Ứng viên thủ tướng Anh coi Trung Quốc là 'mối đe dọa lâu dài lớn nhất'
BB
Ứng cử viên vòng cuối cho chức thủ tướng Anh Rishi Sunak gọi Trung Quốc là "mối đe dọa lâu dài lớn nhất với nước Anh" và cam kết sẽ cứng rắn hơn với nước này nếu ông đắc cử.
Một trong những cam kết thể hiện chính sách cứng rắn của chính phủ mới đối với Trung Quốc nếu ông Sunak trở thành thủ tướng là lời hứa sẽ đóng cửa tất cả 30 Viện Khổng Tử của Trung Quốc trên toàn nước Anh.
Các viện này được chính phủ Trung Quốc tài trợ trên khắp thế giới và được coi là trung tâm văn hóa và ngôn ngữ, nhưng giới chỉ trích cho rằng chúng là công cụ tuyên truyền và phát triển quyền lực mềm của Bắc Kinh, trong bối cảnh quan hệ giữa phương Tây và Trung Quốc ngày càng xấu đi.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, 42 tuổi, cũng đưa ra một loạt cáo buộc đối với Trung Quốc.
Ông chỉ trích chính quyền Bắc Kinh "đánh cắp công nghệ của chúng tôi và xâm nhập vào các trường đại học của chúng tôi", đồng thời "ủng hộ cuộc xâm lược phát xít của Putin vào Ukraine" bằng cách mua dầu của Nga, bắt nạt Đài Loan và vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Hong Kong.
“Họ tra tấn, giam giữ và nhồi sọ người dân của họ, bao gồm cả ở Tân Cương và Hong Kong, trái với quyền con người của họ. Và họ đã liên tục gian lận kinh tế toàn cầu để có lợi cho họ bằng cách kiềm chế tiền tệ của họ,” Rishi Sunak nói.
Ông Sunak hứa sẽ “tống cổ Đảng Cộng sản Trung Quốc ra khỏi các trường đại học của chúng tôi” bằng cách buộc các cơ sở giáo dục đại học tại Anh công khai bất kỳ nguồn tài trợ nước ngoài nào trị giá hơn 50.000 bảng Anh (60.000 USD) từ các đối tác nghiên cứu.
Vị cựu Bộ trưởng Tài chính cũng cam kết xem xét tất cả các quan hệ đối tác nghiên cứu giữa Anh và Trung Quốc mà có thể hỗ trợ Trung Quốc về mặt công nghệ hoặc ứng dụng quân sự.
Cơ quan tình báo trong nước của Anh MI5 sẽ được sử dụng để giúp chống lại hoạt động gián điệp của Trung Quốc trong các doanh nghiệp và trường đại học của Anh và ông sẽ tìm cách xây dựng hợp tác quốc tế “kiểu NATO ” để giải quyết các mối đe dọa từ Trung Quốc trong không gian mạng.
Rishi Sunak cho biết ông cũng sẽ xem xét khả năng có thể sẽ cấm Trung Quốc mua lại các tài sản quan trọng của Anh, bao gồm cả các công ty công nghệ nhạy cảm về mặt chiến lược, trước những lo ngại về quy mô đầu tư của Trung Quốc vào các ngành công nghiệp chủ chốt.
“Tôi sẽ ngăn Trung Quốc tiếp quản các trường đại học của chúng tôi, và cung cấp an ninh mạng cho các công ty và tổ chức công của Anh mà họ cần,” ông nói.
"Quá đủ rồi. Lâu nay các chính trị gia ở Anh và trên khắp phương Tây đã trải thảm đỏ và làm ngơ trước các hoạt động và tham vọng bất chính của Trung Quốc.
“Tôi sẽ thay đổi điều này ngay trong ngày đầu tiên làm thủ tướng," ông Sunak tuyên bố.
Phát ngôn viên của bà Liz Truss - ứng cử viên thứ hai cho vị trí thủ tướng nước Anh, cho biết bà ấy đã "củng cố lập trường của Anh đối với Trung Quốc" kể từ khi trở thành ngoại trưởng và "giúp dẫn đầu phản ứng quốc tế đối với sự gây hấn gia tăng của Trung Quốc", và cho rằng điều này sẽ chỉ được tiếp tục nếu bà Liz trở thành Thủ tướng.
Nhóm vận động tranh cử của bà Liz cáo buộc ông Sunak luôn tỏ ra "mềm mỏng" trước Trung Quốc và được truyền thông nhà nước Bắc Kinh hậu thuẫn khi họ nói rằng Hoàn cầu Thời báo đã "xác nhận một cách không chính thức" ông Sunak là thủ tướng.
Cả hai ứng viên Rishi Sunak và Liz Truss sẽ tranh luận trực tiếp trên truyền hình BBC vào thứ Hai (25/7).