Covid-19: Các quốc gia đóng cửa biên giới trước biến thể Nam Phi mới
Nhiều quốc gia đang thắt chặt các hạn chế đi lại sau khi phát hiện biến thể mới của virus corona ở Nam Phi vào đầu tuần này.
Vương quốc Anh, Singapore và Nhật Bản nằm trong số những quốc gia đang gấp rút thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ hơn và cấm các chuyến bay từ Nam Phi và các nước láng giềng.
EU thì đang đề xuất cấm các chuyến bay từ khu vực trên tới toàn khối.
Các nhà khoa học vẫn còn nhiều điều để tìm hiểu về biến thể mới này, nhưng nói rằng họ rất lo lắng về nó.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết sẽ mất vài tuần để đánh giá tác động của biến thể mới, khi các nhà khoa học đang nghiên cứu để xác định mức độ lây truyền của nó.
Biến thể này khác xa với những biến thể trước. Các nhà khoa học cho biết đây là phiên bản đột biến mạnh nhất. Điều đó có nghĩa là vaccine được tạo ra từ chủng gốc ở Vũ Hán có thể không còn hiệu quả.
Biến thể mới này vẫn chưa được đặt một cái tên dễ nhớ hơn, như Delta hoặc Beta, và hiện giờ nó được gọi là B.1.1.529. WHO dự kiến sẽ đặt tên cho nó vào thứ Sáu.
Các ca nhiễm được phát hiện ở những đâu?
WHO cho biết cho đến nay đã có dưới 100 ca nhiễm được báo cáo. Các trường hợp chủ yếu được xác nhận ở Nam Phi, nhưng cũng đã được phát hiện ở Hong Kong, Israel và Botswana.
Bộ trưởng Y tế Vương quốc Anh, Sajid Javid, cho biết hôm thứ Sáu (26/11) rằng nó "có khả năng cao" đã lây lan sang các nước khác.
Chỉ có khoảng 24% dân số Nam Phi được tiêm đủ vaccine, điều này có thể cho thấy sự lây lan nhanh chóng các ca nhiễm virus ở đó, Tiến sĩ Mike Tildesley, thành viên của nhóm Scientific Pandemic Influenza Modelling (Spi-M), nói với BBC hôm 26/11.
Tại Hong Kong, biến thể lây lan trong quá trình cách ly tại khách sạn giữa một người đến từ Nam Phi và một khách khác, người này có kết quả xét nghiệm dương tính vài ngày sau đó, bộ y tế cho biết. Cả hai đều đã được tiêm vaccine đầy đủ.
Ngày 26/11, Thủ tướng Israel Naftali Bennett nói rằng đang ở trên "miếng hố của tình trạng khẩn cấp", ám chỉ biến thể mới, và rằng ông sẽ "hành động nhanh chóng, mạnh mẽ và ngay bây giờ".
Một trường hợp được phát hiện từ một người trở về từ Malawi, truyền thông Israel dẫn lời bộ y tế nước này. Hai trường hợp khác bị nghi ngờ lây nhiễm vẫn chưa được xác nhận bởi kết quả xét nghiệm. Cả ba người này đều đã được tiêm vaccine đầy đủ.
Các quốc gia đang làm gì để ngăn chặn sự lây lan?
WHO cảnh báo việc các quốc gia vội vàng áp đặt các hạn chế đi lại, nói rằng họ nên tìm kiếm một "cách tiếp cận khoa học và dựa trên rủi ro."
Tuy nhiên, Vương quốc Anh, Nhật Bản và Hà Lan đã tạm dừng các chuyến bay từ các quốc gia nam châu Phi, gồm:
- Nam Phi
- Botswana
- Namibia
- Zimbabwe
- Eswatini (trước đây là Swaziland)
- Lesotho
Singapore, Ý và Israel đã đưa tất cả các quốc gia trên, cộng với Mozambique, vào danh sách đỏ của họ.
Người đứng đầu Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen, đang đề xuất toàn bộ khối EU cần đặt chân vào "phanh khẩn cấp" và dừng các chuyến bay từ khu vực nam châu Phi.
Cộng hòa Czech sẽ cấm nhập cảnh với những ai đã ở hơn 12 giờ tại những quốc gia trên kể từ thứ Bảy (27/11) này.
Đức, nước hiện đang trải qua đợt lây nhiễm thứ tư do biến thể Delta, sẽ chỉ cho phép các chuyến bay chở công dân Đức từ Nam Phi vào nước Đức, quyết định này có hiệu lực từ tối thứ Sáu, Reuters trích dẫn nguồn tin từ bộ y tế nước này cho biết.
Những người Đức trở về dù đã tiêm đủ liều vaccine vẫn phải cách ly 14 ngày.
Ấn Độ đã ra lệnh sàng lọc và xét nghiệm nghiêm ngặt hơn với du khách đến từ Nam Phi, Botswana và Hong Kong, truyền thông nước này đưa tin
Phản ứng của Nam Phi
Bộ Ngoại giao Nam Phi chỉ trích Anh quốc - một trong những quốc gia đầu tiên áp đặt lệnh cấm bay - vì điều mà nước này gọi là "quyết định vội vàng".
Trong một tuyên bố đưa ra, bộ ngoại giao nước này cho biết: "Trong khi Nam Phi tôn trọng quyền của tất cả các quốc gia trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để bảo vệ công dân của họ, quyết định của Vương quốc Anh tạm thời cấm người Nam Phi nhập cảnh vào Anh dường như vội vàng vì ngay cả WHO vẫn chưa đưa ra lời khuyên về các bước tiếp theo."
Người đứng đầu cơ quan chỉ đạo ứng phó của châu Phi đối với đại dịch virus corona nói rằng việc áp đặt các hạn chế như cấm bay không có khả năng làm giảm sự lây lan của biến thể mới.
Tiến sĩ John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi, nói với BBC Newsday: "Các hạn chế được áp đặt luôn gây khó khăn trong việc phối hợp đối phó."
"Nó không giúp ích gì cả ... nó chưa bao giờ giúp giảm sự lây lan của bất kỳ biến thể nào trên toàn thế giới," ông nói.