Đại hội ĐCS Trung Quốc: Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục nắm quyền nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp
BBC
Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục nắm quyền Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp, một điều chưa từng có kể từ thời cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông, người qua đời vào năm 1976.
Hôm nay tại Đại Lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, trước báo giới, ông Tập Cận Bình đã công bố bảy ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, ông nói "họ đều khá quen thuộc với các bạn", trong đó Lý Cường được công bố dự kiến là thủ tướng mới, thay thế ông Lý Khắc Cường, 67 tuổi.
Theo đó, ông Lý Cường, 63 tuổi, Bí thư Thượng Hải, được xem là quan chức đầu tiên, được thăng tiến từ cấp tỉnh lên thủ tướng, mà không hề có kinh nghiệm ở cấp trung ương.
Và ngoại trừ cựu Thủ tướng Chu Ân Lai, thì Lý Cường sẽ là thủ tướng duy nhất chưa từng trải qua chức phó thủ tướng.
Bảy thành viên của Thường vụ Bộ Chính trị đã ra mắt theo thứ tự sau Tập Cận Bình bao gồm:
- Lý Cường, Bí thư Thượng Hải, dự kiến là Thủ tướng
- Triệu Lạc Tế, Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương
- Vương Hỗ Ninh, Bí thư thứ nhất Ban Bí thư
- Thái Kỳ, Bí thư Bắc Kinh
- Đinh Tiết Tường, Chủ nhiệm Văn phòng trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc
- Lý Hy, Bí thư Quảng Đông
Nhà báo Stephen McDonell của BBC News tại Bắc Kinh đã có bình luận về Ban Thường vụ mới của Bộ Chính trị - cơ quan ra quyết định cao nhất ở Trung Quốc vừa được công bố hôm nay.
Lý Cường: Thật ngạc nhiên khi ông Tập Cận Bình bổ nhiệm Bí thư Thượng Hải phụ trách kinh tế trở thành tân thủ tướng của Trung Quốc và nhà lãnh đạo quyền lực ở vị trí thứ hai.
Ông Lý Cường chịu trách nhiệm cho những thất bại khi Thượng Hải bị phong tỏa và không thể cung cấp đủ thực phẩm cho hàng chục triệu người dân. Sự bổ nhiệm này sẽ được xem như lòng trung thành đối với Tập Cận Bình còn quan trọng hơn nhiều so với năng lực.
Thái Kỳ: Bí thư Bắc Kinh, người rất cởi mở và ủng hộ mạnh mẽ Tập Cận Bình.
Đinh Tiết Tường: Phụ tá thân cận, người đã hộ tống Tập Cận Bình trong tất cả các chuyến công du vào năm nay.
Lý Hy: Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông, người có mối quan hệ rất gần gũi với Tập Cận Bình. Lý Hy từng được cử đến Liêu Ninh để tiếp quản, và trừng trị những người đã gian lận số liệu GDP ở tỉnh đông bắc Trung Quốc này.
Triệu Lạc Tế và Vương Hỗ Ninh đều được tái đắc cử, và từng nằm trong Ban Thường vụ cũ của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.
'Thế giới cần Trung Quốc'
Phát biểu khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ ba, ông Tập Cận Bình nói, "Thế giới cần Trung Quốc".
Cụ thể ông nói, "Trung Quốc không thể phát triển mà không có thế giới, và thế giới cũng cần có Trung Quốc."
"Sau hơn 40 năm nỗ lực không ngừng nghỉ hướng đến cải cách và mở cửa thì chúng tôi đã tạo nên hai phép màu - sự phát triển kinh tế nhanh chóng và sự ổn định xã hội dài hạn."
Trước đó, ông Tập Cận Bình cảm ơn Đảng Cộng sản Trung Quốc "vì niềm tin đã trao cho chúng tôi" và nói rằng Trung Quốc đã đạt mục tiêu "thiết lập một xã hội khá thịnh vượng".
"Giờ đây chúng tôi đang có những bước tiến tự tin vào một hành trình mới để chuyển đổi Trung Quốc thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại ở mọi mặt. Để tiến tới mục tiêu thiên niên kỷ thứ hai và chấn hưng quốc gia ở mọi mặt, vì con đường tiến tới sự hiện đại hóa của Trung Quốc", ông khẳng định.
Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, làm việc trong 7 ngày, đã bế mạc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 22/10.
Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Đại hội còn thông qua Nghị quyết về Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX, Nghị quyết về Báo cáo công tác của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX, Nghị quyết về “Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc (sửa đổi)”.
Đại hội Đại biểu Toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc được tổ chức 5 năm một lần.