Hội Nhà báo độc lập VN
họp tháng 4/2015: Những trò lố dàn xếp kết quả bầu cử Quốc hội
Kiều
Phong
Sáng ngày 08/04/2015, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam
(Hội NBĐLVN) tổ chức cuộc họp định kỳ tại quán cà phê Lọ Lem, 345 Nguyễn Trọng
Tuyển, TP.HCM. Đây là cuộc họp công khai thứ 10 của Hội NBĐLVN kể từ tháng
9/2015.
Mở đầu cuộc họp, Phó chủ tịch Hội – Bùi Minh Quốc –
chủ trì cuộc họp, cùng các hội viên và các khách mời đã dành một phút kính cẩn
mặc niệm Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích – hội viên của hội, vừa mới qua đời ở tuổi
79. Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích là một trí thức suốt cuộc đời dấn thân để thúc đẩy
dân chủ hóa cho đất nước, ông qua đời trên phi cơ khi đi Ma-ni-la tham
dự một hội nghị cổ xúy cho chủ quyền của dân tộc Việt Nam ở Biển Đông.
Sau phút mặc niệm, cử tọa bình luận về tình hình thời
sự. Tiêu điểm bàn luận là cuộc bầu cử Quốc hội vòng ngoài vừa rồi.
Những trò lố bầu cử Quốc hội
Vấn đề tự ứng cử đại biểu Quốc hội là điểm nóng của
truyền thông tự do lẫn nhà nước thời gian vừa qua. Hội Nhà báo độc lập Việt Nam
có 03 thành viên tự ứng cử: Bùi Minh Quốc ở Đà Lạt, Nguyễn Tường Thụy ở Hà Nội,
Nguyễn Văn Thạnh ở Đà Nẵng. Ứng cử viên Bùi Minh Quốc đã trở thành
nạn nhân của một cuộc đấu tố, còn lại hai ứng cử viên ở miền Bắc và miền Trung
chưa có lịch.
Nhà thơ Bùi Minh Quốc tường thuật lại cuộc đấu tố đó.
Ông nói việc ông tự ứng cử là chủ động mở một mũi tiến công về pháp lý đối với
nhà giới cầm quyền lạm quyền, vi hiến, là ông muốn cùng với những người tự
ứng cử độc lập khác đưa đến mọi công dân một lời kêu gọi hành động: đã đến lúc
người công dân phải tự mình thực hiện quyền ứng cử đã ghi trong Hiến pháp. Số người
tự ứng cử là 154 người, nhưng phần nhiều trong số họ do đảng Cộng
sản hậu thuẫn, chỉ có khoảng 22 ứng cử viên thực sự độc lập là nhân danh công
lý.
Ngày 24/2/2016, nhà thơ Bùi Minh Quốc đã viết và thông
báo công khai tuyên bố ứng cử và chương trình hành động. Ngày 9/3 ông hoàn tất
hồ sơ và suôn sẻ vượt qua được những khó khăn lặt vặt mà ban tổ chức bầu cử địa
phương gây ra.
Tối 1/4/2016 là hội nghị cử tri nơi khu dân phố của
ông Bùi Minh Quốc. Đây là khâu sàng lọc ứng cử viên, khâu này lấy ý kiến cử tri
nơi ứng cử viên cư trú để quyết định có vào được danh sách hiệp thương vòng 3
hay không. Trong tổ dân phố có 5 người do đảng giới thiệu ứng cử vào HĐND
phường và thành phố (tương đương cấp huyện), chỉ mình ông Quốc là tự ứng cử vào
Quốc hội. Những trò lố bắt đầu. Ban tổ chức hội nghị cho thư ký lên
đọc tiểu sử của ông Quốc, rồi mời cử tri phát biểu.Một người đứng lên phê phán
ông Quốc đòi bỏ điều 4 Hiến pháp, đòi đa nguyên đa đảng, đòi xóa bỏ vai trò
lãnh đạo của đảng CSVN thì không xứng đáng ứng cử vào Quốc hội. Một người đứng
lên tán thành. Người này chính là bí thư chi bộ của tổ dân phố, cũng là một ứng
cử viên được tổ chức đảng giới thiệu ứng cử vào HĐND phường. Năm sáu phát
biểu tiếp đều hưởng ứng ý kiến tán thành của ông bí thư chi bộ và thêm một số ý
nữa để đấu tố: Ông Bùi Minh Quốc ít quan hệ với bà con, ít đi họp tổ
dân phố. Sự khôi hài còn chưa hết. Đó là việc Ông Vũ Xuân Quảng tổ trưởng
tổ dân phố dự cuộc họp này với tư cách ứng cử viên HĐND phường đứng ra
phê phán: ông Bùi Minh Quốc thiếu đạo đức vì từ chối nhận giấy mời của công an,
thiếu tình hàng xóm láng giềng vì đã kiện ông Hồ Phúc ở sát bên ông Quốc khiến
UBND phường ra quyết định buộc ông Phúc phải tháo dỡ phần ông Phúc cơi nới trái
phép trên đất mà nhà nước qui hoạch làm lối đi chung !!!
Tiếp đó, đến phần ông Quốc phát biểu. Trước hết,
ông Quốc trả lời về việc đòi bỏ điều 4 của Hiến pháp. Nội dung trả lời như
sau : Tôi đòi bỏ điều 4 của Hiến pháp là thực hiện quyền công dân có quyền góp
ý sửa đổi Hiến pháp. Tôi đòi bỏ điều 4 của Hiến pháp vì mấy lẽ :
– Suốt bao năm chiến tranh cực kỳ gian khổ ác liệt
chưa có điều 4 trong Hiến pháp thì nhân dân rất tin đảng, đa số đảng viên đều
gương mẫu. Nhưng từ khi có điều 4 thì đảng ngày càng hư hỏng, ngày càng mất uy
tín với nhân dân; điều 4 đã làm hại đảng, làm uổng phí bao xương máu của đảng
viên và nhân dân đã đưa đảng lên cầm quyền, đó là một sự thật hiển nhiên không
thể chối cãi.
– Tôi yêu cầu trong khi chưa bỏ điều 4 thì phải có
ngay Luật về đảng cầm quyền, nếu cầm quyền đưa đất nước phát triển tốt và nhân
dân có tự do hạnh phúc thì được ghi công, nếu cầm quyền gây hại cho đất nước và
khiến nhân dân không có tự do hạnh phúc thì đảng phải ra toà. Quan điểm này tôi
đã công khai nêu lên từ năm 1993, nay đang rộ lên trên công luận và ngay cả tại
Quốc hội.
Ông Quốc phát biểu chưa hết nội dung trên thì chủ
toạ ngắt lời với lập luận rằng ứng cử viên chỉ được nói lời tiếp thu ý kiến của
cử tri chứ không được nói khác. Ông Quốc phản đối :
– Vô lý. Tôi đã nghiêm túc ngồi
nghe quý vị đả kích tôi, nhưng tôi vừa trả lời một ý kiến, đang nói dở
dang mà không cho tôi nói nữa thì thật không công bằng, tôi yêu cầu phải để tôi
nói hết ý kiến mình.
Chủ toạ hỏi cử tri: có đồng ý để ông Bùi Minh Quốc nói
tiếp không?
Nhiều tiếng nhao nhao: không!
Ông Quốc nói to: Tôi tuyên bố tất cả những gì vừa
diễn ra là một cuộc đấu tố, vì thế tôi quyết định rời khỏi nơi này.
Nói xong, ông lập tức ra về.
Sau khi nghe ứng cử viên độc lập Bùi Minh Quốc tường
thuật lại cuộc đấu tố, bác sỹ Nguyễn Đan Quế, đồng chủ tịch Hội cựu tù
nhân lương tâm Việt Nam phát biểu: Thái độ của ông Bùi Minh Quốc khi bỏ về là
đúng. Theo thông tin trên mạng thì tại các cuộc hội nghị cử tri, các anh
chị em trong phong trào đấu tranh cho dân chủ và ngay cả các đảng viên
tiến bộ tại chức mà đứng ra tự ứng cử cũng bị trù dập có tổ chức. Nhiều trí
thức tên tuổi đều nói rằng đây là cuộc bầu cử có tính chất đấu tố. Qua video
của Nguyễn Trang Nhung, Mai Khôi tố cáo ủy ban mặt trận đấu tố thì ai cũng rõ.
Đây là một trò hề và thậm chí còn có nét lưu manh.
Ngày 9/4 tới đây sẽ có kết quả của Nguyễn Tường Thụy
và Nguyễn Quang A. Bác sỹ Quế cho rằng có thể sẽ có một vài người qua vòng này.
“Riêng vòng này đã không cho ứng cử viên nói, sỉ nhục ứng cử viên, vậy các tổ
chức xã hội dân sự có nên lên tiếng không? Đặc biệt phải có thái độ rõ
ràng về thái độ hiệp thương. Cô Trang Nhung phải khóc. Đây là trò hề ghê gớm”.
Thầy giáo sử-địa Trần Minh Quốc, người được đào tạo từ
một môi trường học thuật hàn lâm nhận định: “Mục đích tự ứng cử là để làm lộ sự
trơ trẽn của đảng và nhà nước. Qua những gì đã diễn ra đối với anh Quốc và các
ứng cử viên tự do, việc đấu tố những người tự ứng cử cho thấy sự thiếu văn minh
của giới cầm quyền. Họ đã rơi vào bẫy một phần do chính họ giăng ra. Ngày
17/04 là hiệp thương vòng 3. Nên có một tuyên bố, hoặc của riêng Hội Nhà báo
độc lập, hoặc là tuyên bố chung do hội khởi xướng, hoặc Diễn đàn xã hội dân sự
do Tiến sĩ Nguyễn Quang A điều hành”.
Trong khi đó, ở Hà Nội, nhà báo Nguyễn Tường
Thụy – Phó chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam – nêu ra trước công luận sự
gian lận trong tổ chức bầu cử. Đó là giấy mời của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc gửi
công dân địa phương của ứng cử viên Đặng Bích Phượng. Tờ giấy có ghi là
mời “đại diện cử tri”, nhưng trong pháp luật và từ điển pháp luật
của Chính phủ Hà Nội không hề có thuật ngữ này. Nhà báo Nguyễn Tường Thụy
khẳng định rằng cụm từ “đại diện cử tri” cũng là cái mẹo do cấp trên nghĩ ra để
hợp thức hóa một hội nghị mà họ dàn xếp kết quả.
Đây cũng là mánh khóe mà Mặt trận Tổ quốc áp dụng lên
nhà thơ Bùi Minh Quốc. Giấy mời phát ra trên 700, số người đi dự là 136. Sau
cuộc đấu tố, ông Quốc đến gặp Chủ tịch Mặt trận tỉnh. Ông chất vấn quan chức
này rằng một tổ dân phố trên 700 cử tri, một hội nghị chỉ có 136 thì
mức độ giá trị pháp lý thế nào. Quan chức này trả lời rằng đó là chỉ thị
của Ủy ban thường vụ Quốc hội nói về hội nghị cử tri: Chỗ nào dân cư dưới 100
thì số dân tham gia hội nghị phải quá bán, trên 100 trở lên thì chỉ cần 55
người có mặt là có giá trị pháp lý. Cuối cùng, vị quan chức này bào chữa: “Hội
nghị cử tri là một khâu để lập danh sách ứng cử viên. Tôi làm theo
luật”. Nhà thơ Bùi Minh Quốc bình luận: chỉ thị đó của ủy ban
thường vụ quốc hội là một chỉ thị vi hiến.
Qua việc đấu tố diễn ra có hệ thống, đồng loạt với
những người tự ứng cử, trí thức Việt Nam đều thấy rõ sự lố bịch của Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc và đứng đằng sau là nhà cầm quyền. Điều này đã được dự
đoán từ trước. Ý định của Tiến sĩ Nguyễn Quang A khi khởi xướng phong trào tự
ứng cử đã thắng lợi. Nếu nhà cầm quyền cư xử văn minh thì họ sẽ giữ được bộ mặt
sạch sẽ. Nhưng thực tế Hà Nội đã dùng đủ mọi chiêu trò đấu tố người tự ứng cử
thì họ đã lộ mặt dân chủ giả hiệu mà lại tự khoe là “dân chủ gấp vạn lần tư
bản”.
Ở các nước có dân chủ thực sự, kết quả khảo sát của
các tổ chức thăm dò dư luận độc lập trước cuộc bầu cử thường gần như trùng hợp
với kết quả kiểm phiếu về sau. Nhà báo Vũ Sỹ Hoàng – một hội viên, cho rằng
phải làm rõ trắng đen cho dân chúng biết. Anh đề nghị Việt Nam Thời báo nên
làm phiếu thăm dò về tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên độc lập. Như thế hành
vi dàn xếp bầu cử – đấu tố người tự ứng cử sẽ bị đưa ra ánh
sáng. Thạc sỹ Phạm Bá Hải đề xuất một giải pháp. Ông khẳng định
Hội Nhà báo độc lập khá điển hình cho hoạt động của tổ chức xã hội dân sự. Theo
ông, hội này hãy sử dụng tầm ảnh hưởng để thúc đẩy các tổ chức xã
hội dân sự khác, phải đòi được tự do truyền thông để vận động ứng cử. Ứng cử
viên có quyền kêu gọi cử tri, nhưng Mặt trận Tổ quốc đã khống chế cử tri để
người dân không biết. Vì thế, một ứng cử viên Quốc hội như chị Trang Nhung cũng
bị đấu tố để không có một phiếu nào. Ngoài ra phải yêu cầu nhà nước để cho một
Uỷ ban kiểm phiếu độc lập ra đời. Thạc sỹ Phạm Bá Hải giải thích, đó là nếu ban
kiểm phiếu của nhà nước đem thùng phiếu vào miếu hoang thì người dân ai biết và
ai làm được gì họ? Đòi là cho lần bầu cử Quốc hội sau, phải đòi ứng cử bầu cử
tự do và kiểm phiếu độc lập. Phải có chương trình hỗ trợ cho các ứng cử viên
độc lập; phải có cuộc gặp với toàn bộ các ứng cử viên độc lập và trao đổi, mở
rộng lực lượng cử tri. Các ứng cử viên độc lập nên tập hợp thành một khối
và đưa ra một chương trình hành động chung, khi người dân thấy
chương trình ấy có lợi cho dân thì dân sẽ bầu. Hội Nhà báo độc lập có thể hỗ
trợ rất nhiều.
Một tiếng nói ngắt lời: “Lần sau thì có tự do ứng cử bầu
cử rồi, đâu cần chương trình hỗ trợ ứng cử viên độc lập nữa!”
Các nhà đấu tranh lão thành cười vang lên hưởng ứng,
vì tình trạng nợ nần chồng chất của Chính phủ Hà Nội là điều không thể che giấu
được nữa trước công luận. Vì sao có thể dự đoán lạc quan như vậy, mời bạn đọc
tiếp bài tường trình thứ hai của phóng viên Việt Nam Thời
báo.
K.P.
Nguồn:
http://www.ijavn.org/2016/04/vntb-hoi-nha-bao-oc-lap-vn-hop-thang.html