Tin tổng hợp liên
quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 12.04.2016)
Phi Luật Tân kêu
gọi Mỹ ngăn Trung cộng xây dựng ở bãi cạn Scarborough
Đại
sứ Phi Luật Tân tại Mỹ, ông Jose Cuisia Jr., ngày 12/4 đã cảnh báo rằng bất cứ
động thái nào của Trung cộng nhằm chuyển đổi bãi cạn Scarborough thành đảo nhận
tạo cũng sẽ làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông.
Phát biểu trong một cuộc họp
báo tại thủ đô Manila, Đại sứ Jose Cuisia cho biết, Hải quân Mỹ mới đây đã phát
hiện thấy tàu thăm dò nghi của Trung cộng gần khu vực bãi cạn Scarborough. Sau
đó, quân đội Phi Luật Tân đã điều tàu tới khu vực này để nắm bắt tình hình
nhưng không nhận thấy điều gì bất thường, có khả năng tàu nghi là của Trung
cộng đã rời đi.
Với thông tin trên, Đại sứ
Jose Cuisia cho rằng có dấu hiệu cho thấy Trung cộng đang nhắm tới bãi cạn
Scarborough như một phần trong kế hoạch bành trướng của nước này tại Biển Đông.
“Tôi nghĩ rằng nếu họ xây dựng trên bãi cạn Scarborough, đó sẽ là hành
động rất khiêu khích. Những hành động như vậy sẽ làm gia tăng căng thẳng và
xung đột”, Đại sứ Jose Cuisia nói.
Do đó, Đại sứ Cuisia kêu gọi:
“Chúng tôi hy vọng Mỹ và các nước khác sẽ
thuyết phục Trung cộng không tiếp tục những hoạt động như vậy”.
Dù vẫn tuyên bố không ủng hộ
bên nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Tuy
nhiên, Washington khẳng định sẽ bảo đảm quá trình tự do hàng hải và hàng không
tại một trong những vùng biển nhộn nhịp nhất thế giới này.
Đại
sứ Cuisia cho biết ông muốn Bộ Ngoại giao Mỹ đứng ra làm trung gian cho một
thỏa thuận giữa nước này và Trung cộng, trong đó yêu cầu Bắc Kinh rút tất cả
các tàu khỏi bãi cạn Scarborough nhằm tránh nguy cơ đụng độ như trong giai đoạn
căng thẳng giữa hai nước hồi năm 2012.
Theo
AP
Trung cộng muốn
'tham vấn thân thiện' về đánh cá ở Biển Đông
Đội
tàu đánh cá của Trung cộng.
Báo Phi Luật Tân Daily Inquirer hôm
11/4 đưa tin Trung cộng nói rằng họ sẽ tiến hành "hiệp thương hữu
nghị" với các nước láng giềng để tránh đối đầu trong các hoạt động đánh
bắt cá ở những nơi có tranh chấp Biển Đông, nhưng Phi Luật Tân cho biết sẽ chờ
đợi phán quyết của tòa án quốc tế về tuyên bố chủ quyền biển của Trung cộng.
Phi Luật Tân hiện đang chờ đợi phán quyết của Tòa án
Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Haye, có thể sẽ được đưa ra trong vài tuần
tới. Vụ khiếu nại của Phi Luật Tân nêu ra một số vấn đề kể cả hoạt động đánh
bắt cá ở vùng gọi là Biển Tây Phi Luật Tân. Trong số các vấn đề là việc Trung
cộng đã không làm theo luật và không ngăn chặn các công dân và tàu của nước này
khai thác hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân, và Trung cộng
đã ngăn cản bất hợp pháp các ngư dân Phi kiếm sống thông qua can thiệp vào hoạt
động đánh bắt cá truyền thống tại bãi cạn có tranh chấp Scarborough, mà Trung
cộng gọi là đảo Hoàng Nham.
Lên tiếng mới đây nhất, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung
cộng Lục Khảng nói sự đối đầu giữa các ngư dân Trung cộng, Việt Nam, Phi Luật
Tân, Mã Lai, và Đài Loan có thể tránh được thông qua "hiệp thương hữu
nghị".
Ông Lục Khảng nói tại cuộc họp thường kỳ ở Bắc Kinh
tuần trước rằng "Hợp tác nghề cá là
một phần quan trọng trong sự hợp tác cùng có lợi giữa Trung cộng và các nước
láng giềng, trong đó có các nước ven Biển Đông". Ông Lục nói chính phủ
Trung cộng coi trọng việc quản lý nghề cá và chỉ đạo ngư dân Trung cộng tiến
hành hoạt động khai thác phù hợp với luật pháp và các quy định.
Nhưng kể từ năm 2012, Việt Nam và Phi Luật Tân đã ghi
nhận nhiều trường hợp gây hấn của các tàu Trung cộng.
Theo Globalnation.inquirer.net, Fmprc.gov.cn (Tin VOA)
Các ngoại trưởng G7 phản đối sự khiêu khích ở Biển Đông
Các
vị ngoại trưởng khối G7 chụp hình lưu niệm tại Nhật Bản, ngày 10/4/2016.
Sau hội nghị ở Hiroshima, Nhật Bản, hôm 11/4, các
ngoại trưởng của nhóm G7 tuyên bố họ phản đối mạnh mẽ sự khiêu khích ở Biển
Đông và Biển Hoa Đông, những nơi Trung cộng đang lún sâu vào tranh chấp lãnh
thổ với Việt Nam, Phi Luật Tân, Nhật Bản và một số nước khác.
Tuyên bố của các ngoại trưởng G7, nhóm gồm các nền
kinh tế hàng đầu thế giới, nêu rõ: “Chúng
tôi bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ hành động cưỡng ép đe dọa hay
khiêu khích đơn phương nào có thể làm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng
thẳng”.
Các ngoại trưởng cũng nói họ “quan ngại về tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, và nhấn mạnh tầm
quan trọng cơ bản của việc quản lý và giải quyết các tranh chấp một cách hòa
bình”.
Tại hai vùng biển nêu trên, trong những năm gần đây Trung
cộng ngày càng hung hăng và mạnh bạo hơn trong việc khẳng định chủ quyền. Đặc
biệt là ở Biển Đông, Trung cộng đã cải tạo một số bãi đá, bãi san hô để củng cố
cho tuyên bố của mình, bất chấp sự phản đối của Việt Nam, Phi Luật Tân và một
số nước khác cũng đòi chủ quyền về toàn phần hoặc một phần vùng biển.
Gián tiếp nhắc đến vụ kiện của Phi Luật Tân chống lại Trung
cộng, nhóm G7 cũng kêu gọi các nước tuân thủ luật hàng hải quốc tế và thực thi
bất kỳ phán quyết có tính ràng buộc nào của các tòa án và tòa trọng tài. Manila
đã đề nghị Tòa trọng tài Quốc tế ở La Haye phân xử tranh chấp với Bắc Kinh. Dự
kiến sẽ có phán quyết vào tháng 6.
Hội nghị G7 vừa qua bao gồm các ngoại trưởng của
Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Anh và Mỹ, ngoài ra còn có một đại diện
của Liên hiệp châu Âu. Hôm 9/4, ngoại trưởng Trung cộng nói hội nghị G7 chớ nên
“thổi phồng” vấn đề ở hai vùng biển có tranh chấp.
Ông Malcom
Davis, nhà phân tích kỳ cựu tại Viện Chính sách Chiến lược Úc ở Canberra,
cho rằng: “G7 đang có những cử chỉ để làm
rõ với Trung cộng rằng nếu họ làm gì hơn nữa, sẽ có cái giá phải trả. Tuyên bố
của G7 mang lại cho Mỹ một cơ sở vững mạnh hơn nhiều để Mỹ đi đến với các đồng
minh chủ chốt, gồm cả Úc, và làm cho họ hành động nhịp nhàng cùng với Mỹ”.
Ông Davis cho rằng Mỹ muốn vận động sự ủng hộ chính
trị quốc tế trước khi tòa La Haye ra phán quyết về vụ khiếu nại của Phi Luật
Tân đối với Trung cộng. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm đi đến một tuyên bố tương tự của
Liên Hiệp Quốc sẽ bị chận đứng bởi Trung cộng, là một hội viên thường trực của
Hội đồng Bảo an. Ông Davis nhận định: “Tuyên
bố của G7 có lẽ là điều tốt nhất mà Mỹ có thể có được vào giai đoạn này”.
Theo SCMP, Bloomberg (Tin VOA)
Trung cộng giận dữ vì phát ngôn nhóm G7
Các ngoại trưởng
thuộc G7 trước bia tưởng niệm các nạn nhân vụ ném bom nguyên tử Hiroshima, Nhật
Bản. Ảnh chụp ngày 11/04/2016.REUTERS/Jonathan Ernst
Bắc
Kinh rất giận giữ về tuyên bố của khối G7 kêu gọi kiềm chế tại các
vùng biển tranh chấp. Bộ Ngoại Giao Trung cộng ngày 12/04/2016 cho biết như
trên. Trung cộng nói các quốc gia G7
nên "ngưng đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm" sau khi các bộ
trưởng ngoại giao ra thông cáo về xung đột khu vực trên biển.
Tuy
tuyên bố của G7 không nêu tên cụ thể quốc gia nào, nhưng Trung cộng có yêu sách
chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, nơi Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai,
Đài Loan và Brunei cũng đều đòi hỏi chủ quyền.
Khối
G7 kêu gọi : „Tất cả các nước tránh những hành động như đào đắp, xây
dựng các tiền đồn với mục đích quân sự“ và „Tranh
chấp nên được giải quyết bằng sự tin cậy và theo luật pháp quốc tế".
Phản ứng
lại, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung cộng Lục Khảng nhắc tuyên bố chủ quyền
của Trung cộng trong khu vực này. « Trung cộng hết sức bất bình về cung cách
làm việc của G7. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia thành viên G7 thực
hiện cam kết của mình là không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh
thổ, tôn trọng những nỗ lực của các nước trong khu vực, chấm dứt mọi tuyên bố
và hành động vô trách nhiệm, đóng góp một cách xây dựng vào hòa bình và ổn định
trong khu vực ».
Bắc
Kinh cho biết cảm thấy đang bị G7 chĩa mũi dùi vào mình. Ông Lục Khảng khuyến
cáo :« Trong tình hình kinh tế thế giới đang u ám, lẽ ra nhóm G7 nên tập
trung vào việc quản lý kinh tế và hợp tác, thay vì làm ầm ĩ xung quanh vấn đề
biển đảo, gây thêm căng thẳng trong khu vực ».