05.06.2017

Ta là ai? - Trân Văn

„Sau bảy thập kỷ, tâm thế của giới lãnh đạo Việt Nam đã xoay 180 độ, từ rất tự tin thành hết sức tự ti – không muốn là chính mình mà chỉ thích giống thiên hạ,…“

Ta là ai?

Trân Văn
Khu trung tâm thành phố Sài Gòn, nhìn từ phía quận 2 ban đêm

Sau bảy thập kỷ, tâm thế của giới lãnh đạo Việt Nam đã xoay 180 độ, từ rất tự tin thành hết sức tự ti – không muốn là chính mình mà chỉ thích giống thiên hạ, chỉ có sự giễu cợt của dân chúng khi họ rơi từ cực này sang cực khác là không thay đổi…

***


Xưa… nay” – một bài thơ trong tập “Gió lộng” của Tố Hữu – từng chễm chệ ở sách giáo khoa mà nhiều thế hệ bị buộc phải thuộc lòng, vẫn được xem như một bằng chứng biểu lộ sự tự tin thái quá của giới lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Công hòa (quốc hiệu miền Bắc xã hội chủ nghĩa giai đoạn từ 1945 đến 1976), bất chấp cả thực tế lẫn nhân tâm.

Đó cũng là lý do khổ thơ cuối trong “Xưa… nay”:

… Bốn ngàn năm, ta lại là ta.
Việt Nam dân chủ cộng hòa
Hôm nay mười tuổi cầm hoa tặng Người.

bị dân chúng sửa thành:

Bốn ngàn năm ta lại là ta
Từ trong hang đá chui ra
Vươn vai một cái rồi ta chui vào

hoặc:

Bốn ngàn năm ta lại là ta
Từ trong hang đá chui ra
Ta hô khẩu hiệu rồi ta chui vào

***

Thời thế đã khác, tâm thế của giới lãnh đạo Việt Nam tất nhiên phải khác nhưng dân chúng Việt Nam không chấp nhận tâm thế đổi khác theo kiểu đó...

Gần đây, trên facebook, nhiều facebooker gọi Hà Nội là Paris, Sài Gòn là Singapore hay là “thung lũng Silicon”, Đà Nẵng là Dubai,… Lối gọi bỡn cợt ấy phát xuất từ những tuyên bố bất chấp thực tại của một số viên chức hữu trách.

Tại một cuộc gặp doanh giới hồi trung tuần tháng trước, Thủ tướng Việt Nam dẫn lại lời ông Bạch Thái Bưởi (một trong bốn doanh nhân được xem là thành đạt nhất Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ 20), nhấn mạnh mong muốn “Hà Nội đẹp như Paris”! Đến hạ tuần tháng trước, khi gặp “thanh niên tiêu biểu”, tới lượt ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư thành phố Sài Gòn tuyên bố sẽ biến Sài Gòn thành nơi khởi nghiệp như “thung lũng Silicon” ở California, Hoa Kỳ (2). Một tuần sau, gặp gỡ trí thức, ông Nhân khẳng định Sài Gòn sẽ có “chính quyền thông minh”. Ông Nhân khuyến cáo dân chúng Sài Gòn phải cố gắng trở thành “công dân thông minh” để sử dụng “chính quyền thông minh” đó. Bí thư thành phố Sài Gòn lập lại một ý tưởng mà ông từng nêu ra hồi cuối năm 2016 khi đang là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, theo đó, mỗi người phải là một “cảm biến xã hội” để “phản ánh những bức xúc và hiến kế cho phát triển”.

Ngoài chuyện bất chấp thực tại, các viên chức hữu trách từ trên xuống dưới trong hệ thống công quyền ở Việt Nam cho thấy rất rõ, họ không màng tới “hồn, cốt” của các vùng đất vì họ có quyền nhào nặn dáng dấp của chúng theo ý mình, lịch sử, văn hóa, văn minh, ý thức tự hào về mỗi vùng đất là chuyện nhỏ không đáng bận tâm.

Tháng 3 năm nay, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch quận 1, Sài Gòn, đốc thúc thuộc cấp đập phá thẳng tay là vì chính quyền quận này “quyết tâm” biến khu vực trung tâm Sài Gòn thành… Singapore.

Tương tự, sau những gợi ý kiểu như Đà Nẵng nên trở thành Dubai, Đà Nẵng bắt đầu “dọn dẹp” bán đảo Sơn Trà – nơi người ta xem như một báu vật mà thiên nhiên dành cho thành phố này vì liên kết đa dạng hiếm có giữa hệ sinh thái rừng với hệ sinh thái biển. Kế hoạch “dọn dẹp” đó làm người ta ngạc nhiên vì nó diễn ra song song với tuyên bố của ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Đà Nẵng, “muốn có một khu rừng giữa thành phố” vì “có người chê Đà Nẵng ít cây quá”. Ông Anh chỉ đạo thuộc cấp đi Trung cộng, đến Côn Minh học trồng hoa, đến Nam Ninh học trồng cây. Sợ thuộc cấp lưỡng lự vì Đà Nẵng trở thành dị dạng sau khi giao phối với cả Singapore lẫn Trung cộng, ông Anh trấn an: “Mình đang vội nên cứ copy ý tưởng người ta về cũng được. Họ sáng tạo rồi mình sáng tạo chi nữa”!

***

Trước những ý tưởng biến vùng đất này của Việt Nam thành Paris, vùng đất khác thành “thung lũng Silicon”, thành Singapore, Dubai, Côn Minh, Nam Ninh,… dân chúng Việt Nam cảm nhận ra sao?

Facebooker Đoàn Nguyên Tuấn thắc mắc, Sài Gòn sẽ thành Singapore, Hà Nội sẽ thành Paris. Người Sài Gòn chúng ta sẽ là dân của đảo quốc sư tử, buồn buồn thì bay ra Hà Nội ngắm Paris! Những thành phố khác của Việt Nam sẽ trở thành gì nhỉ?


Nhiều Facebooker như Phu Do, Cuong Duy Nguyen, Tran Thi Huong Lan,… tin rằng những tuyên bố của các viên chức hữu trách về chuyện Hà Nội sẽ thành nơi này, Sài Gòn phải giống nơi kia được đưa ra sau khi các viên chức hữu trách đã dùng ma túy. Facebooker Khang Vo khuyên: Lãnh đạo Việt Nam cần phải “Nói không với ma túy”. Nếu không, mỗi lần các anh “chơi ma túy” là dân chết.


Facebooker Bạch Hoàn hiến kế: Ngành du lịch nên dùng slogan mới “Việt Nam - một điểm đến, nhiều địa danh”.

Đó là một Paris tuy nghèo mà bình yên. Nơi ấy, chuyện cưa bom lấy phế liệu bán ve chai để mưu sinh dẫn đến nổ chết người ở Hà Đông, hay “bụi ở Chương Mỹ” (du đãng chặn đường hành hung những luật sư nhận bào chữa cho một thiếu niên bị đánh chết trong tù), “đất ở Đồng Tâm” (dân chúng bắt cảnh sát làm con tin suốt một tuần vì bị cưỡng chế, thu hồi đất phi lý) … chỉ là thiểu số.

Nơi ấy có dòng Tô Lịch đen ngòm như bầu trời đêm đầy bí ẩn, luôn ngát mùi hương tự nhiên, đến tận bây giờ vẫn chưa có hãng nước hoa nào trên thế giới sản xuất được thứ mùi đặc trưng ấy…

Nơi ấy, có những ngày không gian mờ mịt chẳng khác nào London trong sương mù.

Nơi ấy, người ta có thể thoải mái mua sắm hàng Quảng Châu ở chợ Đồng Xuân. Nếu Paris nổi tiếng với không gian xanh thì Paris Việt Nam cũng vẫn còn cây sống sót sau chiến dịch tiêu diệt 6.700 cây xanh vài năm về trước. Rời Paris, khách có thể đến Dubai.

Nơi ấy có những quan chức giàu có, doanh nghiệp dễ thương, tặng xe hơi đắt tiền cho quan chức sử dụng. Có hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc, có khu mua sắm chỉ dành cho người Trung Quốc.

Một điểm đến nổi tiếng khác là Singapore – Hòn ngọc Viễn Đông. Nơi người dân chẳng bao giờ vội vã. Sáng sáng, chiều chiều, ngồi trên ô tô hay xe máy thì vẫn di chuyển vô cùng từ tốn, từng chút, từng chút một. Nơi ấy, thiên nhiên rất thân thiện với con người. Chiều chiều nước sông lại dâng lên, tràn khắp hang cùng ngõ hẻm và từ nhiều năm nay, triều cường là một điểm nhấn đặc biệt. Sau khi bỏ ra hàng chục ngàn tỉ đồng cho các dự án chống ngập nền từ chỗ có rất nhiều điểm ngập, bây giờ Singapore – Sài Gòn chỉ còn một điểm ngập, đó là toàn thành phố. Chỉ cần một cơn mưa, Singapore - Sài Gòn sẽ thành một Venice lãng mạn đầy chất thơ…

Bàn về những ý tưởng như “chính quyền thông minh”, “công dân thông minh”, mỗi người phải là một “cảm biến xã hội”, facebooker Kim Toan Pham phán đoán: Chắc trung tâm giám sát của “đồng chí Nhân” đỏ đèn liên tục vì mấy cái censor chống ẩm dưới mông bà con ở Sài Gòn liên tục gửi tín hiệu. Tuy ngoài đường đang ngập nặng nhưng “đồng chí” ấy đã biết chưa ạ?

***

Nếu thật sự xem mỗi người dân là một “cảm biến xã hội” thì trước vô số phản ứng kiểu như đã dẫn, lúc nào “chính quyền thông minh” sẽ lên tiếng xin “nói lại”?

Mục Thiên Hạ Luận  (VOA Tiếng Việt)