06.09.2017

Một quyết định nửa vời đáng tiếc - Bùi Tín

„Không có lối thoát nào khác là từ bỏ dứt khoát, một lần cho mãi mãi một tổ chức mất gốc dân tộc, vay mượn từ nước ngoài những học thuyết sai lầm, ảo tưởng,…“

Một quyết định nửa vời đáng tiếc

GS Tuong Lai tại tư gia tại Sài Gòn.

Vậy là cuối cùng ông Tương Lai, một trí thức khá nổi tiếng trong nước đã rời bỏ đảng Cộng sản, nhưng với một quyết định nửa vời, nghĩa là không dứt khoát, tự cho vẫn còn là đảng viên đảng Lao Động Việt Nam của ông Hồ Chí Minh.


Tôi rất quý trọng ông Tương Lai (tên thật là Nguyễn Phước Tương) một trí thức hiếm hoi đất Thừa thiên - Huế, khá uyên bác, học nhiều, hiểu biết uyên thâm, có tư duy độc lập, gần đây nổi tiếng về các bài viết «Mông mênh thế sự, để gió cuốn đi…» sưu tầm tài liệu khá công phu, đặc sắc, tôi vẫn chờ để đọc kỹ hàng tuần. Gần đây nghe nói ông ốm, nhưng bút lực vẫn sung sức, tỏ ra ông đã khỏe.

Tôi mừng khi biết tin ông bỏ đảng Cộng sản hiện nay mà ông gọi là đảng của Nguyễn Phú Trọng, khi đảng đã thoái hóa, biến chất thành những nhóm đặc quyền, đặc lợi tranh giành nhau quyền lực và tài sản.

Tôi biết đây là một quyết định không đơn giản, khá dằn vặt, đau đớn, khi chế độ đã phong ông là Giáo sư, là Viện trưởng Viện Xã hội học, Tổng biên tập tạp chí Xã hội học, một thời là cố vấn cho các thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải. Hồi chuẩn bị cho Đại hội XII của đảng Cộng sản, ông Tương Lai đã cùng 125 trí thức - phần lớn là đảng viên cộng sản, viết thư yêu cầu đổi tên của đảng Cộng sản và đổi tên nước, không gọi là đảng Cộng sản và nước CHXHCN nữa. Đây là một đòi hỏi rất chính đáng, phù hợp với ý muốn của đông đảo nhân dân, của lẽ phải, hợp thời đại. Rất tiếc là Bộ chính trị đã khinh thị bỏ qua yêu cầu này.

Tôi rất đồng ý với ông Tương Lai khi ông lên tiếng phê phán ông Trọng một cách nghiêm khắc chính đáng. Tôi chia sẻ sự đánh giá rất ngay thật công bằng của ông vì bản thân tôi cũng đã có lần gặp gỡ, trò chuyện với ông Trọng hồi 1988 – 1989 khi ông Trọng là ủy viên ban biên tập của tạp chí Cộng sản, khi tôi là phó Tổng biên tập nhật báo Nhân Dân kiêm Tổng biên tập tuần báo Nhân dân Chủ nhật. Ông đã 2 lần ghé nhà tôi để yêu cầu viết bài cho tạp chí về cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ năm 1988 sau khi tôi dự họp ở Liên hợp Quốc – New York về. Khi ấy ông đi chiếc xe đạp cũ, ghé qua nhà tôi, hỏi chuyện về Hoa Kỳ và chăm chú nghe tôi kể về Hoa Kỳ, về cuốn sách «the best and the brightest» của David Halberstam tôi đang đọc về những bộ óc tài giỏi xuất sắc nhất của nước Mỹ đã bế tắc ở Việt Nam. 

Ông tỏ ra rất kém hiểu biết về phương Tây vì mới học ở trường đảng Nguyễn Ái Quốc và mới biết có nước Nga, khi tiếng Nga ông nói chưa sõi, sai cả danh từ và văn phạm, còn không biết chút gì về tiếng Pháp, tiếng Anh. Tôi rất lo ngại một con người còn thấp kém, thiếu tư duy, hiểu biết như thế mà lại là lãnh tụ số 1 của đảng và Nhà nước thì nguy hiểm quá! Một con người cô đặc giáo điều máy móc cực đoan, không thể có ai bảo thủ hơn!

Trái lại tôi rất tiếc là ông Tương Lai còn sùng bái ông Hồ Chí Minh. Ông đã tự mâu thuẫn với mình, không nhất quán với chính mình khi ông tự bảo công bằng, tôn trọng sự thật lịch sử.

Với thời gian, mọi thần tượng giả tạo, bản chất thật của ông Hồ đã lồ lộ rõ ràng. Một trí thức có tư duy độc lập không thể mù quáng lâu.

Ông Tương Lai có biết ai đã mang tên Trần Dân Tiên để viết nên tiểu sử tự tâng bốc mình là «Cha già dân tộc,» còn vĩ đại hơn Trần Hưng Đạo, Quang Trung?

Ai đã quỵ lụy xin phép Staline và vâng lời Mao để tiến hành Cải cách ruộng đất theo chỉ đạo của đoàn Cố vấn Tàu, giết hại 17.000 trung nông – trí thức yêu nước kháng chiến chống Pháp, bị vu cáo là địa chủ - ác ôn, bị bắn chết và chôn sống.

Ai trong thâm tâm không muốn xuất khẩu bạo lực vào miền Nam, ai không muốn coi vũ trang là bảo bối theo phương châm của Mao «chính quyền ở đầu ngọn súng, » ai e ngại cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968 là mạo hiểm, giá sinh mạng qua đắt, mà không dám can ngăn, không dám ra mặt chống lại bộ ba khát máu Lê Duẩn - Lê Đức Thọ - Nguyễn Chí Thanh, là Chủ tịch đảng, là lãnh tụ số 1, là Chủ tịch Nước mà ươn hèn, không dám có lập trường vững, để mặc cho bọn gian thần lộng hành mang lại thương vong hàng triệu sinh linh trẻ của 2 miền Nam Bắc, ông Hồ thật sự đáng chê trách, đáng lên án nặng nề nhất.

Hồi ấy tôi rất gần tướng Giáp. Ông rất tiếc là ông Hồ không nghe ông để can ngăn những quyết định «chủ quan, ngông cuồng, nguy hiểm khôn lường của 2 ông họ Lê», khi ông Giáp, cùng tướng Hoàng Văn Thái và tướng Lê Trọng Tấn đều suy nghĩ như nhau, coi Tổng tiến công tổng khởi nghĩa là chủ quan, liều lĩnh. Chỉ có ông Hồ là có quyền ngăn cản cuộc manh động phiêu lưu.

Cái rất đáng trách là ông Hồ chịu để cho bọn hiếu chiến cực đoan coi miền Nam ruột thịt là kẻ tử thù, đuổi ông sang Tàu nghỉ ngơi, đuổi ông Tổng tư lệnh Giáp sang Hungari dưỡng bệnh, để chúng tư do mở ra cuộc chiến Mậu Thân đẫm máu, một cuộc tự sát bi đát, chà đạp lên cam kết quốc tế «tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân Nam Việt Nam », cam kết «không dùng vũ lực để thôn tính nhau giữa 2 miền» ghi rõ trong Hiệp Định Gieneve 1954.

Thật là buồn cười khi ông Tương Lai muốn trở lại khôi phục đảng Lao Động Việt Nam! Tôi phải nói thật là ông lẩm cẩm rồi! Lẽ ra ông phải nhìn về tương lai phía trước – như chính tên ông – thì ông lại ngoái cổ về quá khứ! Đảng Lao Động ai chả biết ra đời tháng 2/1951 chỉ là cái mặt nạ của đảng Cộng sản Đông Dương, giả vờ giải tán ngày 11/11/1945, thật ra là rút lui vào bí mật. Chính dưới cái mặt nạ đảng Lao động mà đảng Cộng sản đã làm cuộc Cải cách ruộng đất đẫm máu người yêu nước, làm cho nông thôn, nông dân và nền nông nghiệp điêu đứng cho đến ngày nay. Chính dưới danh nghĩa đảng Lao động mà đảng Cộng sản làm hợp tác hóa - cải tạo nông thôn, cải tạo công - thương - nghiệp, rồi tự đề ra phương châm’’ đất đai là thuộc quyền sở hữu toàn dân, do Nhà nước thay mặt quản lý’’ để cướp ruộng đất của nhân dân, để tự cho mình quyền thu hồi với đền bù rẻ mạt.

Và cũng dưới cái mặt nạ đảng Lao Động mà quân cộng sản đã lao vào xâm lược miền Nam, một quốc gia có chủ quyền được nhiều nước công nhận hơn miền Bắc, ngang nhiên chà đạp cam kết quốc tế tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, không dùng bạo lực, sẽ thống nhất qua Tổng tuyển cử tư do, sẽ có Hội đồng Hòa giải dân tộc có 3 thành phần ở miền Nam.

Và cũng dưới mặt nạ đảng Lao Động Việt Nam, đảng Cộng sản đã trả thù, bỏ tù hàng lọat không phân biệt mọi sỹ quan, viên chức, chính đảng thuộc Việt Nam Cộng hòa qua cái gọi là hàng trăm trại cải tạo cực kỳ tàn bạo bất nhân.

Vậy thì mong anh Tương Lai không nên quyến luyến gì cái quá khứ tàn bạo tội ác ấy, tuy mang chiếc mặt nạ lao động hiền lành nhưng lại là thời kỳ tàn bạo nhất, hung hãn nhất, đẫm máu, tội ác nhất, để đến năm 1976 đảng toàn trị mới lấy lại cái tên Cộng sản, khi cao trào cộng sản bắt đầu suy thoái theo tốc độ rơi tự do, dẫn đến bức tường Berlin tưởng là lâu bền sụp đổ trong một đêm cuối năm 1989, và thành trị Cộng sản Liên Xô tan vỡ tan bành cuối năm 1991, để cho đảng Cộng sản Việt Nam sớm cảm thấy đơn côi, phải lép về đầu hàng ô nhục đảng Cộng sản Trung Hoa những mong được yên thân từ sự kiện đi đêm với mật ước Thành Đô tháng 9/1990.

72 năm là quá đủ cho mọi người có lương tri, có tư duy độc lập, có sự trung thực trí thức - probité intellectuelle – ngay thật với chính mình, bênh vực lẽ phải, thật lòng yêu nước mình, thật lòng thương dân mình, cùng nhân dân tìm ra lối thoát.

Không có lối thoát nào khác là từ bỏ dứt khoát, một lần cho mãi mãi một tổ chức mất gốc dân tộc, vay mượn từ nước ngoài những học thuyết sai lầm, ảo tưởng, cùng nhau dựng lên một tổ chức chính trị mới, trong sạch, hợp lòng dân hợp thời đại, ví như linh mục Nguyễn Văn Lý từng đề xướng là Tập Họp Quốc dân Việt Nam.

Bùi Tín (VOA)