08.03.2016

Về chiến thuật trì hoãn, chây ỳ - Bùi Tín

Về chiến thuật trì hoãn, chây ỳ
Bùi Tín
Ở nhiều nước dân chủ chưa thuần thục, mới đạt dân chủ mức sơ khai hoặc dân chủ chưa đầy đủ, bộ máy Nhà nước thường dùng các thủ thuật để vi phạm hiến pháp, trong đó chiến thuật trì hoãn và chây ỳ là phổ biến nhất.

Chiến thuật đó thể hiện trong ý định cố tình trì hoãn việc soạn thảo các đạo luật để cụ thể hóa các quyền công dân ghi trong hiến pháp, làm cho các điều khoản trong hiến pháp không được hoặc rất chậm trễ đưa vào cuộc sống xã hội, làm cho nhiều điều ghi trong hiến pháp nằm chết trên giấy, cứ bị treo lơ lửng chỉ như đồ trang sức.
Chiến thuật trì hoãn chây ỳ như thế có thể kéo dài từ năm này qua năm khác, từ khóa quốc hội này qua các khóa tiếp theo, ở Việt Nam có những sự trì hoãn kéo dài 70 năm, kể từ bản Hiến pháp 1946, hay trì hoãn 34 năm kể từ bản Hiến pháp 1992.

Lãnh đạo đảng cộng sản đã lợi dụng dân trí Việt Nam thấp, am hiểu về hiến pháp, quốc hội, quyền dân chủ còn sơ sài, thông tin báo chí hầu hết trong tay đảng, đại biểu quốc hội 90 % là đảng viên, để duy trì những món nợ lớn với nhân dân, xã hội suốt 34 hay 70 năm mà không hề e ngại, băn khoăn.
Mới đây nhân Luật về biểu tình bị trì hoãn đến lần thứ 3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mới thốt lên: ‘’Tại sao cứ lùi đi lùi lại mãi? Do làm không được hay không chịu làm? Thường vụ Quốc hội không đồng ý với việc lùi. Chính phủ chưa trình Dự luật ra Ủy ban thường vụ Quốc hội, chúng tôi biết thế nào mà bảo là cho lùi. Đây là việc làm thiếu nghiêm chỉnh!’’.
Trước thái độ cố tình trì hoãn và chây ỳ không hạn độ của Nhà nước đảng trị như thế, thái độ công dân Việt Nam và các tổ chức xã hội dân sự nên ra sao?
Trước hết là lên tiếng mạnh mẽ bền bỉ vạch trần, lên án chiến thuật trì hoãn ù lỳ của đảng CS và Nhà nước. Luật Lập hội và Biểu tình bị trì hoãn là do thiếu sót, sai lầm, tội vi hiến của riêng phía đảng và Nhà nước, công dân và xã hội không có trách nhiệm nhưng lại bị thiệt thòi nhiều nhất, do đó nhân dãn có quyền cứ lập hội và cứ biểu tình theo đúng hiến pháp, không thể chờ mãi được. Chỉ có Nhà nước vi hiến, nhưng không phải vi vậy mà nhân dân có thể mất quyền công dân được.
Cho nên tuy chưa có Luật biểu tình nhân dân vẫn mặc nhiên có quyền biểu tình chống bành trướng, chống tham nhũng, chống triệt hạ hàng ngàn cây xanh ở Thủ đô, ủng hộ bà con dân oan, cũng như tuy chưa có Luật Lập hội mặc nhiên công dân có quyền lập Hội nhà báo độc lập VN, lập Văn Đoàn độc lập hay Đoàn luật sư bảo vệ công lý. Vì đó là quyền thiêng liêng hiến định, không một ai có quyền hủy bỏ, trì hoãn.
Trường hợp nữa là khi Luật đề ra những điều cụ thể không phù hợp với nội dung, tinh thần của hiến pháp, tức là Luật Con chống lại Luật Mẹ, Luật gốc thì nhân dân và công dân vừa có quyền tố cáo, khiếu nại, cũng có quyền không thi hành điều luật nào vi hiến, đó là thái độ đúng đắn, chuẩn xác của công dân đã trưởng thành, để bảo vệ hiến pháp, hiến pháp được tôn trọng nghiêm minh, bảo vệ nếp sống theo pháp quyền hiện đại.
Về tôn trọng triệt để các công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về quyền dân sự và chính trị, về tôn trọng nhân quyền Việt Nam đã ký kết tham gia, cam kết tôn trọng cũng vậy, các luật lệ, nghị định, sắc lệnh, việc làm của Nhà nước Việt Nam trái với các văn kiện cơ bản ấy cũng bị coi là vô giá trị. Hàng ngày hiện nay vô số công dân bị bắt bớ, chửi bới, bị đánh đập, tra tấn đến chết trong các đồn Công an là vi phạm cực kỳ nghiêm trọng các công ước nói trên, công dân VN có quyền kiện ra trước LHQ.
Ví dụ như hiến pháp quy định quyền tự do ngôn luận, tư do báo chí, nhưng Thủ tướng tuyên bố cấm tư nhân ra báo và xuất bản là một điều vi hiến rất nghiêm trọng. Ở các nước dân chủ quốc hội sẽ nhao nhao lên phản đối, các báo chí sẽ kêu ầm lên và đòi truất chức ngay.
Một ví dụ nóng hổi là các Hiến pháp 1956 đến Hiến pháp 2013 đều ghi rõ bầu cử ở VN là tự do, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Vậy mà các ứng cử viên ngoài đảng hết bị đem ra cuộc họp phường xóm, khu phố chất vấn kiểu đấu tố, lại bắt phải được Mặt trận Tổ quốc xét duyệt trước với cái trò gọi là hiệp thương không hề được ghi trong hiến pháp, vi phạm ngang nhiên cả ba tính chất dân chủ, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
Hay khi Ban lãnh đạo bầu cử chia trước ghế của 500 ghế trong Quốc hội, đảng viên CS chiếm 480, cộng với vài người cảm tình của đảng được đảng chọn lựa, nghĩa là gần 100% là người của đảng, trong khi đảng viên CS chỉ có 4 triệu. Dân có trên 90 triệu người, nhưng dân tự ứng cử trúng cử chỉ được quy định số ghế không quá 20 người. Lại một điều Vi hiến khổng lồ không hề được quy định trong hiến pháp.
Ở VN do tệ coi thường hiến pháp nên các pháp luật của Nhà nước cũng thường xuyên bị vi phạm bởi các ‘’văn kiện dưới luật’’ như các sắc lệnh, quyết định, hướng dẫn thi hành, chỉ thị, thông tri . Theo Bộ Nội vụ và Thanh tra Chính phủ cho biết trong 2 năm qua đã có đến hơn 21 nghìn văn kiện vi phạm luật pháp, phải uốn nắn, sửa chữa hay hủy bỏ, như mới đây cho nhân viên công an có quyền trưng dụng mọi phương tiện giao thông vận tải của tư nhân, do Bộ Công an công bố.
Tất cả các hiện tượng trên cho thấy tinh thần thượng tôn luật pháp và thượng tôn hiến pháp ở VN là gần như con số không.

Nhân dịp cuộc bầu cử quốc hội tháng 5 tới, có sự tham gia tự ứng cử của một số ít người ngoài đảng, việc tôn trọng luật pháp, hiến pháp cần đặt ra thật nghiêm cách, để đây có thể là một cuộc tập dượt dân chủ quan trọng cho toàn xã hội trong đó có đảng CS, từ Bộ Chính trị đến các đảng viên thường, vì lợi ích chung của đất nước, của toàn dân.
Bùi Tín (bài đăng trên VOA tiếng Việt)