11.06.2020

Bà ơi, sao mồm bà to thế? Sao răng bà nhọn thế! - Nguyệt Quỳnh

Bà ơi, sao mồm bà to thế? Sao răng bà nhọn thế!
Nguyệt Quỳnh

Chiều ngày 29/5 sau phiên xử phúc thẩm, một người dân ở xã Bình Phước, ông
Lương Hữu Phước, đã trở lại toà án và nhảy từ lầu hai của toà để tự sát. Hình ảnh
ông nằm chết, co quắp ngay trước sân toà nói lên nỗi tuyệt vọng, sự cô đơn cùng
cực của người dân VN trước các phán quyết của toà án.
Tôi chạnh nhớ đến câu nói của thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh trong phiên phúc
thẩm của anh: “một lũ bất nhân đã làm ra phiên toà bất công”.
Ngày 20/4 vừa qua, một Toà Án Nhân Dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên cho thầy
Tĩnh một bản án lên đến 11 năm tù. Câu nói cuối của thầy Tĩnh trước toà, làm
khắc sâu thêm hình ảnh nhem nhuốc của công lý, sự mất niềm tin của người dân
vào ngành tư pháp hiện nay.
“Một lũ bất nhân!” đó là khuôn mặt của lãnh đạo ĐCS và các chánh án của Toà Án

Nhân Dân cấp cao Hà Nội. Nhưng đây không chỉ là khẳng định của riêng thầy Tĩnh,
gia đình vợ con thầy, học trò của thầy mà là khẳng định của đa số người dân về
thái độ của chính quyền, của toà án đối với dân. Đặc biệt là đối với tầng lớp thấp
cổ bé miệng.
Thế mà, Ban Tuyên Giáo lúc nào cũng nêu cao về sự khoan hồng, nhân từ, công
minh, giáo dục của đảng trên khắp mọi ngõ nghách của truyền thông!?
Nhiều người bảo cái chết của ông Phước là chết hoài, chết phí, khi dẫn điều ông
chia sẻ trước đó trên face book: “Nếu cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp
tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chứ”. Nhận định đó không xa thực tế, vì trước
ông Phước đã có người tự sát, ông Võ Chánh, trong một vụ xử về “tranh chấp
quyền sử dụng đất” cũng sau phiên phúc thẩm tại toà án tỉnh Bình Phước.
Nhìn mặt ngoài thì cái chết của ông Chánh rơi vào khoảng không hư vô; cái chết
của ông Phước chỉ như một ngọn đèn mù soi vào cái bóng đêm thăm thẳm của
công lý. Thế nhưng cái khác ở đây là ngọn đèn đó đang soi rọi vào lương tri con
người, và nó tạo nên những ám ảnh ray rức mà tôi nghĩ không chỉ riêng Ls Lê Ngọc
Luân cảm nhận. Ông đau đớn chia sẻ:

"Ở toà án, là nơi mà bao con người chờ đợi, hi vọng một phán quyết công minh,
tình người. Thế nhưng, ở nơi ấy, họ chọn cách lấy dao rạch bụng (Cần Thơ), uống
thuốc độc chết (Ninh Thuận), nhảy từ lầu 2 (Bình Phước)... nhằm chứng minh cho
sự oan ức và trong sạch của mình."
Trong lúc cái chết của một người Mỹ gốc Phi, gây ra bởi một cảnh sát, đang làm
bùng nổ những cuộc biểu tình ở khắp các tiểu bang Hoa Kỳ; những cái chết oan sai
của người dân VN làm cho chúng ta trông giống như đang sống ở thời đại trung
cổ. Nhưng thử hỏi, công lý làm sao có thể có mặt, khi mà chúng ta thờ ơ với công
lý, dửng dưng trước bất công?
Qua phiên phúc thẩm của Hồ Duy Hải, ai cũng nhận thấy rằng ngành tư pháp của
ta lạc hậu. Thế nhưng, có một điều còn nhức nhối hơn - mãi đến tận giờ, chúng ta
vẫn cam chịu sống mãi với cái lạc hậu ấy.
Biết bao nền văn minh nhân loại đã đi lướt qua ta. Tại sao người dân các quốc gia
khác được luật pháp, được toà án bảo vệ, mà dân ta phải chịu án oan sai. Cái khác
nhau ở đây chính là sự nhận thức và thái độ của con người. Steven Scott, một
diễn giả đã cố vấn cho hàng triệu người trên thế giới về kỹ năng thay đổi cuộc
sống, bảo rằng: “ Rất nhiều người đã đánh đổi tự do để nhận được sự an toàn,
thậm chí họ không nhận ra điều đó. Có sự khác nhau giữa ‘một cơ hội bạn nắm
được’ và ‘một cái bẫy bạn mắc phải’ ”
Cái bẫy nào dân tộc ta đã mắc phải? Chuyện gì đã xảy ra với các giá trị sống của
một thế hệ sẵn sàng lao vào lửa đạn cho những điều tốt đẹp, nhưng lại chọn quay
lưng lại với kiếp nạn của đồng bào mình? Từ Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai
Phẩm, Xét Lại Chống Đảng, … máu, nước mắt của người vô tội, tràn trên những
trang sử đau thương trong sự im lặng ghê rợn kéo dài hàng thế kỷ! Thiết nghĩ nếu
số đông dân ta hành xử khác đi, có lẽ nền tư pháp của ta ngày nay đã khác, và có
lẽ vận mệnh đất nước cũng khác.
Điều đau lòng là mãi đến tận giờ, dân ta vẫn ngoan ngoãn, tự nguyện sống trong
cái bẫy ấy. Nếu đem những kịch bản gian dối của bộ công an trong vụ tấn công
vào Đồng Tâm ra thế giới văn minh, người ta sẽ không thể nào hiểu được. Làm
thế nào giữa thời đại công nghệ thông tin, lại có một chính quyền coi dân ấu trĩ
như vậy. Nhưng làm sao trách được, khi dân ta không hành xử đúng mực, đúng
tầm của mình.

Lại xin đơn cử một câu chuyện khác - cũng vào thời gian diễn ra phiên xử thầy
giáo Nguyễn Năng Tĩnh, Hội đồng thẩm phán của Toà Án Nhân Dân Tối Cao dự
định phác thảo tượng vua Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý của Toà Án Nhân
Dân. Với dự án này, tượng của nhà vua sẽ được đặt tại trụ sở hệ thống của các
toà án trên toàn quốc.
Một đàng là án tuyên thật nặng cho một nhà giáo với những tội danh vu vơ,
nhưng vẫn muốn dùng hình tượng nhân từ, công minh làm đại diện. Cả hai sự
kiện xảy ra gần như cùng thời gian, nó làm ta liên tưởng đến hình ảnh của một
con sói và mẩu đối thoại của nó với cô bé choàng khăn đỏ trong câu chuyện cổ
tích tây phương:
- Bà ơi! sao hôm nay tai bà to thế
- Tai bà to để nghe cháu rõ hơn.
- Bà ơi! sao hôm nay mắt bà to thế?
- Mắt bà to để nhìn thấy cháu rõ hơn.
- Bà ơi! sao hôm nay tay bà to thế?
- Tay bà to để bà nắm lấy cháu dễ hơn.
- Nhưng bà ơi! sao mồm bà to và nhiều răng thế!
Trông thì có vẻ diễu cợt, nhưng hình tượng minh hoạ thì không khác xa sự thật là
mấy, tôi muốn nói đến cái cách tiếp cận giữa dân và chính quyền là thế. Một đàng
cứ trắng trợn dối trá, một đàng gật gù với cái bánh vẽ như một phương thuốc xoa
dịu lương tri. Bốn ngàn năm thăng trầm trong máu lửa rút lại thành câu thơ buồn
của một cô giáo ở Hà Tĩnh - bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn!
Chuyện xây tượng đài nay đã tạm gác lại. Hy vọng rằng các vị trong Hội đồng thẩm
phán hãy tập trung làm những điều thiết thực, hòng chấm dứt những cái chết oan
trái của người dân sau các phiên xử. Khi nghĩ đến hình tượng, xin hãy nhìn đến cái
biểu tượng sống của “công lý” qua xác thân co quắp của ông Phước, bên ngoài
cánh cửa toà án, nơi các vị đang phục vụ.
Án oan sai đã chất đầy toà án, người lương thiện, liêm chính, đầy trong những
nhà tù, chẳng có hình tượng nào có thể thay đổi được gương mặt của lãnh đạo
ngoài việc thực thi công lý. Khi toá án thực thi công lý, hành xử đúng với những gì
được ghi trong hiến pháp, chính là xây dựng biểu tượng, là tìm lại niềm tin nơi

công chúng. Đừng hoài công dựng tượng đài, hình tượng sẽ không thay đổi được
gì khi mà mồm và răng của đảng vẫn to và ghê rợn.