Hội
đồng Liên tôn Việt Nam
Nhận
định về cuộc trả lời phỏng vấn của Đại sứ Lưu động của Hoa Kỳ
về
tự do tôn giáo, ông David Saperstein
trên
đài RFA ngày 05-04-2016
Ngày
12.04.2016
Kính
gởi
- Ông David Saperstein, Đại
sứ lưu động về tự do tôn giáo của Hoa Kỳ.
Đồng kính gởi
- Ông Heiner Bielefeldt, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về tự do tôn
giáo hay tín ngưỡng,
- Các
chức sắc và tín đồ mọi tôn giáo tại Việt Nam,
- Các chính phủ dân chủ
và các Cơ quan Nhân quyền quốc tế.
Kính thư Ông Đại sứ
Ông vừa kết thúc chuyến thăm Thái Lan và Việt Nam từ ngày 24 đến 31 tháng 3 năm
2016. Trong chuyến đi này Ông đã gặp và nói chuyện với nhiều người tị nạn Việt
Nam tại Thái Lan, nhiều quan chức chính phủ Việt Nam và một số lãnh đạo tôn
giáo tại Việt Nam.
Chúng tôi, 25 chức sắc thuộc 5 tôn giáo lớn tại VN và đang quy tụ với nhau
trong Hội đồng Liên tôn Việt Nam, một tổ chức xã hội dân sự tranh đấu cho tự do
tôn giáo và dân chủ nhân quyền, đã không có hân hạnh gặp Ông lần này. Tuy
nhiên, chúng tôi có đọc được bài trả lời phỏng vấn của Ông trên đài phát thanh
Á châu Tự do ngày 05-04-2016, trong đó ông đã đề cập đến tình hình tôn giáo tại
Việt Nam dưới hai khía cạnh: khía cạnh lý thuyết là dự Luật tôn giáo mà nhà cầm
quyền sắp ban hành; khía cạnh thực tế là những cách hành xử của nhà cầm quyền
đối với các cộng đồng tôn giáo được công nhận và không được công nhận. Từ đó,
chúng tôi xin có những nhận định như sau:
1- Trước hết, chúng tôi xin phép tái khẳng định với Ông (mà chắc Ông đã
biết) rằng Việt Nam đang sống dưới chế độ cộng sản vô thần, độc tài và toàn
trị. Vì vô thần, chế độ này chẳng hề thiện cảm với tôn giáo, nếu không muốn nói
là luôn coi tôn giáo như kẻ thù; vì độc tài, chế độ này luôn muốn quyền lực và
luật lệ của đảng cộng sản đứng trên quyền lực và luật lệ của tôn giáo (dù đối
với cả lương tâm); vì toàn trị, chế độ này luôn muốn kiểm soát các cộng đồng
tôn giáo, biến họ hoặc thành công cụ phục vụ chế độ, hoặc thành những định chế
đã đánh mất bản chất, hoặc thành những tập thể câm lặng trước sai lầm và tội ác
của nhà cầm quyền.
Trong cụ thể, các Giáo hội tại VN đều bị nhà nước khống chế, lũng đoạn và xâm
nhập. Nhà nước chưa bao giờ cho các tôn giáo có quy chế pháp nhân. Điều đó đồng
nghĩa với việc họ không xác nhận tổ chức tôn giáo có quyền “tồn tại hợp pháp
trước pháp luật Việt Nam” và sự vô thừa nhận này gây ra muôn vàn khó khăn cho
chúng tôi về mặt luật pháp và giao dịch dân sự. Thứ đến, muốn xuất hiện và muốn
sinh hoạt, các tôn giáo phải làm đơn xin phép cùng tuân thủ rất nhiều điều kiện
khắt khe, rồi phải ngóng chờ sự cho phép đầy tùy tiện của nhà cầm quyền, mục
đích là để nhà nước nắm chặt các tôn giáo. Cuối cùng, vì muốn lũng đoạn các tôn
giáo, nhà cầm quyền đã và đang thành lập các giáo hội do họ điều khiển, như
Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Chưởng quản Cao Đài, Ban Trị sự Trung
ương Phật giáo Hòa Hảo, Ủy ban Đoàn kết Công giáo và một số hệ phái Tin Lành.
Đây là đòn chia rẽ tôn giáo, đồng thời là trò lừa gạt quốc tế về tình hình tôn
giáo tại Việt Nam. Các chức sắc tôn giáo mà ông đã được nhà cầm quyền tạo điều
kiện cho gặp dễ dàng hẳn là nằm trong các Giáo hội này.
2- Ông cho rằng các giới chức Việt Nam “nói về những tiến triển của
luật mới. Các bạn có thể thấy những tiến bộ trong luật mới qua các bản thảo của
luật… dự thảo của luật mới đã mở rộng hơn về tự do... Từng bước
một luật mới được làm theo cách mà cộng đồng tôn giáo đề nghị và đây là dấu
hiệu khích lệ… (Các giới chức VN) thừa nhận rằng luật có những giới hạn lên
người dân nhưng họ lập luận rằng nó cần thiết vì lý do an ninh và trật tự xã
hội…”.
Hẳn ông đã biết rằng vào năm 2015, khi nhà cầm quyền VN đưa ra dự thảo Luật tín
ngưỡng tôn giáo (thay thế cho Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo 2004) để lấy ý kiến
các cộng đồng tôn giáo được họ công nhận, dự luật này đã bị tất cả phản đối và
đòi phải viết lại hay phải hủy bỏ (như Hội đồng Liên tôn chúng tôi chẳng hạn),
vì nó siết chặt hơn Pháp lệnh 2004, nó củng cố cơ chế “xin-cho” để gia tăng sự
lệ thuộc của các tôn giáo, nó đi ngược với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và
Công ước Quốc tế về các quyền chính trị và dân sự, thậm chí với cả Hiến pháp
Việt Nam. Cho đến nay, mỗi bản dự thảo mới đều chỉ có những thay đổi vặt vãnh,
phụ tùy chứ không hề có những cải tiến đích thực theo đề nghị của các tôn giáo.
Đối với một nhà nước độc tài toàn trị thì chẳng bao giờ có thiện chí chân thành
muốn nới lỏng tự do cho nhân dân! Còn “lý do an ninh và trật tự xã hội” là
những lý do rất mơ hồ, luôn được nhà cầm quyền sử dụng để hạn chế tự do tôn
giáo lẫn các tự do chính trị và dân sự khác. Dưới đây, chúng tôi sẽ đưa ra
những bằng chứng về chính sách đàn áp các Giáo hội dựa trên Luật tôn giáo của
nhà cầm quyền.
3- Ông cho rằng: “Ở những thành phố lớn và nhiều nơi khác ở Việt Nam,
có một sự đồng ý khá phổ biến là đã có những cải thiện liên tục, ví dụ như có
thêm các nhóm đạo và thờ phượng tại nhà được đăng ký, có thêm các nhóm tôn giáo
chưa được đăng ký nhưng vẫn hoạt động mà vẫn được an toàn hơn trước”.
Việc đăng ký của các tôn giáo tại Việt Nam chẳng phải là một kiểu khai báo đơn
giản theo thủ tục hành chánh, nhưng là một hình thức xin phép nhà cầm quyền với
những điều kiện đầy ràng buộc, trong đó có việc không được phản đối thể chế
chính trị hiện thời, không được phê phán các chủ trương, chính sách và hành vi
của nhà nước (dù đó là sai lầm và tội ác), phải để nhà cầm quyền kiểm soát Giáo
hội từ việc tổ chức nhân sự đến việc tổ chức các sinh hoạt. Những nhóm tôn giáo
đã được đăng ký dễ dàng và hoạt động an toàn đều đã phải chấp nhận các điều
kiện trên.
Ngoài ra, dù đã đăng ký và được phép sinh hoạt, các tôn giáo và tổ chức trong
tôn giáo vẫn không được nhà nước cấp cho quy chế pháp nhân, như đã nói trên
kia. Đó là chưa kể trong thực tế, có rất nhiều Giáo hội chẳng những không được
cho đăng ký mà còn bị đặt ra ngoài vòng pháp luật và bị bách hại triền miên.
Sau đây là một vài bằng chứng đàn áp tôn giáo mới nhất:
- Hội thánh Cao Đài gần đây đã bị
nhà cầm quyền ủi sập Thánh thất Tuy An ở tỉnh Phú Yên,
hỗ trợ cho Cao Đài quốc doanh cưỡng chiếm Thánh thất Cẩm Phả ở tỉnh Quảng Ninh,
Thánh thất Phường Cao Sanh ở thành phố Hạ Long. Tín đồ ở Tuy An
tổ chức lễ kỷ niệm tròn một năm Thánh thất bị ủi sập thì bị công an đe dọa,
ngăn cản. Chánh trị sự Hứa Phi đi tham dự Hội nghị tự do tôn giáo tại Thái Lan
thì đã bị an ninh sân bay Tân Sơn Nhất tịch thu hộ chiếu đến nay chưa trả.
- Về Giáo hội Công giáo Việt Nam, nhà
cầm quyền Thừa Thiên-Huế đang muốn cướp lấy đất đai của đan viện Thiên An.
Gần đây, nhà cầm quyền tỉnh Quảng Bình lại đem công an đến đàn áp giáo xứ
Hướng Phương thuộc Giáo phận Vinh. Đầu năm nay, công
an côn đồ đã chặn đường hành hung linh mục Antôn Đặng Hữu Nam quản xứ Phú Yên,
giáo hạt Thuận Nghĩa, giáo phận Vinh.
- Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy
đã bị bách hại trong nhiều thập niên qua, trên 20 chức sắc PGHH đã
bị cầm tù, 2 chức sắc đã tự thiêu và gần đây nhất, trong
ngày kỷ niệm 69 năm Đức Huỳnh Giáo Chủ thọ nạn, nhà cầm quyền CS đã dùng mọi
thủ đoạn hăm dọa, trấn áp, bắt bớ để Giáo hội PGHH Thuần túy không thể tổ chức
lễ này.
- Về Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất,
tịnh thất Đạt Quang và chùa Phước Bửu của Thượng tọa Thích Vĩnh
Phước ở Bà Rịa Vũng Tàu thường bị công an đàn áp, sách nhiễu.
Thượng tọa Thích Thiên Phúc (chùa An Cư ở Đà Nẵng) đi đâu cũng gặp khó khăn,
ngăn trở. Chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm, quận 2 Sài Gòn của Hòa thượng Thích
Không Tánh bị công an thường trực canh gác, theo dõi ngày đêm và bị đe dọa
cưỡng chế, giải tỏa sau tháng 5 hoặc cuối năm 2016.
- Giáo hội Tin Lành Liên hữu Lutheran
Việt Nam-Hoa Kỳ thì từ trước đến giờ vẫn bị đặt ra ngoài
vòng pháp luật. Mục sư Hội trưởng Nguyễn
Công Chính đang bị án tù 11 năm và gia đình của Mục sư
thường xuyên bị sách nhiễu, hăm dọa. Giáo hội Tin Lành
Mennonite của Mục sư Nguyễn Hồng Quang thì suốt năm 2015 đã nhiều lần bị bách
hại, đánh người, phá cơ sở một cách tàn độc.
Về hoạt động của các tôn giáo, chúng tôi xin thưa rằng:
(a) Mọi tôn
giáo không được độc lập trong việc tổ chức nội bộ. Nhà cầm quyền
tìm cách kiểm soát và ảnh hưởng lên việc chiêu sinh, huấn luyện, tấn phong, bổ
nhiệm và thuyên chuyển hàng ngũ chức sắc lãnh đạo.
(b) Mọi tôn giáo không
được tự do trong sinh hoạt phụng thờ. Các sinh hoạt này chỉ
được thực hiện trong những nơi thờ tự đã được nhà nước công nhận. Các lễ nghi
hay lễ hội lớn đều phải xin phép nhà cầm quyền. Bằng không sẽ bị cấm cản và dẹp
bỏ. Chúng tôi vừa nêu trên đây vài ví dụ về việc này.
4- Ông cho rằng: “Lần đầu tiên những người thực
hành tín ngưỡng tôn giáo tại nhà được thực hiện các dịch vụ xã hội. Chúng tôi
thấy có những chương trình cai nghiện cho người nghiện được điều hành bởi các
nhóm đạo chưa đăng ký”.
Kính thưa ông, những hoạt động xã hội trên đây là hết sức phụ tùy, không đáng
kể. Ngay cả các Giáo hội lớn cho tới nay vẫn bị nhà cầm quyền không cho thực
hiện những quyền tự do tôn giáo quan trọng có liên quan đến nhân quần xã hội
sau đây:
- Mọi tôn giáo không được truyền bá giáo lý bên ngoài các cơ sở của
mình, ra xã hội, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, trên mạng thông
tin toàn cầu. Chúng tôi không được có báo in, nhà xuất bản, đài phát thanh,
đài truyền hình riêng.
- Mọi tôn giáo không được góp phần giáo dục giới trẻ qua hệ thống
giáo dục từ tiểu học đến đại học. Hiện thời, các giáo
hội chỉ được mở trường mẫu giáo nhưng vẫn dưới sự kiểm soát đủ mặt của chế độ.
Có được mở học viện thì cũng bị nhà nước kiểm soát từ nhân sự đến chương trình.
- Mọi tôn giáo không được có tín đồ giữ các chức vụ cao trong bộ máy
cai trị (quốc hội và chính quyền, nếu có vài đại biểu tôn giáo trong quốc
hội thì chỉ để làm cảnh); trong hàng ngũ công an, quân đội cũng như trong hệ
thống giáo dục độc quyền của đảng CS.
- Mọi tôn giáo đều bị nhà cầm quyền CS ngay từ 1954, tước đoạt vô số
tài sản vật chất (điện thờ, trường học, nhà in, ruộng đất, cơ sở
xã hội và tài khoản ngân hàng…) mà không bao giờ trả lại. Hiện nay, các giáo
hội đều không được sở hữu đất đai, và không dễ dàng mở rộng cơ sở để vừa sinh
hoạt nội bộ, vừa phục vụ xã hội.
Kết luận:
Nói tóm lại, ông cho rằng mình “có một cảm giác là tình hình đang dịch
chuyển theo đúng hướng” và ông “hy vọng là những gì đang diễn ra đúng
hướng sẽ cũng xảy ra đối với cộng đồng thiểu số”. Sự “đúng hướng” của Ông
phải chăng là hướng đến việc tôn trọng các nhân quyền và dân quyền mà “sự
cởi mở của họ (giới chức VN) trong đối thoại nhân quyền hai nước vào năm ngoái”
đã gây cho ông ấn tượng là sẽ thực hiện?
Những bằng chứng mà chúng tôi vừa nêu trên kia cho thấy quyền tự do
tôn giáo đã được thực hiện tại VN hay chưa! Về điều này, chúng tôi
có sự hỗ trợ từ bản Báo cáo tại Genève, Thụy Sĩ ngày 10-03-2015 của Tiến sĩ
Heiner Bielefeldt, Đặc phái
viên Liên Hợp Quốc về tự do tôn
giáo hay tín ngưỡng, người đã đến thăm Việt Nam từ ngày 21 đến 31 tháng 7 năm 2014.
Chúng tôi cũng có thêm bằng chứng mới về não trạng độc tài toàn trị
của nhà cầm quyền Cộng sản VN. Đó là Luật mới về báo chí vừa ban hành
(05-04-2016) tiếp tục không cho tư nhân ra báo, nghĩa là chỉ có
đảng Cộng sản là nguồn sự thật duy nhất; và nhiều biện pháp lưu manh thô bỉ
đang được thực hiện khắp cả Việt Nam nhằm loại các ứng viên tự do khỏi cuộc bầu
cử Quốc hội vào tháng 5, để Quốc hội này sẽ hoàn toàn gồm người của đảng Cộng
sản.
Làm tại Việt Nam ngày 12 tháng 04 năm 2016
Các chức sắc trong Hội đồng Liên tôn VN đồng ký tên.
Cao Đài:
–
Chánh trị sự Hứa Phi (điện thoại: 0163.3273.240)
– Chánh
trị sự Nguyễn Kim Lân (điện thoại: 0988.971.117)
–
Chánh trị sự Nguyễn Bạch Phụng (điện thoại: 0988.477.719)
Công Giáo:
–
Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi (điện thoại: 0984.236.371)
–
Linh mục Giu-se Đinh Hữu Thoại (điện thoại: 0935.569.205)
– Linh
mục An-tôn Lê Ngọc Thanh (điện thoại: 0993.598.820)
–
Linh mục Phao-lô Lê Xuân Lộc (điện thoại: 0122.596.9335)
–
Linh mục Giu-se Nguyễn Công Bình (điện thoại: 01692498463)
Phật Giáo:
–
Hòa thượng Thích Không Tánh (điện thoại: 0165.6789.881)
–
Thượng tọa Thích Viên Hỷ (điện thoại: 0937.777.312)
– Thượng
tọa Thích Đồng Minh (điện thoại: 0933.738.591)
Phật Giáo Hoà Hảo:
–
Ông Nguyễn Văn Điền (điện thoại: 0122.870.7160)
–
Ông Lê Quang Hiển (điện thoại: 0167.292.1234)
–
Ông Lê Văn Sóc (điện thoại: 096.4199.039)
–
Ông Phan Tấn Hòa (điện thoại: 0162.6301.082)
–
Ông Tống Văn Chính (điện thoại: 0163.574.5430)
–
Ông Bùi Văn Luốc (điện thoại: 0169.612.9094)
– Ông Hà
Văn Duy Hồ (điện thoại 012.33.77.29.29).
–
Ông Trần Văn Quang (điện thoại 0169.303.22.77)
Tin Lành:
–
Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa (điện thoại: 0121.9460.045)
–
Mục sư Đinh Uỷ (điện thoại: 0163.5847.464)
–
Mục sư Đinh Thanh Trường (điện thoại: 0120.2352.348)
–
Mục sư Nguyễn Trung Tôn (điện thoại: 0162.838.7716)
– Mục
sư Nguyễn Mạnh Hùng (điện thoại: 0906.342.908)
–
Mục sư Lê Quang Du (điện thoại: 0121.2002.001)