03.04.2016

(Vẫn) Có những Đại Biểu QH với những lời phát biểu tâm huyết

(Vẫn) Có những Đại Biểu QH với những lời phát biểu tâm huyết

Trái với không khí nhàm chán từ ngày khai mạc đến nay, buổi họp quốc hội sáng 1/4/2016 bất ngờ thu hút sự chú ý của dư luận qua bài phát biểu ấn tượng của luật sư Trương Trọng Nghĩa.

Tại sao cán bộ tìm cách cho con định cư nước ngoài?

Bài phát biểu trong 7 phút ngắn ngủi của đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa đã khiến toàn bộ hội trường quốc hội – với hơn 500 ông bà đảng viên nghị gật – phải cúi đầu xấu hổ trong thân phận của những kẻ bù nhìn.

Ông Trương Trọng Nghĩa: Tại sao cán độ tìm cách lo cho con định cư ở nước ngoài?

 Theo luật sư Nghĩa, cần phải xây dựng đất nước Việt Nam trở thành nơi đáng sống, mọi người đều muốn ở lại chứ không muốn ra đi.


Ông nêu câu hỏi: tại sao hiện nay các cán bộ dù đương chức hay về hưu cũng đều tim cách lo cho con cái định cư tại nước ngoài? 

Không phải vì nghèo, vì tiền mà vì cảm thấy không vui, không an toàn về pháp lý, các quyền tự do dân chủ không bảo đảm đầy đủ và lo sợ ở đất nước bị lệ thuộc, điều này ai cũng thấy, cũng biết”, ông Nghĩa lý giải.

Tiếp đến, vị đại biểu quốc hội này kêu gọi cần phải đảm bảo tự do dân chủ, an toàn, công bằng và công lý. Động viên người dân thay đổi nếp sống, ưng tiên dùng hàng Việt Nam. Chấm dứt các dự án ô nhiễm, chống lãng phí và tham ô.

Bên cạnh đó là yêu cầu tăng cường thực chất khối đoàn kết giữa các dân tộc, vùng miền và giữa người dân trong và ngoài nước.

Hàn gắn các vết thương của quá khứ và không khoét thêm những vết thương mới, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Dạy đảng cách điểm mặt “thế lực thù địch”?

Trong 5 bước đột phá quan trọng, đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa đã dành phần cuối cùng để “dạy” cho đảng biết cách phân biệt cho đúng ta, bạn, thù; đặc biệt là về những “thế lực thù địch”.

Thứ năm, lấy lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất, nghĩa là phải xác định cho đúng ta, bạn, thù. 

Ta là đồng bào 54 dân tộc Việt Nam đang sống ở Việt Nam và hải ngoại, ta là nhân dân ta. Bạn là những ai ủng hộ một nước Việt Nam độc lập, chủ quyền, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

Còn thù là thế lực thù địch, đó là những thế lực cản trở đổi mới, cản trở phát triển, xâm hại lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân, làm cho nước ta suy yếu, lệ thuộc nước ngoài, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại an toàn, an ninh của đất nước. 

Ngoài những thế lực thù địch ấy thì còn lại là ta và là bạn của ta cho dù có sự khác biệt về phương pháp, về quan điểm và về nhận thức.”,

Ông Nghĩa khẳng định việc xác định không đúng ta và bạn – thù có thể xảy ra tình hình là thay vì thêm bạn bớt thù thì lại thêm thù, bớt bạn hoặc coi bạn là thù và coi thù là bạn. “Thay vì đánh vào địch thì lại đánh vào ta, thay vì tăng cường đoàn kết thì lại làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc”- vị đại biểu Quốc hội nói.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đi biểu tình chống Tàu năm 2014

 Cuối bài phát biểu, vị đại biểu Quốc hội và phó chủ tịch hội luật gia Việt Nam xin được nhắc lại câu thơ của Tố Hữu nhưng có điều chỉnh cho phù hợp với tình hình của đất nước hiện nay: “Nỏ thần chớ để sa tay giặc/ Mất cả đất liền, cả biển sâu”.

Nỏ thần của chúng ta chính là lòng yêu nước của hơn 90 triệu đồng bào hợp thành khối đại đoàn kết dân tộc, nhờ nó mà đất nước, dân tộc này tồn tại hơn 4.000 năm qua. Nhờ nó mà dân tộc Việt Nam sẽ giữ vững được độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.“

“Người dân Việt Nam sẽ tự hào không chỉ vì là một dân tộc anh hùng mà còn là một dân tộc biết cách trở thành văn minh và thịnh vượng, ông Nghĩa lạc quan hy vọng.

Đã không có bất kỳ tiếng vỗ tay nào được vang lên sau khi ông Nghĩa kết thúc bài diễn văn hùng hồn giữa nghị trường quốc hội. Như thường lệ, 500 ông bà nghị gật tỏ thái độ ậm ừ và không liên quan.

Dù vậy, ông Trương Trọng Nghĩa hoàn toàn không đơn độc. Chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ đồng hồ, video bài phát biểu của ông đã nhận được hơn 6 ngàn lượt chia sẻ trên facebook Dân Làm Báo, với nhiều lời khen ngợi và bình luận tích cực. 

Biển Đông đã bị xâm phạm, không thể nói “đảm bảo chủ quyền”

Cuối buổi chiều 1/4, phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) thẳng thắn đề cập tới vấn đề biển đảo:

Tôi ngạc nhiên khi trong tất cả báo cáo của Chính phủ và các cơ quan hữu quan đánh giá về Biển Đông đều cho rằng “đảm bảo chủ quyền, lợi ích quốc gia”.Đánh giá “đảm bảo chủ quyền quốc gia” trong khi người ta xây sân bay, kéo pháo hạm, đưa máy bay tiêm khích, o ép dân, cướp bóc dân, thậm chí là giết dân…

Đại biểu Lê Văn Lai (Ảnh: Quochoi.vn)

Người ta sắp tuyên bố những điều xâm phạm tới chủ quyền như là dùng các chuyến bay cắt ngang các chuyến bay truyền thống được quốc tế công nhận”.

Dù đã cố “ép” suy nghĩ của mình để đồng thuận với đánh giá của Chính phủ là “đảm bảo chủ quyền quốc gia”, nhưng ông Lai thừa nhận: “Tôi xin nói thật là “ép” không nổi”.

Không thể nào, những hành vi đó không thể nào được coi là bình thường, bởi nó xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia của chúng ta. Còn khi nào chúng ta mới đánh giá những hành vi nào, hệ luỵ nào mới là xâm phạm chủ quyền quốc gia? Trong khi đó họ (Trung cộng) xâm phạm chủ quyền của chúng ta tần suất 20 năm 1 lần: Năm 1956 chiếm Đông Hoàng Sa; năm 1974 lấy Tây Hoàng Sa; năm 1988 lấy đảo Gạc Ma, năm 2014 kéo giàn khoan vào Biển Đông và sau đó tần suất dày hơn để xâm lấn chủ quyền chúng ta. Trong khi đó chúng ta ngồi đây và yên bình đánh giá là đảm bảo chủ quyền quốc gia. Liệu điều đó có công bằng không? Đánh giá như thế thì chúng ta đưa ra quyết sách, sự phản đối, đối kháng đã đủ chưa? Phù hợp không?”- ông Lai nói những lời rút ruột gan.

Vị đại biểu tỉnh Quảng Nam khẩn thiết: “Tôi tha thiết đề nghị hãy đánh giá đúng. Chỉ có đánh giá đúng mới đưa ra chủ trương đúng và kế sách đúng. Thời trung cổ Galilei trước khi nhận bản án nói trái đất phải quay, nếu bây giờ có một ông Galilei thời đại thì cũng sẽ nói: Biển Đông đã bị xâm phạm, chứ không phải nói đảm bảo chủ quyền. Tất nhiên tôi rất đồng tình, chúng ta không phát động chiến tranh, mà chúng ta yêu chuộng và đấu tranh hoà bình. Người ta có hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia thì chúng ta phải phản đối”.

Ông Lai tâm sự thời gian làm đại biểu Quốc hội “không còn nhiều” nên ông chỉ muốn gửi gắm tới các đại biểu nhiệm kỳ 14 là phải có thái độ đầy đủ, đúng đắn thì mới có kế sách đúng đắn bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Với những đồng chí sắp tới sẽ được bầu vào vị trí lãnh đạo mới, tôi chỉ khuyên 2 điều: Một là giặc nội xâm thì làm sao chống được tham nhũng; hai là giặc ngoại xâm thì phải bảo vệ được chủ quyền quốc gia. Chỉ cần làm được hai điều đó thì nhân dân sẽ không bao giờ quên và tôn vinh các đồng chí; còn lại mọi thứ khác đều là thứ yếu”- ông Lai kết thúc bài phát biểu.


Theo Hoàng Trần (Dân Làm Báo), Thế Kha (Dân Trí)