Trục xoay về châu Á của Hoa Kỳ
đang ở đâu?
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (trái) gặp Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình bên lề hội nghị COP21 ở Paris, ngày 30.11.2015.
Năm tới, Tòa Bạch Ốc sẽ đón tiếp
nhiều lãnh đạo các nước châu Á-Thái Bình Dương, giữa lúc Mỹ tiếp tục gia tăng
sức mạnh và ảnh hưởng trong khu vực này. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng
trong năm 2016, Tổng thống Obama sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn năm 2015.
Trong một tuyên bố mới đây, Tổng
thống Barack Obama khẳng định Mỹ phải được kết nối với khu vực châu Á Thái Bình
Dương. “Châu Á Thái Bình Dương vô cùng quan trọng cho việc thăng tiến an ninh,
thịnh vượng và phẩm giá của con người trên khắp thế giới. Đó chính là lý do tại sao tôi dành ra rất
nhiều công sức trong chính sách đối ngoại của mình để gia tăng thêm nữa sự giao
thiệp của Mỹ với khu vực này”- ông Obama phát biểu.
Sau chuyến công du Đông Nam Á hồi
tháng trước, Tổng thống Obama cho biết quan hệ giữa Mỹ và vùng này sẽ được tăng
cường thêm nữa và 10 nhà lãnh đạo của các nước ASEAN sẽ đến thăm Tòa Bạch Ốc trong
năm 2016.
Năm 2015, nhằm củng cố vị thế lãnh
đạo của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương, Tổng thống Obama đã đón tiếp nhiều nhà
lãnh đạo khu vực tại Mỹ và gặp gỡ các nhà lãnh đạo khác trong nhiều nhiều
chuyến viếng thăm Á châu.
Nhưng mục tiêu của Mỹ nhằm xây dựng
một khu vực châu Á Thái Bình Dương hoà bình và thịnh vượng cũng còn tùy thuộc
rất nhiều vào quốc hội Mỹ và vấn đề quốc hội có phê chuẩn Hiệp định Hợp tác
Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm 2016 hay không. TPP được coi
là xương sống của thành tố kinh tế trong chính sách tái cân bằng lực lượng qua
châu Á của Mỹ.
Hiệp định thương mại qui mô lớn này
đang gặp phải sự chống đối khá mạnh tại Capitol. Christopher Johnson, một nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu
Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho rằng TPP không chỉ liên quan tới vấn đề kinh tế, thương mại. Đối với hầu hết
các nước châu Á, kinh tế chính là an ninh.
Marc Noland, một nhà
nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết những vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông cũng sẽ tiếp tục là
một thách thức lớn cho Mỹ trong năm 2016. “Những yêu sách chủ quyền và những hành động khác của Trung Quốc đã tạo
ra sự lo lắng cho nhiều người ở những nước nhỏ hơn trong khu vực, cho nên họ
hoan nghênh sự có mặt của Mỹ. Nhưng đồng thời họ cũng chẳng muốn bị lôi kéo vào
những vụ đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc”.
Liên quan tới cách hành xử một của
Mỹ trong vấn đề này, Johnson nói: “Mỹ sẽ
phải cố tìm cách giữa hai mục tiêu: một bên là tìm cách trấn an các đối tác và
các đồng minh trên khắp châu Á, nhất là Đông Nam Á, là Mỹ có mặt ở đó, Mỹ giữ
vững những cam kết về đồng minh quân sự trước những hoạt động mỗi ngày một tích
cực hơn của Trung cộng trong khu vực; và một bên là không làm cho Trung cộng
nghĩ rằng việc này là một chiến lược bao vây để tìm cách gây thiệt hại cho
quyền lợi của Trung cộng trong khu vực”.
Mỹ đã cam kết giúp đỡ các nước Đông
Nam Á tăng cường khả năng phòng vệ biển và yêu cầu Trung cộng ngưng xây đảo
nhân tạo, ngưng thực hiện những công trình xây dựng mới và ngưng quân sự hóa
những khu vực có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Tuy nhiên, cũng có chuyên gia cho
rằng trấn an đồng minh và đối tác châu Á về quyết tâm can dự lâu dài của Mỹ vào
khu vực đang trở thành thách thức quan trọng nhất đối với Mỹ do thái độ hoài
nghi ngày càng tăng trong số các lãnh đạo châu Á.
Douglas Paal, giám đốc
chương trình châu Á tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế nhắc lại rằng sự kiện
là Tổng thống Obama từng thiết lập một “lằn ranh đỏ” trên vấn đề Syria, theo đó
thì Mỹ sẽ can thiệp vũ trang chống Damas nêu chế độ Bashar al-Assad sử dụng vũ
khí hóa học, nhưng rồi sau đó lại lùi bước, chống lại việc dùng đến biện pháp
quân sự.
Theo chuyên gia này: “Các
lãnh đạo nặng ký (ở châu Á) đã rất quan ngại sau quyết định (của Mỹ) liên quan
đến Syria vào mùa hè năm ngoái”, trong bối cảnh họ đặt rất nhiều tin
tưởng vào việc Mỹ tiếp tục duy trì ảnh hưởng mạnh mẽ tại châu Á để làm đối
trọng với Trung cộng đang cố gắng thiết lập quyền kiểm soát lãnh thổ cả trên
biển và trên không, cả trên Biển Hoa Đông – đe dọa Nhật Bản, Đại Hàn, và cả Đài
Loan, lẫn Biển Đông, đe dọa Phi Luật Tân, Mã Lai Á và hầu hết các nước láng
giềng có chung vùng biển này.
Còn theo chuyên gia Andrew Hammond, nguyên cố vấn đặc biệt
trong chính phủ của Thủ tướng Anh Tony Blair trước đây, hiện là giảng viên tại
Trường Kinh tế Luân Đôn, mối lo ngại tại
châu Á về sự thiếu quyết tâm can dự của Mỹ lại càng gia tăng trong thời gian gần
đây sau vụ bán đảo Kriems sáp nhập vào Nga.
Bên cạnh hai yếu tố nêu trên, thái
độ hoài nghi của các đồng minh và đối tác châu Á của Mỹ còn bắt nguồn từ sự
kiện về mặt quân sự, ngân sách quốc phòng của Mỹ đã bị cắt giảm đáng kể, đe dọa
việc triển khai đầy đủ thành tố quân sự của chiến lược xoay trục.
Liên quan tới quan hệ Mỹ-Trung trong
năm tới, chuyên gia Johnson nói an ninh mạng cũng sẽ tiếp tục là một vấn đề dễ
gây xích mích giữa Mỹ với Trung cộng. Washington
tin rằng Bắc Kinh dính líu tới nhiều hoạt động gián điệp mạng nhắm vào chính
phủ và doanh nghiệp Mỹ. Trung cộng bác bỏ cáo giác đó. “Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy nhiều áp lực
chính trị hơn đối với chính phủ Obama đòi họ trừng phạt những kẻ hưởng lợi từ
hoạt động gián điệp mạng, và một khi điều đó xảy ra, Trung cộng có phần chắc sẽ
trả đũa”-ông Johnson nói.
Nguồn:Theo AFP. AP, Reuters, CNN