Viết Từ Sài Gòn
Đoàn giám sát của Hội đồng
bầu cử quốc gia do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trưởng đoàn giám sát Hội
đồng bầu cử quốc gia dẫn đầu trong buổi làm việc với Ủy ban bầu cử thành phố Hà
Nội hôm 15/3/2016. Courtesy chinhphu.vn
Nỗi lo sợ dân chủ
Thời gian bầu cử quốc hội cũng
không còn xa. Đương nhiên, tại Việt Nam, ngoại trừ những ứng viên tự ứng cử đã
có những cuộc vận động tranh cử ở một số nơi và thông qua mạng internet. Cách
vận động này hoàn toàn hợp pháp và có cơ sở, chẳng có gì là sai luật bầu cử.
Tuy nhiên, phía nhà cầm quyền Cộng sản Việt
Nam đã có những động thái nhằm loại bỏ các ứng viên tự do. Nguyên nhân của các động thái
này vẫn chưa rõ và sẽ không bao giờ được làm rõ trong chế độc độc tài. Nhưng
dường như ai cũng có thể hiểu được nguyên nhân của nó.
Bởi lẽ, nỗi lo sợ về một chính
quyền hay một quốc hội mà trong đó thành phần đại biểu, cán bộ do dân bầu có
mặt dẫn đến hệ quả một bộ máy nhà nước dân chủ manh nha hình thành và quyền bầu
cử cũng như quyền bãi nhiệm của dân được nâng cao. Đây
là chuyện tối kỵ của nhà cầm quyền độc tài. Bởi họ không bao giờ muốn người dân
can thiệp vào cơ cấu nhà nước, người dân càng không hiểu biết gì, càng thờ ơ
với bộ máy cầm quyền để rồi vâng phục nhà nước bao nhiêu thì đảng Cộng sản, nhà
cầm quyền Cộng sản càng thỏa mãn bấy nhiêu!
Và đó là lý do, nguyên nhân để
ông Nguyễn Xuân Phúc đã điều hành một cuộc họp gồm nhiều đảng viên Cộng sản
thuộc hàng máu lửa của đảng với danh nghĩa “Tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn
xã hội của Hội đồng bầu cử Quốc gia” để “cho rằng trong 47 người tự ứng cử đại
biểu Quốc hội tại Hà Nội, một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động”.
Nguyên văn trích từ báo Tuổi
trẻ online: Sáng 15-3, Đoàn giám sát của Hội đồng bầu cử quốc gia do
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trưởng đoàn giám sát Hội đồng bầu cử quốc gia,
đã làm việc với Ủy ban bầu cử thành phố Hà Nội.
Tại buổi làm việc, Tiểu
ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Hội đồng bầu cử Quốc gia, cho
biết trong số 47 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội, một số
người có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài, thậm chí còn
được cung cấp tài chính để vận động, tranh thủ số phiếu của cử tri.
Ông Nguyễn Văn Phong, trưởng
tiểu ban tuyên truyền bầu cử thành phố Hà Nội, cũng cho biết ngoài một số
trường hợp tự ứng cử với mục đích khác, hồ sơ tự ứng cử tăng cũng là điều đáng
mừng. “Nó thể hiện tinh
thần dân chủ được đề cao thời gian gần đây. và một số người mong muốn đóng góp
cho xã hội, đất nước nên tự ứng cử” - ông Phong nói.
Tuy nhiên, theo một thành viên
đoàn giám sát, kỳ bầu cử lần này có phức tạp hơn, và đã hình thành phong trào
tự ứng cử. "Việc ứng cử, đề cử, mở rộng dân chủ nhưng phải đảm bảo
chất lượng đại biểu. Tôi đề nghị Thành ủy, Hội đồng bầu cử của TP xem xét, xử
lý theo đúng quy định pháp luật, tạo không khí dân chủ cởi mở, theo hướng chất
lượng đại biểu tốt, đại diện cho nhân dân.
Ngoài ra không để bị động, bất
ngờ, không để xảy ra cháy nổ, tai nạn, tội phạm trong quá trình bầu cử",
Phó Thủ tướng yêu cầu. (…)
Ở đây có hai vấn đề: Ứng viên
tự do vào ghế quốc hội có một số người có sự ủng hộ của các tổ chức phản động
và; Tính công bằng và khách quan trong bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân các
cấp trong thể chế chính trị Cộng sản xã hội chủ nghĩa ra sao?
Ở vấn đề thứ nhất, cần đặt câu
hỏi: Thế nào là phản động? Và nếu như tổ chức phản động đứng sau lưng một ứng
cử viên tự do thì có vấn đề gì?
Hiện tại, các đảng Việt Tân,
Khối 8406, tổ chức Dân Tộc Cứu Nguy Tổ Quốc và nhiều đảng phái, tổ chức xã hội
dân sự khác có phải là phản động? Sở dĩ tôi phải nêu tên đảng Việt Tân, Khối
8406 và tổ chức Dân Tộc Cứu Nguy Tổ Quốc vì ba đơn vị này là khắc tinh của đảng
Cộng sản Việt Nam. Những thành viên của ba đơn vị này luôn bị nhà cầm quyền
sách nhiễu và xếp họ vào diện “phản động”.
Đó là trên góc nhìn của đảng
Cộng sản. Nhưng, trên góc nhìn của nhân dân, họ có thể là phản
động đối với đảng Cộng sản nhưng họ không phản động với nhân dân, họ không bán
nước cầu vinh, không tham nhũng, không làm lũng đoạn tài sản của nhân dân,
không làm xói mòn tài nguyên quốc gia, không nhu nhược trước kẻ ngoại xâm,
không lấy tiền xương máu, thuế của nhân dân để xây biệt thự hay biến rừng của
quốc gia thành nhà riêng, thành biệt thự nghỉ mát. Đứng trên khía cạnh đối đãi
với nhân dân, ba đơn vị vừa nêu có đủ tư cách để đại diện cho nhân dân và họ có
thừa tâm huyết để phục vụ nhân dân.
Vậy giả sử trong các ứng viên tự do, có người thuộc
các đơn vị, đảng phái đang hoạt động đấu tranh cho tiến trình dân chủ, cho tự
do và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam thì không thể xếp họ vào diện phản động. Bởi ở
đây, họ là đại biểu của nhân dân, do nhân dân tin tưởng và bầu cử vào quốc hội
để nói tiếng nói của nhân dân, để giải trình những thao thức, trăn trở của nhân
dân rồi từ đó tìm ra hướng giả quyết có lợi nhất cho nhân dân.
Những
phát biểu phản dân chủ
Nhưng tại sao lại có một cái ‘Tiểu ban an ninh,
trật tự, an toàn xã hội của Hội đồng bầu cử Quốc gia’ với những phát biểu hết
sức ngớ ngẩn và phản dân chủ như vậy? Bởi vì đứng trên góc độ bầu cử đại biểu
quốc hội mà nói thì việc các ứng viên có ở trong tổ chức phản động nào là một
chuyện dài. Cái Tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Hội Đồng Bầu cử
Quốc gia phải chứng minh trước nhân dân là những thành phần phản động đã phản động
như thế nào với nhân dân (chứ không phải với đảng Cộng sản) chứ không phải là
tổ chức một cuộc họp rồi phát biểu vu vơ để chụp mũ, sau đó báo chí nhà nước
đưa tin để dập một ứng viên.
Cách làm này vừa phản khoa học lại vừa phản dân chủ,
cho thấy tư duy độc tài, phán xét chụp mũ và nói không có cơ sở vẫn đang là thứ
tư duy chủ đạo, thứ vũ khí để nhà cầm quyền độc tài sử dụng mà triệt tiêu bất
kì đối thủ tiến bộ nào.
Và cái điều mà ông Nguyễn Xuân Phúc đã nói trong hồi
kết cuộc họp rằng: “Việc ứng cử, đề cử, mở rộng dân chủ nhưng phải đảm bảo chất
lượng đại biểu. Tôi đề nghị Thành ủy, Hội đồng bầu cử của TP xem xét, xử lý
theo đúng quy định pháp luật, tạo không khí dân chủ cởi mở, theo hướng chất
lượng đại biểu tốt, đại diện cho nhân dân. Ngoài ra không để bị động, bất ngờ,
không để xảy ra cháy nổ, tai nạn, tội phạm trong quá trình bầu cử" chỉ là
trò nói dối trắng trợn. tay phải đâm vào hông người ta nhưng tay trái lại xoa
lưng!
Và ở đây lại phát sinh thêm một vấn đề nữa, tại sao
một cuộc bầu cử, được xem là một ngày trọng đại của nhân dân để nhân dân tự
chọn cho mình người đại diện tốt thông qua lá phiếu bầu vào ngồi ghế quốc hội,
nói thay tiếng nói của mình và cùng những đại diện khác bàn thảo để xây dựng
tương lai đất nước, dân tộc mà lại lo đến chuyện “không để bị động, bất ngờ,
không để xảy ra cháy nổ, tai nạn, tội phạm trong quá trình bầu cử”.
Câu nói này một mặt phản ánh thứ tư duy “vị đảng” của
ông Phúc, nó gần giống với tình trạng Tây Nguyên khô hạn, bà con bị thiếu nước
trầm trọng để tưới cà phê nhưng nhà nước bỏ lơ, nói cho qua chuyện, sông vẫn
cạn. Nhưng để tổ chức một lễ hội đua voi tốn kém và vô bổ, nhà cầm quyền tỉnh
Đắc Lắk đã ra lệnh các nhà máy thủy điện trên sông Srêpôk phải xả nước cho đầy
sông để voi bơi thi! Ông Phúc cũng chẳng hơn gì, chuyện cháy nổ là chuyện nhạy
cảm cả mấy chục năm nay, nhưng ông đặt nặng trong ngày bầu cử, yêu cầu không để
xảy ra. Còn những ngày khác thì sao?
Mặt khác, đâu đó trong sâu thẳm của câu nói ông Phúc
đã ra tiềm ẩn sự sợ hãi, sợ dân chủ, sợ nhân dân. Bởi lẽ, trò đấu tố các ứng
viên tự do sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến nhân dân. Một bộ phận (không nhỏ) có
hiểu biết trong nhân dân sẽ nhìn cuộc bầu cử sắp tới bằng nửa con mắt. Và chuyện
gì cũng có thể xảy ra. Chính vì vậy ,mà ông Nguyễn Xuân Phúc đã lo lắng cho
đảng?!
Nhìn
chung, cho đến thời điểm hiện nay, thứ mà mọi người có thể nhìn rõ nhất và
không cần hoài nghi không có gì khác ngoài sự trí trá trong bầu cử để cố gắng
duy trì độc tài và bằng mọi giá loại bỏ nguyện vọng nhân dân ra khỏi cuộc tranh
cử đại biểu quốc hội bằng trò chụp mũ chính trị, ghép ứng viên vào thành phần
phản động.
Và không chừng, trước ngày bầu cử sẽ có những cuộc bắt
bớ, điều tra đối với các ứng viên tự do để “làm rõ tổ chức phản động nào đã ủng
hộ, đứng sau anh chị vào ứng cử quốc hội”. Trò này rất cũ, rất thiểu năng nhưng
không có nghĩa là người ta không dám làm!