“Đó là yêu một đất nước Việt Nam tuy đã thống
nhất về lãnh thổ nhưng chưa có sự hòa hợp dân tộc, đang bị sự xâm lấn và đe dọa
của thế lực bành trướng Trung cộng, nhân dân đang chịu sự toàn trị của độc đảng
cộng sản theo đường lối chuyên chính vô sản”
BÀN TIẾP VỀ LÒNG YÊU NƯỚC
Nguyễn
Đình Cống
Về lòng yêu nước, trước đây tôi đã có bài “Lòng
yêu nước thời cộng sản”, trong đó nêu ra một số ý như sau:
+ Trong gần
một thế kỷ qua lòng yêu nước của dân Việt được đề cập đến rất nhiều, nhưng được
hiểu và hành động theo các cách rất khác nhau, mâu thuẫn nhau.
+ Dân Việt chia ra phe này, phái nọ chém giết nhau,
thù hận nhau nhưng đều dựa vào, đều giương cao lòng yêu nước, ai cũng tự cho
mình yêu nước chân chính còn người khác là bọn bán nước, bọn phản động, làm nô
lệ cho ngoại bang.
+ Đất nước đã thống nhất được trên 40 năm nhưng chỉ mới thống
nhất được lãnh thổ bằng vũ lực, còn lòng người vẫn chưa thực sự hòa hợp, chưa
có được sự thống nhất về lòng yêu nước.
Gần đây đọc bài
“Lại bàn về
lòng yêu nước”
của Cao Huy Huân (CHH- Trang Basam ngày 23/4/2016), ôi thấy có một số quan điểm
cần trao đổi. Theo CHH, dẫn văn của Ehrenburg thì “Lòng yêu nhà, yêu làng
xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc” (*), và rồi
tác giả liên hệ với tình hình đất nước hiện tại, đưa ra câu hỏi: “người Việt
trẻ như mình nên kỳ vọng vào ai?”. Giữa bài CHH có đưa ra: “Tôi chỉ mong
bạn đừng đặt sự kỳ vọng thay đổi xã hội vào tay một ai đó. Bởi chính tay chúng
ta sẽ làm nên những bước ngoặt lịch sử bằng việc sống, yêu, học tập, làm việc
và không thoả hiệp với những cái xấu là đã đóng góp những giá trị tích cực cho
xã hội”.
Sau khi nêu câu
chuyện nước Nhật phục hưng sau thế chiến 2, CHH nêu ý kiến của người Nhật “Yêu
nước là vậy, bắt nguồn từ yêu bản thân, yêu công việc, yêu những gì do đôi bàn
tay mình làm ra” rồi tiếp “Thế nên không nên chỉ đặt kỳ vọng, thậm
chí càng không nên đặt kỳ vọng vào một cá nhân nào khác để có thể thay đổi được
lịch sử, ngoài chính bản thân mình. Mỗi người trẻ, cần có ước mơ của riêng mình
và mạnh dạn thực hiện nó bằng sự khát khao và quyết liệt như cách mà người Nhật
từng làm để đứng dậy từ nỗi đau” và kết luận “chỉ mong rằng ai cũng
âm thầm sống tốt, trách nhiệm với bản thân mình, sống có ước mơ và dám thực hiện
nó để tạo động lực cho xã hội. Vậy là quý lắm rồi, chẳng cần bàn luận cao xa về
ba chữ “lòng yêu nước”.
Đọc xong bài viết
tôi hơi băn khoăn. Tác giả CHH định gieo vào lòng dân tộc, đặc biệt là các bạn
trẻ điều gì đây khi viết “chỉ mong rằng ai cũng âm thầm sống tốt… chẳng cần bàn
luận cao xa về ba chữ lòng yêu nước”. Tại sao lại chỉ mong âm thầm sống tốt, chỉ
có trách nhiệm với bản thân mình. Như thế không có gì sai nhưng liệu đã đủ
chưa, và kết luận có mâu thuẫn với ý “Bởi chính tay chúng ta sẽ làm nên những
bước ngoặt lịch sử bằng việc sống, yêu, học tập, làm việc và không thoả hiệp với
những cái xấu là đã đóng góp những giá trị tích cực cho xã hội”.
Cao Huy Huân dẫn
câu (*) của Ehrenburg nhưng bỏ đoạn phía sau: “Có thể nào quan niệm được sức
mãnh liệt của tình yêu (yêu nước) mà không đem nó vào lửa đạn gay go thử
thách”, và câu quan trọng: “Mất nước Nga thì ta còn sống làm gì nữa”.
Nếu như trước
đây tôi không biết chút ít về Cao Huy Huân thì nhầm mà cho rằng ông là người của
tuyên giáo đảng cs hoặc là một dư luận viên lợi hại. Luận điểm của ông hơi giống
với TS Nguyễn Bá Hải mà tôi đã có dịp phân tích trong bài “Đôi lời về tham luận
của TS Nguyễn Bá Hải”. (đọc tại đại hội thi đua toàn quốc 2015, trong đó có
khuyên thanh niên: “Nên lo lắng, chăm chỉ học tập, lao động, bớt than
thở và quy kết vào lỗi hệ thống, là do hoàn cảnh khách quan hay do sự bất công
nào đó. và trích dẫn câu: “Chớ hỏi Tổ quốc đã làm gì cho chúng
ta mà tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc”. Những ý kiến như vậy nhằm xoa dịu
thanh niên, cho rằng thanh niên chỉ nên lo làm tốt việc riêng của mình còn công
việc nước nhà đã có đảng và nhà nước lo, rất phù hợp với mong muốn giữ yên sự
toàn trị của đảng cộng sản.
Xin bàn đôi lời.
Tình yêu nước cũng như nhiều tình cảm khác, theo Nguyễn Du là “Có khi biến, có
khi thường”, vậy nên “Có điều nào chỉ một đường chấp kinh”. Theo Ehrenburg,
tình yêu nước trong thời bình bắt đầu từ lòng yêu nhà, yêu làng xóm, nhưng khi
gặp biến, có chiến tranh chống ngoại xâm thì “phải đem nó vào lửa đạn gay go thử
thách” và “mất nước thì còn sống làm gì”.
Nội hàm của tình
yêu nước như thế nào là đúng và đủ còn cần bàn thêm. Về ngoại diên thì lòng yêu
nước sẽ thể hiện khác nhau trong các tình huống riêng của đất nước : bị nô lệ;
chiến tranh chống ngoại xâm, nội chiến, xây dựng trong hòa bình dưới chính thể
dân chủ, bị thống trị bởi thế lực độc tài v.v…Như vậy không nên bàn về lòng yêu
nước chung chung, càng nên tránh nói đến lòng yêu nước một cách sáo rỗng, hô khẩu
hiệu , mà nếu bàn thì nên bàn về lòng yêu nước trong tình huống cụ thể hiện tại.
Đó là yêu một đất nước Việt Nam tuy đã thống nhất về lãnh thổ nhưng chưa có sự
hòa hợp dân tộc, đang bị sự xâm lấn và đe dọa của thế lực bành trướng Trung cộng,
nhân dân đang chịu sự toàn trị của độc đảng cộng sản theo đường lối chuyên
chính vô sản với hệ thống rất nặng nề do 3 tầng kết hợp ( đảng, chính quyền, Mặt
trận để hành dân là chính ), kinh tế tuy có phát triển, đã ra khỏi tình cảnh
nghèo đói nhưng xã hội mất ổn định với nhiều tệ nạn nguy hiểm, đang tụt hậu so
với nhiều nước, nhiều quyền tự do, đặc biệt là tự do tư tưởng bị hạn chế, dân bị
oan kêu khóc khắp nơi…
Trong tình hình
đất nước như vậy mà Cao Huy Huân và Nguyễn Bá Hải khuyên thanh niên chỉ nên làm
tốt công việc riêng của mình thì chỉ đúng cho một số nào đó, không thể khuyên mọi
người như vậy. Nếu khuyên mọi người chỉ lo làm tốt công việc riêng của mình thì
vô tình hoặc cố ý đã mắc vào mưu mô của tuyên giáo cộng sản, muốn cho thanh
niên, nếu không tuyệt đối trung thành với đảng thì cũng thờ ở với những việclàm
sai trái của họ, để yên cho họ tha hồ thao túng. Trong hoàn cảnh xã hội hiện tại,
ngoài việc có những người lo làm tốt công việc của mình thì dân tộc đang rất cần
những người biết và dám hoạt động cho một nền chính trị dân chủ chân chính, đưa
dân tộc thoát khỏi nền chính trị độc tài. Nếu mọi người đều theo lời khuyên của
CHH và NBH thì ai sẽ đảm đương công việc đầy khó khăn, đòi hỏi sự hy sinh này.
Nếu cho rằng để thể hiện lòng yêu nước chỉ cần “âm thầm sống tốt, trách nhiệm
với bản thân mình,” thì thử hỏi trước 1945 làm sao có được những chiến
sỹ như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng
Phong, Nguyễn Thái Học và hàng vạn, hàng vạn người khác, thử hỏi trong chiến
tranh lấy đâu ra hàng triệu chiến sĩ ra đi không hẹn ngày về.
Cao Huy Huân có
đưa ra một ý kiến quan trọng là: “sống, yêu, học tập, làm việc và không thoả
hiệp với những cái xấu là đã đóng góp những giá trị tích cực cho xã hội”. Làm
sao để không thỏa hiệp với cái xấu. Liệu âm thầm sống tốt
có không thỏa hiệp với cái xâu được hay không.Theo luận văn của Etienne de
la Boétie (Nô lệ tự nguyện- Discour de la servitude volontaire) thì đề chống lại
độc tài nhân dân không cần đấu tranh, không cần dùng bạo lực mà chỉ cần không
phục tùng, không tuân lệnh thôi. Chỉ cần một phần nhân dân không phục tùng,
không tuân lệnh thôi (không thỏa hiệp với những cái xấu) thì chế độ độc tài đã
không thể tồn tại. Nếu theo CHH, tất cả mọi người đều âm thầm sống tốt thì lấy
đâu ra những người không phục tùng, không tuân lệnh những kẻ độc tài.
Cao Huy Huân còn
đưa ra cách hành xử của người Nhật: “Yêu nước là vậy, bắt nguồn từ yêu bản
thân, yêu công việc, yêu những gì do đôi bàn tay mình làm ra” để vận dụng
cho người Việt. Tham khảo, học tập người Nhật là cần, là đúng, nhưng cách vận dụng
như vừa nêu là kiểu học theo lối vuốt đuôi. Nhật Bản và Việt Nam đều thoát ra
khỏi tàn phá của chiến tranh nhưng hoàn cảnh khác nhau xa, kiến thiết đất nước
trong điều kiện khác nhau xa.
Nhật Bản đã kiên quyết từ bỏ con đưởng quân phiệt
sai lầm, đã triệt để theo thể chế dân chủ với tam quyền phân lập, công nhận các
đảng đối lập, tạo môi trường tự do tư tưởng, tự do cạnh tranh trong chính trị,
tự do trong lao động sáng tạo, công khai, minh bạch trong mọi hoạt động. Trong
môi trường như vậy thì đa số người yêu nước là yêu công việc của mình. Tuy thế
vẫn rất cần những người yêu nước theo cách khác, trở thành những người lo phản
biện, lo đấu tranh cho dân chủ để vạch ra những sai lầm hoặc yếu kém của chính
quyền và sẵn sàng thay thế khi chính quyền tỏ ra yếu kém, bất lực, mất lòng
tin.
Việt Nam, tuy đa số người đã thấy rõ sai lầm của đường
lối cách mạng vô sản, của chủ nghĩa Mác Lênin , thế mà đảng lãnh đạo vẫn cố duy
trì chuyên chính vô sản, cố kiên trì chủ nghĩa Mác Lênin, giữ chặt chế độ độc
tài đảng trị, không công nhận nền dân chủ tam quyền với đảng đối lập, hạn chế
nhiều quyền tự do, tạo nên không biết bao nhiêu tệ nạn và oan sai, chính quyền
tỏ ra quá yếu kém, mất lòng tin , nhưng vẫn cố giữ cho được bằng mọi giá.
Hơn nữa
nhiều người lao động chân chính, trong đó có người lao động sáng tạo, nhiều nhà
kinh doanh hợp pháp bị hạch sách, bị chèn ép, bị bóp nặn đủ điều , đến nỗi nhiều
công ty phải đóng cửa hoặc phá sản. Thế mà bảo người Việt cũng yêu nước theo
cách làm của người Nhật thì sao được.
Mấy lời bàn với tác giả Cao Huy Huân và trao đổi với
bạn đọc, đặc biệt là các bạn trẻ để rộng đường dư luận.