08.03.2016

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 08.03.2016)

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng

(ngày 08.03.2016) 


Châu Âu làm được gì để chống Trung cộng quân sự hóa Biển Đông ?

Hình ảnh vệ tinh cho thấy hòn đảo trong Trường Sa, đánh dấu nơi có thể Trung cộng đặt trạm radar. (Ảnh do Viện CSIS phổ biến ngày 23/02/2016).REUTERS/CSIS Asia Maritime Transparency Initiative/DigitalGlobe/
Cuối tháng Hai vừa qua, một nhóm học giả, chuyên gia hoạch định chính sách và viên chức chính phủ, trong đó có nhiều người đến từ châu Âu, đã họp lại tại Rangoon (Miến Điện) để thảo luận về các thách thức chiến lược tại vùng Đông Nam Á, trong đó có vấn đề Biển Đông. Trong một bài viết đăng trên trang web tạp chí Mỹ Forbes vào hôm qua, 06/03/2016, chuyên gia Úc John Lee, giám đốc Học Viện An Ninh Khu Vực tại Canberra đã nêu bật những gì mà châu Âu có thể làm được, đặc biệt là trong việc ngăn không cho Trung cộng quân sự hóa Biển Đông, khuấy động tình hình ổn định trong khu vực.

Đối với chuyên gia Úc này, điểm cần ghi nhận đầu tiên là châu Âu thường không được chú ý mỗi khi quốc tế bàn về các vấn đề địa lý chiến lược vùng châu Á. Lý do rất dễ hiểu. Ngoại trừ Anh Quốc và Pháp là hai nước có tiềm lực triển khai lực lượng tại các chiến trường xa xôi, các nước còn lại chỉ có thể quanh quẩn chung quanh lục địa châu Âu mà thôi.
Ngay cả Anh và Pháp, hai nước này cũng không có nhiều cơ sở trong vùng Đông Nam Á, nơi mà Trung cộng đang muốn lao vào tranh giành vai trò cường quốc khu vực số một, chống lại siêu cường đang tại vị là Hoa Kỳ.
Thế nhưng, đối với với chuyên gia John Lee, không phải là châu Âu hoàn toàn không thể làm được gì cho việc cải thiện tình hình khu vực. Vấn đề là phải biết biến những gì thường được xem là nhược điểm của châu Âu, thành thế mạnh.
Nhược điểm nổi bật nhất là sự hiện diện khiêm tốn của châu Âu về mặt chiến lược và quân sự trong khu vực. So với các cường quốc khác như Mỹ, Trung cộng, Nhật Bản, Nga và trong chừng mực nào đó là Ấn Độ, thì trên hai phương diện này, trọng lượng của châu Âu chẳng là bao.
Thế nhưng, chính vì  không có quyền lợi chiến lược và quân sự trong vùng nên châu Âu có thể được công nhận là một tiếng nói vô tư, không thiên vị (ít ra là về hình thức). Liên Hiệp Châu Âu, trong tư cách là một khối, hay một nước nào đó, có thể nhờ điều này để đề ra, hay đứng ra bảo trợ cho một sáng kiến đa phương, để lên án mọi hành vi sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Châu Âu cũng có thể lên án các quốc gia xây dựng đảo nhân tạo và các cấu trúc khác trong vùng biển tranh chấp, và khiển trách bất kỳ quốc gia nào không chịu dùng luật pháp quốc tế để biện minh cho đòi hỏi chủ quyền của mình, không chịu để cho các cơ quan luật pháp quốc tế phân xử.
Đối với chuyên gia John Lee, châu Âu đã chấp nhận tất cả các nguyên tắc nêu trên, nhưng Liên Hiệp Châu Âu hay từng thành viên một, vẫn chưa thực sự đứng ra bảo vệ các nguyên tắc đó, đặc biệt là trước mặt Trung cộng.
Dĩ nhiên là cho đến nay, nhiều nước đã có đề cập đến các vấn đề trên với Bắc Kinh, nhưng không thành công. Mỗi khi bị chỉ trích, Trung cộng thường phản bác ngược lại rằng các nước phê phán đi theo lập trường của Mỹ và đồng minh muốn ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung cộng.
Thế nhưng, đối với nhà nghiên cứu John Lee, châu Âu đang có một lợi thế khách quan để phê phán lập trường của Trung cộng tại Biển Đông.
RFA 

Ba giải pháp của Việt Nam ở Biển Đông


Image copyright  Other     Image caption   Trung cộng đang tăng cường cơi nới đảo
Các hoạt động chiến lược nhằm chiếm hữu dần dần Biển Đông đang gây nên e ngại nghiêm trọng không chỉ đối với các nước trong khu vực.
Đây là nội dung cuộc phỏng vấn một chuyên gia từ Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp, Jean-Vincent Brisset:

Ông nghĩ sao về việc Trung cộng đang cố gắng cải tạo các bãi đá chìm thành đảo nhân tạo và bồi đắp các đảo nhỏ thành lớn hơn?

Brisset: Luật Biển không thừa nhận những gì được xây dựng trên những thực thể không được coi là hòn đảo. Vì vậy, trên quan điểm về chủ quyền, thì xây dựng trên những hòn đảo này cũng không làm tăng thêm cơ sở cho các đòi hỏi về chủ quyền, theo quy định quốc tế.
Tuy nhiên, trên thực tế thì việc xây cất thêm đó cho phép họ tăng khả năng quân sự, tăng quyền lợi kinh tế (trong các vùng biển xung quanh).
Tôi nghĩ rằng Luật Biển khá rõ ràng: sở hữu một thực thể không phải là một hòn đảo theo định nghĩa của Luật Biển, tức là không có cư dân, và không có tài nguyên riêng (đủ cho cư dân trên đảo đó sống được), thì không có giá trị đòi chủ quyền vùng lãnh hải bao quanh. Vì vậy, việc tạo ra chủ quyền lãnh hải xung quanh các "hòn đảo" này, bất kể diện tích là to hay nhỏ, là không đúng với những gì được quốc tế chấp nhận.

Image copyright IEAS

Dưới góc độ quân sự thì việc chiếm hữu các vị trí này có giá trị thế nào?

Brisset: Về mặt quân sự, các "hòn đảo" chỉ có thể được coi như một cứ điểm nhỏ không mấy quan trọng. Lợi ích của nó chủ yếu là về kinh tế, đặc biệt cho ngư dân. Nhưng nếu diện tích vượt quá một ngưỡng nhất định, máy bay chiến đấu có thể hạ cánh được, có thể khai triển trên đó vũ khí hạng nặng, có hải cảng lớn đến mức tàu chiến có thể ghé vào lấy đồ tiếp tế... thì lại là chuyện khác.
Nguy cơ lúc đó sẽ là từ sở hữu về kinh tế, rồi sẽ mở rộng dần sang sở hữu lãnh thổ và chủ quyền. Và hành động đó tạo căng thẳng với các nước trong khu vực.
Các nước khác cũng đã mở rộng đảo nhỏ. Việt Nam, Đài Loan, Mã Lai, Phi Luật tân đã mở rộng một số đảo, nhưng ở một quy mô khác, và họ không đòi chủ quyền biển xung quanh các đảo đó.

Trung cộng cũng đang phải trả giá cho hành động của mình. Chiếm thêm được biển, giành được ưu thế về quân sự, nhưng cũng mất đi uy tín, trở nên không đáng tin cậy đối với các nước trong khu vực. Ông có nghĩ là cái giá đó là đắt hay không ?

Brisset: Tôi nghĩ rằng hệ thống mà Trung cộng đang dựa vào là tìm cách giành chiến thắng một cách âm thầm lặng lẽ trong các cuộc đàm phán, đồng thời dựa cả vào cán cân về quyền lực trong các mối quan hệ song phương. Trung cộng đã rất thành công khi dùng vũ lực hồi năm 1974 trên các quần đảo Hoàng Sa, và bây giờ vẫn chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa, trong lúc thế giới đều không để ý đến [những gì đã xảy ra ở đó].

Giờ đây Trung cộng muốn mở rộng lãnh hải một chút nữa, theo cùng một cách như Trung cộng vẫn làm, đó là chỉ nói chuyện song phương, đồng thời tuyên bố chủ quyền một số hải đảo của Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á...
Trung cộng tăng hiện diện trên những hòn đảo, và sẽ dần áp đặt sự có mặt bằng cách xây dựng thêm và tăng chủ quyền thực tế. Tại thời điểm này, cách làm của Trung cộng đang có kết quả. Trung cộng đã tạo ra một cơ cấu hành chính hoàn toàn không được công nhận quốc tế, nhưng cơ cấu hành chính này vẫn tồn tại, về hành chính, về quân sự, về chính trị, và được gọi là Tam Sa.

Như vậy các nước nhỏ như Việt Nam và Phi Luật tân có thể làm gì? Quốc tế hoá sự việc phải chăng là cách thức duy nhất khả dĩ?

Brisset: Phi Luật Tân đã chọn cách quốc tế hóa, kiện ra Tòa án quốc tế. Tôi nghĩ rằng đây là một cách tiếp cận khá thú vị. Bởi vì nếu chúng ta phân tích một cách đơn giản, thì Phi có quyền hợp pháp để làm việc đó.
Bây giờ, vấn đề là đã có quyền hợp pháp rồi, nhưng ngoài ra còn phải có thực lực nữa. Đó là vấn đề khó. Một mặt, mặc dù có một số kiến nghị là nên đi theo cách này, tức kiện ra toà quốc tế, Việt Nam vẫn không làm theo, không dùng tới công cụ pháp lý hợp pháp để giải quyết tranh chấp.
Điều này thật đáng tiếc, bởi vì Việt Nam, trên bình diện pháp luật và trên bình diện chiếm hữu thực tế một số đảo Trường Sa, có những lập luận vững chắc hơn, hơn cả lập luận của Phi, về chủ quyền của mình do người Pháp chuyển giao lại. Bởi vì trong các tài liệu chính thức được công nhận, thì quốc gia có chủ quyền các hòn đảo này vào thời điểm năm 1933, là Pháp.

Image copyright  Reuters   Image caption  Hoa Kỳ muốn thực hiện tự do hàng hải ở Biển Đông

Sau khi Pháp chuyển giao chủ quyền, đặc biệt là sau Hiệp định Geneva năm 1954, cho các nước Đông Dương, thì cho đến nay, mọi việc kém rõ ràng hơn, nhưng chủ quyền được chuyển giao đó vẫn có giá trị tồn tại. Các tranh chấp về mặt pháp lý có thể dùng pháp luật để giải quyết. Nhưng điều không may là chính quyền Việt Nam đã không chọn cách đưa ra tòa án quốc tế, là thực thể có nhiều tự do phát biểu hơn đối với Trung cộng.

Ông có cho là nếu Việt Nam và Phi Luật tân cùng phối hợp trên mặt trận pháp lý thì sẽ có hiệu quả hơn không?

Brisset: Việt Nam và Phi  kiện chung thì không nên. Vì nguyên nhân của hai nước là không như nhau, bởi vì các đảo mà mỗi nước tranh chấp không giống nhau. Vì vậy, Việt Nam và Phi nên làm một cái gì đó, nhưng độc lập với nhau.
Phi Luật Tân đã kiện, theo ý kiến của tôi, Việt Nam cũng nên thực hiện một cách tiếp cận tương tự. Tòa án sau đó có thể sẽ ít nhiều gắn hai vụ kiện với nhau. Vấn đề hiện nay là Việt Nam, theo tôi biết, vẫn không chọn cách tiếp cận tự nguyện và chủ động này để đạt được một mục tiêu cao hơn.

Nhưng nếu Trung cộng tiếp tục từ chối không tham gia phiên toà tại La Haye?

Brisset: Trung cộng không tham gia vụ kiện, bởi vì hiện nay chỉ có một đối thủ duy nhất tại tòa án quốc tế. Nếu có hai đối thủ, 3, 4 nước cùng kiện, Trung cộng sẽ ngày càng phải đối mặt với thực tế, bất chấp ý chí riêng của mình.
Nếu một sự kết hợp giữa Việt Nam và Phi Luật Tân, sau đó có thêm Mã Lai, Đài Loan, thì quốc tế sẽ quan tâm hơn nhiều tới khu vực này, đặc biệt là quan tâm tới những đối với vận tải quốc tế. Chúng ta không quên rằng 40% của vận tải biển của toàn thế giới đi qua khu vực này.

Sự hiện hiện gần đây của Mỹ trong khu vực có ảnh hưởng gì tới tình hình?

Brisset: Sự hiện diện của Mỹ là đi theo chính sách của Mỹ, sự hiện diện đó không trái với luật pháp quốc tế, không trái với luật pháp quốc tế trong tất cả các vùng biển của thế giới. Người Mỹ muốn đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Người Mỹ quan niệm sự tự do hàng hải cũng giống như quyền tự do hàng không ở một số khu vực mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố cách đây không lâu tại Biển Đông.
Trung cộng coi đó là một sự khiêu khích. Nhưng Hoa Kỳ đã vận dụng đúng luật pháp quốc tế. Trung cộng có thể dám tấn công một tàu Việt Nam hay tàu Phi Luật Tân, nhưng không bao giờ dám tấn công một tàu của Mỹ. 

Image copyright  Reuters   Image caption   Hải quân Trung cộng tăng cường hiện diện

Theo ông thì các nước như Việt Nam và Phi Luật Tân không có nhiều lựa chọn. Lúc này hai nước có thể dựa vào sự hiện diện của Mỹ, dựa vào cơ sở pháp lý, ngoài ra còn có những chỗ dựa nào khác?

Brisset: Có ba cơ sở để đấu tranh với Trung cộng. Về mặt quân sự, là dựa vào hợp tác vùng hay hợp tác với Mỹ. Thứ hai là cơ sở pháp lý, mà tới nay mới chỉ có duy nhất Phi Luật Tân chọn.
Và cuối cùng là truyền thông. Nhưng, cả Phi Luật Tân, Mã Lai hay Việt Nam đều ít dùng tới sức mạnh của truyền thông. Đó là một điều đáng ngạc nhiên, bởi vì tôi nghĩ rằng khá dễ dàng khi tăng cường truyền thông về vấn đề này. Tôi thấy hiện nay, Đài Loan đã tham gia một phần, với quan điểm còn tương đối trung dung. Nhưng Đài Loan cho truyền thông rất nhiều (về vấn đề này), và làm truyền thông thực ra là cách dễ dàng nhất. Tôi ngạc nhiên là cả Phi  và đặc biệt là Việt Nam đã không quan tâm đến vũ khí truyền thông.

Ông có ngạc nhiên khi thấy nhóm nước Asean phản ứng yếu ớt đến thế không?

Brisset: Đã nhiều năm nay các cuộc họp quan trọng của Asean đều cho thấy một nước nào đó, thông thường là Việt Nam, cố gắng định hướng về một tuyên bố chung về Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Quy tắc ứng xử này, về kỹ thuật đã sẵn sàng.
Thế nhưng rõ ràng Trung cộng đang gián tiếp cản trở nỗ lực đạt Quy tắc ứng xử bằng cách, có thể nói trắng ra, là bỏ tiền ra mua một số quốc gia. Điều này đặc biệt rõ khi ghế chủ tịch luân phiên của Asean được trao cho Campuchia. Chính phủ Campuchia đã ngăn công bố Asean ra tuyên bố chung về Biển Đông.

Theo như lời ông thì một nước như Việt Nam không có nhiều giải pháp, và phạm vi hành động khá là hạn hẹp?

Brisset: Phạm vi phản ứng của Việt Nam là rất hạn chế. Chừng nào Việt Nam không quốc tế hóa vấn đề thông qua tòa án, thông qua truyền thông, chừng nào Việt Nam vẫn hy vọng đàm phán song phương với Trung cộng, thì Việt Nam sẽ thua.

Tin BBC
Jean-Vincent Brisset là cựu chuẩn tướng quân đội Pháp. Ông nghiên cứu Trung cộng và châu Á trong một thời gian dài. Sau khi rời quân đội năm 2001, ông chuyên sâu về các chủ đề quan hệ quốc tế và quân sự. Hiện ông là Giám đốc nghiên cứu của Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp.

Tư lệnh Hạm đội 7: Trung cộng phải công khai ý đồ quân sự ở Biển Đông
Tư lệnh hạm đội 7 Hải quân Mỹ, Phó Đô đốc Joseph Aucoin trên hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan tại căn cứ Hải quân Mỹ ở Yokosuka, phía nam Tokyo, ngày 8/1/2016.

"Trung cộng nên nói rõ ý đồ của các công trình xây đắp đảo nhân tạo và việc triển khai phi đạn ra các vùng có tranh chấp ở Biển Đông để giúp tình hình ổ định hơn", theo đề nghị của quan chức hải quân hàng đầu của Hoa Kỳ.
Phát biểu trên tàu USS Blue Ridge từ Phi Luật Tân hôm 7/3, Tư lệnh hạm đội 7 Hải quân Mỹ - Phó Đô đốc Joseph Aucoin, kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt các hoạt động làm tăng thêm bức xúc trong khu vực, khiến leo thang căng thẳng, và cần phải minh bạch hơn những mục tiêu đề ra.
Đô đốc Aucoin nhấn mạnh tất cả các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cần bắt tay nỗ lực cùng nhau và việc đầu tiên cần làm là phải ngưng cải tạo đất đai nhằm thay đổi nguyên trạng các khu vực có tranh chấp.
Ông Aucoin cũng cho biết thêm là từ đây đến cuối năm, hải quân Hoa Kỳ dự định ghé thăm Trung cộng và mở cuộc đối thoại với những người đồng nhiệm phía Bắc Kinh nhằm giải tỏa căng thẳng trong lúc các tàu chiến Hoa Kỳ vẫn cương quyết thực hiện các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải, bảo vệ an ninh-ổn định khu vực.

Theo Manila Bulletin, Manila Times

Tàu chiến Nhật ‘sẽ tới căn cứ Cam Ranh’
Chiến hạm thuộc lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (Ảnh AP).

Hai khu trục hạm thuộc lực lượng phòng vệ bờ biển của Nhật sẽ đến quân cảng Cam Ranh vào tháng 4, sau khi ghé thăm quân cảng Subic của Phi Luật Tân cùng với một tàu ngầm.
Reuters nhận định, việc Nhật cử một hải đội, trong đó có cả tàu ngầm đến thăm Phi Luật Tân và Việt Nam tương tự như gửi một thông điệp về việc Nhật sẽ là hậu thuẫn cho những quốc gia đang phải đối đầu với tham vọng độc chiếm Biển Ðông của Trung cộng. 
Cũng theo Reuters dẫn lời một viên chức nắm thông tin về chuyến thăm này cho hay, tàu ngầm Nhật Bản, vốn được sử dụng cho huấn luyện, và các khu trục hạm sẽ tới Phi Luật Tân vào tháng Tư và sau đó sẽ tới Vịnh Cam Ranh.
Nguồn tin giấu tên cho biết: “Chuyến thăm sẽ phát đi một thông điệp. Điều quan trọng là Tokyo phải chứng tỏ sự hiện diện của mình”.

Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật Bản từ chối bình luận về chuyến thăm của tàu ngầm Nhật, nhưng nói thêm rằng quân đội nước này thường tổ chức các chuyến đi tập huấn vào tháng Ba và tháng Tư.
Báo chí Nhật, trong đó có tờ Sankei, là cơ quan báo chí đưa tin này đầu tiên hôm qua.
Khi được hỏi về chuyến thăm của tàu chiến Nhật, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng Hồng Lỗi nói rằng Nhật Bản chiếm đóng quần đảo Trường Sa ở biển Đông trong Thế Chiến II nên Trung cộng luôn ở trong tình trạng “cảnh giác cao” đối với bất kỳ hành động quân sự nào của Nhật tại đó.
Việt Nam và Phi Luật Tân được cho là hai quốc gia lên tiếng phản đối hành động của Trung cộng mạnh mẽ nhất.
Thay vì đối đầu trực diện với Trung cộng ở biển Đông, Nhật Bản tìm cách tăng cường khả năng trinh sát cho các quốc gia tranh chấp với Trung cộng ở vùng biển này.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản dự kiến sẽ tới Phi Luật Tân vào tháng Tư để thảo luận về hợp tác giữa Tokyo và Manila.
Nhật Bản đã đề nghị cung cấp cho Phi Luật Tân các máy bay tuần tra giúp tuần tra ở vùng biển tranh chấp.
Tháng 11 năm ngoái, Nhật Bản và Việt Nam đã đồng ý tổ chức các cuộc tập trận chung đầu tiên. Thỏa thuận này nằm trong một loạt những thỏa thuận giữa ông Gen Nakatani, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật và ông Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam khi ông Nakatani đến thăm Việt Nam.
Theo Reuters, Channel News Asia Sankei