27.01.2016

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (27.01.2016)

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng
(27.01.2016)
Trung cộng tỏ thái độ cứng rắn về Biển Đông với Mỹ
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, trái, cùng người đồng cấp Vương Nghị trong cuộc gặp tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Ngoại giao Trung cộng Vương Nghị cho rằng Bắc Kinh "có quyền bảo vệ chủ quyền" ở Biển Đông, trong cuộc gặp gỡ Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang chuyến công du  qua 3 nước Á Châu là Lào, Campuchia và Trung Hoa lục địa.


Được biết chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ Kerry nhằm thảo luận nhiều vấn đề trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo ASEAN và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại California tháng tới.
Ông Vương hôm nay một lần nữa biện hộ về yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, đề nghị Washington cùng hợp tác để kiểm soát tình hình theo cách “xây dựng”, Reuters cho biết.
Đại diện ngoại giao của Trung cộng cũng nhắc lại quan điểm muốn giải quyết tranh chấp bằng đàm phán song phương. Ông Vương tuyên bố Trung cộng sẽ giữ cam kết không quân sự hóa Biển Đông.
Trong khi đó, ông Kerry cho rằng Mỹ và Trung cộng cần đạt được bước tiến trước “những quan ngại và hoạt động ở Biển Đông”. Hai nước nên tìm ra giải pháp để giảm căng thẳng ở khu vực này.
Trung cộng đang tăng cường việc bồi đắp và xây dựng phi pháp ở nhiều đá khác thuộc Trường Sa, khiến nhiều chuyên gia lo ngại nước này có thể lập các căn cứ quân sự, nhất là sau khi Bắc Kinh hồi đầu tháng đã đưa nhiều chuyến bay dân sự ra Chữ Thập, vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung cộng chiếm đóng trái phép.
Do tranh chấp liên quan đến nhiều nước, cả Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á và Brunei đều ủng hộ việc đàm phán đa phương và theo luật pháp quốc tế để tìm ra giải pháp cho tranh chấp ở đây.

Lào tuyên bố sẽ hỗ trợ Mỹ chế ngự Trung cộng trên Biển Đông
Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong

Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong đã tuyên bố như trên trong khuôn khổ chuyến thăm Vientiane hôm nay (25/1) của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, hãng thông tấn AP đưa tin.

AP dẫn lời Thủ tướng Thammavong cho biết, Lào sẽ tận dụng vị thế Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2016, để kêu gọi Đông Nam Á đứng lên trở thành đối trọng với Trung cộng trong khu vực. Đây sẽ là một phần chiến lược đối ngoại của Lào trong thời gian tới.
Theo AP, chuyến thăm Vientiane của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry được xem là để mở đường cho hội nghị ASEAN (Sunnylands, California trong tháng tới) với mục đích nhấn mạnh tầm quan trọng của Lào cũng như để truyền tải thông điệp chống lại sự bành trướng của Trung cộng tại khu vực.
Ông Kerry hội đàm với ông Thammavong. Ảnh: Reuters

Phát biểu trước báo giới, ông Kerry cho biết Thủ tướng Thammavong “đã thể hiện rõ quan điểm rằng ông muốn một ASEAN hợp nhất, một ASEAN nơi các quyền hàng hải được bảo vệ, tránh mọi hành động quân sự hóa và xung đột“.

Theo AP, các nước ASEAN như Việt Nam và Phi Luật Tân đang ngày càng tỏ ra quan ngại trước các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung cộng trên Biển Đông, cũng như những hành động xây dựng và cải tạo trái phép trên nhiều đảo đá thuộc vùng biển này.
Tuy nhiên, trong nội bộ ASEAN vẫn còn tồn tại bất đồng do một số quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng về nhiều mặt từ Trung cộng, khiến những động thái hợp nhất phản đối các hành vi của Bắc Kinh chưa thể được hiện thực hóa.
Năm 2012, khi Campuchia là nước nắm giữ vị trí Chủ tịch luân phiên, khối ASEAN đã không đạt được sự đồng thuận về vấn đề Biển Đông. Sau đó, Phnom Penh cũng nhiều lần tuyên bố Biển Đông “không phải là vấn đề của ASEAN”.
Do đó, không phải ngẫu nhiên khi Campuchia sẽ là điểm đến sắp tới của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong chuyến công du lần này.
Trở lại với tuyên bố cứng rắn của Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong, ông Murray Hiebert, chuyên gia nghiên cứu về Lào tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết, “lãnh đạo Lào nói vậy cũng không có gì quá ngạc nhiên“.

Chuyên gia này giải thích, với những thay đổi về nhân sự sau Đại hội X của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, chiến lược ngoại giao của Vientiane đối với Trung cộng cũng sẽ có những chuyển biến, và tuyên bố mới đây của ông Thammavong là một ví dụ.
Trong khuôn khổ chuyến thăm mới đây, ông Kerry cũng nhấn mạnh quan hệ Mỹ-Lào đang cải thiện rõ rệt sau nhiều năm chiến tranh và hoài nghi lẫn nhau. Ngoại trưởng Mỹ cùng lãnh đạo Chính phủ Vientiane đã thảo luận nhiều lĩnh vực hai bên có thể hợp tác vì lợi ích chung.
Dự kiến, cuối năm nay, ông Obama sẽ trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Lào, trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh ASEAN nơi Vientiane sẽ là chủ nhà.
Đức Huy

'Chủ nghĩa thực dân về hàng hải'

BBC
Trung cộng đã xây đường băng và bay thử tới Đá Chữ Thập

Đại sứ Việt Nam tại Nam Dương Hoàng Anh Tuấn, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Ngoại giao, hôm 25/1 vừa có bài viết trên tờ Jakarta Post nói về điều mà ông gọi là "Các diễn biến gây quan ngại ở Biển Đông".

BBC Tiếng Việt xin lược giới thiệu bài viết này.

"Thế giới bước vài năm 2016 với bổn phận phải đối phó với nhiều thách thức đáng lo lắng, từ sự bùng phát xung đột giữa Iran và Ả rập Saudi tới việc Bắc Triều Tiên thử bom khinh khí; tới các cuộc tấn công khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ, Burkina Faso, Indonesia và Pakistan.

Thêm vào các quan ngại an ninh này là hành động chưa có tiền lệ của Trung cộng ở Biển Đông, nơi đang tiềm tàng nguy cơ xảy ra những tai ương nghiêm trọng ở một trong những khu vực quan trọng nhất về địa chiến lược trên thế giới."

Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn điểm qua các diễn biến như việc Trung cộng xây dựng, cơi nới đảo nhân tạo ở Trường Sa hay bay thử xuống Đá Chữ Thập và cho rằng các hoạt động đó cho thấy "ý định tiếp tục chiếm cứ và thống lĩnh khu vực quan trọng cho giao thương Đông Nam Á và thế giới cũng như lưu thông hàng hải" của Trung cộng.

Ông nhấn mạnh việc tàu bay Trung cộng vi phạm vùng thông báo bay (FIR) của Việt Nam, chứng tỏ "Bắc Kinh không có ý định tuân thủ quy định và thông lệ" quốc tế.

Chủ nghĩa thực dân về hàng hải

Ông Tuấn cho rằng rõ ràng "hành động của Trung cộng đã đi ngược lại lời nói" của chính họ.

"Các hoạt động gần đây của Trung cộng ở Biển Đông cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng mở rộng phạm vi hoạt động trong khu vực, có những bước đi ngày càng nguy hiểm..."

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn đưa ra nhiều điều khoản công ước quốc tế mà ông cho rằng Trung cộng đã vi phạm.



Vị đại sứ Việt Nam thẳng thắn chỉ ra rằng Trung cộng vẫn đang tìm cách "thống trị toàn bộ Biển Đông".

"Trung cộng khó mà chối cãi rằng nước này đang theo đuổi cách tiếp cận chỉ có thể gọi bằng từ chủ nghĩa thực dân về hàng hải [maritime colonialism] đối với Biển Đông"

Ông nói việc làm của Trung cộng chính là lý do tại sao quá trình thương lượng giữa Asean và Trung cộng về Quy tắc Ứng xử (COC) kéo dài nhiều năm nay mà không có tiến bộ đáng kể.

Bài viết mạnh mẽ của ông Hoàng Anh Tuấn kết thúc bằng các khuyến nghị rằng Trung cộng cần chấm dứt tất cả các hoạt động cải tạo cơi nới đảo vốn đang thay đổi hiện trạng và dẫn đến quân sự hóa Biển Đông.

Ông cũng nói Trung cộng cần thực thi Tuyên bố chung về Ứng xử của các bên (DOC), phấn đấu đạt thỏa thuận COC với Asean và giải quyết các bất đồng dựa trên luật pháp quốc tế vì hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực "cũng phục vụ lợi ích lâu dài của Trung cộng".