Huy
Phương
Lễ
kỷ niệm Ngày Nhân quyền cho Việt Nam tại Quốc hội Hoa Kỳ, 11/5/2017.
Tính từ Quảng Trị đến Cà Mau, đất miền
Nam trước năm 1975 gồm hơn 33 tỉnh, ngày nay lưu lạc xứ người, có đủ 33 Hội Ái
Hữu Đồng Hương. Không những chỉ những hội đồng hương
mang tên Thừa Thiên, Bạc Liêu mà còn những hội đồng hương của các địa phương nhỏ
hơn như đồng hương Bến Đá (Vũng Tàu) hay Vỹ Dạ (Huế).
Về các hội ái hữu, tại miền
Nam có hằng trăm trường trung học và trường chuyên nghiệp, mỗi trường đều có lập
nên một hội ái hữu như hội ái hữu trường trung học Duy Tân (Phan Rang),
hội ái hữu trung học Nguyễn Hoàng (Quảng Trị), hội ái hữu trung
học Phan Thanh Giản (Cần Thơ). Ở mỗi tỉnh lại có Hội Ái Hữu Liên trường
như liên trường trung học miền Nam, liên trường Quảng Nam - Đà Nẵng, liên
trường Quy Nhơn - Bình Định…
Về các ngành chuyên môn,
chúng ta thấy có hội ái hữu trường Sư Phạm Quy Nhơn, hội ái hữu trường
Nữ Hộ Sinh Quốc Gia, hội ái hữu Quốc Gia Hành Chánh.
Còn có những nhóm được lập nên, quy tụ nhiều thành
viên như Nhóm Phượng Vỹ ở Houston (dành cho các cựu nữ sinh Đồng Khánh trên
toàn nước Mỹ), nhóm Bến Cũ của những cựu quân nhân VNCH.
Trong tầm vóc rộng hơn, có các tổ chức như là Y Dược,
ái hữu Công Chánh thường có những đại hội thế giới hàng năm tổ chức ở những quốc
gia khác nhau.
Về phía các cựu quân nhân VNCH,
chúng ta thấy có các cuộc gặp gỡ, họp mặt của các đại đơn vị, các quân binh chủng
cho đến các tiểu khu (lực lượng quân sự ở mỗi tỉnh thành ngày trước). Các binh
chủng thấy có Gia Đình Mũ Đỏ (cựu quân nhân Nhảy Dù VNCH), Hội
Ái hữu Thuỷ Quân Lục Chiến (TQLC), Gia đình 81 Biệt Kích Dù (81BK), Hội
Biệt Động Quân (BĐQ), Hội Ái Hữu Hải Quân QLVNCH…
Tất cả các hội đoàn dân sự hay quân sự thường tổ chức
các dịp gặp gỡ (hội ngộ) hằng năm dành cho hội viên sinh sống trên đất nước Mỹ
hay các dịp hội ngộ thế giới. Các hội đoàn, ái hữu địa phương theo thường lệ mỗi
năm đều có tổ chức các buổi tất niên hay tân niên (trong nhà hàng hay hội trường
- vì là mùa rét,) và vào mùa hè với những buổi sinh hoạt ngoài trời, dưới dạng
“pic nic” với những diễn mục ca hát hay tranh giải thể thao, trò chơi, có sự
tham gia đông đủ của các em nhỏ, cháu nội, cháu ngoại của các hội viên.
Mỗi năm cộng đồng người Việt tị nạn ở khắp
các tiểu bang trên nước Mỹ đều có tổ chức các buổi diễn hành, các hội chợ văn
hoá, có
các cuộc thi như hoa hậu áo dài, thi nấu ăn, ca hát, thi vẽ.
Cộng đồng ở Mỹ càng lớn mạnh, càng thể hiện
tinh thần tương trợ, giúp đỡ đồng bào khó khăn hay bị tai ương trong nước.
Trong 15 năm vừa qua, đã có 11 lần, hải ngoại tổ chức những buổi ca nhạc gây quỹ
“Đại
Nhạc Hội Cảm Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH” để giúp những người lính bị
thương tật trước năm 1975, mỗi lần đều quyên được số tiền xấp xỉ 1 triệu đô la,
hay chương trình gây quỹ “Thương Về Miền Trung” do Đài Truyền
Hình SBTN tổ chức để hỗ trợ cho đồng bào Miền Trung bị thiên tai bão lụt và
nhân tai Formosa đã thu được gần $620,000. Với danh nghĩa là hội tương trợ, ái
hữu nhưng nhiều hội đã tổ chức các chương trình từ thiện như Hội Ái hữu Ninh
Thuận, Hội Liên Trường Việt Nam, hội Quảng Nam - Đà nẵng dành cho thương binh.
Không những chỉ cứu giúp dồng bào trong nước, rất
nhiều hội đoàn đã kêu gọi tình thương cho những nạn nhân thiên tai trên thế giới
sau các trận bão Katrina, sóng thần Tusami, bão lụt Phillipine …
Hằng trăm hội đoàn được lập ra với mục
đích từ thiện, mà có thể chúng tôi không có khả năng kể hết, như Hội
H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh VNCH, Hội Bạn Người Cùi, Help The Poor, Help The
Hungry, VN HELP, Ngọc Trong Đá, Quỹ Từ
thiện Teresa, Quỹ Việt-Mỹ, Hội Trái tim Bác ái, HộiSAP-VN, VOICE, New Hope for Disadvantaged Children...
Có hai điều, gần như là một thông lệ, nếu
không nói là nguyên tắc, là mỗi lúc các hội đoàn, ái hữu hội họp hay gặp gỡ, dù
là một tổ chức dân sự hay quân đội, đều luôn luôn mở đầu bằng một nghi thức
khai mạc với các tiết mục chào quốc kỳ Hoa Kỳ-VNCH, hát quốc ca Việt Mỹ, sau đó
là phần truy điệu những người đã khuất: chiến sĩ VNCH, những người chết trong
lao tù Cộng Sản, những người chạy trốn Cộng Sản đã bỏ thân trên đường vượt biển…
Điều
này chứng tỏ cộng đồng người Việt ở hải ngoại và ở nước Mỹ (có tổng số ½ người
Việt có mặt trên thế giới) luôn trung thành với căn cước tị nạn Cộng Sản của
mình, và lá cờ vàng ba sọc đỏ được xem như lá cờ Việt Nam chính thống và biểu
tượng cho cộng đồng người Việt ở Mỹ. Lá cờ này cũng đã luôn luôn có mặt, tung
bay trong các dịp hội họp, lễ Tết, hội hè, diễn hành, hội chợ. Và lẽ đương
nhiên cộng đồng lớn lao của người Việt Nam tại Mỹ
không chấp nhận chế độ cộng sản và những hoạt động của chế độ này trong cộng đồng
của họ.
Mặt khác, sinh hoạt cộng đồng
người Việt ở Mỹ luôn luôn gắn bó với văn hóa truyền thống Việt Nam như tổ
chức tế lễ tổ tiên, chúc thọ các vị cao niên, khuyến khích việc mặc quốc phục,
vinh danh học vấn của các thế hệ nối tiếp bằng cách trao các phần thưởng cho những
học sinh ưu tú trong cộng đồng.
Người Việt Tự Do ở Mỹ không những là chỗ
dựa tình thương cho nghèo đói, bệnh tật ở quê nhà, mà là hậu phương vững mạnh
cho phong trào đấu tranh cho tự do - dân chủ - nhân quyền ở trong nước. Cộng
đồng người Việt ở Mỹ đã tham gia biểu tình chống Formosa, thắp nến cầu nguyện
cho Chùa Liên Trì, cầu nguyện cho những người yêu nước tranh đấu bị giam cầm,
khủng bố. Cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng đã biểu tình tại các Tòa Lãnh Sự, Đại
Sứ Trung Cộng về những thái độ ngang ngược, lấn chiếm biển, đất Việt Nam.
Với quan điểm vùi dập dưới mắt của người thắng trận,
những người đã bỏ nước ra đi đều là những người chạy theo đế quốc để hưởng “bơ
thừa sữa cặn,” nhưng chính tập thể người Việt này, chỉ tính tại Hoa Kỳ này đã gửi
về cho Việt Nam số tiền 7.5 tỉ đô la mỗi năm, với mục đích là giúp người thân
đang gặp khó khăn hay nghèo đói ở quê nhà. Điều này, dù trong và ngoài nước có
thể khác nhau chính kiến, gần như cộng đồng người Việt ở Mỹ đã vô tình yểm trợ
một mức tài chánh lớn, đỡ đần cho những khó khăn của chính phủ khác chính kiến
với người Việt tị nạn. Mặt khác, những tổ chức từ thiện ở Mỹ cũng đã đóng góp
phần nào cho những khó khăn trong nước.
Cộng đồng người Việt trên đất Mỹ trưởng thành từ 42
năm, có hàng nghìn chuyên viên cao cấp và tay thợ chuyên môn, cũng như có khối
tài sản lớn có thể đang tìm cơ hội đầu tư hay tham gia giúp nước, nhưng thực tế
hiện nay, người Việt tại hải ngoại, nói chung, và người Việt trên đất Mỹ nói
riêng không có lòng tin vào chính sách và cung cách làm ăn của nhà nước cộng sản
hiện nay. Trái lại, đảng cộng sản cũng mang lòng ngờ vực đối với những người Việt
đang sống xa đất nước, dù có tài năng, tài sản, nhưng thiếu lòng trung thành với
đảng, vì nguyên tắc cố hữu đảng vẫn xem “hồng” hơn chuyên.” Những tổ chức như hội
Việt Kiều Yêu Nước, đón tiếp Việt Kiều về thăm quê hương, chẳng qua là những
chính sách mỵ dân rẻ tiền.
Cuối cùng thì thực tế, khối người Việt tại
Mỹ như là một quốc gia trôi giạt, hay một thực thể riêng biệt, càng ngày càng
xa cách với đời sống, ngôn ngữ và nếp suy nghĩ của những người đã bị cộng sản
cai trị trong suốt 42 năm nay. Một số người trong nước can đảm đứng
lên, vì tiếng nói lương tri, lập trường dân tộc, đi ngược lại đường lối chính
sách của đảng cộng sản Việt Nam đều bị nghiền nát hay bị gông cùm trong ngục tối.
Nhìn về tương lai của nước Việt, những người trong
nước thực sự đang kỳ vọng vào Cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Do đó, cộng đồng
người Việt chúng ta cần đoàn kết và trung kiên theo đuổi mục tiêu giành tự do,
dân chủ và quyền làm người cho đồng bào chúng ta.