Một bộ phim ngắn dài
tám phút của hai sinh viên trẻ sinh năm 1996 dựng lại những vết đổ vỡ thường
nhật trong đời sống một gia đình nông thôn ở miền Tây Nam Bộ.
Cảnh sông nước quen thuộc xuất hiện với cuộc sống của
hai vợ chồng lam lũ trên chiếc bè sát rìa sông. Phim "Bình minh" của
biên kịch Kim Cương và đạo diễn Huy Thăng có một cảnh quay quen thuộc: mâm cơm
bị hất văng, tiếng vợ chồng xô xát và con cái khóc thét. Chỉ có một khác biệt:
Người đang xô đổ cả gia đình và tấn công anh chồng là... cô vợ.
Sử dụng một hình ảnh quen thuộc và bị “lật ngược”, Kim
Cương đưa ra giả định khó chịu cho người xem: Hãy tưởng tượng, nếu người đánh
đập và làm tổn thương con cái là người vợ, thì người chồng và gia đình ở đâu
trong sự khốn khổ đó?
Image
copyrightSunrise Movie Image caption Trong bộ phim "Bình minh", hai tác giả trẻ đã xây dựng
một người đàn ông chăm lo gia đình
Hai tác trẻ sinh năm 1996 bày tỏ một vấn đề lớn trong
mái nhà ở nông thôn Việt Nam, nơi nữ quyền vẫn còn khác xa so với những bước
tiến dài mà phụ nữ ở thành thị có được. Kim Cương chia sẻ với BBC về quá trình
cô thực hiện bộ phim:
§
BBC:
Cô đã chọn bối cảnh và chất liệu từ đâu?
Ý tưởng xuất phát từ cảm
xúc. Khi làm cho một dự án bảo tồn chợ nổi, tôi và Huy Thăng tiếp xúc với dân ở
chợ nổi. Tôi có gặp một em bé tên Kim Hân. Em ấy nói với tôi về hoàn cảnh và
gia đình em. Nhà có ba chị gái, ba của em cũng nhậu nhẹt. Em ấy nói mỗi khi ba
nhậu về em buồn.
Lần đấy tôi suýt khóc khi
nói chuyện với Hân. Tôi hiểu rằng định kiến giới ảnh hưởng đến người đàn ông,
người phụ nữ nhưng người chịu đựng nhiều nhất vẫn là những đứa trẻ trong gia
đình ấy.
§
BBC:
Chỉ dài tám phút, vậy có phân cảnh nào thực sự gây khó cho cô không?
Phân đoạn mà tôi xúc động
nhất là tiếng khóc của đứa trẻ. Em Hân vừa dỗ em vừa chứng kiến cảnh cha mẹ
mình xé sách của em. Bản thân tôi ngay từ ngày còn nhỏ đã trải qua cảm giác như
vậy. Tôi hiểu được nỗi phập phồng, sự sợ hãi, bất lực của một đứa trẻ khi nhìn
thấy cảnh gia đình mình bất hòa.
Image
copyright Sunrise Movie Image caption Câu chuyện được viết từ chính
một cô bé miền Tây, với nỗi phập phồng lo sợ của em vì bất hòa gia đình
§
BBC:
Còn với khán giả, họ có khó chịu vì cô lật ngược lại hình ảnh người phụ nữ Việt
Nam dịu dàng, tần tảo, để hóa thân thành một phụ nữ hung dữ như thế?
Chúng tôi bị khó khăn rất
rất nhiều. Cả người đàn ông và người phụ nữ đều phải diễn khác với hàng ngày
của họ. Người đàn ông phải hiền lành, dịu dàng, buồn bã. Còn người phụ nữ phải
táo tợn, hung dữ.
Cả hai diễn viên của tôi
chưa từng tiếp xúc với điện ảnh, chưa từng biết đến kịch bản, thậm chí không
biết chữ. Người phụ nữ đóng trong phim không biết một chữ bẻ đôi. Họ diễn bằng
cách tôi kể cốt truyện cho họ nghe, rồi tôi đọc thoại cho họ, để họ có ấn tượng
về thoại, hiểu kịch bản. Khi diễn, tôi cho họ tự do thể hiện thoại, không ép họ
đọc chính xác thoại trong kịch bản.
Tôi biết người xem khó
tiếp nhận được một kịch bản như vậy. Một phần vì ekip chúng tôi non tay nên
khai thác không triệt để được hiệu ứng và có thể người xem khó hiểu. Nhưng tôi
vẫn nghĩ khi xem “Bình minh” thật chậm, chú ý thật kỹ từng tình tiết trong
phim, vẫn có thể lưu giữ trong lòng mình rất lâu.
§
Tại
sao cô không chọn diễn viên chuyên nghiệp để mọi thứ dễ dàng hơn, mà lại sử
dụng đến hai diễn viên như vậy?
Khi tôi có ý định viết
kịch bản này. Hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi là hình ảnh người phụ
nữ chèo chiếc xuồng đi trong sự chiêm nghiệm của người đàn ông, và cô ấy cô
độc. Tôi rất ấn tượng với chú Hùng (diễn viên Nam) - chú có vẻ ngoài rất miền
Tây. Để vào vai phim của tôi, chú chỉ cần là chính chú thôi đã thể hiện được
nỗi buồn của người đàn ông trong phim rồi.
Còn cô Kim Chưởng ngoài
đời là một người rất hiền lành, cam chịu. Đôi khi nói chuyện cô còn cà lăm nữa.
Tôi đã thuyết phục họ đóng cho bộ phim của tôi. Và có cơ hội nhìn lại gia đình
của mình.
Nghe tôi kể về kịch bản
cô Chưởng nói rồi rồi tao nhận lời liền, mày để tao, bữa đó tao chửi ổng cho
mày coi, tao phải phục thù mới được. Nghe vậy là tôi hiểu những uất ức mà cô
Chưởng chịu rồi.
Tôi cũng thú thật, hai
diễn viên đó là một gia đình thật, và bé Hân là con thật của họ.
§
Làm
sao cô thuyết phục được một người đàn ông nhận làm “thế yếu” để bị chính người
vợ mình “bắt nạt” trong phim?
Khi thuyết phục chú Hùng,
tôi rất sợ. Tôi nói Chúng con muốn thể hiện cho người ta thấy là người đàn ông
và phụ nữ đều có năng lực như nhau.
Image
copyright Sunrise Movie Image caption Nữ diễn viên Kim Chưởng là một
phụ nữ miền Tây không biết chữ, mưu sinh ở chợ nổi
Không ngờ, trong quá
trình diễn, chú Hùng rất xuất sắc, như là cảm được ý nghĩa của kịch bản, có lần
chú diễn rất sâu và còn sáng tạo ra thoại ngoài kịch bản nữa. Chi tiết hai vợ
chồng cãi nhau, khi chú Hùng bưng đồ ăn lên cho vợ, rồi bả chửi. Tôi không ngờ
chú diễn tự nhiên đến vậy. Không ngờ ông bả hoán đổi mình cho nhau họ lại làm
xuất sắc đến vậy. Chắc là sau khi nhận vai, cô chú sẽ có thời gian nhìn lại
cuộc sống của mình.
Ngày cuối cùng cô nói mày
viết bộ phim độc thiệt, hồi đó giờ ổng chửi tao không hà, bữa nay đóng phim này
tao chửi cho ổng biết.
Rõ ràng người phụ nữ chấp
nhận số phận phải bưng cơm hầu nước cho chồng con nhưng vẫn luôn ao ước mình
được thấu hiểu.
§
Người
phụ nữ ở trong tác giả kịch bản, trước khi viết bộ phim này là gì?
Phụ nữ miền Tây đặc biệt
ở nông thôn không có học nhiều. Từ nhỏ đã luôn nghĩ phụ nữ là phải giỏi việc
nước đảm việc nhà. Họ cam chịu số phận. Họ thấy chồng đi nhậu về, bưng cơm hầu
nước, không có gì để nói cả. Đó là trách nhiệm của họ.
Image
copyright Vo Huy Thang Image caption Đạo diễn Huy Thăng nói các em
chính là "tương lai của chợ nổi"
Thứ nữa là sự sẻ chia của
người đàn ông. Đàn ông phải nhận thức được bữa cơm trong gia đình không phải là
trách nhiệm, mà đó là sẻ chia. Ăn ở chung với nhau thì cùng nhau gánh vác việc
đồng áng, nuôi dạy con cái, buổi tối về cùng nhau ăn một bữa cơm. Đấy là hạnh
phúc, không phải trách nhiệm.
Nếu bé Hân không sống
trong hoàn cảnh như thế nó sẽ còn trong sáng hơn thế. Nó rất dễ buồn, khi nói
chuyện nó hay khóc. Mỗi khi cha nó đi nhậu về nó sợ, không dám nói chuyện với
cha. Tôi hi vọng nó có thể lấy tư cách là một đứa con, chứ không phải là một
đứa con gái để có thể nói cha nó không đi nhậu nữa.
§
Nông
thôn thì cô vừa mô tả, nhưng ở thành thị , nhiều phụ nữ lại quá muốn chứng tỏ
mình có quyền, mình phải thế này, phải làm được thế kia, phải không thua gì,
thậm chí phải đứng trên nam giới. Cô thấy thế nào, khi là phụ nữ?
Tôi nghĩ bình đẳng giới không
có nghĩa là chúng ta phải ăn mặc sexy, phải hút thuốc như đàn ông, không làm
việc nhà, giao mọi việc cho đàn ông làm. Sự bình đẳng thực sự là sự chia sẻ
trong gia đình. Cả người đàn ông và phụ nữ đều phải có quyền giáo dục, giải trí
và với công việc đều có trách nhiệm nuôi dạy con cái, chung tay góp sức cho mái
nhà.
Image
copyright Kim Cuong Image caption Nhóm làm phim được UNDP chọn
kịch bản để thực hiện bộ phim
Bình đẳng cũng không phải
là phụ nữ sẽ bắt đàn ông phục tùng mình, bắt đàn ông nhường nhịn. Đàn ông đi
nhậu mình phải nhậu. Đàn ông hút thuốc mình cũng phải hút thuốc.
Khi người đàn ông chưa đủ
hiểu về người phụ nữ của mình thì họ đừng gán ghép cho người phụ nữ là cái gì
hay không thể làm gì. Nếu họ không biết người phụ nữ có thể ra ngoài kiếm tiền
hay không, thì đừng nói người phụ nữ của mình ở nhà ăn bám.
Nếu buông một người đàn
ông và phụ nữ ra ngoài làm việc thì khả năng lao động đều như nhau. Phụ nữ có
thể làm việc nhà, vậy đàn ông cũng có thể làm việc nhà. Đừng viện cớ là tui
không biết làm, tui làm không được. Khi họ chấp nhận làm, họ có thể làm được.
Lan Phương (BBC Tiếng Việt từ Bangkok)
Về bộ phim "Bình
Minh"
§
Trần Ngọc Kim Cương và Võ Huy Thăng cùng sinh năm
1996.
§
Kim Cương học thông dịch tiếng Hoa tại Cần Thơ, Huy
Thăng học ngành Sư phạm Tiếng Pháp - Đại học Cần Thơ.
§
Cả ba diễn viên tham gia bộ phim đều không phải diễn
viên chuyên nghiệp
§
Diễn viên nữ - bà Kim Chưởng - không biết chữ
§
Kịch bản của Kim Cương được Chương trình Phát triển
Liên Hiệp quốc tại Việt Nam UNDP chọn cấp kinh phí thực hiện cùng một số nhà
làm phim trẻ khác trong dự án phim “Chung tay xóa bỏ định kiến giới” của tổ
chức này.