Pfizer, BioNTech, Moderna thu được 1,000 USD mỗi giây từ vaccine COVID-19
Theo một phân tích mới của Liên minh Vaccine cho Người dân (People’s Vaccine Alliance, PVA), Pfizer, BioNTech, và Moderna đang kiếm được hàng ngàn dollar tổng lợi nhuận mỗi phút từ các vaccine COVID-19 của họ, trong khi chưa đến 1% số liều của mỗi công ty này đã được gửi đến các nước nghèo nhất thế giới.
PVA, một liên minh các tổ chức vận động cho việc tiếp cận rộng rãi hơn với vaccine COVID-19, đã tính toán dựa trên các báo cáo mới nhất của các hãng trên.
Liên minh này ước tính rằng bộ ba công ty này sẽ kiếm được 34 tỷ USD lợi nhuận trước thuế trong năm nay, tương đương với hơn 1,000 USD mỗi một giây, 65,000 USD một phút, hoặc 93.5 triệu USD một ngày. Tổng hợp lại, các chủ sở hữu tỷ phú của ba công ty này nắm giữ một khối tài sản ròng trị giá 35.1 tỷ USD.
PVA cho biết Pfizer và BioNTech đã phân phối chưa đến 1% tổng nguồn cung vaccine của họ cho các nước có thu nhập thấp, còn Moderna chỉ giao 0.2%. Trong khi đó, 98% người dân ở các nước thu nhập thấp chưa được chích ngừa đầy đủ.
“Thật là sai trái khi chỉ một số ít các công ty kiếm được hàng triệu USD lợi nhuận mỗi giờ, trong khi chỉ 2% người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp đã được chích ngừa đầy đủ để phòng ngừa virus corona,” bà Maaza Seyoum thuộc Liên minh Phi Châu và Liên minh Vaccine cho Người dân tại Phi Châu nói. “Pfizer, BioNTech, và Moderna đã dùng thế độc quyền của họ để ưu tiên các hợp đồng có lợi nhuận cao nhất với các chính phủ giàu nhất, phớt lờ các quốc gia có thu nhập thấp.”
PVA cho biết mặc dù nhận được hơn 8 tỷ USD tài trợ công, Pfizer, BioNTech, và Moderna đã “từ chối những lời kêu gọi chuyển giao khẩn cấp công nghệ và bí quyết vaccine cho các nhà sản xuất có năng lực ở các nước thu nhập thấp và trung bình thông qua Tổ chức Y tế Thế giới (WHO),” một hành động mà họ cho biết “có thể tăng nguồn cung toàn cầu, giảm giá, và cứu sống hàng triệu người.”
The Epoch Times đã liên hệ với Pfizer, BioNTech, và Moderna để đưa ra bình luận.
Trở lại hồi tháng Chín, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi các quốc gia ngừng chích các mũi vaccine COVID-19 bổ sung cho đến hết tháng Chín để các quốc gia nghèo hơn có thể cung cấp cho người dân liều vaccine đầu tiên.
Tổng Giám đốc WHO nói với các phóng viên rằng một số quốc gia có thu nhập thấp, trong đó có nhiều quốc gia ở Phi Châu, đang có ít hơn 2% dân số trưởng thành của họ được chích ngừa đầy đủ. Ngược lại, một số quốc gia có thu nhập cao có tỷ lệ chích ngừa cho người trưởng thành là 50%.
PVA đặc biệt chỉ trích Moderna vì đã không hợp tác giúp thúc đẩy kế hoạch chia sẻ công nghệ của hãng này để có thể xuất rộng rãi hơn tại trung tâm mRNA của họ ở Nam Phi, phớt lờ áp lực từ cả Tòa Bạch Ốc và WHO.
Hồi tháng Mười, Moderna cho biết họ sẽ cung cấp tới 110 triệu liều vaccine COVID-19 cho các nước Phi Châu.
Tháng 05/2020, Giám đốc Điều hành của Pfizer, ông Albert Bourla, đã mô tả ý tưởng chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ và công thức vaccine là “phi lý” và thậm chí là “nguy hiểm”, nhưng PVA nói rằng việc WHO chấp thuận sử dụng khẩn cấp vaccine Covaxin của Ấn Độ vào đầu tháng này là “bằng chứng rõ ràng cho thấy các nước đang phát triển có đủ năng lực và chuyên môn.”
Trong khi ba công ty được cho là sẽ kiếm được hàng tỷ dollar lợi nhuận trong năm nay, các nhà sản xuất vaccine AstraZeneca và Johnson & Johnson đã cung cấp vaccine của họ trên cơ sở bất vụ lợi, mặc dù gần đây cả hai hãng này đã thông báo rằng họ có kế hoạch chấm dứt thỏa thuận này trong tương lai.
Bà Jennifer Taubert, người đứng đầu bộ phận dược phẩm của Johnson & Johnson, nói với các phóng viên hồi tháng 10/2021 rằng công ty sẽ tiến vào thị trường thương mại vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023.
Trong khi đó, trong tuần lễ từ ngày 08–14/11, công ty dược phẩm AstraZeneca đã tiết lộ kế hoạch bắt đầu bán vaccine với “mức lợi nhuận vừa phải”.
Hôm 15/11, Pfizer và một nhóm do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn đã thông báo rằng nhà sản xuất thuốc này sẽ để các công ty bên ngoài sản xuất thuốc viên COVID-19 của mình.
“Pfizer vẫn cam kết mang lại những đột phá khoa học nhằm giúp chấm dứt đại dịch này cho tất cả mọi người. Chúng tôi tin rằng các phương pháp điều trị kháng virus đường uống có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm mức độ nghiêm trọng của nhiễm COVID-19, giảm gánh nặng lên hệ thống y tế của chúng ta và cứu sống nhiều người,” ông Bourla cho biết trong một tuyên bố.
Hiện thuốc viên vẫn chưa được phép phân phối ở bất kỳ quốc gia nào, nhưng Pfizer có kế hoạch sớm xin phép sử dụng khẩn cấp từ các cơ quan quản lý dược phẩm Hoa Kỳ, sau khi một nghiên cứu chỉ ra rằng thuốc viên có hiệu quả cao trong việc giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong khi được sử dụng trong vòng ba ngày kể từ khi có triệu chứng COVID-19.