18.02.2020

Chung Một Số Mệnh-Nguyệt Quỳnh

Chung Một Số Mệnh
Để tưởng niệm cụ Lê Đình Kình
một lão nông của thôn Hoành, người mở lại cho tôi
ký ức về bóng dáng của những sĩ phu trong lịch sử VN

Nguyệt Quỳnh

Nhà danh hoạ Leonardo Da Vinci có câu nói nổi tiếng: “Nếu bạn gắn được lộ trình của
mình lên một vì sao, bạn sẽ có thể điều khiển được bất kỳ cơn bão nào.
Câu nói của ông làm tôi hình dung đến những cơn bão trong lịch sử VN, đến bóng dáng
những con người đã điểu khiển những cơn bão ấy. Họ mặc áo nâu, đi chân đất, bình dị,
đơn sơ nhưng mạnh mẽ. Cùng với họ, biết bao nhiêu triều đại, biết bao nhiêu thế hệ đã
vượt buổi can qua. 

Hãy nghe về cuộc gặp gỡ của một danh tướng và một nho sinh ở làng Hàm Châu.

Vào thế kỷ thứ 13, khi Đại Việt đang phải đương đầu với quân Mông cổ. Một ngày nọ,
Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật tình cờ kéo quân qua làng. Đoàn quân đang đi thì gặp
phải một người đứng nghênh ngang giữa lộ. Quân lính thét la bảo tránh đường, thì người
ấy quay mặt lại mà mắng rằng: “Chưa đuổi được giặc phương Bắc mà đã đuổi người
Nam thì lấy ai mà chống giặc?”


Quân sĩ vào tâu lại. Trần Nhật Duật bèn cho dừng quân, vời người ấy vào hỏi chuyện.
Thấy là người tài đức, Chiêu Văn Vương bèn giao cho chức vụ tham mưu trong quân
ngũ; sau này lập công to làm đến chức Lâm Vĩnh Hầu. 

Người ấy là một nho sinh nghèo, sinh trưởng ở làng Hàm Châu tên gọi là Bùi Công
Nghiệp.
Dân như thế. Tướng như thế. Bảo sao Nước không mạnh!

Cũng với tinh thần của dân ấy, tướng ấy, người trai áo vải đất Tây Sơn đã tạo nên biết
bao nhiêu kỳ tích. Mà cũng chỉ có thể giải thích bằng câu nói của vị vua trẻ, gấp lên ngôi
khi giặc đã tràn qua biên cương: "Nước Nam ta tuy nhỏ, người lại không đông, nhưng
chứa đựng biết bao hồn thiêng sông núi. Xưa nay chưa có kẻ thù nào đến đây mà không
thảm bại. Nếu lấy trí tầm thường của kẻ phàm phu tục tử để tìm hiểu đất thiêng này thì
muôn đời vẫn u tối vậy". 

Đêm ấy là vào một đêm cuối năm, giữa ánh lửa bập bùng của núi rừng Tam Điệp, quân
Tây Sơn cùng với 10 ngàn tân binh về tụ nghĩa ở Nghệ An. Họ đứng ngồi bên nhau, cùng
lắng nghe vị vua trẻ chia sẻ về niềm tin của mình.

Nếu nói theo các chuyên gia tâm lý tây phương thì vua Quang Trung là một nhà truyền
đạt tuyệt vời. Ông có cái khả năng nối kết được chính mình với từng người dân, từng

người lính để trao cho họ niềm tin sắt đá của một vị thủ lĩnh. Ở một góc nhìn khác, “Hịch
xuất quân” của nhà vua đã thể hiện rõ cái nếp nghĩ của sĩ phu Việt thời ấy. Và chính cái
nếp nghĩ này mới làm nên chiến thắng.

Với quân số chỉ bằng nửa quân giặc, lại phải kéo quân về từ xa, chuyện đánh thắng giặc
chỉ có thể dựa vào quyết tâm sắt thép - PHẢI ĐÁNH THẮNG - phải thắng để giữ cho
răng đen, để giữ cho dài tóc. Phải thắng để giữ gìn bản sắc, để mình còn được là
mình. Cái tôi trong các sĩ phu thời ấy là cái tôi của nho sinh Bùi Công Nghiệp, một cái tôi
bản lĩnh mà bất cứ một quốc gia nào cũng cần đến những công dân như thế.
Và quả nhiên, nước sông Hồng mùa xuân năm ấy đã in dấu cuộc tháo chạy hoảng loạn
của quan quân Tôn Sĩ Nghị. Quân ta đã đánh một trận để đời - Đánh cho giặc manh giáp
tả tơi, Đánh cho chúng không còn một bánh xe để quay về Tàu. Và Đánh để chúng biết
rằng nước Nam này có chủ. 

Chỉ qua một đêm, với Hịch xuất quân ngắn gọn và những chia sẻ nhiệt thành, nhà vua và
các tướng sĩ như đã thấu hiểu lòng nhau và ngài đã lấy trọn được quyết tâm của họ. Rồi
cứ thế, cứ ba người một nhóm, họ thay phiên nhau, hai người cáng một đi suốt ngày đêm.
Thượng đế tạo ra con người thật nhỏ nhoi, nhưng con người cũng thật vĩ đại. Chính
những con người bình thường đó đã thay đổi số phận của biết bao người và thay đổi cả
lịch sử. 

Vượt hẳn cả ước tính của nhà vua, thay vì mùng mười âm lịch quân ta mới đuổi xong
giặc, thì ngay ngày mùng bảy tết, thành Thăng Long đã rợp bóng cờ Tây Sơn. Đích thân
vị tướng trẻ, Đại Đô Đốc Long đã tự tay mở cửa thành đón đại quân.

***

Tôi không rõ hết về tổn thất của quân ta trong trận này, tôi chỉ biết được rằng có đến
8000 người đã phải hy sinh trong trận công phá đồn Ngọc Hồi. Vinh quang và ô nhục nó
chỉ khác nhau một lằn ranh mong manh trong mỗi con người. Tôi hiểu vì sao Leonardo
Da Vinci, người được xem là “thiên tài toàn năng nhất lịch sử nhân loại” đã khẳng định -
con người có thể điều khiển được bất kỳ cơn bão nào.
Nhắc lại câu chuyện lịch sử để vuốt mắt cho một người “cộng sản cũ” (chữ của Ts Hà Sĩ
Phu). Đưa tiễn ông là tiếng than, là suối lệ đắng chát của bằng hữu. Nó là tiếng kêu đớn
đau của giống chim ưng khóc bạn, là những người biết mình có chung một lịch sử phi
thường, biết mình đã từng mạnh mẽ ra sao, đã tan vỡ và suy sụp như thế nào.
Riêng tôi, nhắc lại câu chuyện lịch sử, không dưng tôi cảm nhận sự gắn kết của chúng ta
với nhau thật chặt chẽ, và điều này cho tôi một cảm giác ấm áp đến rơi lệ. Mặt đất dưới
bàn chân ta đi mỗi ngày đâu chỉ là đất, nó là máu xương, là tro than của hàng bao nhiêu
đời. Thảm cỏ này, viên sỏi nọ, hòn đá kia như còn vang vọng tiếng vó ngựa, tiếng trống
trận uy linh, tiếng loa, tiếng cười,…Nó từng in dấu những vinh quang, nhưng nó cũng
thấm đẩm vị mặn của mồ hôi, của nước mắt, của những ngày nâng nhau cùng đứng dậy.

Khởi đầu một năm mới đầy biến động, trước anh linh người vừa khuất tôi xin được dâng
lên lời cầu nguyện. Nguyện cho mỗi chúng ta từ nay sẽ không là kẻ vô can và ngưng
đóng vai khán giả. Bởi tất cả chúng ta dù đang ở vị trí nào hay sinh sống ở nơi đâu đều
gắn kết cùng nhau chung một số mệnh - Số mệnh của dân tộc Việt Nam.