm nhân quyền, họ cho đó là điều cần thiết để duy trì quyền lực chính trị".
Theo Human Rights Watch đó không phải là hành vi của một nhà nước đáng trọng trên trường quốc tế mà là cách hành xử của một chế độ toàn trị, độc đảng với thành tích vi phạm quyền con người tồi tệ nhất hiện nay trong khối những nước ASEAN. 
Nhà tranh đấu Phạm Minh Hoàng (giữa) khi đến Pháp, ngày 25/6/2017.
Về phía chính phủ Pháp thì nói họ lấy làm tiếc về việc nhà tranh đấu Phạm Minh Hoàng bị chính quyền Việt Nam trục xuất khỏi Việt Nam.
Trong thư hồi đáp gửi cho VOA-Việt Ngữ hôm thứ Hai 29/6, tòa đại sứ Pháp tại Hà Nội viết:
Pháp lấy làm tiếc về quyết định của chính quyền Việt Nam tước quốc tịch Việt Nam và trục xuất giáo sư và blogger song tịch Pháp-Việt Phạm Minh Hoàng.”
Bí thư thứ nhất Tòa Đại sứ Pháp Fabienne Rynyo nói tiếp:
Các quyền tự do ngôn luận, nhất là trên Internet, được công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị bảo đảm, mà Việt Nam là một nước tham gia ký kết. Pháp kêu gọi chính quyền Việt Nam phải đảm bảo tuân thủ các cam kết này.”
Khi tới Pháp hôm Chủ Nhật, ông Hoàng nói với hãng tin AFP rằng ông rất buồn khi bị trục xuất, nhưng ông tuyên bố sẽ tiếp tục con đường tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam.
Ngay sau khi đặt chân xuống phi trường, Giáo sư Phạm Minh Hoàng gặp khoảng 40 thành viên cộng đồng người Việt ở Paris trong một căn phòng có treo cờ Việt Nam Cộng hòa cùng hình ảnh của tổ chức Việt Tân- mà ông là một thành viên, ông kể chi tiết chuyện ông bị bắt và trục xuất, và có đề cập tới cuộc gặp với ông Tổng lãnh sự quán Pháp ở Sài Gòn.
Tại cuộc gặp ở Paris, ông Hoàng cho biết nội dụng trao đổi với đại diện chính phủ Pháp vào đầu tháng này:
Tòa đại sứ tin rằng tôi đã bị mất quốc tịch rồi, tại vì theo họ đây là chuyện xảy ra giữa hai bộ ngoại giao với nhau. Họ nói việc có quốc tịch Pháp không phải là quyền, anh phải xin, việc mất quốc tịch Pháp cũng không phải là một cái quyền, anh cũng phải xin luôn. Mà hỏi xin thì phải xét. Họ xét theo các điều kiện xem nó có cho phép hay không. Nếu mà anh đã mất quốc tịch Việt Nam thì nước Pháp cũng không thể nào hủy quốc tịch Pháp của anh được. Nước Pháp không chấp nhận vô tổ quốc.”
Trả lời báo chí về vụ tước quốc tịch ông Hoàng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 15/6 nói rằng việc làm đó “hoàn toàn theo đúng pháp luật Việt Nam”.
Bà Hằng nói ông Hoàng “vi phạm pháp luật và xâm phạm an ninh quốc gia”, nhưng không nêu chi tiết về cáo buộc này.
Tin RFA, VOA