Láng giềng ở Đông Nam Á 'phải ghen tị' với Việt Nam vì EVFTA
Việt Nam được cho là đi 'tiên phong' thêm một bước và có lợi thế ở khu vực khi ký kết và có các hiệp định thế hệ mới EVFTA và EVIPA được thông qua tại EU
Một quốc gia láng giềng với Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á 'phải ghen tị' với Việt Nam vì có được hai hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư thế hệ mới ký kết và được Nghị viện châu Âu thông qua, một nhà báo độc lập từ Hà Nội nói với BBC News Tiếng Việt.
Bình luận tại một Hội luận chuyên đề đặc biệt hôm 13/02/2020 nhân sự kiện hai hiệp định EVFTA và EVIPA vừa được Quốc hội châu Âu phê chuẩn, nhà báo tự do Quốc Việt, người từng tu nghiệp về chính sách công ở nước ngoài và đang làm việc tại Hà Nội, nêu quan điểm riêng:
"Vài ngày trước, tôi có dịp may mắn gặp ông Đại sứ Indonesia tại Việt Nam trong một Hội nghị về thủy sản.
"Ông tỏ ra rất là 'ghen tị' vì Việt Nam có FTA (hiệp định thương mại tự do), mặc dù lãnh đạo của Indonesia, tôi cảm giác, năng nổ, nghĩ và làm việc theo tinh thần mà nghĩ cho sự phát triển của đất nước nhiều hơn là lãnh đạo của chúng ta.
"Tuy nhiên, có vẻ là Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu thật sự là đang ưu ái cho Việt Nam rất nhiều.
"Đây là một cơ hội thực sự rất là tốt và Việt Nam có tiềm năng trở thành một cường quốc ngoại thương của thế giới.
"Hiện giờ, trong khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam đã là nền kinh tế có độ mở lớn thứ hai chỉ sau Singapore.
"Và với hiệp định này, cùng với CPTPP (Hiệp định Đối tác và Tiến bộ xuyên Thái Bình dương), thì khả năng Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc thương mại của thể giới."
Giữa có và không thế nào?
Một chuyên gia về thương mại quốc tế, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh, bình luận về sự kiện, có so sánh với một quốc gia khác là Trung Quốc:
"Chúng ta cũng cần nhìn toàn cảnh của vấn đề, đó là bản thân kinh tế châu Âu cũng đang gặp rất nhiều khó khăn,
"Thứ hai, mở rộng thị trường là một vấn đề cấp thiết đối với các nền kinh tế châu Âu, nhất là trong hoàn cảnh mà Brexit đã được ký kết xong xuôi.
"Cho nên là một thị trường lớn, có thu nhập đang tăng nhanh như là Việt Nam, chắc chắn rằng đó là một cái hấp dẫn...
"Nếu như phải chọn giữa việc ký với Việt Nam và ký với Trung Quốc, thì những e ngại nào lớn hơn, thì tôi tin rằng đối vơi họ, e ngại cũng sẽ lớn hơn với Trung Quốc...
"Vì vậy, việc ký kết với Việt Nam bây giờ không còn gì là bất ngờ nữa.
"Mặc dù tất nhiên, khi nhận được tin ấy, với tư cách một người làm việc lâu năm trong ngành thương mại quốc tế và có nhiều người quen, cũng như là học viên tham gia vào quá trình đàm phán cũng như soạn thảo này, tôi cảm thấy rất là vui mừng với thành tựu này."
Ngay trước cuộc Hội luận chuyên đề hôm thứ Năm, một số nhà hoạt động, quan sát và nghiên cứu cũng chia sẻ góc nhìn và cảm nhận của mình.
Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, hôm 13/02, nói với BBC:
"Không nói tới vấn đề kinh tế, nói chung hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam, cũng như là hiệp định bảo hộ đầu tư sẽ có lợi cho hai nền kinh tế, có lợi cho các doanh nghiệp, cái đó chúng ta khỏi phải nói.
"Riêng đối với tôi, như là một người hoạt động, chúng tôi quan tâm đến vấn đề cải thiện về nhân quyền và những khả năng, triển vọng tạo thuận lợi cho dân chủ hóa ở Việt Nam.
"Tôi nghĩ rằng việc ký các hiệp ước này tạo được điều kiện tốt hơn, so với không ký và không thông qua hiệp định này. Nói cách khác, ý kiến của tôi là tích cực về việc Nghị viện châu Âu đã thông qua hai hiệp định này.
"Tất nhiên là hiệp định bảo hộ đầu tư còn cần phải được Quốc hội của từng nước thông qua, thì còn phải kéo dài, nhưng hiệp định thương mại tự do có thể có hiệu lực sớm từ tháng 7/2020 trở đi.
"So với không có hiệp định, tôi nghĩ rằng chắc chắn có hiệp định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho vấn đề cải thiện nhân quyền và dân chủ hóa. Tôi nói rằng nó chỉ tạo điều kiện thôi, quan trọng nhất vẫn là hành động cụ thể của người dân Việt Nam.
"Điều kiện có thể vừa là mất mà không mang lại gì cả, nhưng nếu người dân Việt Nam tận dụng cơ hội này để tạo áp lực lên chính quyền Việt Nam, cũng như là tạo áp lực lên bản thân EU, để làm sao tình hình nhân quyền được cải thiện, thì tôi nghĩ rằng có hiệp định này, hiệp định được thông qua là tốt hơn nhiều so với nó không được thông qua."
Một bước chính phục của EU?
Từ tổ chức Liên hội người Việt tị nạn tại CHLB Đức, bác sỹ Hoàng Thị Mỹ Lâm, người từng tiếp kiến và trao kiến nghị trực tiếp với Nghị Viên Liên Âu kiêm Chủ Tịch Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế (INTA ) Bernd Lange hồi tháng 12/2019, nói với BBC ngay trước Bàn tròn thứ Năm:
"EVFTA, những người ủng hộ chúng tôi nhận thấy rằng có quan điểm tương đương với ông Bernd Lange, quan điểm rằng là thứ nhất đẩy mạnh vai trò của EU tại Việt Nam, thứ hai là mở rộng phạm vi cho xã hội dân sự có một vai trò hoạt động tại Việt Nam. EVFTA chỉ là một bước trong chiến lược chinh phục thị trường ASEAN gồm 10 nước với 600 triệu dân ở Á châu, bước đầu là hiệp định thương mại với Singapore, bước tiếp sau của EVFTA là công cuộc đàm phán với Thái Lan, Malaysia và Indonesia, điều đó là chúng tôi được biết.
"Thứ ba, chúng tôi muốn trao đổi là sự cố gắng cài đặt nhóm tư vấn độc lập DAG (Domestic Advisory Group) để kiểm soát việc thực hiện các cam kết, đó là một biện pháp để đề phòng sự 'lật lọng' của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.
"Đó là một sự cố gắng của Liên minh châu Âu mà chúng tôi đánh giá, còn trong nhóm tư vấn độc lập này, chúng ta thấy là sẽ gồm có một đại diện của chủ nhân, một đại diện của phía công nhân và một đại diện của tổ chức dân sự bảo vệ môi trường, sẽ có một DAG Việt Nam và một DAG Âu châu của Liên minh âu châu và hai khối DAG này sẽ làm việc chung với nhau để kiểm soát lẫn nhau.
"Ngoài ra chúng ta thấy còn có một sự cố gắng để ràng buộc Việt Nam vào những cam kết, phê chuẩn hai tiêu chuẩn còn lại của tám tiêu chuẩn thuộc ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế), đó là tiêu chuẩn 87 và tiêu chuẩn 105. Nói tóm lại trong lần tiếp xúc với ông Bernd Lange và những cộng sự viên của ông cùng trong ủy ban về thương mại INTA, chúng tôi nhận thấy sự trăn trở của các nghị viên trong INTA về vấn đề Việt Nam hình sự hóa các tranh đấu bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam.
"Tuy có sự thiếu vắng về nhân quyền trong EVFTA, sự đòi hỏi cam kết thực sự thành lập nghiệp đoàn lao động Việt Nam và cơ chế kiểm soát của DAG là một cố gắng của Liên âu đối với người Việt trong nước và hải ngoại. Chúng tôi thán phục tinh thần dũng cảm của các nhà báo tự do, trong đó có nhà báo Phạm Chí Dũng và chúng tôi cảm tạ 68 tổ chức phi chính phủ cho đến giờ chót vẫn kêu gọi dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam và đòi hoãn lại EVFTA.
"Ngoài ra, số 200 nghị viên đã phản đối trong Quốc hội châu Âu một cách kịch liệt, chúng tôi vô cùng thán phục tinh thần chống lại sự thiếu nhân đạo của nhà nước cộng sản Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho dân chủ, tự do và nhân quyền cho Việt Nam, đó là một con đường dài và cũng không nên quên rằng quyền lao động là một viên gạch góp phần vào con đường đấu tranh dân chủ đó."
'Tin mừng lớn, thành công quan trọng'
Từ Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà nghiên cứu Nghiêm Thúy Hằng bình luận với BBC hôm 12/02:
"Đối với tất cả người dân Việt Nam, hơn ai hết, người dân Việt Nam luôn luôn mong muốn được đi về phía tiến bộ, phía hợp tác và thực sự được làm bạn với những người bạn ở khắp thế giới.
"Tuy nhiên, với những người bạn châu Âu, người Việt Nam rất mong mỏi được đi theo hòa bình, phát triển và tiến bộ xã hội, cho nên sự kiện các hiệp định được Nghị viện châu Âu thông qua sẽ là một cơ hội phát triển cho cả người dân, lẫn các doanh nghiệp và tôi đánh giá đây là một thành công rất quan trọng của ngành ngoại giao Việt Nam.
"Đã có sức thuyết phục, đã nhận được sự ủng hộ của Nghị viện châu Âu và đồng thời cũng thể hiện những thành công hay là sức thuyết phục của những nhân vật chịu trách nhiệm đợt này trong ban lãnh đạo của Việt Nam, mặc dù vẫn có những tiếng nói về vấn đề nhân quyền hay là vấn đề Đồng Tâm.
"Tuy nhiên là bạn bè thế giới vẫn nhìn Việt Nam với con mắt rất tích cực và vẫn tin tưởng là Việt Nam dần dần sẽ khắc phục được những vấn đề nhỏ và sẽ tiếp tục sánh vai với những cường quốc năm châu, trong đó có Mỹ hay là EU, là những quốc gia mà tôi đánh giá là rất quan trọng đang dẫn đầu với văn minh phương Tây.
"Thế thì việc được tham gia các hiệp định này, thậm chí còn trước cả Singapore, là một tin mừng rất là lớn."
Về phần mình, tại Hội luân chuyên đề hôm 13/02, từ Viện nghiên cứu Chính sách, pháp luật và phát triển, thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta), PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, nêu quan điểm:
"Tôi cũng như rất nhiều người Việt Nam nói chung rất phấn khởi và hy vọng. Nhưng bên cạnh đó, nó còn kèm theo một lo ngại có hai điểm. Một là Việt Nam tận dụng được như thế nào cơ hội mà các hiệp định này mang tới. Ở đây, nó liên quan tới vấn đề về thể chế kinh tế và những vấn đề khác liên quan.
"Đặc biệt là những vấn đề liên quan môi trường, lao động, các tiêu chuẩn về môi trường, về lao động, về sở hữu trí tuệ, đó hiện nay vẫn là những vấn đề rất lớn ở Việt Nam. Và điều quan trọng và bao trùm trên cả là vấn đề về thể chế kinh tế của Việt Nam.
"Hệ thống luật pháp của Việt Nam đã ổn chưa? Liệu nó có thúc đẩy, có tạo được môi trường để cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được các cơ hội mà hai hiệp định này mang tới hay không? Đấy là lo ngại thứ nhất."
'Phấn khởi đi kèm lo ngại'
Về khía cạnh được cho là phấn khởi, nhưng cũng đi kèm theo là lo ngại, luật sư và chuyên gia luật học Hoàng Ngọc Giao nói tiếp:
"Để hội nhập với quốc tế thì Việt Nam cũng bắt đầu thấy rằng cần phải có những thay đổi về mặt luật pháp và thể chế liên quan vấn đề quyền dân sự của người dân, của doanh nghiệp.
"Thế thì câu chuyện về quyền con người, thực ra vừa rồi đã được đặt lên bàn của Nghị viện châu Âu, và trong quá trình bỏ phiếu đã có những tranh cãi rất rõ ràng về câu chuyện này.
"Việt Nam cũng đã đồng ý là có được hoạt động của một số tổ chức của người lao động độc lập với công đoàn (nhà nước), mặc dù về mặt ngôn từ, theo tôi biết, chính quyền Việt Nam chắc là không thích sử dụng khái niệm gọi là "công đoàn độc lập", nhưng được hiểu là công đoàn ở cơ sở, do chính những người lao động lập ra.
"Vậy thì sau khi ký hiệp định này, cũng như vừa rồi sửa đổi luật Lao động, thì việc hiện thực hóa những thay đổi về thể chế như thế này, liệu có thực sự không? Nếu nó thực sự thì theo tôi sẽ rất tốt. Nó sẽ thúc đẩy được động lực cũng như đảm bảo quyền lợi của người lao động.
"Vấn đề tiếp theo nữa là liên quan đến quyền tự do của người dân, ví dụ như là quyền tự do ngôn luận, luật về quyền tiếp cận thông tin sẽ được sửa như thế nào? Có theo hướng là thúc đẩy ý kiến phản biện, đóng góp để xây dựng đất nước hay không?
"Hay là nó vẫn bị trói buộc bởi một số điều khoản mà lâu nay trong tất cả các kỳ kiểm điểm phổ quát định kỳ (UPR) trong việc thực thi các công ước về nhân quyền, đã có rất nhiều kiến nghị về việc phải sửa đổi hoặc chuẩn hóa một số điều luật của Bộ Luật Hình sự, với những tội danh tuyên truyền chống nhà nước, với những tội danh lợi dụng quyền tự do, dân chủ.
"Cái đó nếu sửa được cũng là một bước để huy động được trí tuệ của nhân dân, góp sức để cùng với nhà nước xây dựng một xã hội lành mạnh hơn, minh bạch hơn và qua đó cũng có thể còn có tác dụng góp phần thúc đẩy hiệu quả của cuộc đấu tranh mà hiện nay Tổng Bí thư đang chủ trì - đó là chống tham nhũng - mà chúng ta biết tham nhũng càng ngày càng nặng nề.
"Mà tham nhũng này, nếu như vẫn tiếp diễn theo đà như hiện nay, thì thành quả chúng ta ký kết được với EU liệu có là một thách thức, ảnh hưởng đến châu chuyện này hay không?," ông Hoàng Ngọc Giao nói với BBC.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi toàn văn cuộc trao đổi tại Hội luận chuyên đề đặc biệt về thông qua EVFTA và EVIPA tại Nghị viện châu Âu của BBC News Tiếng Việt.