03.08.2022

Trung Quốc tập trận ở vùng biển Đài Loan có nguy cơ dẫn đến chiến tranh không?-VOA

 Trung Quốc tập trận ở vùng biển Đài Loan có nguy cơ dẫn đến chiến tranh không?

Khi Trung Quốc bắt đầu cuộc tập trận chưa từng có kéo dài 6 ngày xung quanh đảo Đài Loan, các nhà phân tích an ninh cảnh báo nguy cơ leo thang gia tăng ngay cả khi Bắc Kinh tìm cách tránh làm cho việc phản đối chuyến thăm của bà Nancy Pelosi trở thành xung đột toàn diện.

Trung Quốc đã công bố các cuộc tập trận tại 6 địa điểm xung quanh Đài Loan ngay sau khi Chủ tịch Hạ viện Pelosi hạ cánh xuống Đài Bắc vào tối ngày 2/8.
Các quan chức Đài Loan cho biết các cuộc tập trận bắn đạn thật vi phạm các quy tắc của Liên Hợp Quốc, xâm chiếm không gian lãnh thổ của Đài Loan và là thách thức trực tiếp đến tự do hàng hải và hàng không.
Bộ Tư lệnh Mặt trận miền Đông của Trung Quốc cho biết một cuộc tập trận đa lực lượng với sự tham gia của Hải quân, Không quân, Lực lượng Tên lửa, Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược và Lực lượng Hỗ trợ Hậu cần Chung, đã diễn ra trên không và trên biển ở phía bắc, tây nam và đông nam Đài Loan hôm 3/8.
Quân đội Trung Quốc đã thực hiện các hoạt động bao gồm phong tỏa và kiểm soát, tấn công trên biển và bắn vào đất liền.
Các nhà phân tích được Reuters vấn ý cho biết vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có bắn tên lửa hành trình hay tên lửa đạn đạo trực tiếp vào hòn đảo này hay không hay lần đầu tiên tìm cách phong tỏa Đài Loan.
Tống Trung Bình, nhà bình luận quân sự ở Hong Kong, nói có vẻ Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc muốn phong tỏa hòn đảo nếu họ cần phải làm vậy trong trường hợp xảy ra chiến tranh sau này.
“Mục tiêu của các cuộc tập trận này, nói thẳng ra, là để chuẩn bị cho cuộc chiến quân sự với Đài Loan,” ông Tống nói.
Điều bất thường là các cuộc tập trận này đã được hãng tin nhà nước Tân Hoa Xã công bố với bản đồ định vị - điều mà một số nhà phân tích và học giả cho là cho thấy Trung Quốc muốn nhắm tới cả công chúng trong và ngoài nước.
“Chúng ta có thể thấy tham vọng của Trung Quốc: biến eo biển Đài Loan thành vùng biển phi quốc tế, cũng như biến toàn bộ khu vực phía tây của chuỗi đảo thứ nhất ở phía tây Thái Bình Dương trở thành phạm vi ảnh hưởng của mình”, một quan chức cấp cao Đài Loan nắm rõ về việc hoạch định an ninh của hòn đảo nói với Reuters.
Nếu Trung Quốc có được những gì họ muốn, quan chức này nói, tác động sẽ ‘là thảm họa cho sự an toàn và ổn định của các nước trong khu vực, cũng như cho nền kinh tế khu vực’.
Học giả an ninh Collin Koh ở Singapore cho biết chuyến thăm của bà Pelosi đã khiến Bắc Kinh mắc kẹt giữa việc phải cho thấy phản ứng sâu rộng, kiên quyết trong khi tránh xung đột toàn diện.
“Ngay cả khi họ muốn tránh kết cục đó, vẫn có khả năng đáng kể là sẽ có leo thang bất ngờ”, ông Koh, nhà nghiên cứu thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, cho biết.
Bản đồ các cuộc tập trận do Trung Quốc tung ra cho thấy chúng vượt xa các vụ bắn tên lửa ở eo biển vào năm 1996 khi Bắc Kinh phản đối cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên của Đài Loan trong sự kiện được gọi là Cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ ba.
Đáng chú ý, ở phía bắc, phía đông và phía nam, theo đề án tập trận, các khu vực tập trận đó chia đôi lãnh hải 12 hải lý của Đài Loan – điều mà các quan chức Đài Loan cho rằng thách thức trật tự quốc tế và dẫn đến phong tỏa vùng trời và vùng biển của họ.
Vào năm 1996, hải quân Mỹ đã điều hai tàu sân bay đến gần eo biển để chấm dứt khủng hoảng – động thái mà nhiều nhà phân tích cho là hiện giờ sẽ gặp khó khăn hơn do sự lớn mạnh về quân sự của Trung Quốc, bao gồm kho tên lửa lợi hại hơn rất nhiều.
Một quan chức Hải quân Mỹ xác nhận với Reuters hôm 2/8 rằng Đệ thất Hạm đội đã triển khai tàu sân bay USS Ronald Reagan và 4 chiến hạm khác, bao gồm tàu tuần dương mang tên lửa điều hướng, ở Biển Philippines phía đông Đài Loan nằm trong ‘kế hoạch bố trí thường xuyên’.
Ông Koh cho biết các máy bay trinh sát tân tiến của Mỹ và Đài Loan sẽ coi cuộc tập trận là cơ hội để thăm dò các hệ thống quân sự và thông tin liên lạc của Trung Quốc, và nó có khả năng làm tăng rủi ro nếu máy bay Trung Quốc đáp trả.