18.07.2017

Người Việt, đất Mỹ - Huy Phương

„Chính phủ CSVN chưa tạo được sự hoà hợp và được lòng tin cậy của người dân trong nước, thì đối với người Việt ở nước ngoài, hay người Việt trên đất Mỹ nói riêng, chế độ này khó có thể thu phục được nhân tâm. Một là phải đợi đến trăm năm, hai là cho đến lúc chế độ độc đảng này hoàn toàn tàn lụi trên quê hương.

Người Việt, đất Mỹ


Huy Phương
Vũ Đoàn Danny Nguyễn và vở nhạc kịch sử Việt tại sân khấu trường Đại học Cộng đồng Laney, California. (Hình: Bùi Văn Phú)

Theo thống kê dân số Hoa Kỳ năm 2010, hiện nay có gần 1.8 triệu người Mỹ gốc Việt đang sinh sống tại Mỹ, chiếm một nửa tổng số người Việt sống ở nước ngoài. Con số này càng ngày càng tăng mà không có sự giảm sút. Hầu hết đều di cư đến Mỹ sau biến cố tháng 4-1975, khi mà người quân đội Bắc Việt chiếm miền Nam, được xem là một cơ hội thống nhất đất nước, từ đây, từ Bắc chí Nam, Việt Nam được đặt dưới quyền cai trị của đảng Cộng Sản, và những người sinh sống, phục vụ trong quân đội, chính phủ, đảng phái miền Nam đều được xem như kẻ thù cần triệt hạ hay cô lập.


Những người Việt bỏ nước ra đi trong nhiều đợt, - hoảng loạn trước và sau ngày xe tăng Bắc Việt vào Saigon, - những đợt vượt biển nguy hiểm, đầy sóng gió, chết chóc kéo dài trong vòng 25 năm, - đợt tù nhân tập trung “cải tạo” được Hoa Kỳ can thiệp cho nhập cư Mỹ, - đợt tìm về quê cha của những trẻ em lai Mỹ, - và 10 năm sau đợt người Việt Nam đặt chân đến Hoa Kỳ, một số đông gia đình được đến Mỹ, trong diện bảo lãnh thân nhân.

Ngoại trừ nhóm cuối cùng, những người Việt đến Mỹ đều với những lý do tù đày, bạc đãi, kỳ thị hay không phù hợp với chế độ, kể cả nghèo đói bị xô đẩy ra ngoài lề xã hội, họ đều là những thành phần bất đồng chính kiến với Cộng Sản Việt Nam ở trong nước. Do đó, Hoa Kỳ tuy có tòa Đại sứ, Lãnh sự đại diện cho nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa nhưng thực tế những cơ quan ngoại giao này không đại diện cho người Việt ở Mỹ, trừ một số du học sinh, cán bộ và gia đình cán bộ nhà nước.

Do đó nhiều người Việt tại Mỹ thường xuyên biểu tình lên án tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, và đã vận động nhiều chính quyền địa phương công nhận lá cờ vàng quốc gia của VNCH trước đây làm biểu tượng cho cộng đồng người Việt tại hải ngoại qua "Chiến dịch cờ vàng" và nay được xem là "Lá cờ Tự do và Di sản" (Heritage and Freedom Flag) của người Việt tại Mỹ.

Cũng theo cuộc khảo sát dân số, người Việt định cư tại Mỹ, tập trung ở miền Tây, chủ yếu là ở các khu vực đô thị. Ở tiểu bang California, người Việt chiếm nửa tổng số trên toàn nước Mỹ, tập trung đông đảo nhất tại Quận Cam, sau đó là San Jose, California, và Houston, Texas. Trong số 1,132,031 người từ 25 tuổi trở lên, 26,7% chỉ có trình độ tiểu học, (Mỹ chỉ có 15,5%) 21.5% học lực trung học hoặc tương đương, 19.1% có bằng cử nhân, phần lớn sinh tại Mỹ hay đến Mỹ lúc còn nhỏ (Mỹ chỉ có 17.4%.) 6.9% có bằng tốt nghiệp hoặc chuyên nghiệp về ngành nghề.

Về tuổi tác, cứ 100 người Việt thì có ba người cao tuổi trên 75, năm người từ 65-74, mười người từ 55-65, mười ba người từ 45-55, hai mươi người từ 35-44, mười lăm người từ 25-35, chín người từ 18-24, hai mươi thiếu niên 5-17 và có 9 trẻ em. Cộng đồng người Việt tương đối trẻ trung so với cộng đồng người địa phương.

Số tiền thu nhập cho mỗi đầu người Mỹ gốc Việt hàng năm là $20.074, thấp hơn con số $26.688 trung bình cho mỗi người Mỹ.

Theo một báo cáo do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây, Việt Nam nhận số tiền ngoại quốc gửi về nước là 12,25 tỷ đô la trong năm 2015, đứng thứ 11 thế giới.

Riêng số tiền người Việt ở Mỹ gửi về Việt Nam lớn nhất năm 2015 là 7.5 tỷ.
Về số người tham gia các hoạt động chính trị, cộng đồng Việt ở Mỹ, trong 40 năm qua chúng ta có gần 50 vị dân cử gốc Việt. Người Việt có thượng nghị sĩ tiểu bang, dân biểu tiểu bang, dân biểu liên bang, phụ tá bộ trưởng. Trong quân đội chúng ta có tướng một sao và nhiều sĩ quan giữ các cấp chỉ huy cao cấp. Phía tư pháp chúng ta có một số chánh án cấp tiểu bang, liên bang.

Cộng đồng người Việt Nam trên đất Mỹ thường được dân địa phương khâm phục hai điều, đó là học vấn và thương mãi.

Tuy nhiên cũng như các cộng đồng khác, hiện đang sống trên đất Mỹ, nhất là cộng đồng Việt Nam không phải là một khối đồng nhất. Họ đến Mỹ trong nhiều thời kỳ, bao gồm đủ thành phần xã hội, nhất là diện vượt biển, nên kiến thức, nếp sống không đồng đều, bên những hình ảnh tốt đẹp tích cực, cộng đồng nguồi Việt không tránh khỏi những điều tiêu cực không mấy đẹp cho khuôn mặt cộng đồng Việt Nam. Án mạng, cướp bóc, cờ bạc, ma tuý, đĩ điếm, băng đảng, trồng cần sa bất hợp pháp, gian lận các chương trình an sinh của chính phủ vẫn thường xẩy ra trong cộng đồng người Việt ở Mỹ.

Ông Cassidy, một nhân viên tư pháp của Orange County, nơi có con số người Việt định cư cao nhất, nói rằng hầu hết những thanh niên băng đảng đều nhỏ tuổi là những thuyền nhân vượt biển đến Hoa Kỳ sau năm 1977. Họ nghèo khổ, sống dơn độc, không có gia đình, không biết tiếng Anh, khó khăn trong chuyện kiếm được việc làm tốt. Thành phố Garden Grove có 175,000 cư dân, trong đó có gần 48,000 người Việt, và con số tội phạm chiếm 25%.

Gần đây báo chí người Việt ở địa phương đã trở lại những bài báo than phiền về lối sống thiều văn hóa như chen lấn, ồn ào, ăn cắp vặt, đối xử thô lổ trong cộng đồng người Việt, và chúng ta cũng biết rằng, người Việt hải ngoại chưa học hết chuyện văn minh của nước Mỹ, thì đã được hấp thụ lối văn minh “ao nhà” mỗi ngày mỗi nhiều từ những đợt người trong nước mới du nhập vào nước Mỹ gần đây!

Nghị quyết số 36 của Bộ Chính Trị CSVN về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” tất nhiên là nhắm vào thành phần người Việt ở Mỹ, đông nhất là ở tiểu bang California, gần như hoàn toàn thất bại. Sự thật, CSVN chưa thâm nhập được vào các tổ chức, đoàn thể cộng đồng, hiện diện được trong các sinh hoạt văn hoá, giáo dục, chưa có một lá cờ đỏ sao vàng nào được phép hiện diện trong quần chúng, ngoài các cơ sở ngoại giao chính thức tại Washington DC, San Francisco hay Houston.

Đối với cộng đồng người Việt Mỹ, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn còn dè dặt, nghi ngờ và qua những chuyện xảy ra hàng ngày trong nước, họ chưa tạo được lòng tin cho người Việt hải ngoại.

Với số tiền hơn 7 tỷ đô la gửi về Việt Nam mỗi năm, hằng trăm nghìn người chen chúc nhau về quê ăn Tết, nhưng tìm một chỗ “đất lành chim đậu” để có thể sống những ngày yên bình lúc cuối đời trên mảnh đất quê hương cho người Việt thì không, kể cả những người già neo đơn bệnh hoạn.

Chính phủ CSVN chưa tạo được sự hoà hợp và được lòng tin cậy của người dân trong nước, thì đối với người Việt ở nước ngoài, hay người Việt trên đất Mỹ nói riêng, chế độ này khó có thể thu phục được nhân tâm. Một là phải đợi đến trăm năm, hai là cho đến lúc chế độ độc đảng này hoàn toàn tàn lụi trên quê hương.


Huy Phương (VOA Tiếng Việt)