Hùng
Tâm
Hoa Kỳ sợ Tầu quá mạnh rồi quá yếu
Quãng ba chục năm trước,
nước Mỹ xôn xao vì sức mạnh kinh tế Nhật Bản, đến nỗi trong xã hội đã nổi lên
phong trào “Bài Nhật.” Ngày nay, người ta đang thấy tái diễn một phản ứng tương
tự, là bệnh “Sợ Tầu.”
Vào đầu thập niên 1980,
người Mỹ thấy kinh tế Nhật phát triển quá mạnh, tư bản Nhật tràn ngập Ðông Á đã
ào ào chảy vào Hoa Kỳ như thác lũ. Giá nhà đất của một quận của thủ đô Tokyo
còn cao hơn giá đất của cả tiểu bang California. Xe hơi Nhật chạy như mắc cửi
trên xa lộ Mỹ, với ưu điểm đẹp rẻ bền lại ít tốn xăng. Doanh nghiệp Nhật mua
các phim trường, bất động sản và cả biểu tượng văn hóa Hoa Kỳ là Rockefeller
Center ở New York. Người ta bình luận về sức mạnh Nhật Bản, viết truyện và dựng
phim về âm mưu mờ ám của tư bản Nhật. Ðây đó có người treo xe Nhật lên rồi lấy
búa nện cho tan tành....
Sau đó là lịch sử: kinh
tế Nhật bị khủng hoảng từ năm 1991, đến tuần qua mới có vài chỉ dấu tạm gọi là
khả quan mà không bền. Ở giữa là sáu đợt suy trầm mà chưa chắc là “ba mũi tên
cải cách” của chính quyền Shinzo Abe đã có thể đảo ngược nổi. Nhưng dư luận Hoa
Kỳ đã hướng nỗi lo qua chuyện khác.
Nói tắt về bối cảnh thì
sau gần chục năm lo sợ kinh tế Trung cộng sẽ bắt kịp Hoa Kỳ khi Mỹ bị khủng
hoảng tài chánh năm 2008 và kinh tế của Tầu vượt Nhật năm 2010, ngày nay dư
luận Mỹ lại sợ nạn trời sập bên Tầu sẽ văng miểng vào kinh tế Mỹ. Sẽ tìm hiểu
về cái bệnh “Sợ Tầu” này.
Trung cộng cất cánh
Từ 15 năm nay, sau khi
Trung cộng gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO với sự đồng ý của Hoa Kỳ,
thế giới bắt đầu giật mình vì sự xuất hiện của một cường quốc kinh tế mới. Sau
khi Liên Xô tan rã năm 1991, Liên Âu thành hình năm 1992 và khối Euro ra đời
vào năm 2000, thiên hạ mới chú ý đến nền kinh tế Hoa lục có một tỷ 300 triệu
dân, theo kinh tế thị trường từ năm 1980 và có đà tăng trưởng cao. Sau khi là
thành viên WTO, nền kinh tế đó hội nhập vào luồng giao dịch toàn cầu với mũi
nhọn là xuất cảng các mặt hàng chế biến với giá rất rẻ và thu về một kho ngoại
tệ vĩ đại.
Sự thật là sau 30 năm
hoang tưởng của Mao Trạch Ðông từ 1949 đến 1978 làm mấy chục triệu dân thác
oan, Ðặng Tiểu Bình mới tiến hành kế hoạch “cải cách và khai phóng kinh tế” từ
đầu năm 1979. Khi ấy, Bắc Kinh áp dụng chiến lược phát triển của các xứ Ðông Á
đã theo kinh tế thị trường từ trước, như Nhật, Nam Hàn, Ðài Loan và Singapore.
Nhưng khác với các mẫu mực Ðông Á là lấy tiêu thụ làm sức mạnh, chiến lược
Trung cộng lấy đầu tư làm lực đẩy cho sản xuất và sản xuất nhiều và rẻ thì tìm
sức kéo ở xuất cảng.
Trung cộng không phát
minh ra chiến lược ấy nhưng có ưu thế là dân số cao, nhân công nhiều và rẻ được
giải phóng khỏi chế độ tập trung kế hoạch nên đạt mức tăng trưởng trung bình là
gần 10% trong ba chục năm. Với sức tăng trưởng đó thì mỗi bảy năm sức nặng kinh
tế của xứ này lại nhân đôi, làm nhiều người Mỹ gọi là sự kỳ diệu và báo hiệu
một “Thế kỷ 21 của Trung cộng.”
Họ không thấy trào lưu
tương tự ở các nước Ðông Á đi trước, khi ấy được ca tụng là “tân hưng,” với
phẩm chất tăng trưởng cao chứ không tệ hại như Trung cộng. Sau đó các nước này
còn chuyển lượng thành phẩm và thoát khỏi hiện tượng “bẫp sập của lợi tức trung
bình” để tăng trưởng thấp hơn nhưng người dân có mức sống cao bằng khối công
nghiệp hóa tiên tiến trong thể chế dân chủ.
Cụ thể thì theo một công
trình nghiên cứu vào Tháng Năm vừa qua của Ngân Hàng Dự Trữ Hoa Kỳ tại khu vực
Minneapolis, lợi tức trung bình một đầu người của Trung cộng đã từ 1,300 đô la
vào năm 1980 tăng đến 7,700 đô la vào năm 2010: tăng 500% trong 30 năm (năm
2010 đó là khi sản lượng kinh tế Tầu vừa vượt Nhật Bản). Nếu chỉ nhìn vào Trung
cộng thì đấy là sự kỳ diệu. Nhưng ngày nay dân Nhật, Nam Hàn hay Ðài Loan lại
giàu gấp bội, với lợi tức đồng niên cho một người là hơn 36,000, hơn 28,000 hay
hơn 22,000. Ðó là nhìn vào không gian.
Nhìn theo trục thời gian
thì có một trào lưu chung là sau thời tăng trưởng cao như khi một phi cơ mới
cất cánh, các nước đó bước vào thời kỳ bay ngang, hay “bằng phi,” với đà tăng
trưởng thấp hơn. Nhật cất cánh từ 1951 và Nam Hàn từ 1954 và sản lượng một đầu
người tăng mạnh trong mấy thập niên đầu rồi chậm dần. Của dân Nhật thì khởi đầu
là 6.1% một năm rồi 5.4% vào thập niên 1970, rồi chỉ còn 2.2% từ thập niên 90.
Nam Hàn cũng thế, sản lượng một đầu người tăng 8.5% một năm trong thập niên 80,
rồi 5.8% trong 10 năm kế, và từ quãng 2000 về sau thì chỉ còn 3.8%. Trường hợp
Trung cộng cũng không khác và họ đang bước vào thời trì trệ, nhưng với lợi tức
trung bình một năm vẫn ở dưới 10 vạn đồng và lạc quan lắm thì năm 2030 sẽ bằng
32,8% của dân Mỹ hoặc quãng 2061 thì mới bằng được phân nửa của dân Mỹ.
Phi cơ hạ cánh vào thời
đình trệ
Sau khi Trung cộng cải
cách kinh tế thì thế giới ngợi ca việc đổi mới là có ý nghĩa lịch sử.
Nếu so với nhiều quốc
gia đã theo quy luật của thị trường cho tự do hơn, như Nhật Bản, Nam Hàn, Ðài
Loan hay Ấn Ðộ sau này, thì mức tăng trưởng của Trung cộng chẳng là phép lạ. Nó
còn được thổi phồng như cơ quan nghiên cứu độc lập của Mỹ là Conference Board
vừa lượng định lại sau nhiều năm khảo sát công phu. Một cách cụ thể thì trong
25 năm, đà tăng trưởng thực của Trung cộng thấp hơn số chính thức đến hơn một
phần tư, là tăng quãng 7.5% một năm thôi, cho nên thật ra kinh tế của xứ này
chưa có sức nặng như người ta nghĩ.
Ði vào chi tiết thì
trong 35 năm sau khi Ðặng Tiểu Bình mở cửa, kinh tế Trung cộng đã qua ba giai
đoạn cất cánh tuần tự.
Trước hết về phẩm thì họ
giải tỏa cho dân được làm ăn cho nên từ cái đáy của sự bần cùng nên kinh tế dễ
bật dậy. Về lượng là nhà nước chủ động dùng đầu tư làm lực đẩy, đến khi đụng
vào giới hạn của cơ chế kinh tế từ bảy tám năm trước thì yêu cầu cải cách được
đặt ra. Nhưng năm 2008, thế giới lại bị Tổng Suy Trầm và Bắc Kinh sợ suy thoái
nên hoãn cải tổ mà ào ạt bơm tín dụng để kích thích kinh tế. Khi đó, tư bản ứ
đọng từ khối Âu-Mỹ-Nhật bị đình trệ chảy về Châu Á để tìm mức lời cao hơn. Nhờ
vậy mà khi thế giới bị trì trệ thì Trung cộng vượt lên và qua mặt Nhật Bản từ
năm 2010, đấy là giai đoạn thứ ba.
Nhưng cũng do đó mà
Trung cộng tích lũy thêm yếu tố bất ổn và đang gây mối sợ khủng hoảng cho Hoa
Kỳ.
Vắn tắt thì cái nhân
khủng hoảng bên trong đã có, cái duyên ngày nay khi khối công nghiệp hóa, trước
hết là Mỹ, muốn tăng xuất cảng, giảm mức bơm tiền, hút lại lượng tiền đã bơm ra
và sẽ nâng lãi suất. Khi ấy, kinh tế Trung cộng bị rủi ro lớn, là điều có thể
xảy ra từ năm tới.
Thật ra từ Tháng Ba năm
2007, tổng lý Quốc Vụ Viện là Thủ Tướng Ôn Gia Bảo nêu ra bốn nhược điểm kinh
tế là “không ổn định, không cân đối, không phối hợp và không bền vững.” Ðáng lẽ
ông phải nêu thêm một cái không nữa là không công bằng. Ba năm sau, Tháng Sáu
năm 2010, người lên làm thủ tướng ngày nay là Phó Thủ Tướng Lý Khắc Cường cũng
viết trên tạp chí “Cầu Thị,” cơ quan lý luận của Trung Ương Ðảng và của Trường
Ðảng, rằng công cuộc phát triển của họ “tạo ra một cơ cấu kinh tế phi lý” và
“ngày càng thấy rõ chiều hướng thiếu phối hợp và không vững bền.” Khi ấy các
lãnh tụ khác như Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào sắp mãn nhiệm và Tổng Bí Thư Tập Cận Bình
sẽ lên thay cũng đều phát biểu như vậy.
Nghĩa là lãnh đạo xứ này
thấy ra vấn đề từ đã lâu mà không cải cách được cho tới ngày hạ cánh.
Hạ cánh bấp bênh
Y hệt như về Nhật Bản ba
chục năm trước, nhiều người không thấy ra các vấn đề của Trung cộng.
Nền kinh tế này nén tiêu
thụ để lấy đầu tư làm lực đẩy mà đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước kém năng
suất lại là chính nên mới gây lãng phí. Số đầu tư ấy lấy tiết kiệm rất cao của
dân mà đền bù rất rẻ nên gây ra bất công. Nhờ sản xuất ồ ạt bằng mọi giá, Trung
cộng có thể xuất cảng rẻ, là công xưởng cho thế giới, và giúp nhà nước độc
quyền thu về một lượng ngoại tệ kỷ lục có lúc lên tới bốn ngàn tỷ đô la làm dân
Mỹ hãi sợ vì trong đó có hơn ngàn tỷ là cho Mỹ vay. Bất trắc lớn là trong cơ
chế ấy, các đảng viên cán bộ cao cấp của khu vực nhà nước và ở địa phương thì
làm giàu dễ nên ủng hộ chiến lược cũ và cản trở việc cải sửa với lý do là sợ
giảm đà tăng trưởng.
Thế rồi vì đà tăng
trưởng nhờ đầu tư mạnh bắt đầu giảm và kinh tế toàn cầu bị suy trầm nên hãm đà
tiêu thụ hàng hóa Trung cộng cho nên kể từ năm 2008, lãnh đạo ồ ạt bơm tiền
kích thích sản xuất. Tín dụng quá rẻ, lại dồn vào thành phần kinh tế nhà nước
và đảng bộ địa phương nên thổi lên bong bóng đầu cơ trong tình trạng nợ quá sức
trả. Trong khi đó, tư doanh mới là lực lượng tạo ra việc làm nhờ tiểu doanh
thương thì không dễ vay tiền từ hệ thống chính thức, họ phải vay gián tiếp qua
thị trường chui, hay tín dụng ngoại ngạch, shadow banking, với lãi suất cắt cổ
và chỉ có thể hoàn trả nếu đầu cơ theo lối chụp giựt đầy rủi ro. Hậu quả là kể
từ 2008, kết số nợ của các cấp nhà nước công và tư nhân đã tăng hơn sản lượng
cả năm, bên trong có nhiều khoản nợ xấu, khó đòi và sẽ mất. Mà xấu đến cỡ nào
thì không ai đoán biết được.
Vì vậy, ngày nay, Hoa Kỳ
cũng lại Sợ Tầu. Nhưng là nỗi sợ ngược: Sợ kinh tế Trung cộng hạ cánh nặng nề,
hoặc hạ cánh tan tành rồi sẽ bị khủng hoảng tài chánh vì gánh nợ.
Kết luận ở đây là gì?
Nền kinh tế đứng hạng
nhì sau Hoa Kỳ là Nhật Bản đã bị khủng hoảng từ năm 1991 mà kinh tế Hoa Kỳ
không bị ảnh hưởng nặng. Ngày nay, nếu mà nền kinh tế hạng nhì là Trung cộng có
bị khủng hoảng thì hậu quả kinh tế cũng chẳng đáng ngại.
Nhưng hậu quả chính trị
lại khác, vì Nhật Bản là đồng minh của Mỹ mà Trung cộng thì không.
Ðấy mới là chuyện đáng
lo và đáng theo dõi khi Mỹ-Hoa có thượng đỉnh vào cuối Tháng Chín này.