Nghiệp đoàn độc lập vẫn mờ mịt sau TPP?
BBC
Image
copyright Reuters Image caption TPP đòi hỏi Việt Nam thay đổi
luật hoặc ra luật mới cho phép công nhân thành lập công đoàn độc lập
Một
nhà hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh bình luận với BBC rằng nghiệp đoàn độc lập
vẫn mờ mịt sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ký kết tại Tân
Tây Lan hôm 4/2.
Hôm 4/2, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng,
dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tại lễ ký kết TPP. Ông được báo trong nước dẫn lời
miêu tả đây là “cơ hội lớn cho kinh tế
đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối và chính sách của Đảng và Nhà
nước trong quá trình hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm.”
Trong khi đó, từ Sài Gòn, trong cuộc trao đổi với BBC
hôm 4/2, nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh
nói: “Ở góc độ đấu tranh cho quyền công
nhân, tôi không cảm thấy lạc quan khi TPP đi vào hoạt động thời gian tới. Vì thực tế cho thấy chính quyền sẽ không bớt trấn án các nhà hoạt động
nghiệp đoàn và tiếp tục ngăn cản mục tiêu hình thành nghiệp đoàn độc lập”.
Nhà hoạt
động cũng cho hay dù đang là những ngày cận Tết Bính Thân nhưng bản thân bà và
một số thành viên khác của Phong trào Lao Động Việt vẫn đang bị chính quyền
canh giữ, theo dõi gắt gao và ngăn cản những cuộc tiếp xúc với công nhân.
“Mới ngày hôm kia 2/2, công an đã bao vây một
quán cà phê, ngăn chúng tôi tiếp xúc với những công nhân ở Đồng Nai về chuyện
họ bức xúc về tiền thưởng Tết.
Hiện tại trước nhà tôi bao giờ
cũng có khoảng 30 chục người theo dõi nhất cử nhất động của tôi. Do họ luôn mặc
thường phục nên tôi khó có thể cáo buộc họ là người của chính quyền”, bà Hạnh kể.
Bà nói
thêm: “Tham khảo những điều khoản của
TPP, tôi được biết hiệp định này không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam
mà còn mở ra những cơ hội cho người lao động để cải thiện quyền lợi của họ. Vấn
đề là Việt Nam có thực thi những điều khoản liên quan đến nghiệp đoàn và các tổ
chức quốc tế có giám sát chặt chẽ và đưa ra biện pháp trừng phạt nếu không thực
hiện?”.
Image copyright FacebookMinhHanh Image caption Đại diện lãnh sự Hoa Kỳ đến thăm Minh Hạnh tại bệnh viện sau khi
bà cáo buộc công an Đồng Nai 'đánh đập thô bạo'
'Đánh
tráo khái niệm'
Theo bà, chính quyền đang
đánh tráo khái niệm ‘nghiệp đoàn độc lập’ với ‘nghiệp đoàn cơ sở’ do người của
họ ấn định để dễ bề kiểm soát, ngăn không cho công nhân tiếp xúc với các nhà hoạt động và giới luật sư,
cũng như tham gia các đợt đình công đòi quyền lợi.
Tháng
11/2015, bà Hạnh cáo buộc công an Đồng Nai đã "bắt giữ và đánh đập thô
bạo" bà cùng nhà hoạt động, nhà báo Trương Minh Đức tại trụ sở công an
phường Long Bình.
Hai nhà
hoạt động trên được tin đang cùng luật sư tư vấn cho công nhân công ty Yupoong
Vietnam về các quyền lao động và thành lập công đoàn độc lập thì "công an
mặc thường phục và sắc phục đến bắt giữ họ rồi cưỡng chế về đồn công an phường
Long Bình".
Việt Nam
đồng ý để người lao động có thêm nhiều quyền, như tự do lập công đoàn và đình
công để đổi lại lợi ích giao thương với Mỹ, theo phân tích của tờ New York
Times về TPP hồi tháng 11/2015.
Bài báo
viết, thỏa thuận đòi hỏi Việt Nam thay đổi luật hoặc ra luật mới cho phép công
nhân thành lập công đoàn độc lập.Công nhân sẽ được phép đình công không chỉ vì
lương và giờ làm, mà còn vì điều kiện làm việc và các quyền khác.
Các nhóm
công đoàn không phải gia nhập công đoàn của chính phủ Việt Nam, mà có thể hợp
tác với nhau, tìm giúp đỡ của bất kỳ “tổ chức lao động quốc tế” như Liên đoàn
lao động và hiệp hội của các tổ chức công nghiệp Hoa Kỳ (AFL-CIO).